Vợ chồng Tường đã về lại Denver cả tháng nay, nhưng mỗi lần ra vườn chạm phải những chùm nắng lung linh trên sân gỗ, hoặc thấy đàn vịt lạch bạch chạy đến kiếm ăn, tôi lại nhớ câu chuyện…
Tường là bạn thời đại học Khoa Học của tôi, chúng tôi hợp nhau trong việc cãi cọ. Vấn đề gì cũng phải nói qua nói lại, và kết thúc là mỗi người bảo lưu ý kiến của mình.
Mấy tháng trước, Tường viết email bảo có việc phải đi Cali vào Tháng Bảy, và nhăm nhe sẽ ghé thăm tôi, tôi cũng nhắn rằng: “nếu có thăm tôi, ông nhớ cất cái ‘máy cãi’ ở nhà, kẻo bị bỏ đói đấy!”
Sau đó Tường im hơi lặng tiếng, cũng chẳng nhắc nhở gì đến việc đi Cali, bỗng một buổi sáng Thứ Bảy, tôi vừa dọn dẹp nhà cửa xong, mệt nhoài, định uống thêm ly café, lấy sức thanh toán cho xong mớ quần áo cần giặt, thì điện thoại reng.
Thật bất ngờ, giọng Tường ở đầu dây:
– Hello, hello! Bạn thân của bà đang đợi ở phi trường đây. Đến đón nhé!
Tôi giật mình:
– Hả? sao không báo trước vậy?
Giọng Tường hí hửng:
– Thì bây giờ báo đây, mau mau đến đón bạn hiền nhé. Bạn hiền chờ đấy!
Nói xong hắn ta cúp điện thoại.
Tôi gọi lại và quát to:
– Này, đón lần này là lần đầu và cũng là lần cuối nhé. Hãng máy bay nào? Mấy người?
Tường cười giọng đắc thắng:
– Bạn bà đi hãng Southwest Airline, vợ chồng nó đứng ngay ở lề đường, bà chỉ cần chạy tới, sớt ngang là xong. Chồng mặc áo pull màu xanh, vợ mặc áo đầm đỏ.
Tuy hơi bực mình, nhưng tôi cũng thay vội quần áo phóng xe đến phi trường.
Ngày cuối tuần, vắng xe, nên không đầy 30 phút tôi đã có mặt trước cổng hãng máy bay Southwest Airline. Tôi cho xe chạy chầm chậm sát lề và liếc nhìn nhóm hành khách đang đứng ngóng người nhà trên lề đường. Một người mặc áo pull màu xanh đột nhiên động đậy, rồi nhảy cẫng lên, vẫy tay rối rít. Người đứng kế bên, mặc váy đỏ choét, nhấp nhô cúi xuống, ngẩng lên loay hoay với các túi hành lý.
Tôi đậu xe trước hai sinh vật nhốn nháo ấy, hạ cửa kính xuống nói vọng ra:
– Ông Tường chất hành lý vào cốp xe, còn bà Thu lên xe đi.
Tôi liếc nhìn Tường qua kính chiếu hậu. Tường có vẻ xuống sắc so với hai năm trước. Hai gò má nhô cao, mắt hơi trũng sâu. Hình như hắn ta nhuộm tóc, màu nâu nhàn nhạt càng khiến lộ rõ nét bạc nhược. Màu áo xanh nước biển, càng khiến da hắn sạm lại, tôi hỏi Thu: “Bà Thu, ông Tường có đau ốm gì không, sao có vẻ bơ phờ tím tái như thịt chợ chiều vậy?” Tường bật cười hô hố, át cả tiếng của Thu:
– Hôm nọ chẳng biết ăn nhậu ở đâu, bị đi kiết một tuần lễ. Kiết vừa dứt, chưa hoàn hồn, tự nhiên đùng đùng đòi mua vé sang Cali. Mình phải xin nghỉ để đi với lão, nhỡ giữa đường có mệnh hệ gì, thì còn khiêng về.
Tường vừa cười vừa tiếp lời:
– Ấy, việc đi Cali người ta đã lên kế hoạch từ lâu rồi, còn chuyện “thằng Kiết” đến thăm chỉ là bất ngờ thôi. Nhưng bà biết không, tôi bị “thằng Kiết” đuổi đến ngày thứ ba thì liệt giường liệt chiếu, có người ôm tôi khóc mùi mẫn: anh ơi anh có sao không? Gớm!
thương quá, và sến không chịu được!
Nói xong Tường cười to, thích thú.
Thu quay ngoắt lại phía sau, nhìn Tường:
– Đã thế thì từ nay đừng hòng!
Tôi cũng chêm vào:
– Lần sau bà đừng khổ thân lo lắng làm gì, thân ai nấy lo. Còn ông Tường, tôi thấy ông xài chữ “sến” hơi nhiều, cái này sến, cái kia sến, vậy sến tốt hay xấu vậy?
Tường chồm ra phía trước, dang hai tay ôm lưng ghế của tôi và Thu, giọng phấn chấn:
– Không ngờ lại có đề tài thảo luận cho hôm nay: Sến! thế nào là sến? sến tốt hay xấu? Hai bạn thân thiết của tôi đã từng… sến chưa? Cảm giác của bạn thế nào khi bạn…sến? Ha ha, cũng xin nói ngay là cái xương sườn của tôi…. sến thường trực đấy nhé!
Tôi bấm nút hạ kính hai cửa sổ phía sau, và cho xe chạy nhanh hơn, Tường la oái oái:
– Cho kính lên hộ bà ơi, gió tạt vào mặt khó chịu quá!
Tôi tảng lờ như không nghe, nhấn thêm ga, tiếng gió thổi vào hàng ghế sau nghe phần phật.
Về đến nhà, vừa cho xe vào garage, chưa kịp tắt máy, Tường mở cửa nhảy vội ra ngoài, vừa vuốt tóc vừa càu nhàu:
– Chạy gì mà như ăn cướp, may mà toàn mạng về đến nhà.
Thu cười cười:
– Có thế mới tắt được cái đài.
Tôi mở cốp xe cho Tường lấy hành lý và nói:
– Ông bà đem hành lý vào nhà, tôi nấu nước pha café.
Nắng lên cao, nhưng sân trước nhà vẫn râm mát vì ở hướng Tây. Chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn gỗ, mỗi đứa một ly café, Thu nheo mắt, hít hà:
– Ngọc Lan nở thơm lừng, được ngồi uống café, ngửi hoa thơm…lãng mạn ghê!
Tôi đập nhẹ vai Thu:
– Ông bà cho tôi biết sẽ ở đây bao lâu, chương trình ra sao để tôi tính, còn nhiều vụ lãng mạn hơn nhiều.
Tường nói:
– Tụi tôi sẽ ở chơi với bà hai ngày, sau đó sẽ đáp xe đò Hoàng xuống Nam cali.
– Được rồi, thế thì bây giờ mình nhâm nhi café cho tỉnh táo, rồi đi xem cá, xem vịt. Sau đó ăn trưa ở Jack Urban, về nhà nghỉ ngơi, và ăn tối ở Boudin hay Mimi Café. Tối sẽ trà đàm tới khi nào gục ngã, và ngày mai mình tính tiếp.
Mắt Thu sáng lên:
– Xem cá, xem vịt, ở đâu?
Tôi đứng lên, hãnh diện chỉ tay xuống hồ trước nhà:
– Ngay đây, người bạn rất thơ ngây thương mến của tôi.
Tường giơ hai tay lên trời, lắc đầu dáng điệu ảo não:
– Nhiều sến quá!
Thu nhìn Tường, nhìn tôi, rồi cao giọng:
– Tôi nghĩ cần phải mổ cục sến của lão Tường ngay bây giờ xem nó là cái gì? Lão ấy lậm rồi.
Tôi cũng nhìn Tường thách thức:
– Đúng vậy, bạn trả lời đi!
Tường cầm ly café, dựa hẳn vào ghế, nhìn tôi và Thu cười cầu tài:
– Trên internet có nhiều người viết về sến rồi, họ giải thích cặn kẽ, tôi đánh cược là hai bà cũng đã đọc rất kỹ rồi, bây giờ tôi nói thì cũng bằng thừa.
Thu chồm lên:
– Tôi muốn nghe từ miệng của ông, xem cái… sến của ông nó thế nào, mặt ngang mũi dọc ra sao mà lúc nào cũng sẵn sàng tương… sến vào mặt người khác.
Tường nhìn Thu ánh mắt vừa giễu cợt, vừa dịu dàng:
– Với anh, sến là tốt, là đẹp, là dễ thương, là …đủ thứ cả.
Tường xoay xoay ly café, nói tiếp:
– Hồi còn trẻ, nghe bạn bè nói mấy tuồng cải lương là sến, là nhà quê, là không văn minh, sang trọng. Tôi cũng a dua, ừ, cải lương sến thiệt. Nhưng khi qua tới bên này, thời gian đầu chưa có việc làm, tôi thường ghé thăm bà già vợ, và ngồi coi cải lương với cụ, vì ban ngày con cháu đi làm, bà ở nhà một mình, buồn nên coi cải lương. Coi những tuồng cải lương trước năm 75 được sang lại vào DVD, tôi thấy nao nao trước hoàn cảnh éo le của những nhân vật trong các vở tuồng. Tôi bỗng nhớ những ngày tôi bị tù cải tạo, bà xã ráng buôn bán kiếm tiền, lặn lội đi thăm nuôi, chỉ nhìn thấy nhau đã thấy rưng rức trong tim rồi. Nên khi nghe những lời ca chia cách theo điệu Lý Con Sáo, điệu Nam Ai, trong các vở tuồng cải lương, tôi thấy được mình ở trong đó. Tôi nghĩ, ủa té ra sến là như vầy sao? Nếu vậy, tôi thiệt tình thích sến.
Tân nhạc cũng vậy, hồi đó tôi là lính tác chiến, ở tiền đồn nhiều hơn ở nhà, nên mấy bản nhạc về lính, tôi thuộc không sót bản nào. Bà biết lúc xa nhà, đêm hôm khuya khoắt, mà nhằm những ngày lễ như Tết, Trung Thu, Giáng Sinh… mấy thằng trẻ nhớ đào, chứ mấy đứa nặng nợ như tôi, thì không những nhớ vợ con mà còn nhớ lây tới ông bà già, đám em nữa. Nhờ có mấy bản nhạc như Những Đóm Mắt Hoả Châu, Chúng Mình Ba Đứa, Xuân Này Con Không Về, Trăng Tàn Trên Hè Phố, Đêm Cô Đơn… ủng hộ tinh thần chứ không thì cũng gay lắm. Vậy mà những bản nhạc Bolero tràn đầy tình cảm này bị gọi là nhạc sến. Tôi đâu ngờ mình đã lậm điệu Bolero với mấy bài ca sến này vô tới trong máu, trong tim. Có nghĩa là tôi “Sến” từ trong ra ngoài từ ngoài và trong.
Tới thời trang, cũng có thời trang sến nữa. Tôi nhớ hồi mới có việc làm, lãnh lương lần đầu tiên, tôi lặn lội vào tiệm quần áo mua cho bà xã cái áo kiểu nhân dịp sinh nhật của bả. Vì là quà từ tiền lương đầu tiên, nên bà xã tôi cảm động và quý lắm, bả đem khoe mấy bà bạn. Mấy bả bĩu môi: “Úy trời, sến quá, thời này đâu có ai mặc ba cái rua rua nữa. Mấy kiểu này hồi còn ở trong nước, chỉ dành cho mấy đào cải lương thôi!” Bà xã tôi nói tỉnh queo: “Ừa, tui sến, nên ưa đồ sến!” Tôi vịn vào câu đó của bả, nên khen bả… sến hoài là vậy.
Thu cắt ngang:
– Ờ, hồi đó mình cũng nói: chọn kiểu quần áo là ý thích của mỗi người, sao lại nói người ta là sến?! Sau đó, đi đâu mình cũng mặc cái áo ông Tường mua, riết rồi hết nói luôn.
Tường gật đầu nói tiếp:
– Xã hội nào cũng có những thị hiếu nghệ thuật khác nhau. Xã hội miền Nam trước năm 75, giới lao động chiếm đa số; họ vừa đóng góp công sức xây dựng xã hội, vừa vun bồi văn hoá nghệ thuật bằng những tuồng cải lương, nhạc cung đình, cổ nhạc ba miền, hoặc tân nhạc mang nặng âm hưởng tâm tình của người miền Nam. Người dân được tự do thưởng lãm mọi khuynh hướng nghệ thuật trong trạng thái thoải mái, tự nhiên, và Sến ra đời như một cái tên đặc biệt và độc đáo dành cho thị hiếu nghệ thuật bình dân. Nên khi thấy một số nam nữ ca sĩ tân nhạc, cổ nhạc ngày nay bị chê là trang phục sến, hoặc cách trình diễn sến, hay chọn nhạc sến. Tôi cho rằng Sến đang là yếu tố di truyền trong nghệ thuật của giới bình dân hôm nay.
Đây là một kết quả đẹp đẽ của miền Nam trước năm 75 còn lưu lại.
Lợi dụng lúc Tường ngừng nói, tôi đứng dậy:
– Thôi, tạm ngừng, đi ăn đã.
Thu cũng đồng tình:
– Sáng nay dậy sớm, chạy ra phi trường, bây giờ buồn ngủ quá. Mình chỉ xin quả táo là đủ rồi.
Tôi cũng lây cái lười của hai vợ chồng Tường:
– Thôi thế mình nướng bánh mì ăn với paté vậy.
Tôi bưng khay thức ăn ra sân, Thu nói:
– Mình vừa bàn với ông Tường rồi, ăn xong ông ấy cứ nói tiếp về sến để chúng mình cho sến vào giấc ngủ. Gớm! nói tràng giang đại hải, toàn sến là sến, mắt mình cứ ríu lại.
Tường cười, đưa tay đỡ khay thức ăn:
– Thế là nhập tâm đấy, sến nương ạ.
Đàn vịt bắt đầu lội xuống hồ, đàn cá Koy quẫy đạp làm tung tóe nước. Nắng đã lên cao, lung linh, gió mơn man… Trời! sến thiệt! Chẳng lẽ đã nhập tâm!?
PDH – 8/13