Menu Close

Lá thư từ Kinh Xáng – Kỳ 18

Kinh xáng Bốn Tổng
ngày… tháng… năm …

Thưa anh Nghĩa Tri Tôn,

Trời thần ơi, hôm trước vui miệng kể anh nghe ba cái vụ bông điên điển, rồi chị Lộc Tưởng và anh Bảy Tân Châu bổ túc thêm cả thảy là năm tấm hình để anh nhớ những mùa bông điên điển miệt Tri Tôn, Luỳnh Quỳnh, Cầu số 5, Mặc Cần Dưng, Chắc Cà Đao và vùng kinh xáng Bốn Tổng của tui nữa.

Tưởng chuyện tới đó là hạ màn. Nhưng anh Bảy Tân Châu và tui bị anh phạt cái tội biết cây cỏ rắn rít vùng Thất Sơn Châu Đốc mình mà hổng chịu kể cho bà con nghe, nên nay tui được anh Bảy Tân Châu nhắc là hai anh em tui còn thiếu anh món nợ, nên nay tui xin kể hầu cùng anh cái món cây me nước, hầu anh vui mà tụi tui cũng khoẻ re trong bụng nữa!

alt

Thưa anh Nghĩa Tri Tôn,

Số là vùng mình nước ngập lụt hằng năm từ Tháng 6 tới Tháng 10 âm lịch nước mới rút, mà cái giống cây me nước này hổng có ai trồng anh Nghĩa à. Nó mọc hoang ngoài bờ ngoài bụi, chỗ gò cũng như chỗ sâu gì nó cũng sống ráo trọi. Gọi me nước vì nó sống được qua mùa nước ngập. Nó còn cái tên nữa là me keo vì thân nó có gai như thân cây keo có trái mà hồi nhỏ tụi tui hay hái trái để dán thủ công.

Thường thường ở quê ngoại tui trên Mặc Cần Dưng, hồi tản cư năm 1949, tui thấy cái thứ tự như vầy: dưới bên là rạch Mặc Cần Dưng, rồi tới đường làng, vô tới cái sân nhà ngoại, rồi ra sau hè là đám mây gai, kế đến là mấy cây me nước, rồi tới vườn tre, qua khỏi vườn tre tới đám điên điển chừng cả công đất, liền mé điên điển tiếp là đám nếp, rồi sau cùng mới tới vạt lúa chạy mút vô tới lộ Long Xuyên đi Tri Tôn.

Thành ra, theo trật tự vừa kể, cây me nước kể ra ở rất gần nhà dù chẳng có ai trồng trọt gì. Chim ăn trái rồi ỉa ra hột, hột mọc và cứ mọc hoang như vậy, rồi cây lớn có bông vào Tháng Giêng, Tháng Hai trái đậu hột, Tháng Ba Tháng Tư trái chín. Khi còn non trái ăn rất chát, khi chín thì ăn hơi ngọt nhưng chất chát vẫn còn. Thường ăn với muối ớt. Hồi nhỏ tụi tui ít đứa nào dám trèo me nước vì sợ gai đâm. Nên lấy cây trúc dài hoặc ngọn cây tầm vông làm cái móc, rồi đứng dưới đất mà giựt. Khác với me chua, hễ té me là không sứt tay cũng gẫy gọng; còn me nước ít ai bị té vì tụi tui đâu đứa nào dám trèo.

À mà này anh Nghĩa ơi, tui quên kể anh nghe trái me nước nó khoanh tròn giống như cái lò xo vậy mà; như bao thứ trái cây khác khi còn nhỏ trái  màu xanh, chừng trái chín nó màu đỏ sậm; khi trái chín muồi thì chim trau trảu khoái ăn. Chim ăn thì hột rụng và me nước con lại mọc muôn trùng.

Thưa anh Nghĩa Tri Tôn,

Nói thì nói vậy, dù ít ai trồng nhưng cây hoang cũng cho nhiều củi nhe anh. Chính vì vậy mà cây me nước mọc đất ai người ấy hưởng chứ không có cái nạn cây hoang ai muốn đốn thì đốn rồi đâm ra có tranh cãi gây mích lòng chòm xóm. Trái thì ai hái cũng được khỏi hỏi xin nhưng cây thì có chủ ráo trọi!

alt

Cây me nước – hình do tác giả cung cấp

Về sau này, nhất là mấy năm có đạo đâm đạo lụi như anh Dương Văn Chung kể bận đi học trên Sài Gòn dìa, rồi ghé thăm bà chị ở Châu Đốc vì sợ đạo đâm, kêu cửa hoài chị ảnh hổng dám mở cửa, thì ở bên ngoại tui rạch Mặc Cần Dưng cũng sợ đạo đâm như vậy.  Nhà nào cũng có sắm cái mõ bằng ống tre, có nhà còn thêm cái tù và bằng sừng trâu. Hễ có ai tri hô có đạo đâm vô nhà là cả làng cùng nhau đánh lên những hồi mõ báo động, tiếp cứu. Vào những năm này nhà nào cũng lấy tre vót nhọn làm hàng rào phòng đạo đâm vô nhà. Để cho hàng rào không bị sập ngã, bà con mới bày ra lấy hột me nước rải cặp theo hàng rào tre, rồi hoạn dưỡng cho nó lớn. Khi hàng me nước lớn và cao người ta mới chẻ tre nẹp lại cho hàng rào chắc chắn mà trộm đạo cũng khó vô nhà vì hàng rào me nước dày và có gai.  Lúc bấy giờ hột me nước mắc mỏ lắm. Con nít tụi tui mới đi hái me nước lấy hột bán trong xóm. Hồi đó một lít hột me nước tui nhớ đâu chừng năm ba cắc, đủ ăn một gói bắp hầm bỏ chút dừa nạo, một chút đường mỡ gà và ăn bằng cái cọng tàu lá chuối chẻ mỏng làm cái muỗng.

alt

Lá me nước – hình do tác giả cung cấp

Anh Nghĩa Tri Tôn,

Trái me nước đúng là bạn của mấy đứa con nít nhà quê như tui vào mùa hè trời nóng. Ngó quanh ngó quất, vùng kinh xáng đâu có cái gì ngon để ăn, chỉ có ô môi và me nước. Ăn ô môi thì cái răng vàng khè, cái miệng đen thui; còn ăn me nước cái miệng chát chát, vậy mà đứa nào cũng ăn. Giờ nhớ lại mình thấy thương mình quá mạng!

Phải hông anh?

Cây me nước dù mọc hoang nhưng thiệt là hữu dụng nhe anh Nghĩa. Trái thì ăn đỡ buồn; hột bán cho người ta trồng làm hàng rào kiếm tiền mua mía ghim, bắp hầm; cây thì làm cũi; lá thì cho dê ăn nếu lá so đũa hiếm; nhánh me nước để chất chà; khi hết mùa chà, đem chà lên làm cũi chụm đượm hết sẩy.

alt

Cây me nước quằn trái – hình do tác giả cung cấp

Nhưng có cái đặc điểm này mà chỉ người trong nghề mới rành nhe anh, đó là chà mà chất bằng nhánh me nước thì cá thác lác khoái vô dựa chà dữ lắm. Không có thứ nhánh cây nào chất chà mà cá thác lác vô ở nhiều bằng chà chất bằng nhánh cây me nước.

Hồi tui còn trai tráng, nghèo rồi lỡ vận mới cơm gói xuống vùng Hỏa Lựu, Long Mỹ tuốt dưới ngã ba nước trong vùng Chương Thiện làm nghề đào liếp khóm, phá rừng tràm để lấy nhánh cây chất chà đâu gần sáu, bảy năm trời, rồi tui mới rút ra cái tính tình của mấy loài cá sống lang bạt theo dòng nước đục. Cá mè vinh, cá dảnh thích chà nhánh cây bần; cá nâu, cá ngát thích chà nhánh gừa, nhánh sộp; đa số các loài cá tôm ít ưa chà bằng đọt tràm vì tràm ra nước chát, nó vô là vì không có chà nào khác thì ghé ở đỡ vậy mà; còn cá thác lác mê nhứt là chà bằng nhánh me nước chắc có lẽ chà me nước khi ngâm lâu dưới nước cái vỏ nó có mùi cây bị hôi dữ lắm hổng thua gì vỏ gáo.

Có lần tụi tui giở một đống chà me nước ngay bến cầu sắt Chương Thiện có tới 5 cần xé cá thác lác, còn tôm càng lửa, càng xanh, tôm trứng có trên mấy trăm ký có dư. Anh thử tưởng tượng khi tụi tui xuống gạn lưới, vì đống chà nằm ngay đầu voi đuôi vịnh nên ngọn nước đạp mạnh dữ lắm, lưới căng quá mạng. Vì sợ lưới rách, cá lại theo lỗ rách ra hết, nên bèn phải lặn xuống giở viền chì cho tôm cá ra bớt, mình gạn mới nổi. Còn không làm vậy hổng cách nào gom lưới kịp vì nước lớn tới bên đít.

Kể sơ sơ anh nghe công dụng của một loài cây nhà nghèo quê mình để ôn lại một thời nghèo khó của thế hệ anh em mình. Hồi nhỏ ăn me nước vì hổng có gì ăn; lớn lên có chút tanh tanh lại chê me nước ăn hôi miệng lại hổng thèm ăn; khi thắt ngặt lại tìm cây me nước chất chà kiếm miếng ăn qua thời buổi.  Chỉ bấy nhiêu vậy mà tới tuổi già sao cứ ngồi nhớ hoài. Rồi mới ngẫm nghĩ hay là cây me nước là mình hoặc mình là cây me nước nữa đây!?! Đất nào sống cũng được, thời nào sống cũng được, làm hàng rào cũng được mà làm chà cũng được. Nghĩ mà thương mình rồi thương cây me nước nữa!!!

alt

Trái me nước chín – hình do tác giả cung cấp

alt

Trái me nước còn non – hình do tác giả cung cấp

Anh Nghĩa Tri Tôn,

Hổm rày dời trại rồi liên tiếp bị nạn rầy.  Lúa mới tròn tháng mà xịt thuốc rầy bốn năm lần. Xịt thì rầy té đó, vài ba ngày sau ra thì gốc lúa rực màu vàng. Rồi lại ra chợ mua thuốc, rồi xịt. Cái mửng rầy chết rồi tái sanh như mùa này chắc có nước chịu chết thôi anh Nghĩa ơi! Bây giờ đâu còn cây me nước nhiều như hồi xưa vì đất như vàng ai dại gì trồng giống cây bán chẳng mấy đồng này làm gì, nên khi lúa bị rầy lấy đâu ra trái me nước mà ăn, củi đâu mà chụm và nhánh đâu mà chất chà gỡ gạc lúc túng cùng đây!?!

Kính thăm anh và bà con Thất Sơn-Châu Đốc-Tân Châu mạnh khỏe. Cảm ơn anh Bảy Tân Châu và chị Lộc Tưởng tặng cho mấy tấm hình giống cây quê mùa mộc mạc này, làm thành bức tranh xưa quá đẹp! Âu đó cũng là hình ảnh quãng đời thế hệ anh em mình vậy mà, nó đã trôi qua rồi có tới sáu bảy chục năm hơn, nhưng lại khó quên!!!

Nay thư,

Hai Trầu