Mọi công việc làm ăn buôn bán, ngay cả trong lãnh vực giáo dục, xã hội và chính trị, nhất nhất đều dính dáng đến quảng cáo. Có quảng cáo, gõ trống đánh phèng la thật dữ dội mới thu hút được sự chú ý của bá tánh. Thương gia bán được hàng hóa nhờ quảng cáo, chính khách được phiếu bầu nhờ quảng cáo (qua hình thức vận động), trường học cơ sở xã hội được tài trợ (để tiếp tục công việc) cũng nhờ quảng cáo. Tất nhiên, mỗi lãnh vực đều có cách quảng cáo riêng biệt nhưng mục đích thì in hệt nhau.

Charles Ramsey trả lòi phỏng vấn – nguồn huffington.com
Những tay chế tạo bài bản quảng cáo là những nhà tâm lý đại tài, có bằng cấp hay không có bằng cấp. Họ “thính mũi” vô cùng, đánh hơi nhanh lẹ thị hiếu của “đối tượng” họ nhắm đến, nôm na là khách hàng thuộc giới nào, già trẻ, nam nữ, giàu nghèo ra sao… Các yếu tố căn bản ấy rất quan trọng để thu hút người “mua” hay cử tri bỏ phiếu. Yếu tố quan trọng không kém là “thời cơ”, quảng cáo đúng lúc thì món hàng bán càng chạy, và có nghĩa là người bán phải nhạy bén, “chụp” lấy cơ hội để làm giàu.
Bí kíp quảng cáo của công ty, hãng xưởng nào cũng ghi nhận rằng khi thương hiệu được truyền thông báo chí nhắc nhở đến vì bất cứ lý do nào, công ty kia phải vội vàng mau mắn mà túm lấy cơ hội bằng vàng để đánh bóng tên tuổi công ty hoặc món hàng. Càng nhanh chóng càng hiệu quả, chậm chạp là hỏng việc! Nhưng hành động “mau mắn” kia cũng có mặt trái; tai hại nhất là đánh trống thổi kèn rầm rĩ rồi… không ra làm sao như câu chuyện của ông Charles Ramsey. Mấy hôm nay, dư luận Huê Kỳ sôi nổi với việc ba phụ nữ và một trẻ em được giải cứu sau 10 năm bị cầm tù. Người làm công việc giải thoát vĩ đại ấy là ông Ramsey và một người hàng xóm khác.

Các tweet đến từ tài khoản của công ty McDonald, không phải là tài khoản nhà hàng. Văn phòng công ty là nơi quyết định những nội dung quảng cáo và tiếp thị – nguồn madamenoire.com
Câu chuyện diễn ra thế này: ông Ramsey đang ngồi nhai bánh mì kẹp thịt mua từ đại tửu lầu McDonald thì nghe kêu cứu. Và ông ấy phá cửa để đưa một phụ nữ cùng đứa con thoát ra khỏi ngôi nhà. Amanda Berry gọi cảnh sát và báo rằng bà ấy và hai phụ nữ khác đã bị bắt cóc rồi cầm tù trong suốt 10 năm. Một câu chuyện kinh hoàng khó tưởng tượng nhưng có thật.
Thế rồi trong chớp mắt, cú điện thoại của ông Ramsey gọi cho cảnh sát được chuyển lên mạng ảo, truyền đi khắp nơi nhanh hơn cháy rừng. Chỉ sau 20 phút xuất hiện trên mạng ảo, cú điện thoại kia đã được truyền tay và lắng nghe vài trăm ngàn lần. Truyền thông rầm rộ phỏng vấn, nhắc đến ông Ramsey như một người hùng, hình ảnh một người da màu giản dị, đầy lòng nhân ái chiếm trang nhất của mọi phương tiện truyền thông. Dân quảng cáo chuyên nghiệp gọi hiện tượng “lửa cháy lan” này là “viral marketing opportunity”.
Khi Charles Ramsey kể chuyện “tui đang ăn bánh mì kẹp thịt McDonald thì…” trong cuộc phỏng vấn, thương hiệu kia được nhắc đến và nghe cả triệu lần bởi người thế giới. Một mẩu quảng cáo bất ngờ cho đại tửu lầu, không tốn bạc triệu mà có!
Không chậm trễ chút nào, ngay hôm sau, công ty McDonald liền chụp lấy cơ hội và quảng cáo tức khắc. Họ đưa lên Tweeter mấy lời cổ võ như sau: “We salute the courage of Ohio kidnap victims & respect their privacy. Way to go Charles Ramsey – we’ll be in touch.” Đại để là cổ võ sự can đảm của nạn nhân và khen lao ông Ramsey.
Tạm hiểu là McDonald dùng câu chuyện “nạn nhân – người hùng” để đánh bóng thương hiệu. Việc làm này bị những tay phân tích thời sự dè bỉu, chê bai rằng công ty McDonald “ăn có” một cách trơ trẽn. Nhất là khi có nhiều người đăng đàn đòi McDonald cung cấp bánh mì kẹp thịt miễn phí cho ông Ramsey suốt đời! Từa tựa như những lực sĩ thể thao khi công khai khen lao một món ăn nào đó đều được chủ nhà hàng, công ty cung cấp thức ăn miễn phí để đền bù cho lời quảng cáo kia.
Như ta thường thấy, công ty nào cũng sẵn sàng tặng miễn phí sản phẩm của họ khi người nổi tiếng như chính khách, nghệ sĩ, tài tử, lực sĩ đăng đàn khen lao, và giới truyền thông chuyển đi lời khen lao kia. Tính ra, phí tổn “tặng không” sản phẩm ít tốn kém so với chương trình quảng cáo quy mô!
Theo bài tường trình của Sports Business Daily về việc rủ rê mời gọi dân thể thao nổi tiếng của các công ty lớn nhỏ qua việc tặng sản phẩm, “celebrity seeding”, công ty Chipotle (chuyên bán món ăn sẵn) tặng phiếu ăn burrito miễn phí làm ăn bài bản nhất. Họ quan sát, chờ đợi xem tay thể thao nào có vẻ thích sản phẩm của họ là lập tức gửi phiếu ăn miễn phí suốt đời (“free-burritos-for-life”) đến tay lực sĩ ấy. Điển hình là lực sĩ đá banh Abby Wambach, nhận được phiếu ăn chùa, cô ấy đăng đàn Tweeter mà khen nức nở; Tony Hawk, Mario Chalmers và Drew Gooden… là những tay thể thao khác cũng khen lao Chipotle ầm ĩ sau khi nhận được phiếu ăn miễn phí. Dĩ nhiên những người ái mộ (fan) theo chân lực sĩ cũng được nghe, được đọc những lời khen lao kia và rần rần rủ nhau đi ăn nhà hàng Chipotle!
Chuyên viên kế toán quan sát và tính nhẩm ra chuyện lời lãi như sau: nếu lực sĩ ăn burrito hai lần mỗi tuần thì hàng năm, Chipotle “biếu không” cỡ 600 đô la tính theo giá bán (thực tế, tiền vốn là con số nhỏ hơn). So với việc công ty này, khi “dùng” lực sĩ để quảng cáo sản phẩm, sẽ phải thương lượng với ông/bà “bầu”, phải ký hợp đồng và phải trả bạc triệu, một số tiền lớn hơn mấy trăm ngàn lần phiếu ăn miễn phí!
Lời lãi như thế nên công ty nào cũng hăm hở tìm kiếm và chờ đợi dịp may bằng vàng. Và người ta sẵn sàng chỉ ra việc bỏ lỡ cơ hội của những tay buôn bán. Như chuyện Poland Spring, bán nước đóng chai, bỏ lỡ cơ hội bằng vàng để quảng cáo khi Nghị Sĩ Marco Rubio nghẹn lời trong lúc thuyết trình cho đảng Cộng Hòa trước quốc dân. Ông ấy chụp chai nước uống vội, và hình ảnh chai nước với đầy đủ rõ ràng nhãn hiệu Poland Spring được chuyển đi khắp thế giới. Được quảng cáo kịch liệt như thế mà công ty không có phản ứng rầm rộ nào!

Nghị Sĩ Marco Rubio và chai nước Poland Spring – nguồn melrobbins.com
Tuy nhiên, bị bắt cóc, cầm tù là chuyện thương tâm, gây bất nhẫn và khơi dậy lòng thương xót nạn nhân cho người chung quanh; dùng một đề tài nặng lòng như thế để quảng cáo kiếm lời là điều không khá, nhưng đến hôm nay thì việc chụp lấy thời cơ này không hẳn là một điều khôn ngoan: Tên tuổi của Charles Ramsey được thổi phồng rồi bốc cháy ngay sau khi người ta khám phá ra là ông này cũng là người có tiền án vì đánh đập phụ nữ và vì một số việc làm phạm pháp khác; đại khái người “hùng” chưa hẳn là người tử tế, cũng từng hiếp đáp phụ nữ từa tựa như tội phạm hành hung các nạn nhân mà ông ta cứu thoát. Với một tiền án như thế, công ty nào muốn dính dáng đến người đàn ông kia? Hình ảnh công ty họ sẽ dính liền với cái ác, cái tồi; và đó là lý do Nike buông ông Tiger Woods ngay sau khi chuyện ngoại tình lùm sùm, đổ bể.
Mau mắn quá nên McDonald chưa kịp tìm hiểu kỹ càng “người phát ngôn” mới keng của họ. Và bây giờ thì đành chịu lời ong tiếng ve, chế giễu… Khi được hỏi về hiện tượng người hùng Ramsey thì McDonald đành lúng túng trả lời “tôn trọng chuyện riêng tư của nạn nhân cũng như Charles Ramsey” nên không có thêm ý kiến gì nữa. Họ ngậm tăm và chỉ nói rằng chi nhánh địa phương sẽ liên lạc với người hùng (nghĩa là công ty tui hổng dính dáng chi cả, đó chỉ là chuyện nhỏ, chuyện làng xã!). Tóm lại là nhận vơ xong thấy ê càng thì phủi tay tức khắc!
Quảng cáo để rủ rê, mời gọi thân chủ trong việc buôn bán làm ăn là chuyện dài đầy đủ hỷ nộ, mà đã làm ăn thì lúc được lúc thua. Theo ý riêng. McDonald chụp cơ hội nhanh lẹ nên phỏng tay chút xíu, nhưng ít ra, mấy chữ “McDonald’s hamburger” đã được quảng cáo miễn phí rầm rộ nhiều ngày qua; tính ra, họ vẫn lời lãi quá sá, bạn ạ!

Abby Wambach và trang Tweeter