Menu Close

Rầu gì đâu!

Cách đây không lâu, báo chí rộ lên tin một đại gia đã qua tuổi thất thập vừa lấy cô vợ thứ 6, chỉ vừa trên 20 tuổi, trẻ hơn ông đến 50 cái xuân xanh. Ông này nổi tiếng không chỉ vì sự nghiệp kinh doanh, lền khên của chìm của nổi, mà còn vì đường tình duyên được cho là đa đoan, trắc trở, nhưng có kẻ thì cho là ngang dọc, lẫy lừng. Đọc tin này tôi khâm phục ổng quá, và nghĩ rằng hiếm ai trải qua về những thủ tục rắc rối của chuyện lễ nghi cưới xin ở Việt Nam như sư phụ này. Thử nghĩ mà xem, 6 lần lên xe bông mà vẫn còn giữ được mạng!

alt

Bảo Huân

Tôi nghĩ, dưới 70 tuổi, có lẽ không mấy ai hiểu được rằng vào ngày xưa muốn cưới được vợ, anh con trai phải trải qua một đống thủ tục nghi lễ rắc rối và cần thiết, chứ không đơn giản như bây giờ. Quỡn, tôi lọ mọ thử tìm hiểu những nghi thức đó xem như thế nào.

Trước hết, bạn phải nhờ đến một người đàn bà giỏi tài ăn nói, bà này được gọi là “bà mối”, giúp đỡ.  Không phải ai cũng có thể là bà mối được. Bà mối phải là người hoạt bát, nói năng lưu loát, quen việc, biết cách ứng xử trong mọi tình huống. Thường trong làng chỉ có một hai người làm được công việc này, và đặc biệt họ thường là bà, ít khi nào là ông, nếu là ông thì được gọi là “ông mai”. Sau khi bà mối đã đến bên nhà gái để thăm dò và để quảng cáo “hàng” của mình, nếu nhà gái đồng ý thì tiếp theo sẽ là lễ coi mắt, rồi lễ dạm ngõ, lễ bỏ trầu, lễ hỏi, rồi mới tới lễ cưới. Ngoài số tiền thù lao cho bà mối ra, lễ nào cũng tốn kém mà nhà trai phải chịu.

Nhớ, thi sĩ Nguyễn Bính kể rằng: Một anh lái đò thầm yêu một cô gái, chiều nào cô cũng qua đò hái dâu. Yêu mà không dám ngỏ, yêu như một mối tình đơn phương. Thế rồi một ngày nọ, anh được tin… “Đồn rằng đám cưới cô to / Nhà trai đi chín con đò rước dâu / Nhà gái nhận chín nghìn cau / Tiền cheo tiền cưới vị đâu chín nghìn / Lang thang anh dạm bán thuyền / Có người giả chín quan tiền lại thôi…”

Ông thi sĩ thiệt là nghiệt! Những chữ “chín” trong đoạn thơ được nhắc đi nhắc lại day dứt, như nghẹn ngào, như đay nghiến. Đau làm sao, oái oăm làm sao!

Rồi buông một tiếng nhẹ tênh “lại thôi…”. Lại thôi. Vậy là anh ấy không bán con thuyền vì chê người ta trả giá rẻ. Tôi tự hỏi, nếu người ta trả cao hơn thì liệu anh có bán không? Chắc bán, tuy là mọi chuyện đã lỡ làng cả rồi. Bán thuyền rồi thì làm gì? Chắc sang một bến đò khác, tậu một con thuyền mới để chờ một mối tình khác chăng? Dù sao đi nữa, tôi e rằng đời anh này không khá lên nổi vì cái kiểu lụy tình đến phải bán cả cái cần câu cơm như thế, trừ phi anh bỏ xứ đi giang hồ lập nghiệp mới.

Tôi đoán mò rằng chín nghìn quan thời bấy giờ chắc nhiều lắm, chắc cũng suýt soát với chín trăm triệu bây giờ. Rồi tôi thử thay anh lái đò thành anh xe ôm, hay anh thầy giáo miệt vườn, chẳng hạn, cho hợp với tình cảnh hiện đại. Ôi giời, gần cả tỉ bạc, làm sao mà ảnh kham cho nổi. Chiếc xế “wave tàu” cà tàng đang dùng làm cần câu cơm nếu mang bán đổ bán tháo chắc cũng được chừng dăm triệu, bằng hai chầu nhậu, chả bõ bèn chi!

Câu chuyện ông Nguyễn Bính kể nghe sao buồn quá. Lẽ nào cuộc đời cứ xám xịt như buổi chiều Sài Gòn bên ngoài đang mưa gió sụt sùi vì ảnh hưởng bão ngoài Trung, và nồng nặc mùi bạc tiền đến thế sao? Thôi, tôi thử tưởng tượng ra vài câu chuyện vui vui cho đời bớt màu ảm đạm.

Trong lễ coi mắt ngày xưa, cha mẹ của chú rể sẽ mang lễ vật đến nhà gái. Trong câu chuyện trà nước giữa hai bên, thế nào cha mẹ cô gái cũng nói về con mình. Nói, cách rất khiêm tốn, nhưng cũng rất kiêu kỳ, như thế này: “Cháu nó được làm dâu nhà bên ấy thật là may cho nó, vợ chồng tôi rất mừng. Mặc dù là con nhà trâm anh khuê các, công dung ngôn hạnh gồm đủ, nhưng cháu nó còn non nớt lắm, cũng xin ông bà giáo huấn nó thành con hiền dâu thảo. Được thế, vợ chồng chúng tôi hết sức biết ơn…”

Phía nhà trai đáp lại, không kém phần lịch sự nhưng cũng rất khoe khoang: “Gia đình chúng tôi tuy là gia phong khoa bảng, có vai có vế trong làng trong nước, kẻ ăn người ở trong nhà cũng nhiều, nhưng chúng tôi không lấy làm điều, coi ai cũng trọng như ai. Con dâu thì chúng tôi cũng quý mến thương yêu như con gái ruột của mình…”

Câu chuyện cứ thế mà đẩy đưa, ai cũng thầm hài lòng về cách biểu dương lực lượng của gia thế mình.

Nhưng đấy là chuyện xưa. Còn nếu mai sau, thế kỷ tới chẳng hạn, giả sử ông bố vợ và anh con rể tương lai đều là dân doanh nghiệp thành đạt thì câu chuyện sẽ được cách tân như thế này, tất nhiên là cho hạp với tình huống đương đại.

Ông nhạc gia tương lai rao hàng, “Con gái tôi là sản phẩm được sinh ra từ nền công nghệ hàng đầu thế giới, nó đã từng trải qua những đại học danh tiếng nhất ở Đông Tây, chất lượng tương đương hàng ngoại nhập. Chắc chắn anh sẽ hài lòng với những ứng dụng tuyệt hảo và yên tâm về sự tín nhiệm lâu năm của người tiêu dùng đặt lên gia đình tôi. Chúng tôi sẽ gả nhanh, cưới nhanh, thủ tục gọn nhẹ. Anh đồng ý chứ?”

Anh con rể đáp, “Thưa hai bác, cháu đồng ý. Nhưng để chắc chắn rằng cô ấy là hàng chính chủ, chứ không phải hàng giạt, hàng trôi nổi, hàng sế-cân-hen thì cháu mạn phép xin hai bác cho cháu dùng thử một tuần với điều kiện khách hàng được trả hàng lại nếu không hài lòng, rồi xin bác cái phiếu bảo hành trong một năm ạ!”

Lại một câu chuyện khác. Một anh chàng đến chơi nhà vợ sắp cưới. Ông bố cô gái này vốn là người có tiếng rất đạo đức. Ông hỏi, để thử tâm địa chàng rể tương lai, “Nếu bây giờ đi trên đường mà gặp hai cái túi, một túi đựng tiền và một túi đựng đạo đức, anh sẽ nhặt túi nào?”

Chàng trai trả lời không suy nghĩ, “Cháu nhặt cái túi đựng tiền!”

Ông bố cô gái thở dài, “Tôi biết ngay mà, thanh niên các anh bây giờ chỉ biết có tiền! Cái quý nhất của con người là đạo đức thì các anh lại quên mất. Tôi thì tôi nhặt túi đạo đức.”

Chàng trai lễ phép trả lời, “Thưa bác, cháu nghĩ là ai thiếu cái gì thì cứ nhặt cái ấy ạ!”

Lại một câu chuyện nữa, tôi hứa, là chuyện cuối. Chuyện này là chuyện tiếu lâm, được phóng đại, tôi nghe kể lại trong một bữa nhậu.

Một hôm, cô gái nghèo ở miền Tây, miệt vùng xa vùng sâu, mời người yêu là một thiếu gia con nhà giàu có về nhà mình để giới thiệu với bố mẹ. Anh ta mặc com-lê, thắt cà-vạt, lái ô-tô đời 2013 mới cáu cạnh, cố qua cầu qua phà, phải bỏ xe lại bên đường, rồi cuốc bộ đến nhà nàng. Sau khi chào hỏi bố mẹ cô gái, anh ta tự giới thiệu, “Thưa hai bác, cháu là tiến sĩ luật, tốt nghiệp trường xxx ở Pháp. Sau này, nếu hai bác có ly dị thì đừng ngại, cứ bảo cháu một tiếng, cháu sẽ tư vấn cho với mức thù lao giảm đặc biệt.”

Ngồi xuống ghế, anh ta nhìn quanh nói, “Chà, nhà này làm toàn bằng gỗ tạp và mái lá, chất liệu rất dễ cháy, lỡ cháy thì phải cháy to lắm đây!”

Ông bố vợ tương lai ức lắm, nhưng sợ làm hỏng tình duyên con gái đành phải nhịn. Trong bữa ăn, ông ngỏ ý nhờ anh quan tâm tới con gái ông khi đã thành vợ chồng. Anh ta đáp, “Bác cứ yên tâm, sau khi lấy cô ấy về, cháu sẽ cho cô ấy tẩm bổ bằng các loại sơn hào hải vị chứ không phải mấy cái thứ kém chất lượng và kém vệ sinh như thế này!”

Trên đường về, nhớ ra là để quên cái mũ đắt tiền, anh ta quay lại. Vào nhà, nhìn thấy cái mũ, anh ta reo lên, “May quá! Thế mà cứ tưởng mất rồi.”

Ông bố vợ vẫn nhã nhặn, “Anh mất công quay lại làm gì, lúc khác lại chơi thì lấy về, hay vài hôm nữa em nó mang lên cho cũng được mà…” Lập tức, anh ta phán, “Thời buổi này không thể tin đứa nào được!”

Lúc ra đến cửa, con chó mực nhảy xổ ra chực cắn, anh vung mũ quát, “Tao thách cả dòng họ nhà mày xồ ra cắn tao đấy!”

Chuyện này vô duyên đến mức cười hổng nổi. Tôi hỏi cô bạn đồng nghiệp, “Em nghĩ anh này có lấy được vợ không?” Thì cô trả lời rằng, “Hẳn nhiên là được. Vì không gả con cho nó thì gả cho Đài Loan hay Trung Quốc để nó đi biệt luôn à? Miệt đó tụi Hàn Quốc đâu có chịu tới. Chứ còn bọn con trai ở quê thì tệ quá, sáng xỉn chiều say, xỉn rồi đánh vợ hộc máu là chuyện thường. Do đó, ông bố sẽ tiếp tục nhịn. Mà nhịn nhục để phát triển là chủ trương chung của nhà nước ta cơ mà. Nhẫn nhục đồng nghĩa với hy sinh. ‘Hy sinh đời bố củng cố đời con’ là kim chỉ nam. Cứ thế mà phát huy!”  

“Thôi, em à, cay đắng làm chi nữa. Nghe chuyện nhân tình thế thái mãi cũng nhàm. Bằng lòng lấy anh đi em, anh về quê dắt má anh lên, khiêng đến nhà em mười thúng xôi vò, năm con lợn béo, chục vò rượu tăm. Mang theo cái chiếu em nằm. Cái chăn em đắp, hột xoàn em đeo…”

“Thôi đi cha, ở đó mà còn mơ mộng với mần thơ nữa. Mà nè, hột xoàn là cái gì vậy? Lớn nhỏ anh từng thấy nó tròn méo, lấp lánh ra làm sao chưa?”

Tất nhiên, tôi không phải đại gia, cũng không phải thiếu gia. Tôi chưa từng nằm mơ thấy mình lấy 6 bà vợ như cái ông đại gia ở đầu bài; mà tôi cũng chỉ có cái laptop làm cần câu cơm như chiếc thuyền bán hổng ai mua của anh lái đò trong thơ ông Nguyễn Bính, nên nàng hỏi vậy thì tôi ngọng.

Nói thiệt nghen, đời có lúc rầu gì đâu!

ND