Kinh xáng Bốn Tổng
ngày… tháng… năm…
Kính thăm anh Chị Hai An Phú, và vợ chồng cô Út Châu Phong,
Trời thần ơi, anh chị bạn của anh chị Hai ở Úc, rồi cháu gái, con anh chị, nghĩ vậy cũng phải anh chị Hai à. Vì Hai Trầu dù ở đâu chăng nữa nhưng hồn cứ ở chốn kinh cùng nước cạn này. Nói gì các anh chị, các cháu xa quê thì nghĩ vậy; còn thầy Cao Thoại Châu và ông Đặng Văn Mừng ở Sài Gòn cũng mời Hai Trầu hôm nào lên Sài Gòn ghé lại Long An và Bình Thạnh (Sài Gòn) thăm chơi hai vị này luôn thể.
Thôi lỡ rồi anh chị Hai, mình lỡ xuống kinh xáng rồi thì cứ ở kinh xáng Bốn Tổng hoài, vậy mà vui quá mạng! Phải hông anh chị Hai ?

Hồn vẫn ở hoài nơi vùng Kinh Xáng cũ
Về ba cái vụ “Sư Tử” và “Ông tha, Bà hổng tha”, em út nghe nói hoài nhưng rồi bận bịu ba cái vụ lúa rẫy tối ngày nên hổng để ý. Tới chừng cô Út Châu Phong hỏi thì mình mới bật ngửa. Thôi thì nói luôn ra như vầy: “Tục truyền đêm thất tịch (mồng bảy Tháng Bảy âm lịch) là đêm quạ đội cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau, thế nào cũng có mưa; vì cho dù Ngưu Lang không khóc thì Chức Nữ thế nào cũng khóc; mà hễ họ khóc là nước mắt rơi xuống thành mưa (tục gọi là mưa ngâu). Cho nên dân tình mình mới truyền nhau là vào đêm thất tịch thì “ ông tha, bà hổng tha” là vậy.(*)
Còn cái vụ “mồng ba tháng mười”, tui hổng rành trong sách vở nói gì anh chị Hai và cô Út à. Nhưng qua kinh nghiệm làm ruộng, thì vùng kinh xáng Bốn Tổng và khắp vùng Thất Sơn Châu Đốc, nói chung, là ngày 25 tháng 9 âm lịch là nước phân đồng, rồi bắt đầu nước rút, nên gọi là nước giựt. Nhưng nước giựt thì giựt vậy thôi, cho tới đầu tháng mười, khoảng mùng ba tới rằm tháng mười âm lịch thế nào cũng có một trận mưa chướng ngập đồng và nước đang giựt xuống ào ào, bỗng nhiên mưa đổ như trút nước và nước lại nhóng trở lại. Nên dân quê làm ruộng luôn để phòng ngừa “mùng ba tháng mười” như cái lệ hằng năm là vậy. Và sau này làm lúa Thần Nông, để cho chắc ăn là khi mình xuống giống, lúa hổng bị mưa làm hư hại, người ta chờ qua “mùng ba tháng mười” mới sạ lúa “ Đông Xuân”, là hợp lẽ Trời Đất, nên lúa hổng có bị hư hao vì mưa bão cuối mùa .
Thưa anh chị Hai,
Nhơn nhắc ba cái vụ lúa, tui mới nhớ hồi đời xưa vùng Mặc Cần Dưng có nhiều giống lúa lắm anh chị. Nhưng mấy giống chính thì thường thường tía má tui và mấy cậu tui hay làm là lúa đuôi trâu, lúa thâm đưng, lúa tàu binh và lúa nàng tây là thịnh nhứt. Mấy giống này nhiều bông, nặng hột mà ít bị tim nên ở nhà ưa mần mấy giống lúa này là vậy. Nhưng lâu lâu tui có mở lại mấy trang sách xưa thì thấy hồi đời ông Lê Quý Đôn biên sách Vân Đài Loại Ngữ, một loại bút ký mà mang tính cách bách khoa toàn thư, riêng mục nói về lúa, tui thấy từ hồi đời xưa thiệt là xưa mà đã có tới gần 200 giống lúa và nếp khác nhau; rồi tới đời hai ông Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ làm tự điển, thì lúa và nếp cũng trên dưới 70 giống lúa khác nhau. Ngày nay lúa mùa thì chỉ còn người già như tui với anh chị Hai và vợ chồng cô Út còn nhớ chút đỉnh, còn kỳ dư, sắp nhỏ sau này, cỡ mấy cháu con anh chị, con tui là tụi nó chỉ biết lúa thần nông ngắn ngày thôi anh chị Hai à. Mà thiệt tình ra, nói sắp nhỏ biết là biết cái mặt ruộng, mặt lúa vậy thôi, chứ các giống lúa thì ôi thôi lai tạo dữ lắm nghe anh chị Hai và cô dượng Út. Có đến hằng mấy trăm giống chứ hổng phải ít ỏi gì. Vì cách nay vài chục năm, lúc tui còn lội ruộng dọn rong, dọn cỏ mà còn tới mấy chục giống lúa ngắn ngày rồi, nói gì bây giờ thời trời thay đổi dữ lắm nên lúa giống cũng phải theo các vụ mùa mà biến đổi cho hợp với thời tiết sớm nắng chiều mưa là vậy. Để hôm nào rảnh rảnh, tui ngồi kể lại anh chị Hai nghe chơi cho tuổi già đỡ buồn.

Một giống lúa ngắn ngày, năng suất cao
Thưa anh chị và vợ chồng cô Út,
Giờ xin nói qua cái thơ của cô Út Châu Phong mà tui vừa mới nhận được có nhắc qua cái vụ thơ ca. Số là thơ của anh Hoa Văn, có bận tui có đọc vài ba bài, rồi nổi hứng tui cũng có bàn qua vài ý kiến rồi. Nay hay tin anh ấy lại có thơ mới làm và ra mắt cùng mọi người, thì tui hổng biết nói gì hơn là kính lời chúc mừng cùng anh chị Hoa Văn vậy. Anh chị Hoa Văn, được biết tuổi đời khá cao mà vợ chồng hoà thuận đầu ấp tay gối tới giờ coi vậy mà cũng đã hơn năm sáu mươi năm rồi chứ ít ỏi gì. Người đời, vợ chồng sống qua cái ngày cưới năm mươi năm là hiếm, vậy mà anh chị Hoa Văn đã vượt qua con số năm mươi năm này cách nay cũng vào khoảng năm mười năm, lại còn quý hiếm thêm. Trong thơ cô Út gởi, tui thấy hình anh chị Hoa Văn còn khoẻ mạnh lắm. Nên tui xin chúc mừng anh chị Hoa Văn. Rồi tui lại nhớ anh chị Hai hồi tháng tư vừa rồi cũng đi Hà Tiên chơi để nhớ lại 49 năm ngày cưới nhau; vậy là năm tới anh chị Hai cũng lên hàng năm mươi năm ngày cưới rồi. Ý tui muốn nói là anh chị lại sắp có cái quý hiếm mà ở đời hổng phải ai muốn có là có nhe anh chị Hai. Cô dượng Út thì mấy chục năm tui hổng biết, chứ vợ chồng tui mới có 43 năm hà, nên còn lâu mới mò tới con số 50 năm như anh chị Hai mò gần tới rồi. Thiệt là mừng và vui cho anh chị Hai nhe !
Riêng trong thơ, Cô Út Châu Phong có nhắc anh hai Lâm Chương bịnh mà bác sĩ chụp hình ghi lộn, vậy mà ảnh sụt hơn 5 ký. Gặp tui ốm ốm chắc sụt còn dữ nữa. Nói gì thì nói, nay biết anh bị bác sĩ ghi lộn bịnh, vậy là tui mừng dữ lắm. Người chết hụt thường sống dai. Tui xin chúc anh hai Chương sống dai để kể chuyện “lên rừng thăm bạn”, chuyện “thương nhớ miền thượng du”, chuyện “nuôi heo ba bốn tháng đúng ký”, chuyện cất chòi làm ruộng, chuyện Nha Trang năm xưa và nhiều chuyện nữa, mà chuyện nào anh kể cũng nghe mà mê luôn, hổng muốn dìa. Dù biết tin anh Hai Chương nghỉ uống rượu, tui lại buồn, nhưng lại vui là vì anh bỏ rượu thì bỏ ho, bỏ bịnh, vậy là anh còn mạnh khoẻ sau khi chết hụt. Thế là tui sẽ có dịp rủ anh Hai An Phú, vợ chồng cô Út Châu Phong lên Gò Dầu Hạ gặp anh dài dài. Anh nhớ dẫn tui thăm trại ruộng của anh luôn thể nhe anh Hai Chương.
Thưa anh chị Hai và vợ chồng cô Út,
Đêm cũng đã khuya, mà thơ viết cũng bộn rồi, ngày mai tui lại bận đi đám giỗ, nên xin phép anh chị và cô dượng Út cho tui dừng lại đây và hẹn thơ sau viết tiếp ba cái vụ lúa thóc mùa Đông Xuân này với vật giá leo thang quá mạng. Chúc sức khoe anh chị và vợ chồng cô Út cùng sắp nhỏ luôn mạnh giỏi.
Nay thư,
Phụ chú:
(*) Theo “Việt Nam Tự Điển” của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, quyển Hạ, Phần II, Phụ Lục :TỤC NGỮ, THÀNH NGỮ, ĐIỂN TÍCH, nhà Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1970, trang 275.