Tôi năm nay đã 75 tuổi, bị bệnh tiểu đường loại 2, chích insulin hàng ngày. Tối nào cũng phải thức tới 12 giờ đêm. Trước khi ngủ phải uống thuốc ngủ trước 1 tiếng, zolpidem 10mg, thì ngủ một giấc tới 5 giờ sáng. Nếu đêm nào quên không uống thì kể như thức tới sáng, rất là nhức đầu, người mệt mỏi. Tôi uống thuốc ngủ cũng cả năm rồi. Uống thuốc ngủ lâu như vậy nghe nói sẽ bị lú lẫn. Xin bác sĩ có cách nào chỉ tôi bỏ thuốc ngủ hay có cách nào khác. Cảm ơn bác sĩ. Một bệnh nhân ở Cali
Đáp
Chào cụ Đào Trần,
Chúng tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của cụ, là khi nào không dùng thuốc ngủ sáng hôm sau trong người rất mỏi mệt. Đây là chuyện thường xảy ra khi ta mất ngủ. Trước khi trả lời câu hỏi của cụ, chúng tôi xin nói qua vài điều về chuyện mất ngủ và thuốc ngủ, để độc giả hiểu thêm.
Mất ngủ có thể là khó đi vào giấc ngủ, không ngủ một mạch tới sáng hoặc giấc ngủ trằn trọc, nhiều mộng mị, không êm dịu bình an. Mất ngủ chỉ là dấu hiệu chứ không phải là một bệnh.
Nguyên nhân thông thường gây ra mất ngủ gồm có tác dụng phụ của một số dược phẩm trị bệnh, thay đổi hoàn cảnh, thay đổi môi trường và căng thẳng tinh thần.
Mất ngủ có thể tự điều chỉnh bằng cách thay đổi nếp sống, dùng thuốc trợ ngủ mua tự do hoặc thuốc cần bác sĩ biên toa.
Thuốc ngủ với người tuổi cao
Quý vị tuổi cao thường là hay bị rối loạn giấc ngủ vì nhiều lý do. Như là:
– Vì thay đổi sinh học của cơ thể.
– Vì thay đổi nếp sống.
– Vì lý do tình cảm, “gần đất xa trời”.
– Vì các bệnh kinh niên mà hiện nay các cụ đang mắc phải.
Do đó, các cụ rất hay dùng thuốc ngủ.
Sau đây là mấy điều nên nhớ về thuốc ngủ xin được nhấn mạnh để quý vị tuổi cao lưu ý:
1. Thuốc ngủ bào chế trong phòng thí nghiệm thường được thử trước ở lớp người trẻ tuổi và không áp dụng cho người tuổi cao.
2. Người cao tuổi thường đã uống nhiều loại thuốc, nay lại thêm thuốc ngủ, sẽ có nhiều tác dụng phụ bất lợi như ngây ngất, hay quên, chóng mặt, dễ bị té ngã gây thương tích.
3. Sự biến hóa, hấp thụ cũng như bài tiết dược phẩm ở người cao tuổi thường rất chậm, nhất là thuốc ngủ, gây ra sự tích tụ trong cơ thể, đôi khi có hại.
Thuốc ngủ có thể là do bác sĩ biên toa hoặc mua tự do không cần toa.
a- Thuốc bác sĩ biên toa
Trước khi biên toa, bác sĩ thường hỏi những rủi ro đưa tới mất ngủ đồng thời cũng thực hiện một số xét nghiệm để biết rõ nguyên nhân. Thường thường bác sĩ biên toa cho dùng từ 2 tới 4 tuần lễ rồi khám lại xem thuốc có công hiệu như ý muốn. Nếu cần, bác sĩ sẽ thay toa.
Thuốc ngủ có 2 tác dụng: giúp dễ dàng đi vào giấc ngủ và giúp ngủ lâu hơn hoặc có cả 2 tác dụng.
Tác dụng phụ của thuốc ngủ có thể là cảm giác lâng lâng, ngây ngất, tiêu chảy, buồn nôn, dị ứng hoặc vừa lái xe, ăn uống vừa buồn ngủ.
Thuốc ngủ có thể giúp ta đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn nhưng ta phải trả một cái giá là chuốc lấy cảm giác ngây ngất, bải hoải, trì trệ, mơ màng, nửa tỉnh nửa mê và khó lòng nhớ những sự việc vừa mới xảy ra. Ấy là chưa kể nếu dùng thường xuyên, mỗi đêm, với phân lượng cao ta còn bị phụ thuộc, bị ghiền, khó mà dứt được.
b- Thuốc Trợ Ngủ mua tự do
Với những mất ngủ ngắn hạn, có thể mua thuốc trợ ngủ không cần toa bác sĩ nhưng không nên dùng quá 2 tuần lễ.
Có 2 loại thường dùng là:
– Thuốc có chất chống dị ứng diphenhydramine như Benadryl, Sominex, Nytol.
– Thuốc có chất chống dị ứng Doxylamine như Unisom
Ngoài ra, còn Melatonine là một loại hormone do não bộ tiết ra. Hormon này điều hòa giấc ngủ theo ngày và đêm có thể giúp ta rơi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
Trở lại trường hợp của cụ, chúng tôi có ý kiến như sau.
Cụ không cho biết là thuốc ngủ mà cụ đang dùng là do bác sĩ biên toa cho hay là cụ tự mua về uống. Nếu là do bác sĩ biên toa, thì cụ cứ tiếp tục uống, vì bác sĩ đã hiểu rõ bệnh tình của cụ. Năm nay cụ cũng đã ở tuổi 75 rồi, sống vài thập niên nữa là cùng, cho nên dù thuốc có phản ứng phụ gì chăng nữa thì cũng không sao. Ưu tư mà cụ e ngại là sự lú lẫn thì cũng đúng phần nào, nhưng dù không uống thuốc ngủ, ở tuổi này, quý cụ cũng không còn tinh anh như cách đây mấy chục năm về trước. Cho nên nếu bác sĩ chỉ định mà cụ thấy thuốc giúp cụ ngủ từ 11 giờ đêm tới 5 giờ sáng, thì xin cứ dùng. Ngoài ra cụ cũng có thể hỏi bác sĩ xem có thể thay thế bằng thuốc Melatonine hay không. Đây là chất mà não bộ thường tiết ra để giúp ta ngủ ban đêm.
Về bệnh tiểu đường, xin cụ dùng insulin liên tục cũng như áp dụng chế độ ăn uống đúng cách để duy trì đường huyết ở mức độ bình thường nhé. Bệnh này cũng hay gây ra các hậu quả không tốt cho mắt, tim, thận… lắm đấy.
Khói thuốc lá
Cháu nội tôi năm nay 16 tuổi. Cháu thường hay tới nhà bạn chơi vào dịp cuối tuần, mà bố mẹ của bạn cháu đều hút thuốc lá. Tôi nghe nói là gần người hút thuốc lá có thể bị bệnh như hen suyễn, ho… Bác sĩ cho tôi biết điều này có đúng không và tôi có nên không cho cháu tới chơi nhà bạn nó không? Xin cảm ơn bác sĩ – Bạch Vân- Vancouver
Đáp
Chào bà Bạch Vân,
Nếu chúng tôi ở trong trường hợp của bà thì chúng tôi vẫn để cháu tới lui với gia đình bạn nó. Đúng như bà nói, khói thuốc lá có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nhưng đây là kết quả nghiên cứu ở những người sống chung hoặc làm việc chung với người hút thuốc lá trong thời gian lâu dài, chứ lâu lâu mới tiếp xúc với khói thuốc lá thì cũng tương tự như tiếp xúc với ô nhiễm môi trường. Cho nên, chúng tôi đồng ý với bà là các bậc ông bà cha mẹ nên để ý tới các thói quen sức khỏe của những người mà con cháu mình giao du với, nhưng rủi ro của cháu trong hoàn cảnh này không đáng kể, so với sự ấm ức bực mình của cháu khi không được vui gặp bạn của cháu. Chỉ nên nhắc nhở cháu nên giữ khoảng cách xa khi cha mẹ bạn cháu hút thuốc.
NYD