20 năm qua, chứng ung thư tuyến giáp trạng đã tăng với tỷ lệ chóng mặt: 240%, và dự kiến đến năm 2019 sẽ trở thành loại ung thư phổ biến nhất, đứng hàng thứ ba tại Hoa Kỳ.
Riêng năm nay, hơn 60 ngàn cư dân ở Mỹ sẽ được chẩn đoán mắc bệnh này, trong số đó có tới 45 ngàn thuộc nữ giới. Đa số người mắc bệnh nằm trong lứa tuổi dưới 55. Lại còn một sự kiện đáng kinh ngạc nữa: 2% số ca bệnh xảy ra nơi trẻ em và trong lứa tuổi teen.
Bệnh xảy ra nơi tuyến giáp trạng là một tuyến hình dạng như con bướm ở cổ chúng ta, ngay dưới trái cổ (ta quen gọi là trái táo Ađam). Tuyến này là một phần trong hệ thống nội tiết, có nhiệm vụ sản xuất ra các hormone để phối hợp nhiều hoạt động của cơ thể.
Không phải là ung thư “tốt”
Bệnh có một tỷ lệ sống sót rất cao (100 người bệnh chỉ có 3 bị tử vong) nên thường được mệnh danh là thứ ung thư “tốt”, “nhẹ” hoặc “an toàn”.
Dù vậy đối với đa số người bệnh, bị ung thư tuyến giáp trạng cũng đã làm họ kinh hoàng và thay đổi cuộc đời của họ, toàn diện và lâu dài.

Nguyên nhân làm tỷ lệ bệnh tăng cao
Không phải chỉ ở Mỹ, mà trên toàn thế giới, tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến giáp trạng đã gia tăng đáng kể và liên tục trong thập niên qua. Tuy được chẩn đoán và điều trị sớm, các trường hợp tử vong vì bệnh cũng đã gia tăng. Theo các nhà nghiên cứu cho biết, các yếu tố gây ra bệnh này là:
– Chất sinh ung thư (carcinogen) từ môi trường;
– Nhiễm phóng xạ nơi phòng mạch (như chụp X-ray, CT scan);
– Dùng đèn chiếu nóng (sunlamp) để điều trị mụn (acne), thường gây bệnh đối với người trung niên hoặc lớn tuổi;
– Trong gia đình đã có người mắc chứng này cũng có thể di truyền cho con cháu;
– Tuyến giáp trạng bị xáo trộn do bệnh Hashimoto’s disease. Trong bệnh này, hệ thống miễn nhiễm tấn công tuyến giáp trạng, làm cho sưng lên, đưa đến tình trạng yếu hoạt động.
Ít ai để ý
Tuy chứng ung thư tuyến giáp trạng không có các triệu chứng để ta biết sớm, nhưng có những dấu hiệu như: cục u có thể rờ thấy ở cổ; giọng nói khàn khàn hoặc thay đổi giọng nói; khó nuốt thức ăn, đau ở cổ hoặc cuống họng, cục u bạch huyết (lymph node) ở cổ sưng lên.

Cách tự kiểm tra cổ
Nên tự khám tuyến giáp trạng bằng cách:
– Cầm gương soi dưới cổ, phía trên xương đòn (gánh), và dưới thanh quản. Đây là vị trí của tuyến giáp trạng;
– Nuốt một hớp nước trong lúc ngả đầu về phía sau;
– Trong khi nuốt, để ý xem ở cổ có chỗ nào lồi ra, phình ra không. Đừng lộn táo Ađam với tuyến giáp trạng, tuyến nằm phía bên dưới, gần với xương đòn gánh.
– Nếu thấy có chỗ lồi ra, nên cho bác sĩ biết, vì đó có thể là tuyến giáp trạng bị sưng hoặc bướu giáp trạng cần được chẩn đoán xem có phải ung thư hoặc bệnh khác hay không.
– Mỗi lần đi bác sĩ, cũng nên yêu cầu được khám, dù không thấy cục u nào ở đó.