Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Ngôi nhà của Bà
Kỳ 20
Tôi quá cảnh Sài Gòn ba tuần bằng chiếc vé bay đi Paris do hiệu trưởng ưu ái tặng thêm chứ đúng ra chỉ được cấp vé một chiều về Mỹ. Suốt sáu tiếng đồng hồ ngồi trên chuyến bay, những hình ảnh lớp học, bạn bè cứ miên man hiện ra nhảy nhót trong đầu. Sống ở Hàn mới có một năm mà không hiểu tại sao tình cảm của mình đối với một đất nước lạ hoắc lại nặng lòng đến vậy. Có lẽ hình ảnh đó ấn tượng nhất trong tôi khi một mình sống và làm việc ở nước ngoài, trải qua những lúc thăng trầm sâu lắng trong bước ngoặt vào đời. Cũng có thể chuyện gì vừa xảy ra khiến ta dễ nhớ hơn lời nhắc nhở của Ba Me: “Về quê, nhớ xem cây Sanh Ngọc Linh lớn cỡ nào”.
Nhắc đến cây sanh, tôi mới nhớ đó là món quà sinh nhật của Ba tặng cho tôi hồi năm tốt nghiệp trung học sớm về Sài Gòn sáu tháng. Quà tặng thiết thực không mua, ai lại đi mua cái cây đem trồng xuống đất. Ba nói: “Quà thứ này thứ nọ có thể xài năm mười năm thì hỏng nhưng cây sanh thì sống đời đời. Sanh là loài cây chặt cành cắm xuống đất vẫn mọc rễ sống mạnh, chịu hạn, chịu ngập nước, không kén chọn đất dù là đất phèn bạc màu trên mảnh đất quê nhà. Hơn nữa biết tỉa tót, chăm sóc, cây cho dáng đẹp, dù làm tiểu cảnh hay đại thụ đều có giá trị trang trí sân, vườn rất cao”.
Chùm ruột quê nhà
Nhưng tôi biết Ba không nghĩ đến giá trị vật chất mà nghĩ đến giá trị tinh thần nhiều hơn. Bởi mảnh đất gia đình mua không phải để làm nông nghiệp mà để cất nhà cho bà Nội về ở. Không khí trong lành, lánh xa ồn ào Sài Gòn làm nơi thụ hưởng hương đồng gió nội thì thật thích hợp với người lớn tuổi. Khổ nỗi, cô chú con cháu đều làm ăn ở Sài Gòn đâu chịu về làng an hưởng nên bà Nội chỉ về quê khi nào đi cùng với người thân trong gia đình. Lạ một điều, mảnh đất gọi là quê đó đâu phải bản quán của bà Nội hay ông Nội, vậy mà Ba tôi cứ gọi đất quê.
Nghe gọi như thế riết rồi mọi người cũng quen. Cứ mỗi lần thuê xe cả nhà về quê, ai ai cũng xôn xao như thực sự về thăm quê mình vậy. Đúng thật là quê dù chỉ cách xa Sài Gòn chừng tiếng lái xe. Nhưng vùng đất đó quanh năm người dân lam lũ với những ruộng thơm ngút ngàn bạc xanh phấn trắng dưới nắng mặt trời hầm hập. Không trồng lúa được vì đất nhiễm phèn nặng. Cây trái trồng chơi hưởng chút mùi hương chứ chẳng bán buôn gì. Chỉ có những loài cây nhà nghèo như trâm rừng, bình bát, cóc, chùm ruột, khế chua, khoai tím, thơm, rau má, sen, súng là sống khỏe, sống mạnh hơn bao giờ hết. Dân vùng này bảo, xã mình nghèo nhất tỉnh cho dù là cái huyện Châu Thành nằm sát Mỹ Tho.
Ba nói “Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ / Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu”. Sài Gòn thuở có đèn giao thông xanh đỏ thì Mỹ Tho đại phố cũng đâu thua gì với bến tàu đèn vàng mờ tỏ khi tàu Mỹ Tho – Nam Vang một ngày mấy chuyến tới lui cập bến sông Tiền. Dẫu thế, những vùng đất khác quanh Mỹ Tho vẫn còn nghèo khó lắm. Chỗ đất mình ở nằm trên miệng cái nia vùng trũng nước phèn Đồng Tháp Mười rộng lớn. Ngày xưa miệt này hoang hóa, toàn rừng tràm, mùa nắng khô hạn, mùa mưa ngập úng. Nước chua lè quanh năm. Sau này, nhờ xẻ kinh xả nước, đắp đê làm đường, người dân các tỉnh lân cận di cư về đây lập nghiệp trồng trọt cho nông trường thơm lớn nhất miền Nam. Đất chua cho trái ngọt. Trái thơm vùng này đặc biệt ngọt thanh, ăn không rát lưỡi như loài thơm Đức Hòa, Bến Lức.
Nhớ cách nay mười năm, lần đầu Me dẫn tôi về đây xem đất. Xe chạy từ quốc lộ vào làng mịt mù đất bụi. Đường sá xấu lắm, ổ voi ổ gà đầy đường xe chạy rất khó khăn, nguy hiểm. Cô Hai nói xứ này nắng bụi mưa lầy. Mưa xuống đất nhão ra. Càng đi đất nhầy càng bám vào đế giày đế dép từng lớp từng lớp cho đến khi nào cất chân đi không nổi. Vậy mà trời nắng, đất khô cứng như nén chặt, cuốc đất vã mồ hôi. Tôi thờ ơ nhìn mảnh đất cháy nắng không một bóng cây che mát, một mảnh đất chết cằn. Có chăng chút ấn tượng với cái ao nước lớn xanh veo soi mặt đáy hồ. Tôi buột miệng “ao nước này làm hồ bơi thì thích lắm cô Hai”. Cô Hai giải thích: “Chất phèn làm nước trong veo. Con xuống tắm, bước lên thành người da đỏ”.
Lần về này cảnh vật khác xưa. Đường tráng nhựa, đường cao tốc chạy xéo ngang trước nhà. Điện, nước, điện thoại có sẵn, gắn cục 3G vào chiếc laptop, là có thể video chat với cả nhà giữa hai vùng đất nước. Ba tôi nói xã này là vùng không sâu nhưng xa. Xa với thị trấn Tân Hiệp chỉ cách có vài ba cây số nhộn nhịp hàng quán, xa với tiện nghi văn minh đô thị nhưng thật khó kiếm được một vùng miền nào còn nét hoang vu như thuở người xưa đi khai hoang lập nghiệp ở vùng đất phương Nam này hàng trăm năm trước.
Cây cối quanh vườn xanh tươi mát rượi. Cái hồ bơi của tôi giờ để cho cá rô phi, cá mè, cá sặc, tai tượng lội tung tăng. Lại có ốc đắng sinh sôi bám đầy chân cầu thủy tạ. Bước chân trần xuống nước lòng bàn chân cảm giác ê ê giống như giẫm lên đá sỏi. Có lẽ đất trả công cho người kiên tâm trồng bón. Cải biến đất phèn là một việc không dễ dàng, đòi hỏi nhiều thời gian, mươi hay hai chục năm và phải biết cách chọn lọc cây trồng thích hợp. Cô Hai kể “bảy tám năm trước khi Ba con trồng cây ngọc lan, phượng hồng, bằng lăng, vài người hàng xóm bảo rằng ông này chắc khùng. Những cây hoa đẹp không sống được trên mảnh đất đầy phèn tích tụ. Vài bữa là đọt ngọn cháy quăn. Vậy mà cây không chết, mỗi năm lớn lên một chút. Rồi trổ mã lớn nhanh, làm cho nhiều người hàng xóm ngạc nhiên thấy lạ”. Phượng hè trổ bông đỏ lẫn mái nhà. Bằng lăng tím ngắt chiều mưa. Ngọc lan kiều diễm vươn cao tỏa hương làm ta bồi hồi cảm xúc bước chân vào nhà.
Mọi thứ trong nhà y nguyên như hồi sáu năm trước. Lần đầu tiên tôi và Me về quê ngủ lại căn nhà gỗ do chính tay Ba tôi cùng nhóm thợ dựng xây suốt trọn năm trời. Ban đêm nằm trên chiếc phản gỗ dày mát lạnh nghe tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng muỗi vo ve, tiếng gỗ trở mình, tiếng chó sủa ma, tiếng cá đớp mồi không sao ngủ được. Lúc đó tôi nghĩ nhà quê buồn thế này làm sao người ta ở. Nhưng giờ đây trong đầu tôi lại có một suy nghĩ khác. Có thể những hình ảnh lúc trước không lưu lại ấn tượng mạnh trong trí óc non nớt của tôi khi mảnh đất quê chưa định rõ hình hài. Còn hiện thời khung cảnh thanh bình của miền quê êm ả đang dẫn tôi về với ký ức mơ hồ của những trò chơi tuổi nhỏ hồi còn học lớp một bán trú. Chỉ tiếc một điều lúc đó tôi chỉ được chơi trò trốn tìm, hay rồng rắn với đám bạn trong giờ ra chơi, chứ không được hồn nhiên như đám trẻ con hàng xóm vui cười cất tiếng hát đồng dao dưới bóng me râm mát. “Chi chi chành chành, cái chanh thổi lửa, con ngựa đứt cương, ba vương ngũ đế, bắt dế đi tìm, ù à ù ập”. Khung cảnh thiên nhiên miền quê rộng mở có sức tác động tới tâm tư rất nhiều. Nó làm không khí vui đùa sinh động hơn, kết dính con người với mảnh đất nơi người ta sinh ra và lớn lên có nhiều kỷ niệm.
Ba tôi không sinh ra trên mảnh đất này nhưng người muốn đi tìm quá khứ cho bà Nội cũng như sẽ tìm cho mình kỷ niệm gì đó trên mảnh đất quê. Chiếc xuồng Nội mua cắm sào dưới bóng cây sanh cổ thụ bên góc ao từng chở bao tiếng cười con cháu xa quê hương tụ về đất quê đùa giỡn và như từng chở niềm hạnh phúc một thời ký ức chân quê xa xăm của bà Nội năm nào. Người ta nói tuổi trẻ nhìn trước mắt, người già nhìn sau lưng, người trung niên nhìn mệt mỏi. Lần đầu tiên tôi thấy dáng vẻ mệt mỏi của Ba không phải vận sức trên những nhát cuốc đào sâu cái hố trồng cây sanh tặng tôi mà là sự mệt mỏi trong ánh mắt không biết tôi có hiểu ý nghĩa món quà thực thể sống trên mảnh đất quê nhà. Ba không nói, có lẽ không muốn áp đặt suy nghĩ của mình lên cái đầu nhỏ bé của tôi. Tôi có quyền lựa chọn cuộc sống của mình. Nhưng giờ đây đứng trước cây sanh cao to tỏa dáng rễ buông lòa xòa những sợi tóc tiên, những chiếc lá rụng rơi quanh gốc, tôi lờ mờ hiểu ra tâm ý của Ba muốn gửi.
Tôi cũng không sinh ra trên mảnh đất này, ấy thế có cây “Sanh Ngọc Linh” đang tồn tại hiên ngang lớn mạnh làm tim tôi rung động. Đất nuôi cây, cây nuôi cành lá. Lá lìa cành thành đất lại nuôi cây. Tôi vào nhà tìm cây kéo tỉa, tự tay chăm sóc cành lá cho mình ra dáng vẻ đẹp hơn. Tôi muốn cây sanh tôi không chỉ lớn mạnh mà còn đẹp với đời. Tôi sống xa quê nhưng cũng chính là đang sống trên mảnh đất quê mình và tôi nghiệm ra quê hương chưa hẳn là nơi ta sống lâu dài nhất hay ở bất cứ vùng miền nào. Nhưng bất luận với ai, quê hương vẫn là hình ảnh luôn hiện hữu trong mỗi người mỗi cách cho đến khi mình nhắm mắt.
Đêm nay trăng thanh. Cả nhà dọn bàn ra ngoài hiên ăn cơm hóng mát. Thức ăn cây nhà lá vườn đơn sơ sao mà ngon lạ. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi biết thả hồn ngắm ánh trăng trong. Tiết trời ấm áp bên tình cảm gia đình vui vầy làm tôi càng nghĩ đến món quà của Ba tặng tôi để đời. Cảm ơn Ba. Phải chăng trăng trên đất quê nhà lúc nào cũng tròn và đẹp hơn nơi khác?
NL