Menu Close

Được voi đòi tiên?

Thời nay, có lẽ ngoại trừ ở những nước Hồi giáo, phụ nữ trên thế giới chẳng cần ngày 8/3 làm gì. Tên chính thức là Ngày Quốc Tế Phụ Nữ nhưng ở Việt Nam thường gọi là “ngày phụ nữ vùng lên”:

Hôm nay mồng Tám Tháng Ba
Ngày mai mồng Chín đàn bà biết tay

alt

Có thể đấy chỉ là mong ước thầm kín của nhiều đàn ông Việt Nam nói riêng và trên thế gian này nói chung, kể từ khi có phong trào phụ nữ bình quyền. Riêng ở Mỹ, không mấy ai để ý hoặc biết đến ngày đặc biệt đó. Lý do đơn giản là đàn ông, từ lâu, đã bị xếp hạng chót, dưới cả chó mèo, trong xã hội. Hơn nữa, phụ nữ Mỹ thực sự không cần có thêm ngày này. Họ đã có 364 ngày như thế rồi, suốt cả năm. Giả sử nên chọn một ngày nào đó, để an ủi, cho đàn ông thì may ra còn sót lại ngày 29 Tháng Hai! Chút rẻo đó cho đỡ tủi… Thành ra, ngày Quốc Tế Phụ Nữ chỉ mang tính biểu tượng chứ có lẽ đã hết giá trị thực tế. Những năm gần đây, bỗng dấy lên phong trào chọn ngày 8 Tháng Tám làm ngày “phụ nữ lên trời”!

“Lên trời” ở đây không có nghĩa là “lên thiên đàng” mặc dù cảm giác, có thể, giống vậy. Đấy là sự lên đến tột đỉnh của giới hạn bất định; như người Mỹ hay nói “the sky is the limit”. Thực ra, khi phụ nữ (nhất là Mỹ) ở trong trạng thái tột đỉnh này cũng hay… kêu trời. Đại khái oh my God oh my God, cho dù họ có vô thần đi nữa! Phong trào “mồng Tám Tháng Tám” này khởi đầu từ Brazil rồi lan dần qua Peru, Argentina, Mexico, Tây Ban Nha, và Na Uy. Nó nói lên ước muốn, chẳng còn thầm kín, của phụ nữ bây giờ. Đây không phải “được voi đòi tiên” mà thực ra quyền được “sướng như tiên” cũng là quyền; phải được bình đẳng, đàn ông sao đàn bà vậy! Lâu nay, các bà muốn bao nhiêu voi các ông cũng (phải) chịu nhưng muốn được “sướng như tiên” thì không phải ông nào cũng chìu. Như T.T. Kh đã từng than:

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi

Sự lạnh nhạt ấy có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên chắc chắn, không nhiều thì ít, là hậu quả gián tiếp của sự bình quyền. Thông thường đàn ông muốn làm chủ đàn bà. Hoặc ít nhất không bị đàn bà làm chủ! Vì nhiều ràng buộc pháp lý và hệ lụy đạo lý mà họ lâm vào cái thế bị đàn bà lấn lướt, thậm chí làm… trời! Trong khi đó, chuyện “lên trời” của các bà phụ thuộc vào các ông: vừa lực vừa tâm. Nếu chỉ hùng… hục không thôi thì lâu dần cũng chán mà trở nên vô cảm. Nhưng cái tâm của các ông không phải khi nào cũng có ngay sau bữa ăn tối ngon miệng hoặc những lời nói và cử chỉ âu yếm trước đó. Nó là sự tích tụ của những cảm xúc qua nhiều ngày tháng như cách lý giải của thi sĩ Tagore:

Nếu trái tim anh chỉ là khổ đau
Nó sẽ tan ra thành lệ trong
Và im lặng phản chiếu nỗi niềm u uẩn

Sự khổ đau ấy phải có sau phong trào phụ nữ bình quyền. Chính sự bình quyền (thường trở nên lạm quyền) đã tạo nên nỗi niềm u uẩn trong trái tim các ông. Đàn bà ít khi để ý đến điều ấy nên cứ vừa “làm trời” vừa muốn được “lên trời”! Có lẽ đàn ông Mỹ là nạn nhân đau khổ nhất nên họ phân biệt rõ giữa MAKE LOVE và HAVE SEX. Một bên tâm nhiều hơn lực và một bên lực nhiều hơn tâm! Đàn bà dùng nhiều quyền thì đàn ông dùng nhiều lực. Đàn bà dùng ít quyền thì đàn ông dùng nhiều tâm. Đó không phải là sự cố tình ăn miếng trả miếng mà chỉ là phản ứng tự nhiên về tâm lý. Lại có người đặt ngược vấn đề cho rằng nếu giúp các bà được sướng như tiên thì mấy voi họ cũng cho (lại) các ông. Nếu đúng thế thì có phải được tiên rồi không thèm voi hay vì nghĩ thà mất voi còn hơn?

Chắc các bà muốn (thà) vừa có voi vừa có… sex hơn là làm tình (yêu) mà không có voi!