Nghệ thuật lấy bố cục trong nhiếp ảnh có nhiều mặt, nhưng một mặt bạn thường ít nghĩ tới là về tỷ số hình thể. Tỷ số hình thể là một nhóm từ dùng để diễn tả tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều cao của ảnh. Lý do tỷ số này thường bị lãng quên, thật ra rất đơn giản – tỷ số hình thể của tấm ảnh tùy thuộc vào loại máy ảnh bạn dùng, và chúng ta thường không nghĩ đến điều này.
Nhưng, sự tân tiến về kỹ thuật đã thay đổi “đường xưa lối cũ”. Nhiều máy ảnh số ngày nay cho chúng ta điều kiện chọn lựa vài tỷ số hình thể khác nhau, mỗi cái có đặc điểm riêng.
Nhận thức về những đặc điểm của tỷ số hình thể máy ảnh của bạn có thể giúp bạn thực hiện được ảnh đẹp hơn.
Như đã nói trong đoạn đầu, tỷ số hình thể có mối quan hệ với chiều rộng và chiều cao, và diễn tả tấm ảnh vuông (1:1) hoặc rộng (16:9) như thế nào. Cách diễn tả là chiều rộng:chiều cao (chiều rộng luôn luôn đi trước). Tỷ số hình thể của máy ảnh phim 35mm là 3:2. Tất cả máy ảnh DSLR, bất kể cỡ cảm quang hoặc độ phân giải, đều dùng tỷ số 3:2. Nghĩa là, khung ảnh có chiều ngang lớn gấp rưỡi lần chiều cao (hoặc ngược lại nếu bạn cầm máy theo góc đứng và chụp theo kiểu “portrait”).
Khổ
Tất cả máy ảnh số, ngoại trừ vài mẫu lẻ, dùng một trong hai tỷ số hình thể. Tỷ số 3:2 của loại máy ảnh số phim 35 ly, và tỷ số 4:3 dùng bởi nhiều máy ảnh bỏ túi. Nếu bạn nhìn tấm ảnh ở trên, bạn sẽ thấy hình như nó bị cắt chiều ngang so với tấm ảnh với tỷ số 4:3.
Những người dùng máy ảnh chụp phim có nhiều sự lựa chọn khi nói về tỷ số hình thể, phần lớn là nhờ những máy khổ trung (medium format), khổ lớn (large format), và khổ rộng (panoramic).
Đây là bảng tóm tắt sơ lược của một số tỷ số hình thể phổ thông nhất. Sau đó chúng ta sẽ đi sâu vô các tỷ số liên quan đến bố cục của ảnh.
3:2
Tỷ số hình thể của máy ảnh phim 35mm và máy ảnh số. Tỷ số này đã được dùng làm một tiêu chuẩn cho những máy dùng phim 35mm từ đầu thế kỷ 20.
4:3
Được dùng bởi những máy ảnh số bỏ túi. Đa số những máy ảnh này được thiết kế để xứng hợp với những màn ảnh của máy điện toán thời đó. Những màn ảnh kiểu rộng (widescreen) chỉ mới trở thành thông dụng sau này, khi kỹ thuật HDTV với tỷ số 16:9 ra đời.
16:9
Tỷ số này được dùng bởi máy ảnh chụp phim rộng (medium format panoramic film camera). 16:9 càng ngày càng trở nên thông dụng hơn vì nó được sự “yểm trợ” của cả hai loại môi giới – ảnh và video.
Cách tạo bố cục của tác giả trong thiên nhiên, dùng tỷ số 16:9 (màn ảnh rộng). Chim con ngơ ngác nhìn Cha Mẹ khi vừa chào đời.
Tỷ số hình thể trong ngành in
Nếu bạn có một máy ảnh DSLR (hoặc một máy chụp phim 35mm thời xưa), chắc bạn cũng đã từng gặp trường hợp tỷ lệ hình thể của những cỡ giấy in thông dụng nhất lại không hợp với ảnh trong máy của bạn (trường hợp ngoại lệ duy nhất là giấy 6×4).
Một cỡ giấy khác cũng rất thích hợp với tỷ số của máy ảnh DSLR là 30×20, nhưng với cỡ này, tiền in sẽ tốn kém hơn nhiều và hình gốc của bạn phải có phẩm chất cao hơn. Một số ảnh chuyên nghiệp của tôi cũng đã được in lên canvas với kích thước 30×20 và được trưng bày trên tường hoặc được khách hàng mua.
Kết luận
Hy vọng, bài giới thiệu này về tỷ số hình thể sẽ giúp bạn hiểu thêm về mối quan hệ giữa khung ảnh và bố cục ảnh. Hãy thí nghiệm với những tỷ số khác trong máy ảnh của bạn, biết đâu bạn sẽ có được tác phẩm ưng ý?
Cảnh thác Niagara Falls hùng vĩ được ghi lại qua tỷ số hình thể màn ảnh rộng (16:9).
AN – Aug ‘13