Menu Close

Xưa nay, một trong những điểm chung giữa hai nền văn hóa Đông và Tây là niềm tin vào tử vi, dù cách tính có khác nhau.

Tử vi Đông phương có vẻ cặn kẽ hơn, tính chi li cả giờ sinh. Tuy nhiên, có một thực tế mà tử vi cả Đông lẫn Tây đều khó giải thích được là trong những thảm họa do thiên tai như sóng thần hay động đất, cả hàng ngàn hoặc thậm chí có khi hàng chục vạn người chết gần như cùng một lúc. Dĩ nhiên, những nạn nhân ấy không chỉ sinh khác giờ mà còn khác cả ngày, tháng, hoặc năm. Có những trường hợp sinh ba; một em chỉ sống được mấy ngày, một em đến tuổi dậy thì lại bị ung thư, em thứ ba tiếp tục sống bình thường. Còn nhiều trường hợp tương tự như thế mà các chuyên gia về tử vi không thể giải thích thấu đáo. Có người, thay vì giải thích, đã đưa ra một ví dụ so sánh để lý giải vì sao nhiều người có cùng lá số tử vi nhưng số phận lại khác biệt rõ rệt.

Đại khái, con người mới sinh ra cũng giống như một chiếc xe hơi vừa xuất xưởng. Một chiếc Toyota Lexus bao giờ cũng tốt hơn, đẹp hơn, bền hơn chiếc Toyota Corolla. Dầu sao, chủ nhân chiếc xe mới là yếu tố quan trọng nhất. Nếu chủ nhân chiếc Lexus lái xe bạt mạng thì nhiều khi chỉ vài tuần sau chiếc xe (và chủ) phải vào… nghĩa địa. Hoặc chủ nhân không ngó ngàng gì đến chuyện bảo trì xe thì có lẽ khoảng vài ba năm chiếc xe trở thành cục sắt. Ngược lại, nếu chủ nhân chiếc Corolla lo giữ gìn và lái xe cẩn thận thì có khi chạy hai chục năm mà xe vẫn còn tốt. Con người cũng vậy, nếu ỷ lại lá số tử vi quá tốt của mình, cứ sống buông thả về tài chánh cũng như sức khỏe thì không đi ăn mày cũng mau… chết. Cho dù bị sinh ra vào ngày giờ xấu, nếu gắng sống lành mạnh về thể xác cũng như tinh thần, có thể cải số của mình. Thật ra, ông bà chúng ta từ lâu đã giải thích điều đó một cách ngắn gọn: tướng bất cập số, số bất cập đức, đức năng thắng số! Tuy nhiên có những “bất cập” như thiên tai hoặc chế độ xã hội khiến lá số tử vi mất hết ứng nghiệm. Thậm chí, có những người mà số phận được thiên hạ, không cần phải là chiêm tinh gia, biết rõ trước khi sinh. Cho dù họ sẽ sinh ra vào ngày giờ nào, ai cũng biết (trước) họ sẽ sung sướng. Như một cậu bé mới ra đời bên Anh hôm Thứ Hai tuần trước.

Sự sung sướng của cậu, người thường khó có thể tưởng tượng ra hết, chỉ đoán biết phần nào. Trước hết, cả cuộc đời cậu sẽ không bao giờ phải lo kiếm sống. Nếu đi học thì cũng chỉ kiếm cái bằng cho giống với người ta chứ không cần phải dùng vào việc gì. Sau này cưới vợ thì ăn rồi chỉ việc dắt vợ đi du hí đó đây mấy tuần trăng cũng được. Muốn thêm bồ nhí cho đỡ chán cũng không sao. Muốn làm người bác ái đi cứu nhân độ thế tận bên Phi châu cũng dễ; thời gian và tiền bạc đối với cậu chỉ là chuyện nhỏ. Những ngày trước và sau khi cậu ra đời, báo chí luôn hối hả săn tin, đưa tin ráo riết như một sự kiện trọng đại trên thế gian. Nội cái tên của cậu thôi cũng khiến thiên hạ bàn tán mong chờ, thậm chí còn cá độ nữa. Hai ngày sau, khi tên của cậu, George Alexander Louis, được bố mẹ thông báo cho công chúng, báo chí lại phân tích, bình luận ý nghĩa của từng chữ. Thậm chí báo chí lại còn bàn thêm, đấy là tên chính thức trên giấy tờ, còn tên thân mật hằng ngày không biết bố mẹ của cậu sẽ chọn như thế nào. Rõ ràng sự sung sướng của cậu, cả thế gian này ít ai bằng. Tuy nhiên, cậu lại không có những thứ như nhiều đứa trẻ khác. Cậu sẽ không có được đôi mắt long lanh khi thấy bố mẹ đến đón cậu lúc chiều tối ở nhà giữ trẻ. Cậu sẽ không có được nụ hôn, vòng tay ôm chặt như của những bố mẹ phải xa con cả ngày. Cậu cũng sẽ không có những nụ hôn, vòng tay ôm chặt của bố mẹ vào những buổi sáng sớm sợ trễ giờ làm. Cậu cũng sẽ không có những nụ hôn, vòng tay ôm chặt của bố mẹ thỉnh thoảng được tan sở sớm đến đón cậu. Và nhiều thứ khác nữa…

Có lẽ trên thế gian này, ít có đứa trẻ nào muốn hoán chỗ với cậu như cậu bé nghèo khổ trong một tác phẩm của nhà văn Mark Twain. Ngoài ra, chỉ có những đứa bé trong một nhạc phẩm của Anh Bằng:

Miền Bắc điêu tàn nên đời nó khổ
Một chén cơm chiều nên lòng chưa no
Nhiều lúc nó khóc trong mơ
Mẹ ơi! Con yêu mong chờ
Bao giờ cho đến bao giờ?

Hình như cả miền Nam bây giờ nhiều đứa trẻ cũng thế. Không phải vì có chung là số tử vi mà vì sống trong cùng một chế độ. Như miền Bắc ngày trước…

alt

Những đứa trẻ này nghèo đói không phải vì có chung là số tử vi, mà vì sống trong cùng một chế độ – nguồn thethaovanhoa.vn