Menu Close

Thiện duyên – Kỳ 2

Rồi cũng trưa nay bạn Nguyễn Hữu Trân có nhắc Thầy Hồ Văn Kỳ Trân, Hiệu Trưởng trường Trung học Thoại Ngọc Hầu những năm 1956-1959 mà tôi cũng có nhắc trong cuốn “Nhớ Về Những Bến Sông”. Bạn Trân còn kể rõ hồi xưa nhà thầy Hồ Văn Kỳ Trân nằm trên đường Liêu Tường Thái, có công viên cặp mé sông gần cầu Hoàng Diệu mà những năm còn đi học lúc trống trường chưa điểm chúng tôi hay ra công viên này ngồi ăn quà vặt. Rồi bạn lại kể về hồ Bình Đức dọc theo đường Lê Lợi, công viên Nguyễn Du sát mé sông cái Hậu Giang ngó qua bên kia sông là cù lao Mỹ Hòa Hưng.

alt

Bạn Nguyễn Hữu Trân và Hai Trầu

Thì ra bạn Trân là dân Sa Đéc mà rất rành về Long Xuyên nên hai anh em chúng tôi nói chuyện hoài không hết chuyện.

Kể về Tân Châu, quê vợ tôi, anh cũng rành lắm vì khi còn trẻ lúc mới vào đời anh cũng lưu lạc khắp các vùng sông nước Tiền Giang này. Nghe anh kể mà sao như mình cũng có đó những bến sông trong lòng và chợt nhớ lại mới ngày nào! Dịp này vợ tôi kể cho anh chị Nguyễn Hữu Trân nghe về khu phố Tân Châu bị nước cuốn trôi vào những năm 1970 mà sau này chợ Tân Châu cũ chỉ còn là hoài niệm của cư dân nơi thị tứ khá trù phú một thời. Ngày nay, những người mới tới chắc ít ai còn nhớ nơi ấy có một vùng sầm uất chợ búa đông đúc kẻ bán người mua sung túc biết bao!

Ngoài ra chúng tôi còn kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện xưa nữa với sự góp phần của chị Thủy và vợ tôi nên những câu chuyện như muốn kể hoài, bất tận…

Kể ra mỗi lần gặp lại bạn thân nào, đối với tôi là một thiện duyên vì trong suốt 46 năm qua tôi chưa lần nào dám nghĩ rằng mình sẽ gặp lại bạn mình và nhiều bạn học thời  còn nhỏ cũng như khi mới vào đời vì mỗi chúng ta ai ai cũng đều có duyên phận riêng, và rồi mỗi người cứ trôi theo cái duyên phận ấy mãi hoài và ít khi có dịp gặp lại là vậy. Phải có thiện duyên lắm anh em mình mới có dịp gặp lại.

Rồi chợt nhiên tôi lại nhớ bài thơ “Lâm Giang Tống Hữu” của Đỗ Phủ:

“Bi quân lão biệt lệ triêm cân
Thất thập vô gia vạn lý thân
Sầu kiến châu hành, phong hựu khởi
Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân”

Giáo sư Lưu Khôn dịch nghĩa:

“Thương ông (đã) già, khi chia tay, nước mắt thắm ướt khăn.
Đã 70 tuổi mà không nhà, tấm thân muôn dặm biết về đâu.
Buồn khi thấy ghe đi mà gió lại nổi lên
Trong lớp sóng bạc đầu (có) người đầu bạc (đang lặn hụp)”.

Người xưa bảy mươi tuổi tiễn bạn nơi bến sông với những dòng nước mắt, còn nay tôi và bạn đã bảy mươi tuổi còn có lần gặp lại nhau sau 46 năm xa cách như trưa nay, chẳng phải là một niềm vui và hạnh phúc lắm sao!?! Phải thế không bạn Nguyễn Hữu Trân?

alt

Chị Hai Trầu và chị Bích Thủy bên hồ bông súng trong vườn Hai Trầu (hiền thê bạn Nguyễn Hữu Trân)

LTT – Houston ngày 11 tháng 7 năm 2013