Menu Close

Thăm Công viên Vigeland Oslo, Na Uy

221 tác phẩm điêu khắc ngợi ca hành trình nhân sinh

alt

Vigeland chụp năm 1929. Ảnh Norsk Folkemuseum

Người đàn ông luống tuổi ngồi tì cánh tay trên đầu gối với bàn tay tì cằm nhìn vào một cõi mông lung nào đó trong khi người vợ đặt tay lên vai ông nhìn ông vẻ mặt quan tâm, như thể đang hỏi, “Ông có sao không?” Người chồng già cúi nhìn bà vợ yếu đuối bệnh hoạn nằm tựa đầu vào gối mình với vẻ ân cần, như vỗ về, nói lên những chặng đường đời đã cùng trải qua với nhau. Bà già một tay bụm miệng, tay kia như ngăn bà bạn đừng nhìn vào cái gì đó khiến bà có vẻ sợ hãi hay lo âu.

Đó là những hình ảnh đã đeo đuổi tôi của ba trong số trên 200 pho tượng bằng đá granite và đồng được trưng bày trong Công viên Điêu khắc Vigeland ở Oslo nổi tiếng là nhiều tượng nhất thế giới. Công viên này còn đặc biệt ở chỗ toàn bộ các pho tượng và cả công trình dàn dựng công viên đều do tay một nghệ sĩ tạo ra: cố điêu khắc gia người Na Uy, Gustav Vigeland (1869-1943). Đây cũng là công viên lôi cuốn nhiều du khách nhất của Na Uy, hằng năm có hàng triệu người tới chiêm ngưỡng.

Hoàn tất trong vòng 10 năm, từ 1939 đến 1949, Công viên Điêu khắc Vigeland nằm trong khuôn khổ Công viên Frogner ở Oslo. Đấy là riêng về khu trưng bày các điêu khắc, còn 212 tác phẩm điêu khắc trưng bày trong đó là kết quả của 20 năm — nếu kể cả “thai nghén” có lẽ lâu hơn thế — làm việc của Vigeland, từ 1924 đến 1943, và đã được ông trao tặng thành phố Oslo để đền bù lại việc thành phố Oslo đã xây toà nhà cho ông ở và làm việc. Tòa nhà này nay là viện Bảo tàng Vigeland nằm ở phía tây nam của khu bày tượng.

alt

Trái, tượng Gustav Vigeland (1869-1943), tác giả của toàn bộ 221 tác phẩm điêu khắc trong Công viên Điêu khắc Vigeland, Oslo. Ảnh TD, 06/2013

alt

Ba trong 36 nhóm tượng vây quanh tượng đài Monolith, cao điểm của Công viên Điêu khắc Vigeland ở Oslo, Norway, mô tả những yêu thương, ưu tư, ân cần, lo âu ở tuổi xế chiều của con người. Ảnh Trùng Dương, 06/2013

Các pho tượng, với đường nét đơn sơ song đầy tính diễn đạt, nhằm ca ngợi con người trong những hoạt động hàng ngày, tình gia đình giữa cha con, vợ chồng hay tình nhân, anh chị em, ngay cả giận hờn (như tượng hai mẹ con xoay lưng lại nhau) và đôi khi hung hăng (như bức, khá lạ, diễn tả một bầy trẻ tấn công một người đàn ông), giận dữ (như bức một người cha dọa đánh con trai và bức cậu bé tức giận), hay phiền muộn, lo âu, nhưng tựu trung là sự quan tâm, ân cần, dịu dàng toát ra từ những pho tượng, toả sang người thưởng ngoạn. Điêu khắc mà diễn tả đến được như vậy, tôi nghĩ, người nghệ sĩ đã đạt tới một trình độ nghệ thuật tối cao.

Adolf Gustav Vigeland sinh năm 1869 trong một gia đình nghệ nhân, cha là một người chuyên sản xuất đồ đạc và người em cũng trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, Emanuel Vigeland. Ông mất vào năm 1943, sáu năm trước khi công viên điêu khắc được hoàn tất.
 Khi còn niên thiếu, ông được gia đình gửi lên Oslo học nghề khắc gỗ, nhưng phải ngưng nửa chừng khi cha ông mất và ông phải về quê để lo việc nhà. Năm 1888 ông quyết định trở lại Oslo theo đuổi ngành điêu khắc và được một nhà điêu khắc tên tuổi, Brynjulf Bergslien (1830-1898), nhận đỡ đầu cho vào học nghề. Năm kế đó ông triển lãm pho tượng đầu tay, “Hagar and Ishmael”. Vào những năm cuối thế kỷ 19 Vigeland có dịp viếng thăm các thành phố như Copenhagen, Paris, Berlin và Florence. Khi ở Paris ông thường tới thăm xưởng điêu khắc của Auguste Rodin, tác giả của pho tượng lừng danh “The Kiss”; và khi viếng Ý, ông nghiên cứu những tác phẩm điêu khắc thời cổ điển và Phục hưng. Chính trong thời gian này đã hình thành trong ông chủ đề về sự sống và cái chết cũng như liên hệ giữa con người, mà sau đó ông đã đem vào các tác phẩm điêu khắc trưng bày trong Vigeland Park.

alt

Đường dẫn vào Công viên Điêu khắc với hai hàng tượng bằng đồng lớn bằng người thật, rồi tới một hồ phun nước bao quanh bởi nhiều tác phẩm điêu khắc, và cuối cùng là tượng đài Monolith cao 14 mét, tức 46 feet chưa kể bệ, bao quanh bởi 36 nhóm tượng lớn hơn người thật. Ảnh Internet 

Có thể nói Công viên Điêu khắc Vigeland là kết quả của một đời nghệ sĩ ám ảnh bởi đời sống con người từ khi còn thơ ấu tới khi chết — cái vòng sinh-lão-bệnh-tử — loại đề tài mà dưới bàn tay tài ba của một nghệ sĩ thường khiến ta cảm thấy một liên hệ rất gần gũi, sâu sắc. Mặc dù không thấy ở đâu trong một số ít tài liệu tôi đã đọc được thấy nói về ảnh hưởng của những tàn phá của hai cuộc thế chiến đối với con người, từ sinh mạng tới tinh thần, trên tác phẩm của Vigeland, nhưng tôi nghĩ có lẽ chính những hủy hoại do chiến tranh đã khiến ông đem vào tác phẩm niềm đam mê thiết tha đối với con người và các sinh hoạt của đời sống thường nhật và bình dị. Qua nghệ thuật, ông đã tái tạo niềm tin nơi con người và đặt tin tưởng vào đời sống tâm linh. Không lớn lối chống chiến tranh, Vigeland chọn diễn tả lòng yêu chuộng hòa bình của mình qua những cái đẹp của con người và các liên hệ rất đơn sơ như gia đình, vợ chồng, anh chị em, bằng hữu. Được biết Vigeland cũng là người đã vẽ nên mề đay giải Nobel Hòa Bình; và Oslo là nơi hàng năm giải này được trao tặng cùng với những giải Nobel khác.
   
Tượng đài Monolith này (mono có nghĩa là một, và lith là hòn đá) là cao điểm của toàn bộ điêu khắc Vigeland, ở cả vị trí, kỹ thuật và ý nghĩa. Bức Monolith, cao 14 mét, kể cả bệ là 17 mét, tức 46 và 56 feet, được đặt tại điểm cao nhất trong công viên, bao quanh bởi 36 nhóm tượng bằng đá granite được nhà điêu khắc khởi công vào thời kỳ Đệ nhất Thế chiến và hoàn tất vào năm 1936, năm manh nha trận Đệ nhị Thế chiến. Nhóm tượng này mô tả sinh hoạt của con người với những liên hệ với nhau, trong đó gồm cả tượng những người già cả mà tôi đã đề cập tới ở đầu bài.

alt

Trẻ thơ trong cái nhìn trìu mến của điêu khắc gia Gustav Vigeland. Bức tượng được nhiều người chú ý nhất là Angry Boy (Cậu bé nổi giận), hình thứ tư bên phải. Không tài liệu nào trong số những bài tôi đã đọc cho biết tại sao Vigeland nặn cậu bé giận dữ. Nhiều người tìm tới chiêm ngưỡng pho tượng vì nghe nói đây là bức tượng nổi tiếng nhất, đơn giản có vậy. Tôi nghĩ mỗi người tùy theo cảm quan cá nhân sẽ giải thích theo cách riêng của mình. Riêng tôi, tôi nghĩ Vigeland đã dùng cậu bé để diễn tả nỗi tức giận của mình trước những tàn phá điên cuồng của hai cuộc thế chiến mà ông đã trải qua, bức tượng đồng thời nói lên tài năng điêu khắc tuyệt vời của người nghệ sĩ. Ảnh TD, 06/2013

alt

Trẻ thơ hiện diện hầu như khắp nơi trong các tác phẩm điêu khắc của Vigeland, luôn luôn trong vòng tay, ánh mắt bao bọc của cha mẹ hay ông bà, anh chị. Ảnh TD, 06/2013

Về kỹ thuật, tượng đài được tạc từ một phiến đá duy nhất, do Vigeland vẽ và nặn bằng đất sét và ba nhà điêu khắc giúp khắc lại trên tảng đá granite, mất cả 14 năm trời mới hoàn tất, gồm 121 hình người lớn bé già trẻ và sơ sinh cuốn cuộn vào nhau như cùng về trời, phảng phất một nỗi buồn và cả hy vọng, bên cạnh một cảm giác có-bên-nhau chứ không phải quạnh hiu một mình trước cái kết thúc phải đến của một đời người, là cái chết. Và, cùng với tám bộ cổng bằng sắt sơn đen chạm hình người mọi lứa tuổi rất công phu dẫn lên tượng đài Monolith, cái thông điệp, tôi nghĩ, Vigeland muốn truyền lại cho người thưởng ngoạn, song cũng vô cùng cần thiết cho thế hệ của ông, cái thế hệ đã phải trải qua hai cuộc thế chiến khủng khiếp giết hại hằng trăm triệu con người, đó là sự tồn tại của một niềm tin vào một thế giới tâm linh.

Và sau hết, về phía Tây của tượng đài Monolith là một điêu khắc có tựa đề là tượng Wheel of Life (Vòng Nhân sinh) thực hiện vào năm 1933-34, mô tả một vòng hoa kết bởi những thân hình đàn ông, đàn bà và trẻ em bện lại với nhau, tóm lược chủ đề của toàn thể Công viên Điêu khắc: Hành trình của con người từ sinh ra cho tới nằm xuống, trải qua những hạnh phúc, phiền muộn, mơ ước, hy vọng và khát khao về sự vĩnh cửu.

alt

Trẻ thơ và các thanh niên, thiếu nữ hồn nhiên vui đùa. Tưởng tượng những người thuộc thế hệ Vigeland khi nhìn ngắm những pho tượng này hẳn cũng cảm thấy nguôi ngoai nỗi buồn chiến tranh hoặc phấn đấu vất vả trong việc xây dựng lại đời mình thời hậu chiến. Ảnh TD, 06/2013

Không một pho tượng nào trong Công viên Vigeland có một mảnh vải che thân, vì, theo tôi, Vigeland muốn trình bày con người ở trạng thái nguyên thủy, chưa bị những vướng bận của đời sống vật chất bon chen, từ đó sinh ra tham vọng, xung đột, kèn cựa và chém giết nhau – cái nhân chi sơ tính bản thiện hết sức trong sáng, hồn nhiên vậy.

Tôi tiếc đã chỉ đủ thì giờ viếng Công viên Điêu khắc Vigeland, vừa ngắm vừa chụp trên 200 tấm ảnh, bên cạnh sự kiên nhẫn của hai chị bạn đồng hành. Sợ trễ giờ về tàu, nên đành bỏ không viếng thăm Viện Bảo tàng Vigeland cũng gần đó, mà có lẽ đòi hỏi nhiều thời giờ để xem hết những tài liệu kể lại từng diễn biến của mỗi tác phẩm điêu khắc, đặc biệt về tượng đài Monolith và Vòng Nhân Sinh.

Chúng tôi ra trạm xe điện nhưng tôi vẫn còn cảm thấy như mình vẫn còn đang đi trên mây với trong đầu ngập tràn những hình ảnh vừa thu lượm được vào máy hình cũng như trong ký ức. Trên chuyến xe điện về nhà ga trung ương bên hải cảng Oslo để trở lại tàu du hành Rotterdam, tôi nghe một thanh niên nói tiếng Anh với người ngồi bên cạnh: “Từ hồi còn bé tôi đã nghe nói và muốn đi thăm Công viên Điêu khắc Vigeland. Giờ mới có dịp. Thật tuyệt vời.”

Tôi mừng là trong cái danh sách những nơi muốn thăm ở Oslo trong vỏn vẹn có chín tiếng đồng hồ, ít ra tôi đã thăm được hai nơi, trong đó có Công viên Điêu khắc Vigeland.

Sau đây là những hình ảnh người viết bài này ghi nhận trong một chuyến viếng thăm tuy có phần chớp nhoáng song đã để lại những ấn tượng sâu đậm khó phai.

alt

Hai công trình điêu khắc công phu nhất và gói ghém trọn vẹn chủ đề về nhân sinh của Công viên Điêu khắc Vigeland, đó là tượng đài Monolith, trái, hoàn tất năm 1944 . Ảnh TD, 06/2013
và Wheel of Life, 1934. Ảnh artodyssey1.blog.com

TD, 07/2013