Cây cỏ phương Nam thơm
Kinh xáng Bốn Tổng
ngày… tháng … năm …
Thưa anh chị Hai Chung An Phú,
Liên tiếp mấy ngày nay, vợ chồng tui nhận của anh Hai hai cái thơ tay do mấy cháu nó mang xuống kinh xáng Bốn Tổng này, nhưng vì tui bận đi thăm mấy đứa cháu nội, rồi lại bơi xuồng dìa thăm mấy đứa cháu ngoại, ôi thôi, mỏi giò mỏi tay anh Hai à. Nay hơi rảnh rảnh, mới đốt đèn ngồi viết cho anh mấy hàng này, gọi là đáp lễ “thủ túc” cùng anh chị vậy!

Thưa anh chị Hai,
Hôm trước được thơ anh mới biết anh đi theo các Thầy rồi sẵn dịp thăm luôn mấy tiệm bán trầu cau bên Đài Loan, đường sá xa xôi quá mạng phải hông anh Hai? Nhưng đi một bước đàng thì học một sàng khôn mà, còn hơn là ngồi nhà như tui tư niên bốn mùa làm sao mà mở mang gì nổi anh Hai. Tối ngày cứ xà quần xà quần với đám cháu và ba cái lúa riết rồi chuyện gì cũng mù tịt ráo trọi anh Hai à! Nhưng ngày nay ở chỗ kinh cùng này nhờ có điện, rồi có ti-vi, nên mấy ngày nay tui cũng coi được mấy trận banh “ten-nit” bên Úc Châu, qua màn hình tui thấy hai tay vợt số 1 thế giới bị rớt ra ngoài, hổng vô chung kết được, rồi tui mới nghiệm ra bài học ở đời là số 1 rồi có lúc cũng phải thua, tài giỏi mấy rồi cũng có người tài giỏi hơn mình anh Hai à. Do vậy mà, tui thấy trong cái việc làm ruộng thôi, có lúc miếng ruộng nhà mình trúng, có lúc lúa mình bị tim, thất mùa vì cua kẹp hoặc bị chuột bọ hoành hành, hoặc do cái cách làm ruộng của mình còn dở, không hợp với thời trời là phải có lúc chịu thua như vậy anh Hai! Cho nên cụ Nguyễn Du có dạy: “Có tài đừng cậy chi tài, Chữ tài liền với chữ tai một vần…” mà!
Viết thơ cho anh rồi chợt nhớ ba cái vụ trầu và tiêu hôm trước anh có nhắc, tui thấy trầu hay tiêu gì là do phần số ráo trọi anh Hai à! Được làm trầu thì là lễ, là nghĩa; còn làm tiêu rồi là coi như là kép hát, là xướng ca vô loại ráo trọi. Nghĩ mà thương cho tiêu quá mạng! Cây gì cũng là cây, lá gì cũng là lá mà! Sao người đời bất công mà gán chi cho tiêu cái nghiệp cầm ca? Mà khổ một nỗi, kiếp cầm ca bị coi rẻ như vậy nhưng hễ có gánh hát dìa đình là người ta cứ chen nhau vô cửa coi hát cọp mệt nghỉ. Còn tiêu không vàng như trầu, không được lễ nghĩa như trầu nhưng tiêu làm cho mẻ cá kho khô của người đời thơm hơn, miếng ăn miếng uống đậm đà hơn. Không có tiêu làm gì có miếng ngon trong miệng, mà nhứt là các bà, các cô nằm lửa, mẻ cá kho khô không tiêu làm gì còn ý nghĩa của những ngày nằm lửa chịu trận nuôi con vừa mới chào đời. Nhớ hồi nhỏ tui mê ăn cá kho tiêu của má tui khi má tui đẻ thằng Út, em tui và tới ngày già này tui nhớ món cá lóc kho tiêu của má tui dữ lắm và tui chắc trong đời trời đất này hổng có ai kho nấu gì ngon bằng má mình kho nấu cho mình ăn ráo trọi anh Hai à! Anh thử nghĩ lại mà coi tui nói có trúng cùng hông nhe anh Hai?

Vườn trầu – nguồn angiang.gov.vn
Thưa anh Hai,
Trước hết, tui xin thưa lại với anh hai ba cái vụ tiêu này. Trong sách vở thì kêu tiêu là “hồ tiêu” và vùng Châu Đốc của anh cũng như miệt Lấp Vò, Kinh Xáng Bốn Tổng của tui có nhiều người trồng, nhưng nhiều nhứt là Hà Tiên, Phú Quốc, Bà Rịa. Loại này coi vậy mà cũng khó trồng dữ lắm. Trong rập trồng được nhưng chỗ nào mà rập quá thì tiêu chỉ được nước tốt lá nhưng ít trái; còn chỗ nào mà nắng quá thì tiêu lại cũng hổng chịu nắng nhiều. Do vậy mà tiêu thích màu xanh. Trái lại trầu thích chỗ có ánh nắng và trầu mê màu vàng. Âu, mỗi vật mỗi tính phải hông anh Hai? Nhưng cả hai loài này đều có thói quen giống nhau là thích leo trèo. Do vậy mà người ta mới nói “trồng trầu, trồng lộn với tiêu” là vậy!!! Tiêu ngoài cái việc làm cho món ăn thơm ngon, theo sách thuốc của thầy Đỗ Tất Lợi (1), tiêu còn có nhiều vị thuốc như trị được bịnh ói mửa, đi đồng, làm thuốc bổ, trị đau bụng, làm giảm đau, làm dễ tiêu, trị sình bụng…
Còn “trầu” ngoài việc dùng vào các việc lễ nghĩa như tự cổ chí kim, trầu có khi được dùng làm thuốc nhưng hổng bằng tiêu. Theo thầy Đỗ Tất Lợi thì trầu chỉ dùng trị bịnh ngoài da, ít dùng bên trong, như thoa chỗ lở loét, hoặc đắp lên ngực để trị bịnh ho, đắp lên vú cho sữa đừng chảy ra nữa. Trong dân gian thường lấy đuôi lá trầu dán lên trán trị được chứng chảy máu cam.

Cây tiêu – nguồn tieughep.com
Thưa anh Hai,
Nhơn nói về trầu và tiêu, tui mới sực nhớ Phạm Thành Đại, nhà Tống, nói: “Phương Nam hỏa thịnh, hơi lửa bốc lên, cho nên vật gì cũng có vị cay, mà hương thơm”(2) Rồi Thẩm Tác Triết cũng nói: “Nam phương hỏa thịnh, thực nó sinh thổ; thổ vị ngọt mà thơm, cây cỏ ở phương Nam được vượng khí của hỏa bồi dưỡng cho, anh hoa phát tiết ra ngoài, cho nên có hương thơm.”(3). Tui mới nghĩ mà mừng nhe anh Hai. Dù trầu hay tiêu gì đi nữa, cả hai giống cây này cùng được mọc ở đất phương Nam này nên nhờ “vượng khí” mà “trầu” thơm, rồi “tiêu” cũng thơm. Bà con Thất Sơn Châu Đốc và anh em mình may phước được sanh ra và sống nơi vùng đất phương Nam này, tui nghĩ mình sướng biết bao nhiêu. Phải vậy hông anh Hai ?!?!
Chúc anh chị và mấy cháu mạnh giỏi.
Nay kính thư,
Cước chú
(1) Theo “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Đỗ Tất Lợi, nhà xuất bản Y Học, Hà Nội, năm 2005, trang 118, và 370.
(2) và (3) Trích sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, nhà xuất bản VHTT (Hà Nội), năm 2006, trang 407-408)