Qua lần thăm anh Nguyễn Hữu Trân và chị Từ Thị Bích Thủy lần trước cách nay khoảng một tuần, hôm nay anh chị Nguyễn Hữu Trân lái xe tìm nhà và thăm vợ chồng tôi. Dù chúng tôi cùng ở chung nhau một vùng có tới sáu bảy năm nay nhưng chưa lần nào biết tin tức về nhau; mà phải đợi đến chuyến anh chị Trầm Quốc Minh vượt đường xa vạn dặm về thăm chúng tôi, nên hai anh em chúng tôi mới có duyên hội ngộ sau 46 năm xa cách biệt tăm…

Một bến sông vùng Sa Đéc
Chiều nay tại miếng vườn nho nhỏ sau nhà vợ chồng tôi có trồng vài cây bưởi, vài gốc cam, vài gốc mận, gốc ổi, vài dây bầu, dây dưa gang cùng vài dây chanh dây như gợi nhớ về những năm còn nhỏ ở miệt vườn…, vợ chồng tôi và anh chị Nguyễn Hữu Trân có dịp hỏi thăm nhau về quê quán cùng hồi tuổi nhỏ học nơi nào.
Thì ra, từ bấy lâu nay tôi cứ đinh ninh bạn Trân là dân Vĩnh Long, hôm nay tôi mới biết anh là người gốc gác Sa Đéc, hồi nhỏ học ở Sa Đéc rồi lớn lên học Vĩnh Long và Mỹ Tho. Thiệt là duyên may tôi lại gặp người bạn thân mến của mình cùng có số phận trên mặt giấy tờ cùng là dân Sa Đéc. Riêng đối với tôi dù biết Sa Đéc nhưng không rành vì thuở lên trung học, tôi lại qua Long Xuyên đi học. Do đó mà không biết Sa Đéc nhiều là vậy. Nói thế không có nghĩa mình chối bỏ cái gốc Sa Đéc của mình, bởi ở đó tôi cũng có những chuyến đò qua, những lần ghé lại, những buổi khởi hành cho một chuyến đi mà nhiều lúc ngồi nhớ lại có chút gì khó quên dữ lắm!

Nhắc tới Sa Đéc là nhớ tới Trầm Quốc Minh những ngày còn rất trẻ đã có một thời sống ở đấy. Nhắc tới Sa Đéc tôi lại nhớ về một người bạn cùng khóa khác anh cũng rất dễ mến do tính tình của anh rất hiền hòa. Nhắc tới Sa Đéc tôi nhớ đến những địa danh quen thuộc như Cái Tàu Hạ, Nha Mân thuộc quận Đức Tôn, rồi nào là quận Đức Thịnh, Đức Thành, Lấp Vò, Lai Vung, Tùng Sơn, Mỹ An Hưng, Long Hưng, Thủ Ô, Gia Vàm, Tân Bình và nhiều tên làng tên xã khác mà ai qua miền đất trù phú này không thể không nhớ bánh phòng tôm Sa Giang, nem Đức Thành, quýt hồng Lai Vung và những làng trồng cây kiểng bán Tết những thuở thanh bình. Chợ Sa Đéc không lớn nhưng trù phú; đặc biệt nghề làm bột lọc và bánh phồng tôm thì nơi này nổi tiếng khắp vùng.
Chiều nay tôi và bạn Nguyễn Hữu Trân nhắc cho nhau nghe về những ký ức một thời còn nhỏ ấy. Bạn tôi nhắc một người bạn trong cuốn “Nhớ Về Những Bến Sông” mà tôi có nhắc; đó là bạn Huỳnh Giáo Sư. Huỳnh Giáo Sư cùng học với tôi năm Đệ Nhất B trường trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) niên khóa 1962-1963, và học Đại học Văn Khoa với Nguyễn Hữu Trân, kể cũng nhờ mối thiện duyên mà tôi và Trân cùng có chung một người bạn rất hiền, rất dễ thương và anh Huỳnh Giáo Sư ra trường làm giáo sư thiệt mà nay anh Huỳnh Giáo Sư đã ra người thiên cổ mấy năm rồi! Cả tôi và Trân đều có chút ngậm ngùi về số phần một người bạn hồi còn đi học!

Cam và bưởi còn non trong vườn Hai Trầu
Chanh dây mới có trái chiến
Một góc chợ Sa Đéc
Công viên Nguyễn Du ngày nay với bờ sông Cửu Long nước cạn xa bờ, để trơ những bụi cỏ bên bờ sông cạn
Hồ Bình Đức (Long Xuyên) đường Lê Lợi, bên cạnh công viên Nguyễn Du ngày nay nước cũng xa bờ .