Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải – là người khởi xướng phong trào nhà báo tự do, tập hợp những người viết ngoài luồng chính thống, sưu tầm và phổ biến những hình ảnh, thông tin không được báo chí của nhà nước đăng tải, như vụ mất đất về tay Trung Quốc ở thác Bản Giốc, vụ sập cầu Cần Thơ… Anh lập blog với nick Điếu Cày, hoạt động cổ vũ cho việc bảo vệ lãnh thổ, công khai phản đối việc Trung Quốc thành lập huyện đảo Tam Sa tại vùng Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Anh tham gia biểu tình phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc trên biển Đông 2007, và kêu gọi biểu tình phản đối lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008.

Đất nước em bé người Tây Tạng này bị chiếm đóng, dân tộc em đang bị áp bức mà em vẫn lên tiếng, cầu nguyện cho Điếu Cày – nguồn bolapquechoa.blogspot.com
Bản án đầu tiên mà ngành tư pháp Việt Nam dành cho blogger Điếu Cày đó là tội trốn thuế, một thứ tội “vớ vẩn” mà hàng chục nghìn doanh nhân thời nay đều mắc phải và có thể bị khởi tố bất cứ lúc nào nếu nhà nước muốn. Hết 30 tháng tù giam Điếu Cày không được về nhà, bị bắt lại ngay và truy tố tiếp tội tuyên truyền chống nhà nước (điều 88). Rồi anh bị chuyển trại từ trong Nam ra Nghệ An, với mục đích cách ly và gây khó khăn cho gia đình trong việc thăm nuôi.
Blogger Điếu Cày được Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh trong ngày Tự do Báo chí Thế giới (3/5/2012) khi nhắc tới những ngòi bút bị tù đày vì đã can đảm đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền: “Chúng ta không được quên [các nhà báo] như blogger Điếu Cày, người bị bắt giữ năm 2008 trùng hợp với một khối lượng đàn áp báo chí công dân ở Việt Nam”.
Ông Hà Sĩ Phu nhận định rằng: “Qua thực tiễn, nghiệm ra rằng chỉ có mấy “tội” này là nặng nhất, bị nhà nước ta “ghét” nhất: thứ nhất là tội xúc phạm đến tình hữu nghị 16+4 , hai là tội lập tổ chức “ngoài sự lãnh đạo”, ba là tội bướng- nhất định giữ khí phách, lương tâm và danh dự cá nhân, không chịu phục tùng. Ba “tội” hàng đầu này Điếu Cày đều dính cả, trọng tâm là tội thứ nhất, nói nôm là “tội chống Tàu xâm lược”!”
Chiều ngày 20.07.2013, con trai anh Hải là anh Nguyễn Trí Dũng đã được công an cho gặp cha mình khoảng 5 phút. Anh Dũng kể lại khi Trại giam số 6 trên thất bại trong việc buộc anh Hải phải ký vào một bản nhận tội thì họ liền ra một Quyết định biệt giam anh 3 tháng. Phản đối Quyết định đó, anh Hải đã gửi đơn đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An nhưng không được cơ quan này trả lời. Để phản đối quyết liệt hơn, anh Hải đã tuyệt thực. Vì vậy mà hôm ấy, nhìn một thân hình tiều tụy và kiệt sức là anh Hải, anh Dũng đã không thể nhận ra được cha mình.
Ông Đỗ Nam Hải, một người đấu tranh cho dân chủ, nhận định rằng:
“… Hiện nay, Nhà cầm quyền rất lo sợ một hội chứng tuyệt thực sẽ lan tỏa dây chuyền trong toàn bộ hệ thống nhà tù, từ Bắc chí Nam. Hội chứng này đến từ các tù nhân, nhất là các tù nhân lương tâm đã và đang dũng cảm đứng lên đấu tranh đòi cải thiện toàn diện và triệt để chế độ lao tù khắc nghiệt ở Việt Nam. Vì vậy, khác với trường hợp của anh Cù Huy Hà Vũ trước đó thì lần này, họ sẽ làm ngơ mà không can thiệp vào trường hợp của anh Hải đang tuyệt thực.
Tính toán của Nhà cầm quyền là: cộng đồng thế giới tiến bộ sau khi sự việc xảy ra nhất định sẽ lên án họ nhưng cùng lắm, họ sẽ đưa một vài cán bộ thuộc Trại giam số 6 hoặc của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An ra làm những con dê tế thần, rồi mọi việc cũng sẽ dần qua đi. Đổi lại, họ hy vọng dập tắt được hội chứng tuyệt thực nguy hiểm nói trên và như thế sẽ có lợi hơn cho chế độ độc đảng toàn trị ở Việt Nam hiện nay. Còn sinh mệnh của một người, một chục ngàn người hay nhiều chục ngàn người đối với họ không phải là vấn đề đáng quan tâm. Lịch sử Việt Nam hiện đại hơn nửa thế kỷ qua đã chứng minh rất rõ điều đó!”
Các bloggers và những người khát khao công lý và hòa bình, tự do và dân chủ đang bắt đầu cùng nhau tuyệt thực với blogger Điếu Cày ngay tại Việt Nam. Tuyệt thực để yêu cầu nhà nước Việt Nam phải đưa blogger Điếu Cày đi cấp cứu ngay, không thể để Điếu Cày chết rồi cắt chức một vài người như một trò đùa trên mạng sống dân được. Tuyệt thực để yêu cầu giám thị trại giam và các công an viên trong trại giam phải thực thi trách nhiệm đúng pháp luật. Việc blogger Điếu Cày có nhận tội hay không là chuyện của Tòa án, không phải chuyện của nhà tù hay trại giam. Lạm dụng quyền biệt giam để cưỡng ép lương tâm blogger Điếu Cày là trọng tội. Tuyệt thực để kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do ngay cho blogger Điếu Cày, một người yêu nước, lên tiếng bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam trước sự xâm lược và bành trướng của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên các động thái dường như trong tuyệt vọng. Nhà văn Nguyễn Thị Từ Huy đặt ra câu hỏi đau đớn:
“Chúng ta cứ im lặng mà nhìn Điếu Cày chết sao?” Hãy hình dung nếu có một triệu tiếng nói cất lên vì tính mạng của anh Nguyễn Văn Hải thì mối nguy hiểm của anh ấy sẽ giảm bớt rất nhiều. Chúng ta có 90 triệu người thế nhưng chưa có hoạt động vì công lý nào tập hợp được một triệu người. Sao khó khăn quá vậy?
Không phải chỉ vì chúng ta đã bị chia rẽ quá sâu sắc, mà vì trong bản thân mỗi người cũng không có được sự thống nhất. Trong đời sống này chúng ta tồn tại với nhiều mảnh khác nhau, và không thể hợp nhất các mảnh ấy lại khi cần phải có một quyết định, kể cả là quyết định trước sự sống và cái chết.
Những biểu hiện của tội ác và sự vô nhân đạo đầy rẫy trong xã hội này. Chúng ta ai nấy đều nghĩ rằng mình vô can, rằng những chuyện giết người, cướp của, tham nhũng, giành giật tiền của kẻ bị hại, tiêm vắc xin làm chết trẻ sơ sinh… không phải do chúng ta gây ra. Chúng ta tự nhìn mình là nạn nhân của một xã hội thiếu nhân tính. Chúng ta nhìn Điếu Cày như là nạn nhân của một chế độ độc tài và phi nhân. Nhưng giờ đây khi biết về tình trạng nguy cấp của anh ấy, nếu chúng ta giữ một thái độ thờ ơ, thì thử hỏi lúc này chúng ta có còn vô can không, và thử hỏi điều gì khiến cho xã hội chúng ta trở nên vô nhân đạo?
Nếu chúng ta im lặng khi biết rõ cuộc sống của anh ấy đang bị đe dọa, thì có phải chúng ta cũng đồng lõa với những kẻ cai tù đang hãm hại anh ấy không? Chúng ta có còn là đồng loại của anh ấy không? Chúng ta có còn là đồng bào của anh ấy không?
Chúng ta còn tiếp tục im lặng đến bao giờ?”
Vâng, chúng ta còn tiếp tục im lặng đến bao giờ? Và, nếu không chọn im lặng thì chúng ta có thể làm thêm những gì cho Điếu Cày, người quyết liệt chọn cái chết cho tình yêu Tổ quốc và lẽ công chính?
Tôi viết những dòng chữ này vào buổi sáng ngày 26/07/2013, lúc này báo chưa ra, khi bạn đọc nó thì có lẽ đã có một kết thúc cho sự kiện này; cuộc tuyệt thực của Điếu Cày đã sang đến ngày 33, và chưa có một thông tin mới nào về tình trạng thật của anh: còn sống hay đã chết. Cầu mong sao đó là một kết thúc có hậu cho một sinh mệnh cao quý.
Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn trên mạng.