Menu Close

Chứng trào ngược thực quản

Chào bác sĩ Ý Đức

Tôi thường hay bị đau cháy sót ở trong ngực khi nằm ngủ, nhất là vào ban đêm. Tôi có uống thuốc, nhưng cũng không hết hẳn. Có người nói đừng nằm ngửa để ngủ mà phải nằm nghiêng, bác sĩ thấy có đúng không. Cảm ơn bác sĩ.- Vân Thanh. Austin.

Đáp

Thưa bạn Vân Khanh

Như vậy chắc là bạn bị chứng Trào ngược thực quản, trong đó dịch vị và chất chua ở dạ dày dội ngược lên thực quản và miệng gây ra chứng đau như lửa đốt ở giữa ngực. Và chắc là bạn đang được bác sĩ điều trị với nhiều dược phẩm khác nhau. Cho nên tôi chỉ trả lời câu bạn hỏi về vị thế nằm ngủ.

Theo các nhà chuyên môn y học, thì ta nên nằm nghiêng hoặc nằm ngửa thì có thể giảm thiểu sự trào ngược của dịch vị từ dạ dày, mà không nên nằm sấp. Khi nằm ngửa thì kê mấy viên gạch dưới đầu giường cho đầu cao hơn mình một chút.

Ngoài ra để tránh dội ngược vào ban đêm thì nên thực hiện mấy mẹo như sau:

– Đừng ăn quá no, đừng uống rượu, đừng tập thể thao trước khi đi ngủ; giảm tiêu thụ chocolate; đừng để quá mập; ăn vài giờ trước khi đi ngủ; mặc quần áo rộng rãi… Nhất là tránh những căng thẳng lo âu trước khi lên giường ngủ.

Chúc bạn bình an.

 
Xuất huyết sau khi sanh

Thưa Bác sĩ, tôi là Vũ cư ngụ tại Maryland. Tôi có một cháu dâu ở Việt Nam. Cháu mới hơn 20 tuổi. Cách đây độ ba năm cháu lập gia đình. Lần đầu bị hư! Lần thứ hai khi sanh phải mổ. Nhưng không hiểu sao, từ đó máu vẫn rỉ ra đến nay đã hơn ba tháng! Trở lại nhà thương nơi sinh đẻ khám và đã đi cả bác sĩ khác nữa, nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và cháu bị sụt mất mấy kilo! Mong Bác sĩ cho những lời khuyên cần thiết.

Chân thành cảm ơn Bác sĩ.

Điện thoại của cháu tại Việtnam là: ……………..

Đáp

Chào ông Vĩnh

Tôi sẽ kêu điện thoại để nói chuyện với cháu gái ông và cũng hỏi thêm vài chi tiết về bệnh của cháu, chứ thông tin mà ông cho chưa được đầy đủ. Chẳng hạn như là ngoài máu rỉ cháu còn dấu hiệu bệnh gì khác không: có bị nóng sốt, máu rỉ có mùi hôi, đau bụng… Và có làm xét nghiệm siêu âm gì không.

Nhân tiện đây, chúng tôi xin nói qua về diễn tiến bình thường của người phụ nữ sau khi sanh.

Thường thường, sau khi sanh thì người mẹ còn tiếp tục thấy có máu từ cơ quan sinh dục một thời gian. Ban đầu máu đỏ rồi chuyển sang tím bầm rồi trắng vàng mà không nóng sốt. Nếu máu chỉ vài giọt thì là bình thường nhưng nếu chảy ướt thấm cả tấm băng dày trong một vài giờ là bất thường. Máu tiếp tục chảy có thể là do sót nhau, tổn thương cơ quan sinh dục như tử cung, âm hộ, thời gian sinh đẻ kéo dài, con quá lớn…

Khi tiếp tục xuất huyết mà lại bị nóng sốt, ớn lạnh, có mùi hôi khi xuất huyết cần trở lại để bác sĩ khám tìm nguyên nhân rồi điều trị.

Sau khi nói chuyện với cháu, tôi sẽ kể lại cho ông tình trạng của cháu.

   
Cắt lể giác hơi

Chào bác sĩ Ý Đức

Cháu xin chuyển email này của một ông chú của cháu, ở Đồng Nai, gửi sang, nhờ bác sĩ trả lời. Cảm ơn bác sĩ.

“Xin cho tôi được hỏi: Tôi bị đau thắt lưng và dãn tĩnh mạch sâu 2 chi dưới nên thường bị nhức 2 chân từ đầu gối xuống, kèm theo ngứa nhiều. Tôi được mọi người chỉ bảo đi cắt lể, giác hơi thì sẽ đỡ, tôi đã đi làm được 6 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần, thầy cắt lể cắt xong rồi giác ngay chỗ cắt và có nhiều lúc thì cắt lể 2 chân cho máu chảy, tôi không biết làm như vậy có đúng không, tôi đang phân vân sợ bị mất máu và không có tác dụng gì nếu làm lâu dài.

Xin thư mục trả lời giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn.”

Đáp

Chúng tôi trả lời theo như lời ông kể trong email thôi nhé. Tức là ông bị dãn tĩnh mạch sâu 2 chi dưới rồi đi chữa bằng cắt lể, giác hơi… Và ông hỏi như vậy có đúng không.

Xin thưa với ông rằng, tĩnh mạch chi dưới bị dãn là vì có rối loạn của máu lưu thông trong tĩnh mạch này. Bình thường máu chứa thán khí từ hạ chi trở về phổi để thải thán khí và lấy oxy theo các tĩnh mạch chạy ngược lên trên. Để không cho máu dội ngược trở lại, có những cái van một chiều chỉ cho máu đi lên mà không cho máu đi xuống. Nếu vì lý do nào đó mà các van này bị hở, thì máu chảy xuống dưới, làm ứ đọng và tĩnh mạch bị dãn ra. Máu sẽ ngấm ra xung quanh khiến cho chân cẳng bị phù nề sưng to, nhất là khi người bệnh phải đứng nhiều vì công việc hoặc đi lại lâu. Ngoài ra, máu ứ cũng có thể gây ra huyết cục trong tĩnh mạch, làm tăng trở ngại cho sự tuần hoàn của máu.

Dưới cẳng chân, các tĩnh mạch dãn sưng to, nom giống như những sợi dây thừng ngoằn ngoèo nổi trên da nom rất xấu. Bệnh nhân cảm thấy nặng nề, đau nhức ở bắp chân nhất là khi đứng lâu. Đôi khi da ở những nơi đó cũng bị loét lở, gây ra nhiễm trùng trầm trọng.

Dãn tĩnh mạch có thể chữa khỏi bằng dược phẩm hoặc chích thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc giải phẫu. Bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên môn về mạch máu khám rồi điều trị, và có thể chữa khỏi.

Trở lại với trường hợp của ông.

Hiện nay ông đang chữa bằng cách lể cắt rồi giác ngay tại chỗ để hút máu ra. Thoạt nghe có vẻ hữu lý, vì cứ thấy máu ứ đọng làm mạch máu sưng lên thì ta hút nó ra. Nhưng không lẽ ông cứ tiếp tục hút như vậy thì trước sau rồi ông cũng trở thành mất máu và hậu quả trầm trọng sẽ xảy ra. Ấy là chưa kể trong khi cắt lể giác hơi, ông còn mở cửa trên da cho vi trùng xâm nhập cơ thể, gây ra nhiễm trùng tại chỗ cũng như toàn thân và tử vong có thể xảy ra.

Tôi đề nghị với ông nên ngưng ngay cách điều trị cắt lể giác hơi nguy hiểm này. Và tới bệnh viện đa khoa tại địa phương xin khám bệnh, làm xét nghiệm rồi điều trị tới nơi tới chốn. Như vậy, vừa khỏi bệnh vừa không nguy hại.

Chúc ông mau lành bệnh với phương tiện y khoa học hiệu nghiệm hơn.

NYD