Menu Close

Mức nợ nần tối đa & cuộc chiến tài chánh sắp tới

Đầu tuần trước, Bộ Trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ Jacob J. Lew cảnh báo ngân khố quốc gia chỉ đủ để trang trải đến giữa Tháng Mười tới đây. Bộ Trưởng Lew thỉnh cầu Quốc Hội Hoa Kỳ nâng mức nợ tối đa (“Debt Ceiling” – nghĩa đen “nợ trần”), để tránh rủi ro chánh phủ liên bang không đủ tài chánh trả nợ và thiếu hụt chi phí điều hành quốc gia.

alt

Thống Đốc Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Ben Bernanke.

Theo các tính toán mới nhất, khoản nợ quốc gia tối đa sẽ chạm mức $16,700 tỉ trong dưới 6 tuần lễ. Thời điểm khó khăn đến sớm hơn các dự trù trước đây. Thế là một lần nữa, chánh trường Hoa Kỳ tái sôi động với những cuộc tranh cãi nảy lửa về số tiền nợ tối đa mà chánh phủ có thể xin. Trong cuộc xung đột lần này, phe hành pháp của Tổng Thống Obama (đảng Dân Chủ) có một đồng minh nặng ký là Thống Đốc Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve) Ben Bernanke. Ngược lại, phe đối lập là đảng Cộng Hoà sẽ tiếp tục thúc đẩy điều kiện liên bang phải cắt giảm tiêu xài để đổi lấy thẩm quyền được mượn nợ nhiều hơn.

Ngược dòng lịch sử, đến trước năm 1917, ngành lập pháp (bao gồm lưỡng viện: Thượng và Hạ Viện) nắm toàn quyền trên việc Hoa Kỳ đi vay, và cân nhắc quyết định từng khoản nợ lớn hay nhỏ. Mãi đến khi Hoa Kỳ dấn thân vào cuộc Đệ Nhất Thế Chiến, để hành pháp và giới nhà binh được thuận lợi, hoạt động hữu hiệu trong thời chiến, Quốc Hội mới đặt để một khái niệm mới gọi là “Mức Nợ Tối Đa” (Debt Ceiling). Kể từ đó, Bộ Ngân Khố, dưới sự chỉ định của Toà Bạch Ốc, được toàn quyền vay mượn bất cứ món tiền nào, cho bất cứ mục đích nào, miễn sao tổng số tiền nợ quốc gia không vượt ngưỡng “Debt Ceiling” do các nhà lập pháp xác lập. Mỗi lần đặt để một “Mức Nợ Tối Đa” mới, Quốc Hội phải bỏ phiếu thông qua một dự luật tài chánh, rồi trình Tổng thống chuẩn thuận thành đạo luật tài chánh quốc gia. Đây là cách ngành lập pháp kiểm soát túi tiền của Bộ Ngân Khố thuộc quyền hành pháp. Một cách lý tưởng, ràng buộc pháp lý này kềm chế chánh phủ chi tiêu quá trớn. Đây cũng là cách chế tài, giữ sổ nợ quốc gia khỏi rơi vào vòng vô phương kiểm soát, bảo đảm bên hành pháp chỉ có thể tiêu xài nếu ngân khố Hoa Kỳ có đủ tiền.

alt

Bộ Trưởng Ngân Khố Jacob J. Lew.

Việc Hoa Kỳ vay mượn đã có từ thời lập quốc. Giữa chừng cuộc chiến giành độc lập từ Anh Quốc (Revolutionary War), các khai quốc công thần đã công bố bản phúc trình tài chánh mỗi năm, công khai số nợ liên quan đến chiến phí. Con số vào đầu năm 1791 cho thấy lúc đó Liên Bang mắc nợ khoảng $75.5 triệu. Các khoản nợ này có lúc lên lúc xuống. Chỉ từ thời Tổng Thống Harry Truman (khoảng giữa thế kỷ 20) trở về sau, tổng số nợ quốc gia mới mỗi ngày một tăng theo cấp số nhân. Nhất là từ đầu thập niên 1960, khi Hoa Kỳ dính líu vào nhiều chiến cuộc khắp thế giới, đến nay “Debt Ceiling” đã được Quốc Hội lần lượt nâng lên không dưới 70 lần. Trào Tổng Thống Ronald Reagan (Cộng Hoà), “Mức Nợ Tối Đa” được tăng 18 lần. Trào Tổng Thống Bill Clinton (Dân Chủ) tăng 8 lần. Tổng Thống đương nhiệm Barack Obama đến nay đã ba lần ký sắc luật nâng mức “Debt Ceiling”.

Nếu so sánh nôm na, “Mức Nợ Tối Đa” của Hoa Kỳ khá tương tự như mức giới hạn tín dụng (Credit Limit) áp dụng với người tiêu thụ khi sử dụng thẻ tín dụng (Credit Card). Các nhà băng xác định “Credit Limit” của một khách hàng dựa vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là uy tín tài chánh trong quá khứ (trả nợ đúng hẹn) và khả năng tài chánh (đương sự có thu nhập đều đặn ở mức có thể chấp nhận được.

alt

Tổng Thống Ronald Reagan 18 lần yêu cầu nâng “Debt Ceiling” lúc còn đương nhiệm.

Tuy nhiên, so sánh này nhiều phần khập khiễng vì tài chánh quốc gia phức tạp hơn tài chánh một cá nhân hay gia đình. Trường hợp Uncle Sam thì chính con nợ (chánh phủ Hoa Kỳ) định đoạt Mức Nợ Tối Đa, không phải giới nhà băng hay chủ nợ. Thâm thủng ngân sách là một trong những lý do phát sinh nợ. Tính đến giữa năm 2011, khoảng 40% mọi chi tiêu của chánh phủ Hoa Kỳ các cấp (liên bang, tiểu bang, địa phương) đến từ tiền nợ. Cũng có nghĩa rằng, nếu không đi vay mượn, chánh phủ sẽ phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm lập tức 40% các khoản tiêu xài. Một động tác như vậy chắc chắn có ảnh hưởng cực lớn đối với sự vận hành từng ngày của chánh phủ lẫn đời sống dân chúng Hoa Kỳ: Lương bổng cảnh sát, ngân sách quốc phòng, chi phí cho các chương trình trợ cấp an sinh xã hội, v.v…

Mỗi năm, thu nhập chánh của chánh phủ Hoa Kỳ đến từ tiền thu thuế. Nhiều nhất là thuế thu nhập (Income Tax). Trong năm 2013, dự trù các cấp chánh quyền liên bang, tiểu bang, địa phương thu khoảng $1,900 tỉ tiền thuế thu nhập (35%). Kế tiếp là thuế mua sắm và thuế địa ốc, khoảng $1,100 tỉ. Thuế bảo hiểm xã hội, bao gồm “Social Security Tax”, đem về $1,100 tỉ nữa (25%). Thuế thương mại và các nguồn thu khác cộng lại lên đến $1,300 tỉ. Tổng cộng thu nhập công là $5,400 tỉ. Phần các tiểu bang thu tổng cộng $1,600 tỉ, tỉ lệ cao nhất vẫn là thuế thu nhập. Chánh quyền địa phương (thành phố, thị trấn, hạt “county”) thu tổng cộng $1,100 tỉ, đa phần từ các khoản phí này khác, có 1/4 từ thuế thương mại, nhưng tuyệt nhiên không có thu thuế thu nhập ở cấp này.
Về chi tiêu, dự báo cho năm 2013, chánh phủ Hoa Kỳ từ liên bang tới địa phương chi trả nhiều nhất cho các chương trình bảo hiểm y tế của chánh phủ (Medicare, Medicaid…), lên tới $1,200 tỉ. Quỹ tiền hồi hưu là $1,100 tỉ. Chi phí cho giáo dục và quốc phòng ngang nhau, khoảng $900 tỉ. Các chương trình trợ cấp  xã hội (Welfare) khoảng $600 tỉ. Các loại chi phí khác $1,600 tỉ. Tổng cộng tiêu xài năm 2013 khoảng $6,400 tỉ. Như vậy, Hoa Kỳ vẫn thâm hụt ngân sách lên đến $1,000 tỉ.

Lập trường của phe Cộng Hoà (hiện nắm ưu thế đa số tại Hạ Viện) về tài chánh, ngân sách, và các khoản nợ quốc gia, là chống tăng thuế, trong khi cắt giảm nhiều khoản tiêu xài. Ngược lại, phe Dân Chủ (là phe đa số tại Thượng Viện) muốn tăng thuế, cách riêng lên tầng lớp thượng lưu, và cắt giảm tiêu xài nhưng không đáng kể. Dù chánh trường Hoa Kỳ nhiều phần bảo thủ hơn Âu Châu hoặc Canada, trên thực tế khuynh hướng dân chủ xã hội vẫn ngày càng thắng thế. Theo một khảo sát của tổ chức “Tax Foundation”, từ 1986 đến 2008, giới giàu có thuộc nhóm 5% hàng đầu đóng các loại thuế tăng từ 43% lên gần 60%. Cùng thời điểm, tỉ lệ người dân không trả thuế hoặc được chánh phủ ưu đãi tín thuế tăng từ 18.5% lên trên 50%.

alt

Những người không thích tăng thuế, muốn cắt giảm tiêu xài liên bang.

Trong cuộc tranh cãi về quyết định có nâng mức “Debt Ceiling” hay không, có nhiều lập luận khác nhau. Nhiều chuyên gia kinh tế và tài chánh không mặn mà lắm với gia tăng “Mức Nợ Tối Đa” vì quan ngại đưa đến bất ổn tài chánh có thể dẫn đến các vấn đề ngân sách và thâm thủng ngân sách lớn lao hơn. Những người ủng hộ tăng mức nợ tối đa lo ngại nếu chánh phủ thiếu tiền, nhân viên chánh phủ không được trả lương, các quyền lợi trợ cấp xã hội biến mất, thậm chí có thể đưa đến đình trệ, đóng cửa nhiều cơ quan chánh phủ các cấp. Mỗi tháng, Bộ Ngân Khố phải “viết check” chi trả lên đến $50 tỉ, bao gồm lương quân nhân, các ngân phiếu trợ cấp an sinh xã hội. Đối với các chủ nợ, nếu Hoa Kỳ không trả ít nhất khoản tiền lời, quốc gia rơi vào thế trễ nợ — có thể gây xáo trộn kinh tế toàn cầu to lớn vì vị thế kinh tế của Hoa Kỳ, và cũng vì Hoa Kỳ là bạn hàng lớn nhất với vô số quốc gia trên thế giới. Văn Phòng “Government Accountability Office” (GAO) năm 2011 đã ước lượng nếu chậm trễ nâng mức nợ tối đa, các khoản vay mượn tương lai có thể tốn phí tăng lên $1.3 tỉ (chi phí đơn từ, phân lời lên cao, v.v…). Một trung tâm chánh sách trung lập (Bipartisan Policy Center) nhiều phần bi quan hơn, cho rằng phí tổn sau đó có thể lên đến $18.9 tỉ.

Cũng cần phân biệt giữa ngân sách và mức độ nợ nần, là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau. Trên nguyên tắc, việc tăng “Debt Ceiling” là bắt buộc, để giúp Bộ Ngân Khố có thể mượn tiền chi trả cho những khoản đã được Quốc Hội lẫn Tổng Thống chấp thuận trong ngân sách. Nếu thiếu ngân quỹ, mà lại không có quyền mượn thêm nợ, chánh phủ không thể tài trợ những chương trình theo luật định. Nay nếu “Debt Ceiling” trở thành sân khấu đấu đá giữa 2 thế lực chánh trị, có dư luận nói đã đến lúc dẹp bỏ khái niệm “Mức Nợ Tối Đa”.

Khoảng thời điểm này hai năm trước, Tổng Thống Barack Obama ký thành luật cho phép liên bang mượn lên đến $16,400 tỉ. Đến giữa năm nay, Bộ Ngân Khố dùng một số thủ pháp khẩn cấp để tạm thời nâng mức nợ lên $16,700 tỉ. Các thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ đang nghỉ hè, sẽ nhóm họp trở lại vào tuần tới. Giải quyết “Debt Ceiling” 2013 hứa hẹn một cuộc tranh chấp không khoan nhượng. Kết quả nào cũng chỉ mang tính cách tạm thời. Một giải pháp căn cơ, cùng lúc giải quyết vấn đề nợ quốc gia, chánh sách thu thuế công bằng, chi tiêu hợp lý giúp cân bằng ngân sách… sẽ là những nỗ lực kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên.

alt

Ngân phiếu an sinh xã hội của chánh phủ Hoa Kỳ.

TD