Menu Close

Vu lan ở Sài Gòn

Để cúng cô hồn, người không thờ Phật, chỉ thờ ông bà, gọi nôm na là “theo đạo ông bà” có thể chọn bất kỳ ngày nào, từ sau rằm Tháng Bảy âm lịch đến cuối Tháng Bảy, miễn là thuận tiện.

alt

Trên sân chùa Vĩnh Nghiêm – hạnh phúc biết bao khi được cài hoa đỏ

Lễ cúng diễn ra tại nhà, thường là vào buổi chiều, buổi tối. Trong mâm cúng để trên bàn thấp (tốt nhất là để dưới đất, ngoài sân), ngoài trái cây, bánh kẹo, thì nhất thiết phải có vàng bạc giấy, quần áo giấy. Người ta tin một năm, ngoài ngày Giỗ, ngày Tết, thì Tháng Bảy, “bưu điện” âm ty cho phép được thăm nuôi, gửi tiền, gửi đồ ăn thức dùng cho người nhà, cả gửi đồ cứu trợ cho thập loại cô hồn. Một bạn ngoài Bắc vừa cho biết, ngoài các mẫu mã truyền thống, năm nay các “lò” tranh Đông Hồ sản xuất xe hơi, máy giặt, nồi cơm điện, tivi, tủ lạnh “nghi ngút”. Các mặt hàng này tuy bằng giấy nhưng màu mè, kích cỡ, chi tiết y như thực. Đường làng Đông Hồ chỗ nào cũng thấy phơi giấy màu, chẻ tre, uốn khung. Khách đi “chợ âm phủ” xem mẫu mã, hỏi giá, chất hàng, đông vui tấp nập.

Dân Sài Gòn, không “máu” cúng “đồ mã mô- đen” như dân Bắc mà đơn giản, nhậm lẹ hơn. Bà Tý, chủ sạp đèn nhang chợ Bà Chiểu cho biết, xu thế bây giờ thì khách đa số là nữ trẻ, bận rộn và không rành cúng bái. Họ tấp xe vào, mua một bịch “đủ thứ” rồi lẹ làng vù đi. “Đủ thứ” là một xấp vàng bạc quần áo thêm thẻ nhang, cái hộp quẹt ga, cặp đèn ly (đèn cầy “đổ lệ” truyền thống vừa dễ tắt vừa dơ, không được ưa chuộng bằng loại thạch đổ trong ly), tổng cộng bảy tám chục ngàn đồng. Ngồi bên cạnh hàng đèn nhang là dãy hàng hoa tươi, hàng mía, cóc ổi, khoai lang, đậu phụng, bánh cúng. Bông cúc vàng bó sẵn. Mía róc, chặt khúc, cột sẵn. Bánh vô bịch. Cóc ổi, khoai lang luộc bán ký lô. Đậu phụng luộc bán lon. Người mua không lựa chọn, trả giá, cứ “nhất dương chỉ” lia lịa. Người bán theo đó tính tiền. Mua bán chóng vánh chừng ba phút là xong. “Kịch bản” cúng cô hồn ở chợ, ở chỗ làm, cũng tương tự cúng ở nhà nhưng “hoành tráng” hơn. Hèn gì cũng có con heo quay, có đốt vàng mã tưng bừng. Ở vài địa phương vùng sông biển thì lễ cúng cô hồn biến thành lễ vớt vong. Lễ đài cúng cô hồn thường dựng gần sông biển, hay quay mặt ra sông biển, do nhà Chùa tổ chức. Chủ đàn dâng hương hoa, thỉnh Phật, thỉnh long thần hộ pháp, thỉnh oan hồn uổng tử. Đạo tràng cùng dân địa phương trì tụng cầu siêu, dâng bánh trái, đốt vàng bạc. Sau đó, tiến hành lễ vớt vong. Người tham dự thả hoa đăng xuống sông (soi đường cho vong hồn) rồi về chùa. Trên đường đi tiếp tục tụng kinh, cầm đèn nến trên tay. Mâm cúng cô hồn của người Việt đánh cá trên Biển Hồ, tuy không có giấy tiền vàng bạc bằng tiếng Việt, nhưng cũng đủ đầy chè cháo, kẹo bánh. Bên trên là cúng cô hồn ở nhà, nói chung. Còn cúng cô hồn ở chùa thì nhiều nghi thức hơn, tốn kém hơn bù lại có vẻ ý nghĩa hơn, “được phước” hơn. Thông thường, từ sau lễ Phật Đản (Rằm Tháng Tư) các chùa lớn mở đợt an cư kiết hạ ba tháng. Trong thời gian đó, các tăng ni tập trung lễ lạy sám hối, quán tưởng, thiền định, việc giao tiếp với bên ngoài rất hạn chế. Trai giới trang nghiêm, miên mật vậy, đến rằm Tháng Bảy mới đủ đạo hạnh cần thiết đứng ra tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, lập trai đàn chẩn tế thập loại chúng sinh. Các chùa tỉnh hội, thành hội Phật giáo phân mỗi chùa tổ chức một hoặc hai ngày khác nhau.

alt

Mâm cúng cô hồn ở Sài Gòn

alt

đồ điện tử cho người cõi âm, sản xuất tại làng Đông Hồ – Bắc Ninh

Trong lễ Vu Lan, Phật tử cúng dường Y (áo) cho chư tăng ni (mỗi phần một bộ quần áo, khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, ly uống nước…), tụng kinh báo hiếu (đôi khi có thêm phần giảng Pháp của các đại sư), chúc thọ cha mẹ, cài hoa hồng lên áo nhau (lúc đầu chỉ hai mầu trắng đỏ. Mất mẹ thì hoa trắng, còn mẹ là hoa đỏ. Sau có chùa đặt ra ba mầu. Hoa trắng: mất hết cha mẹ. Hoa đỏ- còn mẹ. Hoa hồng- còn cha). Tiết mục được chờ đợi nhiều nhất trong buổi lễ, đối với người nghèo và trẻ em ham vui, ngoài việc coi văn nghệ “bông hồng cài áo”, “ơn nghĩa sinh thành”, còn là tham gia xô đẩy tranh cướp đồ cúng cô hồn một cách quyết liệt. Tuy “chiến lợi phẩm” ít khi còn nguyên lành nhưng tụi “cô hồn sống” choai choai vẫn hãnh diện cởi áo bọc thành từng đùm. Tý Lò Mì, “chuyên gia” cướp cô hồn vùng Nhiêu Lộc, Thị Nghè cho biết, nguyên Tháng Bảy, chùa nào, chợ nào, công ty nào có cúng lớn, là “tin tặc” a lô đầy đủ hết. Lái xe đi cướp cả bầy, vừa no bụng vừa zui zẻ.

Trong khi lễ cúng cô hồn mới vào mùa được vài bữa, trời đất Sài Gòn đang mưa gió hắt hiu, mây thu lạnh lẽo, gợi không khí phù hợp cho những giao cảm âm dương.

alt

Đồ cúng cô hồn Sài Gòn. Thứ gì cũng đóng gói, vô bao, bó sẵn, rất tiện lợi

XH