Alzheimer’s là căn bệnh ảnh hưởng đến trí tuệ do đó ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người bệnh và thân nhân vì trí nhớ là một phần rất lớn của trí tuệ và tâm linh. Mất trí nhớ, con người thay đổi bản chất, trở thành một người khác, không thể nối kết với đời sống chung quanh. Đây là đề tài được xã hội chú ý và tiêu xài rất nhiều tài lực để tìm hiểu, khám phá, và tìm cách giúp đỡ những người chịu trí nhớ sút kém. Tại Hoa Kỳ, có khoảng 2.4 – 4.5 triệu người bị chứng Alzheimer. Chứng Alzheimer là căn bệnh lẫn thường thấy nhất trong những người 65 tuổi trở lên. Người đầu tiên mô tả các triệu chứng và dấu hiệu của chứng bệnh sa sút trí tuệ này là Bác Sĩ Alois Alzheimer; do đó, căn bệnh được đặt tên là chứng Alzheimer.
Bác Sĩ Alois Alzheimer
Năm 1906, Bác Sĩ Alzheimer nhận ra sự thay đổi trong não bộ của một bệnh nhân, chết vì một căn bệnh tâm thần rất lạ lùng. Bệnh nhân có những triệu chứng như mất trí nhớ, mất khả năng sử dụng ngôn ngữ (nói không thành câu, dùng chữ sai ý nghĩa…) và cách cư xử, hành động bất thường, khó đoán trước. Sau khi bệnh nhân qua đời, não bộ được đem ra giảo nghiệm, và bác sĩ tìm thấy những khối não bất thường, ngày nay được gọi là “amyloid plaque”, và những sợi thần kinh rối dính với nhau từng búi, ngày nay có tên “neurofibrillary tangles”. Alzheimer ‘s disease (AD) là một chứng bệnh liên quan đến tuổi tác, xuất hiện và diễn tiến qua nhiều năm trước khi bệnh nhân có những triệu chứng suy thoái về trí tuệ. Lúc đầu, triệu chứng bao gồm việc mất trí nhớ và lẫn lộn; các triệu chứng này rất nhẹ và có thể lầm lẫn với việc lãng quên bình thường. Tuy nhiên, các triệu chứng này tiếp diễn, và mỗi ngày một nặng, đưa đến việc thay đổi hành động, cách xử sự trong đời sống hằng ngày, trí tuệ sa sút từ cách nhận thức đến phân tích sự việc và ảnh hưởng nặng nề đến người chung quanh. Sau cùng, người bệnh mất hẳn trí tuệ.
Khuôn mặt điển hình của chứng Alzheimer là cựu Tổng Thống Ronald Regan, một nhân vật lừng lẫy của lịch sử Huê Kỳ nên bệnh tình của ông ấy thu hút sự chú ý của mọi người, từ sử gia, bác sĩ chuyên khoa đến bạn bè thân nhân của ông cựu Tổng. Nhờ sự chú ý kia, cánh cửa tìm hiểu mở rộng, người ta khám phá những khuôn mặt đáng kể khác, những người nổi tiếng cũng bị chứng bệnh quái ác lấy đi trí tuệ và sống mòn mỏi đến khi qua đời như cựu Thủ Tướng Anh, bà Margaret Thatcher, bạn đồng song, đồng thời với ông Reagan. Y học tìm ra nhiều chi tiết hơn về Alzheimer, từ các thay đổi, hư hoại tại tế bào trong não bộ đến những suy giảm về tâm thần cá tính. Các thay đổi ấy được ghi chép qua các thử nghiệm y học, thần kinh và tâm lý. Tuy nhiên việc khám phá sự thay đổi qua việc sử dụng một thảo trình điện toán để “khảo chữ” là một sáng kiến tuy giản dị nhưng rất đáng kể. Như thế này, bạn ạ: Năm 2009, nhóm chuyên gia dẫn đầu bởi Giáo Sư Ian Lancashire và Graeme Hirst, University of Toronto, đã tường trình về trường hợp nhà văn Agatha Christie trong bài biên khảo “Vocabulary Changes in Agatha Christie’s Mysteries as an Indication of Dementia.” Tác giả bắt đầu viết từ năm 28 tuổi, và cuốn sách cuối xuất bản năm 82 tuổi, một chương trình làm việc kéo dài hầu như suốt một đời người.

Bác Sĩ Alois Alzheimer – nguồn findagrave.com
Bà Agatha Christie
Câu hỏi là bà Agatha Christie, tác giả mấy chục cuốn truyện trinh thám trong suốt 53 năm viết lách đã bị Alzheimer? Qua các tác phẩm, dấu hiệu suy kém trí tuệ hiển hiện, câu chuyện kém mạch lạc, cách dùng chữ, số từ ngữ sử dụng suy giảm về tính chất cũng như số lượng nên đã có nhiều tay phê bình sách đoán biết là tác giả bị bệnh. Nhưng ông Lancashire là người đã chứng minh điều ấy. Sử dụng kỹ thuật điện toán, “digitize” 16 cuốn truyện và thảo trình “textual-analysis” để “đếm” số danh từ và phân tích cách sử dụng chữ của người viết. Ta biết rằng cách dùng chữ, nhất là việc dùng cùng danh từ trong các trường hợp khác nhau biểu hiện tri thức, mức học vấn và khả năng hiểu biết của người viết. Trong số sách vở kia, nhất là những cuốn truyện viết lúc cuối đời, những danh từ “nôm na”, mơ hồ, nghèo nàn về ý nghĩa được sử dụng rất nhiều lần như những chữ “all sorts of”, “something”, “anything”… Đây là dấu hiệu suy giảm trí tuệ của một con người trước đây có thể dùng ngòi bút để diễn tả ý nghĩ một cách lưu loát mạch lạc mất dần khả năng dùng ngôn ngữ. Mất khả năng dùng ngôn ngữ là dấu hiệu sớm nhất của bệnh Alzheimer.
Với tuổi tác, các cuốn truyện của bà Christie mỗi ngày một nghèo nàn từ hình thức đến nội dung, đề tài kém hấp dẫn; những câu viết lặp đi lặp lại và cách dùng chữ mỗi ngày một giới hạn so với những cuốn truyện lúc ban đầu. Chẳng hạn như cuốn “Elephants Can Remember”, các câu viết được lặp lại 31 lần so với cuốn “Destination Unknown” viết 18 năm trước. Qua cách so sánh này các chuyên gia chứng minh rằng hai cuốn truyện sau cùng, viết trong tuổi 80, của bà Agatha Christie chỉ còn là chiếc bóng mờ nhạt trên thị trường chữ nghĩa.
Đọc bài tường trình kể trên Dế Mèn nghiệm ra vài điều, trí nhớ ảnh hưởng đến đời sống sâu đậm vô cùng; mất trí nhớ hủy hoại trí tuệ, tâm linh và các mối tương quan xã hội. Thứ nhì là điều mới mẻ hơn, kỹ thuật điện toán có thể dùng để phân tích một số dữ kiện khổng lồ kể cả văn chương, một lãnh vực mà trước đây người ta cho rằng chỉ có thể phân tích qua sự hiểu biết của con người, máy móc chưa thể làm được. Ý tưởng này vẫn đúng, nhưng sự giúp đỡ của máy móc trong việc nhận diện và đếm các danh từ dùng nhiều lần, giúp các chuyên gia tập trung vào các dữ kiện do máy móc tìm ra nhanh hơn và hữu hiệu hơn. Cứ tưởng tượng việc ngồi đọc 16 cuốn truyện, ghi chép những chữ mơ hồ, ý nghĩa nghèo nàn tối tăm rồi hì hục phân tích…, công việc kia tỉ mỉ, tốn công sức và lâu biết bao nếu không có máy móc giúp đỡ? Nhất là khi phải đọc câu truyện không mấy hấp dẫn, ý tưởng lặp đi lặp lại chẳng có gì mới lạ thì chán ngán biết chừng nào?Hoan hô kỹ thuật, phải không bạn?

Bà Agatha Christie – nguồn independent.co.uk