Menu Close

Hyperloop

Bạn hiền,

Hệ thống hỏa xa cao tốc của tiểu bang California còn được gọi là tàu hỏa viên đạn cuối cùng cũng được thông qua, nó sẽ được kết nối hai đầu Bắc-Nam của Cali từ San Francisco đến Los Angeles. Con tàu cao tốc hiện đại này lướt gió dưới vận tốc 220 dặm một giờ và sẽ mất 2 giờ 40 phút từ SF đến LA. Giá vé một chiều là 85 đô-la. Dự án sẽ kéo dài đến năm 2029 và ngốn mất một ngân khoản khổng lồ là 68 tỉ đô-la.

Một dự án khổng lồ và tốn kém như vậy cho nên mất thời giờ bàn cãi ở Hội đồng Lập pháp cấp tiểu bang trước khi được chấp thuận là phải rồi. Các chính trị gia của tiểu bang Cali vừa mới thở cái phào vì dự án tàu hỏa viên đạn được tán thành, nhưng nào ngờ đầu tuần này ông Elon Musk, người sáng lập ra hệ thống thanh toán tiền trên mạng (Paypal) và ông chủ hãng xe hơi Tesla và chủ hãng phi thuyền SpaceX, tung ra một đề án phóng tàu trong chân không mang tên Hyperloop như một cái tát tai nhắm thẳng vào mặt của dự án hỏa xa siêu tốc.

alt

Bảo Huân

Theo tập báo cáo dài 57 trang do ông Musk đưa ra, thì Hyperloop ăn đứt hỏa xa siêu tốc về mọi mặt. Bởi vì phóng trong chân không, không bị lực ma sát cản trở, hyperloop có thể bay với vận tốc 760 dặm (suýt soát với vận tốc âm thanh), đi từ SF đến LA chỉ tốn có 35 phút. Giá vé chỉ có 20 đô-la, và dự án chỉ tốn có 6 tỉ, tức là chưa đến 10 phần trăm của dự án hỏa xa siêu tốc.

Bạn hiền, cái đề án cho người vào trong hộp, rồi phóng đi trong đường hầm bị hút chân không thật ra không có gì mới lạ. Chuyện này các nhà khoa học đã nghĩ ra trước đây cả hai thế kỷ. Cách đây vài thập niên cũng có nhiều kỹ sư cũng nhắc đi nhắc lại cái khái niệm này. Nói nào xa, lúc BTL tôi mới dọn về NASA Kennedy năm 2002 và được một kỹ sư ở đây mời vào hợp tác nghiên cứu dự án closed-end launch tube (CELT) phóng phi thuyền cặp trên piston được đẩy đi bằng hệ thống magnetic-levitation (bay bằng từ trường) qua một đường ống chân không. Trên lý thuyết thì hyperloop có nhiều điểm rất giống dự án CELT. Tuy nhiên, vì thiếu nguồn tài trợ và bị trung tâm Kennedy  thờ ơ cho nên dự án CELT bị bỏ ngang khi kiểu mẫu vừa được hoàn thành và chưa bay đủ số lần thí nghiệm để có đủ dữ liệu nghiên cứu.

Cái khái niệm bay trong chân, như BTL tôi đã trình bày, không có gì mới mẻ. Thậm chí xuất hiện rất thường xuyên trong các phim khoa học giả tưởng. Tuy nhiên, nếu như bạn hiền hay BTL tôi muốn đưa khái niệm này vào giao thông vận tải thì chắc chắn không có ai thèm để ý chúng ta, hoặc họ sẽ cho là chúng ta bị khùng! Nhưng khi một tỉ phú, người đã chế ra xe hơi không dùng xăng và phi thuyền bay đưa trọng tải đến trạm không gian quốc tế, thốt ra câu đó thì nó lập tức được sự chú ý của các cơ quan truyền thông khắp thế giới.

Khi ông chủ SpaceX đăng tải bản nghiên cứu dày 57 trang, thiên hạ nhốn nháo cả lên. Phần đông cho rằng dự án này quá hấp dẫn và từ đây cuộc cách mạng giao thông sẽ được mở ra. Tuy nhiên cũng có một số khác tỏ ra dè dặt hơn, họ mổ xẻ từng chi tiết kỹ thuật trong bản báo cáo và phân tích tại sao khái niệm này bất khả thi. BTL tôi không dám ghi lại hết các phân tích mổ xẻ này, sợ tốn mất 57 trang trong thư gửi bạn hiền hôm nay.

alt

Elon Musk

Tuy nhiên có một điều mà BTL tôi phải đồng ý với các ý kiến đối nghịch là ở khâu phí tổn. Những con số được đưa ra trong bản báo cáo nghe quá lạc quan, và rõ ràng là không dựa theo một cơ sở vững chắc nào. Trong toàn bài báo cáo, cái câu này được lặp đi lặp lại: “The overall cost of… is targeted to be no more than $xxx”, có nghĩa là: “Tổng cộng chi phí cho việc… được không quá $xxx”. Một câu nói quá khôn, vô thưởng vô  phạt, và quá ba phải!

Nếu bỏ chuyện tốn kém qua một bên, thuần túy trên phương diện kỹ thuật thì BTL tôi xin bất đồng với các ý kiến phản bác dự án hyperloop. Các ý kiến phản bác về điều kiện an toàn, làm sao duy trì môi trường chân không, kiểm soát đường bay qua các khúc quanh, hay các chấn động âm thanh ảnh hưởng hệ sinh thái, vân vân là những ý kiến chính đáng. Tuy nhiên, tất cả đều có thể khắc phục được. Chế tạo ra một phi thuyền bay qua môi trường khắc nghiệt ngoài không gian và bay trở về an toàn mà Elon Musk còn làm được, thì các khó khăn kể trên chỉ là chuyện nhỏ.

Đồng thời BTL tôi cũng phải công nhận đây là một ý tưởng quá táo bạo. Đề án mà BTL tôi tham gia năm xưa chỉ được thực hiện trên đoạn đường ngắn, còn hyperloop thông qua một đường hầm gần 400 dặm (hơn 600 km) tất nhiên sẽ gặp rất nhiều “sự cố”. Tuy nhiên, BTL tôi xin hứa sẽ không đóng vai cản trở (spoiler) hôm nay. Vả lại, có nhiều thử thách và khó khăn thì sự thành công sẽ quý giá hơn nhiều.

Trong lúc đang viết thư gửi bạn hiền này thì BTL tôi bảo đảm các nhà làm luật ở tiểu bang California đang nhức đầu vì cái hyperloop tự nhiên làm hư bột hư đường của cái dự án hỏa xa siêu tốc mới được thông qua. Cũng có thể họ sẽ bất chấp công luận và tiếp tục tiến hành dự án 68 tỉ này, nhưng cái tát tai của Elon Musk hơi mạnh, phải mặt dầy lắm mới có thể làm ngơ và giả điếc.

Còn về phần ông chủ Tesla và SpaceX, sau khi đưa ra đề án hyperloop ông nói là ông hy vọng sẽ có một nhà giàu khác thay ông tiếp tục dự án này vì ông quá bận với hai công ty đang hái ra tiền. BTL tôi hy vọng ông sẽ suy nghĩ lại, vì nếu mà ông không tiếp tục thì BTL tôi e rằng hyperloop rồi cũng sẽ chìm lỉm như bao đề án tương tự trước kia, ồn ào xuất hiện và lặng lẽ ra đi, và chuyện di chuyển trong chân không chắc tiếp tục là chuyện khoa học giả tưởng mà thôi.

alt

Dự án Hyperloop trên giấy

BTL – Rockledge, FL – 13 tháng 8, 2013