C ó người đã ví von rằng ăn đồ ăn Á Đông mà dùng muỗng, nĩa của người Âu thì chẳng khác gì uống cà phê trong những cái ly bằng styrofoam hoặc bằng nhựa.

Đôi đũa đã thành thân quen với người Việt trong những bữa ăn hàng ngày, và một số người Âu Mỹ nay cũng đã tập và sử dụng đũa thành thạo mỗi khi ăn uống ở những nhà hàng người châu Á. Tuy nhiên, dùng đũa cũng như dùng muỗng, nĩa, đều có những quy tắc nên giữ để thể hiện tác phong lịch sự trên bàn ăn. Xin lược kê dưới đây một số quy tắc được nhiều người công nhận:
– Đừng dùng đũa đã ăn rồi gắp vào đĩa đồ ăn chung trên bàn ăn, mà nên trở đầu hoặc dùng một đôi đũa khác chưa ai dùng.
– Đừng dùng đũa bươi đĩa thức ăn để chọn miếng vừa ý. Nên quyết định trước sẽ gắp miếng nào.
– Đừng cầm đũa quá sát phía đầu đũa hay cuối, mà nên cầm ở khoảng giữa.
– Đừng dùng đũa như một cái nĩa để xiên đồ ăn.
– Đừng dùng đũa quơ trong không khí, hay dùng như món đồ chơi, cũng đừng dùng đũa để xô đẩy, di chuyển chén đĩa trên bàn ăn.
– Đừng mút đũa mà nên gạt thức ăn dính trên đũa vào chén cơm.
– Đừng cắm đũa thẳng đứng trên chén cơm, vì chỉ làm thế với những chén cơm cúng trên bàn thờ.
– Đừng dùng đũa để xỉa răng dù trên bàn ăn không có tăm
– Đừng dùng đũa chỉ thẳng vào người khác
– Đừng dùng đũa gõ vào chén đĩa đang ăn, vì đây là hành động của người ăn xin thời Trung Hoa cổ đại
– Đừng dùng đũa gắp thức ăn để chuyển sang đũa của người khác. Đây là thủ tục dùng trong tang lễ Nhật Bản, người thân phải dùng đũa gắp xương kẻ đã khuất sau khi hỏa táng và chuyền cho nhau.
– Bỏ đũa xuống đã, chứ đừng dùng tay đang cầm đũa để cầm tô, chén, bát trên bàn lên.
– Đừng để đũa thành hình chữ thập trên bàn, đối với người Trung quốc, đây là dấu hiệu chết chóc. Nên đặt đũa song song trên bàn ăn.
– Khi ăn, người Tàu dùng một tay cầm chén cơm đưa tới miệng còn tay kia thì dùng đũa và cơm. Tuy nhiên, người Đại Hàn coi đó là bất lịch sự. Họ dùng đũa hoặc muỗng đưa đồ ăn từ chén lên miệng. Do đó, trong trường hợp dùng bữa với người nước ngoài, tuỳ theo đối tượng cùng ngồi ăn để áp dụng cho đúng cách.
Đôi đũa tre mộc mạc đã gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân Việt, từ danh gia vọng tộc đến kẻ bần hàn, từ thành thị đến nông thôn. Đũa cũng đã theo bước chân người Việt tha hương khắp nơi trên thế giới, chen vai thích cánh với muỗng, nĩa và dao của người phương Tây. Để duy trì được nét đơn sơ mộc mạc của đôi đũa theo tập tục cổ truyền, đồng thời giữ được phong thái lịch sự, chúng ta nên tuân thủ những quy tắc tối thiểu nêu trên để chứng tỏ là con người lịch thiệp và có nếp sống văn minh.