Menu Close

Nằm nhà thương chắc chi buồn! – Kỳ 2

Vật Lý trị Liệu

Tôi lại leo lên giường nằm thở ra. Thở ra không sao được! Thở ra không được là đi luôn đó. Tôi phải hít hơi vào nữa chứ. Nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi bâng quơ một lúc là đã 10 giờ, giờ tôi phải lết qua phòng gym tập vật lý trị liệu (VLTL). Có ba cô chuyên viên vật lý trị liệu tất cả và do sự trùng hợp ngẫu nhiên, cả ba người đều có tên bắt đầu bằng mẫu tự “L”: Lynn, Linda và Laura mà tới ngày rời nhà thương, tôi vẫn không thể nào nhớ tên nào gắn cho mặt nào. Để tránh gọi tên họ nhầm lẫn, tôi cứ chào trống không khơi khơi kèm theo một nụ cười cầu tài.

alt

Trung Tâm Trillium Health Centre tại Ontario – nguồn trilliumhealthcentre-org

Buổi tập chỉ có nửa giờ mà có hôm tôi cảm thấy sao nó dài quá. Buổi tập bắt đầu bằng màn hâm nóng là đi bộ một vòng Khu Phục Hồi nguyên tầng lầu 4. Tôi lái chiếc BMW (rollator đó mà) của tôi. Cô chuyên viên VLTL đi kèm một bên, vừa đi vừa nói chuyện, nhưng thường là cô ta nói hoặc đặt câu hỏi, còn tôi chỉ trả lời nhát gừng; thỉnh thoảng cô ta tươi cười ban cho tôi một tiếng khen.

Vào phòng gym, cô chuyên viên VLTL chỉ cho tôi tiến đến lối đi dài khoảng mười thước và có thanh vịn hai bên, bảo tôi bước đi. Thoạt đầu tôi vịn cả hai tay, dần dần một tay và tập bỏ tay ra. Tôi suýt quỵ mấy lần vì hai cái chân còn yếu. Sau một lúc chừng năm, bảy phút, tôi được ngồi nghỉ lấy sức rồi qua màn đạp pédal như kiểu đi xe đạp nhưng là ngồi ghế thấp và duỗi hai chân thẳng ra phía trước. Trò này dễ ăn. Cô ta vặn đồng hồ 5 phút, bảo tôi ngồi đó tập một mình trong lúc cô đi lo chuyện khác.

Đến cái màn tập giữ thăng bằng cơ thể thì hơi gay go đối với tôi. Tôi phải đứng lên một miếng ván kê hổng hai bên và giữ không cho cạnh miếng ván chạm sàn. Tôi không ưa cái trò xiếc này chút nào. Ngoài ra còn có một mớ trò tập luyện khác, thật chẳng khác nào cảnh một vườn trẻ, chỉ khác một điều là trẻ con thì vui thích trong khi những người già yếu bệnh hoạn như tôi thì như chết rồi.

Tôi mệt rồi đó nha. Đủ nửa tiếng rồi đó nha. Trước khi được tha cho về phòng, tôi còn phải lái chiếc BMW của tôi đi một vòng Khu Phục Hồi, lần trước là làm cho nóng máy, lần này là làm cho nguội xuống.

Về đến phòng mình, tôi lại leo lên giường nằm nghỉ tiếp. Buổi ăn điểm tâm chỉ có một trái chuối, một bát ngũ cốc với sữa và một ly trà, thế mà sau mấy tiếng tôi vẫn chưa thấy đói. Tôi nằm đó nghĩ không biết những người thân của tôi đang làm gì, không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ, tôi có trở lại bình thường được hay không, nản hết sức.

Y tá làm việc quả là quá cần mẫn, cứ thăm hỏi bệnh nhân thường trực. Có điều đôi khi họ dùng từ ngữ nhà thương tôi không hiểu. Chẳng hạn như thay vì hỏi “Ngày hôm qua ông có đi toi-lét không?”  thì họ lại hỏi “Ngày hôm qua ông có cử động ruột của ông không?” “Did you move your bowel yesterday?” Có y tá còn làm khó tôi bằng cách dùng từ ngữ một cách chuyên khoa hơn: “Did you have a BM yesterday?” BM là chữ viết tắt của bowel movement thường dùng trong ngành y, y tá nhè tôi là người dốt y học mà đem ra dùng khiến cho tôi ú ớ và thộn mặt ra.

Nói đến chuyện nghe lầm, năm trước đó, nó đã xảy ra với tôi một lần ở phòng mạch bác sĩ chuyên khoa gan ruột. Ông bác sĩ đặt những câu hỏi về tiểu sử bệnh trạng của tôi. Chẳng hạn như tôi đang dùng những loại thuốc gì, đã từng nhập viện chưa, từng bị giải phẫu chưa, thói quen trong đời sống hàng ngày, có uống rượu, hút thuốc không, có ai trong gia đình bị ung thư không. Tôi đoán ông người gốc Đông Ấn, vì nước da nâu của ông và một phần cũng vì cái tên lạ họ lạ mà tôi chưa gặp bao giờ. Ông nói tiếng Anh có âm điệu lạ nên đôi khi tôi nghe không rõ trong khi cái tai bên mặt của tôi hơi bị điếc. Vì tôi bị nghi nhiễm vi khuẩn gan nên ông hỏi kỹ về những dữ kiện liên hệ. Ông hỏi tôi về những sinh hoạt và quan hệ tình dục. Khi ông nói, “Are you active sexually?” thì tôi lại nghe là, “Are you active socially?” Bình thường, tôi quen nghe người ta hỏi câu sau (hoạt động xã hội) chứ chưa ai hỏi tôi câu trước (sinh hoạt tình dục). Tôi đinh ninh ông cũng giống như mọi người, muốn biết tôi có tích cực giao du với bạn bè, cộng đồng xã hội không. Chính vì đinh ninh như vậy nên tôi đáp: “Oh yes, I hang out with friends every weekend and we have lots of fun together!”  (Oh, vâng, Tôi vẫn thường ‘hang out’ với bạn bè mỗi cuối tuần và chúng tôi đã có khoảng thời gian thú vị với nhau).

Nghe tôi trả lời như vậy, ông ta gật gù rồi hỏi tiếp: “With more than one partner?”  (Với hơn một partner hả?)

Tôi đoán có cái gì không ổn trong câu hỏi này: “What do you mean partner?” ( Ông nói partner có nghĩa gì?)

Ông trả lời: “Sex partner.” (là bạn tình đó)

Tôi sửng sốt: “What sex partner?”

Ông nói: “I thought you were active sexually and you said you went out every weekend and you had a good time with your partners?” (Tôi nghĩ rằng ông rất hào hứng về sinh hoạt tình dục và ông nói mỗi cuối tuần đều có thời gian thú vị với partner của ông mà).
Tôi cực lực cải chính: “No! I never said that!” I did say I hang out with friends and have fun, like going shopping, going to the movies, walking in the park and having dinner together. Socially, that’s all.” (Tôi chỉ muốn nói rằng tôi có thời gian vui vẻ với bạn bè….)
Ông vỡ lẽ ra và cười cười nói: “Oh… I’m sorry. I asked you if you were active sexually…”

Tôi cũng đáp xuôi theo: “And I thought you asked if I were active socially.” Và rồi cả hai chúng tôi cùng cười cho chuyện hiểu lầm tai hại ấy. Không chừng ông ta tưởng tôi là một lão già gân. Sự thật là cả đời tôi có thấy mặt mũi một viên Viagra hoặc Levitra, Cialis, hay Soma, Propecia, Acomplia, Xenical ra làm sao đâu.

Trở lại tình trạng hiện tại, may là sự bài tiết và tiêu hóa của tôi bình thường, nhân viên nhà thương đỡ cực. Họ quan tâm hỏi han là phải để họ còn cho thuốc trị sớm. Lão Ba Lan giường bên đã một lần bị táo bón, y tá phải bắt lão nằm nghiêng và cong người lên để cạy như cạy đất sét. Người ta cực với lão như thế mà lão lại hay ăn nói kém êm thắm.

Trong lúc tôi đi qua phòng gym để tập vật lý trị liệu, nhân viên quét dọn vào phòng của tôi để dọn dẹp. Tôi trở lại phòng thì đã thấy mọi thứ ngăn nắp gọn gàng. Tôi nằm nhìn ra cửa sổ. Trời bên ngoài đang có nắng. Tuyết rơi đêm qua còn bám đầy trên mái nhà và nhánh cây. Tôi nghĩ tôi đang được hưởng những may mắn và ưu đãi hay được cưng chìu. Có lẽ tôi nên tạm quên đi sự đau bệnh của tôi để đón nhận và vui hưởng những gì tôi được mọi người ban cho. 

Tôi nào có bị bỏ quên trong cô đơn lẻ loi. Hàng ngày ngoài những ân cần chào hỏi của mọi người trong nhà thương, tôi còn được người thân và bạn bè thường xuyên vào thăm và săn sóc. Họ mang vào cho tôi nhiều quà bánh thức ăn và lòng yêu thương trìu mến. Những cái nắm tay vuốt ve, những lời an ủi làm cho tôi cảm động. Họ phải lặn lội xa xôi đến thăm tôi, phải bỏ ngang những công việc và sinh hoạt hàng ngày của họ, tốn thì giờ và công của để đến với tôi và cầu mong cho tôi mau chóng bình phục. Tôi cảm thấy tôi nằm đấy thì đã yên, phần chịu vất vả là họ. Tôi nghĩ nhỡ vì đi thăm tôi mà họ bị xảy ra chuyện gì, chắc tôi sẽ ân hận vô cùng.

Nhưng khi màn đêm buông xuống, khi từ hệ thống loa vang lên lời báo đã đến giờ bệnh viện cần sự yên lặng, khi người khách thăm viếng cuối cùng từ giã ra về, tôi cũng không khỏi có cảm giác lẻ loi. Tôi nhớ nhà. Nhà thương có là cung vàng điện ngọc thì cũng là chỗ công cộng. Căn nhà nhỏ nhắn của vợ chồng tôi vẫn là mái ấm của riêng mình. Ai cũng muốn được trút hơi thở cuối cùng trên giường ngủ ở nhà trước sự hiện diện đông đủ của người thân. Ước nguyện bình thường nhưng có khi khó thực hiện.

Nằm nhà thương ở một nước tân tiến, bệnh nhân được chăm sóc tận tình, chuyện tiền bạc tính sau. Nhà thương không hề kiếm chuyện đuổi khéo bệnh nhân nghèo, từ chối việc chữa trị hoặc đối xử tệ bạc thiếu nhân cách. Tôi nghĩ mình quá may mắn khi so sánh với tình trạng mẹ tôi nằm bệnh viện ở quê nhà. Bà vừa mất ở quê nhà năm trước vì bịnh tiểu đường khi bệnh viện bó tay và cho bà về nhà để họ đỡ gánh lo trách nhiệm. Tuy nằm bệnh viện, mẹ tôi được chăm nuôi bởi thân nhân con cháu túc trực ngày đêm vì nhân viên nhà thương hầu như chẳng lo được việc gì ngoài sự chẩn bệnh và thử nghiệm có tính tiền. Tệ hại nhất phải nói đến thái độ đối xử của nhiều nhân viên đối với bệnh nhân. Vì lẽ đó, bà cũng chẳng màng nằm lại bệnh viện làm gì, thà về nhà nằm chết trong căn nhà thân yêu quen thuộc.

Đúng là tôi may mắn. Mấy ngày cuối tuần, thân nhân của tôi gồm vợ, con gái, thằng rể và hai đứa cháu ngoại vào thăm. Ngày thường thì có mấy người bạn của tôi. Họ về hưu non, nghề tự do hoặc làm việc tại gia nên vào thăm cho tôi vui. Có những người thân hoặc bạn bè bận đi làm ban ngày thì vào thăm tôi sau giờ làm việc. Thường thì ai vào thăm cũng mang cho tôi một ít thức ăn, sách báo đọc giải trí, món quà nho nhỏ. 

Ngoài ra, tôi nhận được rất nhiều cú điện thoại gọi vào hỏi thăm, từ gần đến xa cả đại dương. Cái điện thoại cầm tay tôi luôn để sát bên mình, vừa nghe chuông reo là tôi bắt lên nghe ngay. Đang lúc cô đơn nên tôi không ngại đối đáp, chịu khó lắng nghe và cũng thều thào nói lên vài điều tâm sự, tuy đang cảm thấy mệt.

Tôi là thành viên của một diễn đàn nọ, nhờ đó mà tôi có cơ hội làm quen thêm nhiều người bạn tốt mặc dù tôi và họ chưa hề gặp mặt nhau bao giờ. Ấy vậy mà họ từ Đức, Pháp, Mỹ gọi điện thoại thăm hỏi khiến tôi xúc động và khóc, nước mắt chảy ròng ròng làm tôi nghẹn lời làm cho bạn phương xa cũng đâm ra ái ngại. Tôi tự hỏi tại sao người ta lại có thể thân nhau như thể đã quen nhau tự bao giờ mặc dù chưa hề gặp nhau. 

Tôi có ngờ đâu mỗi phút điện đàm đều bị tính tiền dù là gọi ra hay gọi vào. Đến khi tôi đã về nhà và nhận hóa đơn hàng tháng, thấy số tiền bốn trăm mấy chục đô, tôi suýt bật ngửa và cảm thấy bệnh thêm. 

Cả tháng trời không mở hộp điện thư, đến khi về nhà rồi tôi cũng chưa đủ sức để ngồi trước máy điện toán. Tôi nhờ vợ và đứa cháu nội mở máy lên để thanh toán một mớ hóa đơn chi tiêu. Sẵn dịp, tôi nhờ họ xem hộp điện thư đã có bao nhiêu bức thư chưa đọc; họ bảo đã hơn một ngàn bảy trăm cái, tôi nghe xong lại mệt thêm. Đến khi tôi đủ sức để ngồi trước máy, tôi gõ bàn phím một cách vất vả vì những ngón tay của tôi dường như giờ đây không còn theo đúng sự điều khiển của tôi nữa. Sự tổn thương hệ thống thần kinh đã làm cho tứ chi của tôi trở nên lóng cóng lọng cọng. Tay thì cầm nắm vật gì cũng không đúng vị trí chính xác; chân thì có lúc như lỏng lẻo không còn dính vào châu thân. 

Trước lúc rời nhà thương để về nhà, tôi có lo âu hỏi bác sĩ là bao lâu thì tôi hoàn toàn hồi phục, bác sĩ nói không thể biết chắc, có thể là vài tháng hoặc lâu hơn. Đã hơn hai tháng qua rồi kể từ ngày về nhà, tôi vẫn còn phải nương tựa vào chiếc xe lăn rollator để đi lại trong nhà. Chiếc BMW màu đen mới toanh này do chuyên viên phục hồi đến nhà tôi, hướng dẫn các biện pháp an toàn và giúp tôi mua với sự tài trợ của chính phủ. 

Nằm nhà thương, chắc chi buồn nhưng vẫn không thể bằng căn nhà êm ấm!

CA