Bộ phim Owl and the sparrow (Cú và chim sẻ) của đạo diễn Stephane Gauger kể lại câu chuyện của một em bé mồ côi 10 tuổi, một nữ tiếp viên hàng không cô đơn và một nhân viên chăm sóc thú thất tình – ba người xa lạ gặp và kết bạn với nhau giữa lòng thành phố Sài Gòn. Một bộ phim ấm áp tình người do đạo diễn mang hai dòng máu Việt – Mỹ Stephane Gauger viết kịch bản, quay phim và đạo diễn.
Với kinh phí khiêm tốn 50,000 đôla và không có những diễn viên nổi tiếng nhưng bộ phim “Cú và chim sẻ” (Owl and the sparrow) để lại những ấn tượng không dễ quên với một câu chuyện chân thực và cảm động.
Poster phim – nguồn nobudgetfilmschool.com
Thành công của bộ phim này một phần lớn là nhờ vào diễn xuất của bé Phạm Gia Hân, 10 tuổi, khi em thể hiện rất đạt vai diễn một cô bé bề ngoài lạnh lùng, bướng bỉnh nhưng tâm hồn ngây thơ và khao khát yêu thương. “Cú và chim sẻ” là món quà mà đạo diễn Stephane Gauger dành tặng cho quê mẹ, nơi anh sinh ra vào năm 1970. Mẹ Stephane là người Việt, bố là người Mỹ. Năm 1975, anh cùng gia đình di tản sang Mỹ và trở lại Việt Nam khi 25 tuổi.
Bộ phim “Owl and the sparrow” được trình chiếu lần đầu tiên vào Tháng Giêng 2007 tại liên hoan phim Rotterdam International Film Festival, đoạt giải phim truyện hay nhất ở San Francisco International Asian American Film Festival, trước khi chiếu ở 30 liên hoan phim khác và đã được giải khán giả bầu chọn tại Los Angeles Film Festival năm 2007. Riêng đạo diễn Stephane Gauger đoạt giải Đạo Diễn Trẻ ở Starz Denver Film Festival Gotham Awards, và giải John Cassavetes award tại LHP Independent Spirit Awards năm 2008. Ngoài ra cuốn phim còn nhận được nhiều lời khen tặng của các nhà phê bình phim và khán giả trên trang web Rotten Tomatoes. Tại Mỹ, phim được chiếu ở rất nhiều trường đại học như Princeton, Pennsylvania, New York, Yale, Brown, Boston, Cornell. Nó cũng được chiếu ở Nhật dưới tựa đề “Nơi Hạnh Phúc Nhất Trên Đời”, ở Hàn Quốc –“Đóa Hồng Xinh Đẹp”, ở Tây Ban Nha –“Cinqo Dias en Saigon”
Chuyện phim khá đơn giản: Nhân vật chính – cô bé Thủy (Phạm Thị Hân) mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống cùng chú ruột trong xưởng làm mành tre. Cô bé là người cứng cỏi và đầy lòng tự trọng. Không chịu được người chú khô cằn và hách dịch, Thủy bỏ nhà lên thành phố kiếm sống. Được những đứa trẻ khác chỉ bảo, Thủy bán tranh ảnh cho khách du lịch. Sau đó, cô bé lại đổi sang bán hoa hồng. Thủy cố tìm cách để tồn tại giữa thành phố và chứng minh cô sẽ sống nổi không chỉ một ngày như lời người chú dọa.
Phạm Thị Hân, một đứa trẻ mồ côi gan dạ trong “Cú và Chim Se Sẻ.” nguồn nytimes.com
Trong khi đi bán hoa, Thủy gặp Hải – một nhân viên chăm sóc thú trong Sở Thú. Hải là người chân thật, kín đáo, yêu thú đôi khi hơn cả yêu con người. Trái tim anh đang tổn thương vì bị bạn gái bỏ rơi trước ngày hai người làm đám cưới. Anh cũng buồn lòng vì con voi anh chăm sóc từ nhỏ sẽ bị bán sang vườn thú Ấn Độ.
Ngoài Hải, Thủy còn quen với Lan – cô tiếp viên hàng không 26 tuổi xinh đẹp nhưng cô đơn. Lan có cuộc sống đầy đủ nhưng luôn thấy trống vắng và đau khổ vì mối tình với một người đã có vợ. Yêu quý cả Hải và Lan, bé Thủy liền tìm cách để họ gặp nhau và thành đôi. Sự chân thành, lòng tốt đã giúp ba con người xa lạ trở thành những người thân. Nhưng giấc mơ có cha có mẹ chưa được thực hiện, Thủy lại bị chú đưa về vùng quê.
DH & BH – theo RFI