Có một mùa Đông, những ngày đầu tập tễnh trên đất Mỹ, tôi và cái thời của sự trống rỗng trong đời sống tâm thức. Mùa Đông xứ tuyết Minnesota, trong căn phòng nhỏ dưới basement, tôi thường quấn chăn, nghiền ngẫm bộ phim video Good Morning Vietnam. Phim kể về một chàng DJ, đến Sài Gòn năm 1965, nhiệm vụ của chàng là điểm tin đã được kiểm duyệt và đọc “dự báo thời tiết” cho quân đội Mỹ ở Việt Nam. Với khiếu hài hước, DJ luôn pha trò trong các buổi phát dẫn và được khán giả rất yêu thích. Nhân vật DJ Adrian Cronauer do tài tử hài Robin Williams thủ vai, làm tôi nhớ nhà đến quay quắt. Đơn giản, chỉ vì chàng luôn bắt đầu chào thính giả bằng tràng ngữ âm kéo dài… “Goooood Morning Vietnaaammm!”

Chỉ hai chữ “Việt Nam”, lúc ấy đã là một sự “ảnh hưởng” thê thiết trong hồi ức tôi.
Tôi khóc. Và chẳng hiểu mình khóc vì cái quái gì. Chỉ là đoạn cảnh mà tôi luôn cảm giác “day dứt” nhất, khi chất giọng khàn đục của Louis Armstrong cất lên giữa cảnh bom đạn đang xả xuống.
“…I see skies of blue… clouds of white
Bright blessed days…. Dark sacred nights
And I think to myself… what a wonderful world…”
Ngụ ẩn của đạo diễn Barry Levinson trong What A Wonderful World – phản cách của ngôn từ bài nhạc với cái nhìn khách quan, yêu đời, đặt vào những khung cảnh bạo động và thực tế của chiến tranh Việt Nam. Levinson đã thành công trong việc áp dụng nghệ thuật làm phim để gợi lên những cảm giác cực kỳ xúc động nơi khán giả. Bài nhạc What A Wonderful World được trở lại America’s Top 40 sau 20 năm phát hành (1968) nhờ bộ phim Good Morning Vietnam.

Robin Williams trong “Good Morning Vietnam” – nguồn movpins.com
Âm nhạc – từ những thăng hoa của cảm xúc – từ nồng nàn đến da diết bất hủ như giai điệu Speak Softly, Love trong bộ phim The Godfather. Ở đây, âm nhạc đã thực sự “nhập linh hồn” vào một thế giới mafia đầy quyền lực – tiền bạc và tội ác. Tiếng cầu kinh của linh mục lẫn giữa những cảnh giết người man rợ. Sự thanh sạch của nước thánh và những quằn quại đau đớn của những kẻ nhận hàng tràng đạn trên người. Sự thánh thiện và lòng hận thù… Andy Williams diễn đạt tuyệt vời ca khúc Speak Softly, Love – ru hồn nhưng không não tình. Và dẫu âm hưởng trong nhạc phim như xoa dịu sự trần trụi của thế giới đầy tội ác nhưng vẫn đầy diễn cảm đến tinh tế. Tôi nhớ đến cảnh phim trong phần III, khi người con trai đàn guitar và hát Speak Softly, Love bằng thổ ngữ Sicilia; Bố Già Don Vito Corleone (Marlon Brando thủ vai) đã hồi tưởng lại cuộc hôn nhân đầu tiên của mình và rơi lệ… Âm nhạc dẫu chỉ là những giai điệu không lời, vẫn là một ngôn ngữ giàu cảm xúc, đến khôn tưởng.
Trong bộ phim The Shawshank Redemption, tù nhân Andy Dufresne (Tim Robbins) đã bất chấp “luật tù”. Cái bản năng “khao khát” tự do đã bộc phát từ một hành động khá liều lĩnh là bỏ một cuốn đĩa nhựa vinyl record trong máy hát đĩa cũ kỹ để phát trên loa phóng thanh khắp trại tù. Andy biết, anh đã phải trả cái giá rất đắt bằng những tháng ngày biệt giam trong cái hộp sắt tăm tối ấy, nhưng anh vẫn làm… Và chỉ khi, âm hưởng của giọng ca duet opera cất lên thanh thoát; anh mới thực sự cảm nhận sự tự do trong tâm tưởng. Lúc ấy, âm nhạc đã vượt qua những giới hạn của ngôn ngữ, vượt qua những ách bức tù tội… Music đã thực sự “set me free”, dù chỉ trong khoảnh khắc.
Red, nhân vật trong phim là bạn tù thân thiết của Andy Dufresne, sau “sự cố” xảy ra, đã nhận xét với một giọng điệu đầy kinh ngạc, “Đến hôm nay, tôi thực sự cũng chẳng hiểu hai phụ nữ Ý kia đã hát về cái gì. Cứ xem như họ hát về một điều gì rất đẹp đẽ mà không thể diễn đạt bằng lời, và nó làm trái tim mình cảm giác nhức nhối. Nói nghe này anh bạn, giọng hát đó bay cao và xa hơn bất cứ ai trong cái bức tường xám xịt này dám mơ tưởng đến. Nó giống như một con chim đẹp vỗ cánh bay đến cái chuồng ảm đạm và làm cho những bức tường tan biến đi. Và chỉ trong cái khoảnh khắc thật ngắn ngủi ấy, mỗi người tù trong cái ngục thất Shawshank này đều có cảm giác được tự do…”
Opera song Canzonetta sull’aria của Wolfgang Amadeus Mozart, được các nhân vật trong vở kịch Marriage of Figaro trình diễn. Hai nghệ sĩ Opera, Anna Moffo trong vai Susanna và Elizabeth Schwarzkopf vai Bá Tước. Âm nhạc trong The Shawshank Redemption là minh họa của sự chuyển tải những cảm xúc nhân vật không diễn đạt bằng lời. Đó là tư tưởng khao khát tự do của những tù nhân Shawshank từ những mơ ước rất giản đơn. Một tác động tâm lý không cường điệu, đầy nhân tính. Cuốn phim “gối đầu” của tôi, dù đã bao lần xem vẫn luôn mang những cảm xúc khác biệt.
Giai điệu hay âm thức, dù chỉ là những thủ pháp diễn đạt tư tưởng trong những thước phim vẫn đem lại những cảm xúc tuyệt vời. Tôi chợt nghĩ đến nhạc sĩ Francis Lai với những áng nhạc đậm chất cổ điển trong bộ phim Love Story.
What A Wonderful World!

The Shawshank Redemption – nguồn fanpop.com