Menu Close

Liên hệ bạn bè (phần kế tiếp)

Tình bạn là điều quý trong đời. Nó là kết quả của sự ân cần, lòng quý mến và nỗ lực xây dựng, duy trì. Mặt khác, tình bạn cũng không ngừng thay đổi, tiến triển, và những người bạn tốt thì luôn luôn làm mới và làm cho trong sáng mối liên hệ của mình. Tác giả Sue Fox đưa ra ba nguyên tắc để gìn giữ tình bạn cho lâu dài:

– Khi bạn mình có chuyện vui thì hãy giúp bạn tổ chức ăn mừng, kỷ niệm.

– Khi bạn gặp chuyện buồn hãy chân thành chia sẻ, an ủi bạn.

– Khi bạn cần giúp đỡ, hãy cố gắng giúp đỡ bạn.

alt

Bảo Huân

Với tình bạn, sự trang nhã lịch thiệp trong ứng xử có giúp được gì không? Bà Sue Fox trả lời có. Một người lịch sự trang nhã luôn luôn đối xử tốt với mọi người, kể cả người giữ cửa, người đưa thư, tài xế xe buýt, người giúp việc trong nhà và cả… ông/bà nha sĩ. Có lẽ những người có lòng tốt với lời nói ân cần và nụ cười trên môi sẽ được yêu mến và được nhiều người biết tới, do đó giữ được những tình bạn lâu dài. Sau đây là những điều nên làm và không nên làm với bạn mình.

– Phải biết tôn trọng cuộc sống riêng tư của bạn bè và hàng xóm: Ở Việt Nam, nhất là trong hẻm xóm và ở các chung cư, việc qua lại nhà nhau chơi được xem là thân tình tự nhiên, có khi chạy qua chạy lại nhà nhau ngày mấy bận. Ở Mỹ không như thế, bạn không nên đột ngột tới nhà người ta mà không gọi điện báo trước. Trừ trường hợp khẩn cấp, cố nhiên.

– Phải tế nhị, không làm bạn mình khó chịu, buồn lòng. Chẳng hạn lâu ngày gặp bạn, thấy bạn như đòn bánh tét thì đừng dại dột nói: “Trông chị dạo này béo tốt ra!” Hoặc thấy bạn hơi gầy và xanh xao cũng đừng nên nói, “Chị trông có vẻ mệt mỏi.” Nói như vậy có thể làm tổn thương tình cảm bạn mình.

– Phải thành thật với bạn mình. Bạn có thể chân thành khi nói lên ý nghĩ của mình mà không sợ bạn phật lòng. Nhưng nên cẩn thận, chỉ nên nói những điều bạn mình muốn nghe và nói với lòng chân thành, thông cảm.

(còn tiếp)