Menu Close

Cảm thức mùa Xuân

Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.

 

 

alt

 

Mùa xuân mùa của đất trời chuyển mình, mùa của lòng yêu thương

 

 

Kỳ 17

 

Thật ngỡ ngàng mới vừa hôm qua băng giá mùa Đông còn tô trắng trên những con đường góc phố. Thế mà khi tôi quay trở lại Hàn quốc, hương Xuân đã phảng phất đâu đó trên từng ngọn cỏ cành cây. Và ngỡ ngàng hơn, bước chân hôm qua còn nhanh vội về căn phòng ấm áp thì bây giờ lại nhẩn nhơ giữa hàng cây trơ mình trong công viên vắng lặng. Tôi, Kim và Joanna ngồi yên lắng trên ghế đá, đưa mắt ngắm nhìn bầu trời xanh cao vợi, dõi theo đàn bồ câu bay vút qua cành lá và lắng nghe từng hơi thở mùa Xuân.

Mùa Xuân đến rồi sao? Và trong những bước chân đó, tôi nhận ra niềm vui tinh khôi, mát mẻ của buổi sáng giao mùa đang ngấm vào cơ thể, lan tỏa trong tâm hồn khiến lòng người dâng trào cảm xúc. Cái cảm xúc bâng khuâng hiện trên nét mặt xinh xắn của cô bé học trò khoác chiếc áo len xanh tay ôm tập sách dịu dàng dưới ánh nắng hây hây trên phố. Cô dừng bước lặng yên ngắm nhìn chú sóc con cong đuôi vui đùa trên bãi cỏ, dạn dĩ giương đôi mắt hạt đu đủ đen tròn tinh nghịch nhìn cô, nhấp nhép cái miệng như thể thì thầm “mùa xuân đến rồi đó”. Cô bước đến, cúi xuống chạm tay vào mầm lá huệ lan xanh mơn mởn vừa nhú lên mặt đất cạnh chỗ chú sóc con lùi bước. “Ôi mùa Xuân!”.

Chắc là cô yêu mùa Xuân lắm nhỉ. Nhiều người yêu thích mùa Xuân. Chúng tôi cũng vậy. Mùa Xuân thường được hiểu là khởi đầu chu kỳ thời tiết của thiên nhiên, là sự khởi đầu cho vòng quay một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày với những hy vọng và ước mong ấp ủ, là sự khởi sinh của thế giới bao la vạn vật. Mùa Hạ nồng nàn, mùa Thu vương vấn, mùa Đông ảm đạm và mùa Xuân hạnh phúc. Và hẳn cô bé học trò đang nghĩ mình là chồi Xuân với nét mặt rạng ngời dưới bóng nắng ấm áp của ông mặt trời trẻ trung. Cô sung sướng lắm, muốn chia sẻ hạnh phúc cỏn con này bằng một mảnh giấy xé ra từ quyển vở chép tay. Cô viết lên dòng chữ: “Xin đừng giẫm lên mầm sống”. Rồi cô nhặt nhành cây khô, đính mảnh giấy lên, cắm xuống đất cạnh chiếc mầm lá xanh, miệng nở nụ cười như đóa hoa Xuân khoe sắc.

Hành động cô bé gợi cho tôi nhiều suy nghĩ về cuộc sống. Bởi cuộc sống luôn bắt đầu bằng cảm xúc và kết thúc cũng bằng cảm xúc. Nhưng điều quan trọng hơn là cách nghĩ, hành động và cảm xúc trong sáng của cô bé học trò dành cho một chồi non kia một cách nhiệt thành. Điều này có nghĩa trong cô luôn tràn đầy nhựa sống. Cô muốn thể hiện, hiến dâng giá trị cho đời luôn được vui tươi, cho dù cảm nhận của cô dành cho một mầm sống chồi non vô tri vô giác. Một hành động nhỏ đầy ý nghĩa trong cuộc sống bộn bề những dằn vặt lo toan nhưng nó làm cho tâm hồn ta đẹp thêm ra, hạnh phúc nhất. Phải chăng hạnh phúc là một thái độ tinh thần lành mạnh, một tấm lòng biết ơn, một lương tâm trong sáng và một con tim chứa đầy yêu thương. Và nếu mùa Xuân là cái gì tươi đẹp nhất thì đó phải là sự tốt đẹp trong tâm hồn. Cảm xúc yêu thương của cô bé lây lan sang, để lại trong tôi một khoảng lặng. Một nốt trầm không vang thành lời trong giai điệu cảm thức mùa Xuân.

Tôi, Kim và Joanna tiếp tục ngồi yên, khẽ khàng nghe từng nhịp thở mùa Xuân. Chúng tôi đang thử sống chậm để cảm nhận những gì tốt đẹp trong cuộc sống, khi trong đời sống thực con người đã quá vội vã, tất bật quay theo guồng máy cuộc sống hiện đại. Năm học mới lại bắt đầu. Thời gian ào ào trôi đi và những dự tính tương lai đang chờ trước mắt, sẽ cuốn hút chúng tôi vào cuộc. Kể từ ngày té sông, Hà Bá chê, tôi chợt nhận ra cuộc sống trên đời thật vô thường. Mới thấy đó vậy mà mọi chuyện có thể khác ngay trong khoảnh khắc, có đó rồi không. Mọi thứ biến đổi nhanh chóng, cuộc sống quá mong manh, tạm bợ. Ngay cả khi chúng tôi đang ngồi đây, lắng nghe mùa Xuân về, lòng mong chờ mùa Xuân chín cho hoa khoe sắc thắm. Thế nhưng sự mong chờ ấy rồi sẽ đi qua; hoa nở đó rồi tàn đó thôi. Vạn vật “bốn mùa thay lá, bốn mùa thay hoa”. Vậy thì, tại sao cô bé học trò lại hạnh phúc khi dành tình yêu thương cho cái chồi non trên bãi cỏ. Cô bé biết sống trong vô thường theo bản năng bởi suy nghĩ trong sáng, đôi mắt nhìn thấy được vẻ thơ mộng ở chốn bình thường bằng một tâm hồn trẻ thơ đơn giản. Chỉ có tình yêu thương mới làm cho người ta sống tốt hơn, đẹp hơn.

Joanna hỏi Kim và tôi có xem bộ phim “Xuân-Hạ-Thu-Đông rồi lại Xuân”. Tôi chưa xem có thể bỏ qua, nhưng Kim không xem chắc ngành điện ảnh Hàn quốc sẽ thiệt thòi mất đi một khán giả trong nước. Kim nói, Kim chỉ xem quảng cáo, phim buồn thế nào ấy, bối cảnh đơn điệu, buộc người xem phải động tâm. Kim thích tình cảm trong sáng hơn, lãng mạn của tình yêu đôi lứa.

Bộ phim kể về ba thế hệ trong một ngôi chùa nhỏ tại nơi hoang vắng sơn thủy hữu tình. Câu chuyện bắt đầu vào mùa Xuân cây cối đâm chồi nẩy lộc, mùa yêu thương khởi sinh vạn vật. Ấy thế, chú tiểu ở am buồn chán, tiêu khiển trò đùa lấy ba hòn đá buộc dây vào mình Cá, Ếch và Rắn bắt chúng phải khó khăn di chuyển. Vị sư phụ thấy hết mọi chuyện, trừng phạt chú tiểu bằng cách y như chú tiểu đã đối xử với ba con vật nhỏ bé đáng thương để chú hiểu được tội lỗi của mình và bắt chú phải giải thoát chúng. Rất tiếc Cá và Rắn đã chết. Chú tiểu bật khóc trong sự ăn năn muộn màng.

Cứ tưởng nhân quả, nghiệp chướng qua đi. Mùa Hạ, chú tiểu lớn lên có tình ý với một cô gái lên chùa chữa tâm bệnh. Chú phạm giới luật bỏ chùa hoàn tục. Mùa Thu, chú tiểu quay trở lại chùa sám hối sau khi phạm tội giết vợ, cảnh sát đến chùa bắt đi. Mùa Đông, một người phụ nữ đến chùa giao cho vị sư phụ đứa con và sau đó bà sơ ý rơi vào hố băng chết. Đứa nhỏ kia, lớn lên rồi cũng thành chú tiểu sống êm đềm cùng sư phụ. Rồi lại mùa Xuân, như một sự lặp lại tuần hoàn của nghiệp chướng, chú tiểu sống trong cảnh nhàm chán và lòng luôn cảm thấy cô độc, tìm ra trò chơi hành hạ các con vật. Lần này chú tiểu có cách giải trí độc ác hơn là, nhét sỏi vào miệng giết chết Cá, Ếch, Rắn.

Ý tưởng bộ phim: Từ đời này qua đời khác, con người luôn lặp đi lặp lại những lỗi lầm cũ. Cảnh phim mùa Đông và mùa Xuân gần như không có lời thoại, âm thanh. Tất cả chỉ là hành động khiến người xem tự suy vấn những thân phận con người và sự vật, tự diễn giải cái kết của câu chuyện.

Joanna kể xong, im lặng như cảnh trong phim vào mùa Xuân. Im lặng cũng là lời thoại, buộc tôi và Kim phải phân vân cho con người sống trong cảnh đầy tính thiện vẫn hiện cái ác trong tâm. Ý tưởng bộ phim dường như phá vỡ quan điểm triết lý “nhân chi sơ tính bổn thiện” của Khổng Phu Tử đề cao sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân theo quy ước chuẩn mực xã hội. Đạo diễn phim muốn nhấn mạnh cái ác như một bản chất con người cho dù bất cứ ở đâu và bất cứ ai. Cái ác là một vòng quay lòng vòng của luật nhân quả, sinh ra từ bên trong con người chứ không phải do hoàn cảnh đẩy đưa?

Joanna nói, để giải thích về tính thiện – ác trong con người, các nhà tâm lý học, triết học, lẫn tôn giáo đều cho rằng trong mỗi con người luôn đan xen giữa thiện và ác do con người luôn sống trong bản năng sinh tồn. Khi cái ác lấn át cái thiện, cái ác bùng lên và ngược lại. Ở Angkor Wat, tôi thấy có nhiều dấu tích câu chuyện nàng Sita trên những tấm phù điêu bằng đá có tuổi đời cả thiên niên kỷ quanh khu đền. Chuyện này lấy từ trong sử thi Ramayana của Ấn Độ về hình ảnh con quỷ Reap. Con quỷ nói rằng: “Ta là Quỷ, vương quốc của ta ở khắp mọi nơi, ta có mặt trong mỗi con người”.

Trong mỗi con người đều ẩn hiện hình bóng con quỷ Reap, do đó con người tự đấu tranh chính mình để ém cái ác, bộc lộ cái thiện. Và cuộc đấu tranh thiện và ác diễn ra khắp nơi, thay đổi theo ngoại cảnh, kéo dài suốt lịch sử con người. Cho nên ta phải biết tu dưỡng, có đủ tri thức biết điều chỉnh hành vi cho bản thân sống hướng thiện hơn. Tôi vẫn thấy trong xã hội có những con người xuất thân từ môi trường xấu, những điều kiện xấu nhưng bản thân họ vẫn tốt, được mọi người yêu mến. Bên cạnh đó, cũng có những người xuất thân từ môi trường tốt nhưng họ vẫn xấu như thường. Thiện-ác, tốt-xấu tùy theo mức độ, tất cả đều xuất phát từ bên trong con người.

Tôi nhớ lời giảng của vị sư phụ hôm đi chùa tu tập: “Mùa Xuân đến từ sự nở tàn của hoa cỏ, sự sinh diệt của muôn loài. Tất cả tồn tại trên thế gian đều chịu chi phối của sự biến hóa vô thường”. Xét cho cùng, trong điều vô thường đó, thế giới sanh diệt mới có điều kiện biến đổi không ngừng khiến ta nhận ra bức tranh của cuộc sống vạn vật muôn màu muôn sắc. Đó mới là cuộc đời thật, cuộc sống thật luôn tồn tại hỷ, nô, ái, ố, tham, sân, si. Cũng như cùng thời gian này, không phải khắp nơi đều là mùa Xuân khởi sinh vạn vật. Xuân, Hạ, Thu, Đông xuất hiện không phải riêng lẻ mà cùng đồng thời một lúc trên trái đất ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Hàn quốc mùa Xuân thì ở Singapore lại mùa Hè, còn quê hương Nam Phi của Joanna là mùa Thu hay ở các vùng cận Nam cực mùa Đông ngự trị trong thế giới tự nhiên xoay vần.

Mùa Xuân mùa của đất trời chuyển mình, mùa của lòng người yêu thương. Và mỗi người chúng ta, ai cũng có thể như cô bé học trò thanh tâm hồn nhiên với cuộc sống, tạo nhiều niềm vui hơn nỗi buồn, nhiều hạnh phúc hơn đau khổ, thiện nhiều hơn ác, tốt nhiều hơn xấu, để cảm thấy cuộc đời mãi mãi đẹp tươi.

 

 

alt

 

Mùa xuân đến từ sự nở tàn của hoa cỏ

 

NL