LTS: Chiêu ấn – Ông là một người Việt tị nạn đến Toronto từ năm bảy lăm. Như bao người tị nạn khác, ông nhận nơi cưu mang gia đình ông-Toronto- là quê hương thứ hai. Nơi đây dần dà một cộng đồng người Việt hình thành và phát triển và càng ngày càng trở nên phong phú đa dạng… Những bài viết của tác giả Chiêu Ấn là những ghi nhận sâu sắc về những sinh hoạt chung quanh nơi ông sống từ ngày đầu đến nay.
“Chuyên trị đi chợ” là loạt bài đầu tiên ông gửi đến độc giả Trẻ. Trẻ xin hân hạnh giới thiệu.
Chợ Loblaw, Chợ No Frills
Đại công ty Loblaw (Loblaw Companies Ltd.) là hệ thống chợ bán lẻ lớn nhất của Canada với hơn 1,690 siêu thị mang một số tên thương hiệu khác nhau như Loblaws, Atlantic SaveEasy, Extra Foods, Fortinos, No Frills, Provigo, Your Independent Grocer, and Zehrs Markets, và một số tên khác. Loblaw có hơn 8,000 món sản phẩm của riêng nó thường đặt dưới nhãn hiệu President’s Choice. Ngoài ra, Loblaw cũng là nhà phân phối thực phẩm bán sỉ lớn nhất của Canada do gia đình George Weston làm chủ khoảng 63%. Thương vụ của công ty trong năm 2007 lên đến hơn 29 tỷ đô Canada. Công ty có hơn 130,000 nhân viên toàn thời và bán thời. Chợ Đầu Bò địch không lại cũng phải.
Hơn nữa, Loblaw là một tên tuổi lâu đời có mặt trên thị trường thực phẩm kể từ một thế kỷ nay do ông Theodore Pringle Loblaw (1872 – 1933) sáng lập. Tiệm tạp hóa ông Loblaw đầu tiên khai trương trên đường College năm 1900. Nhưng đến tiệm thứ hai ở địa chỉ số 511 đường Yonge Street mới mang bảng hiệu Loblaws. Chỉ trong vòng mười năm tức vào năm 1910, công ty chợ thực phẩm Loblaws (Loblaws Groceteria Company Limited) đã phát triển thành một mạng lưới siêu thị gồm 158 tiệm khắp tỉnh bang Ontario.
Theodore Pringle Loblaw
Năm 1947, công ty của gia đình ông George Weston (George Weston Ltd.) mua một phần hùn quan trọng và nắm quyền kiểm soát công ty Loblaw, biến nó trở thành hệ thống siêu thị lớn nhất Canada và đứng hàng thứ ba trên toàn Bắc Mỹ. Cái tên Weston đi liền với kỹ nghệ làm bánh mì ở Canada ai ai cũng biết. Trải qua ba đời, từ đời ông nội George thành lập thương hiệu lò bánh mì Weston năm 1882 qua ông con W. Garfield Weston (1898-1978) và hiện giờ là ông cháu Galen Weston nối nghề tổ tiếp tục phát triển doanh nghiệp thành một đại tổ hợp khổng lồ bao trùm khắp Bắc Mỹ. Sau khi mua lại Loblaw năm 1947, gần đây Weston mua thêm công ty sữa Neilson Dairy và công ty bánh Gadoua Bakeries. Nói tóm lại, thức ăn mà người dân Canada tiêu thụ hàng ngày thế nào cũng có một món nào đó là của công ty Weston. Cầu trường cũ của môn thể thao “hockey” Maple Leaf Gardens trên đường College đang được phá bỏ để xây cất lại và sẽ trở thành một đại siêu thị Loblaw.
Chợ Dominion, A&P, Food Basics, Metro
Hệ thống chợ Dominion được thành lập từ năm 1919 và sau đó được công ty Argus Corporation của ông Conrad Black mua lại. Sau đó nữa, các chợ Dominion trong vùng đại thủ phủ Toronto được bán lại cho The Great Atlantic and Pacific Tea Company (A&P), để rồi gần đây một lần nữa đổi chủ và trở thành chợ Metro.
Chợ Dominion – nguồn MV2.google.com
Cuối năm 2008, đùng một cái, cư dân Toronto sáng ngủ dậy thấy tất cả siêu thị Dominion trong thủ phủ đều đã trở thành chợ Metro. Hệ thống chợ Metro trước đó chỉ hoạt động trong tỉnh bang Quebec và vùng Ottawa, mua lại toàn bộ hệ thống chợ A&P ở Canada năm 2005. Tháng Tám năm 2008, Metro tuyên bố sẽ bỏ ra hai trăm triệu CAN$ để biến đổi tất cả chợ A&P và Dominion ở Canada mới tậu thành chợ mang bảng hiệu Metro, bắt đầu trước tiên là các chợ ở Toronto. Nhưng thương hiệu các chợ Food Basics mà công ty Metro mua lại của công ty A&P vẫn còn để nguyên như cũ để cạnh tranh với thương hiệu chợ No Frills của công ty Loblaw.
Chợ Food Basics – nguồn toledoblade.com
Chợ Metro gần nhà tôi mở cửa 24/24 và lại có trang bị hệ thống tính tiền tự động; khách hàng làm thế công việc cho nhân viên đứng quầy tính tiền của siêu thị, cứ tự mình cân, “scan” món hàng, trả tiền cho máy, tự bỏ hàng vừa mua vô bao rồi xách về. Home Depot cũng có kiểu tự “check-out” này.
Hệ thống chợ Metro (tên rút gọn của Metro Cash & Carry) là một bộ phận doanh nghiệp của tập đoàn công ty quốc tế Metro AG (thường được gọi là Metro Group) đặt bản doanh ở Dusseldorf Đức quốc. Metro có chi nhánh hoạt động tại 29 quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Metro bắt đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam năm 2002 và hiện nay đã có tám chợ hoạt động trên tổng số 655 chợ Metro. Tính cách phổ thông của thương hiệu Metro của Đức có thể ví như Cosco, Wal-Mart hay Safeway của Mỹ, Carrefour của Pháp, Tesco hay Mark & Spencer của Anh, Spar của Hòa Lan, Jusco của Nhật và Loblaws của Canada.
Năm 1964, Siêu Chợ Metro đầu tiên rộng 14,000m2 chào đời ở thành phố Mlheim trong vùng Ruhr Đức quốc. Trong vòng 30 năm đầu tiên, Metro lan tỏa dần dần khắp nước Đức và đi sang các quốc gia láng giềng khắp châu Âu. Thập niên 1990, Metro xâm nhập thị trường các nước Đông Âu, Bắc Phi, Nga và Trung Cộng. Metro bắt đầu đến với khách hàng Việt Nam năm 2002. Metro Cash & Carry Việt Nam đang tìm cách tiêu chuẩn hóa một số sản phẩm đặc thù của Việt Nam để có thể bày bán trong toàn hệ thống. Một trong các sản phẩm này là bưởi Năm Roi không hột trồng ở Vĩnh Long. Tiêu chuẩn “sạch” mà Metro đưa ra là da bưởi phải trơn láng không tì vết, vị thơm ngon, mức độ thuốc diệt trừ sâu bọ tối thiểu, nguồn nước trong vườn trồng không bị ô nhiễm.
Chợ Metro – nguồn uk.reuters.com
Các Chợ khác
Dĩ nhiên còn có nhiều chợ khác ở Toronto mà chúng tôi đã mò tới ít ra một lần cho biết do máu phiêu lưu tò mò vốn sẵn có từ nhỏ trong người. Vào những năm đầu sống ở thành phố này, sẵn đi Phố Tàu, chúng tôi thường lội bộ đi rảo qua các con đường Augusta St. và Baldwin St. chật hẹp trong khu Kensington Market mà chúng tôi quen gọi là Chợ Do Thái, mặc dù những người di dân Do Thái từng cắm dùi trong khu nhà nghèo đó trong hai thập niên 1920 và 1930 đã trở nên giàu có và dời cư đến các khu sang trọng như Summerhill, Rosedale, Forest Hill, Lawrence Heights, Bayview Village, Willowdale, Wilson Heights, The Bridle Path, v.v. hết cả rồi. Trâu chậm uống nước đục, người Việt tị nạn phe ta nửa thế kỷ sau mới mò đến nên phải cố gắng khá vất vả. Thuở đó chúng tôi còn thấy gia cầm sống và có cả thỏ còn được bày bán trong Chợ Do Thái; sau đó thì thành phố ban luật cấm.
Khu Kensington Market – nguồn torontothenandnow.com
Có những chợ chỉ nhóm họp trong hai ngày cuối tuần như chợ St. Lawrence Market (còn được gọi là Farmers Market) góc các đường Jarvis St. và King St. và các chợ trời, còn quen được gọi là Chợ Rận (Flea Market) dịch từ “Marché aux Puces” của Pháp ngữ có từ thời Napoléon Đệ Tam. Các chợ này dành cho những người bán lẻ làm ăn theo kiểu cò con và nghiệp dư. Chúng tôi thường thả bộ lại Chợ Rận Weston (Toronto Weston Flea Market) địa chỉ số 404 đường Old Weston Rd. nằm chỉ nhích một chút xíu về phía Bắc của đường St. Clair West. Ở đây có khá nhiều sạp chợ của người Việt mình mua bán nữ trang, đồng hồ, quần áo, đồ gia dụng, tiệm làm móng tay, v.v.
Các ông chồng Mít ở Toronto nói riêng và ở hải ngoại nói chung sống càng lâu ngày nơi xứ người càng trở nên giỏi giang trong công việc đi chợ và nội trợ, chuyện bếp núc nấu nướng cũng khéo nữa. Họ ngoan ngoãn làm trọn bổn phận trong gia đình, có khi lấy đó làm niềm vui, mở quảng cáo ra đọc thấy chợ nào có món “sale” bất ngờ thì lấy làm hớn hở!
St. Lawrence Market – nguồn parkerpages.wordpress.com
CA – Canada