Thủy mở cửa bước vào nhà, căn phòng khách, phòng ăn bỗng lạ lẫm vì bàn ghế xộc xệch, trơ trọi. Phan bước theo sau, liến thoắng: “Anh vừa hút bụi lau chùi nhà cửa đấy!” Thủy không trả lời, kéo valise vào phòng, đóng sầm cửa, nằm vật xuống giường.
Một lát, Phan lắc lắc nắm cửa, bước vào, giọng ngạc nhiên lo lắng: “Em sao vậy? Mệt hả?”; “Không” Thủy quay mặt vào tường, trả lời cụt ngủn.
Phan còn đang lớ ngớ không hiểu chuyện gì, Thủy nói tiếp: “Anh làm ơn kê lại bàn ghế phòng khách, dọn lại bàn ăn, sắp xếp lại y như cũ cho tôi.” Phan ngạc nhiên: “Anh tưởng em thích thay đổi cách bày biện trong nhà, anh làm suốt ngày hôm qua.” Giọng Thủy lạnh tanh: “Anh kê lại bàn ghế y như cũ giùm.”
Chờ Phan ra khỏi phòng, Thủy ngồi dậy, thay quần áo. Tự nhiên cơn giận ùn ùn kéo đến, Thủy mở cửa đi nhanh ra phòng khách, thấy Tường ngồi vẩn vơ uống nước, nàng mạnh tay kéo ghế, kéo bàn và xoay lại theo cách bày biện cũ. Phan đứng dậy cau mày: “Em muốn kê lại, thì để từ từ anh làm, việc gì mà khó chịu thế!” Cơn giận bùng vỡ, Thủy nghiến răng: “Ai cho phép anh dắt nó vào nhà tôi?” Phan trợn mắt lắp bắp: “Nó? nó nào? Em nói cái gì vậy?”; “Đừng giả vờ nữa. Cách kê bàn ghế kiểu này, nó đã từng nói trước mặt tôi và anh.” Thủy vào bếp rót ly nước, rồi ngồi xuống ghế, uống vội và nói tiếp: “Anh giấu, nhưng tôi đã biết chuyện. Anh và nó muốn làm gì thì làm, nhưng không được bén mảng đến nhà tôi. Anh hiểu chưa?” Phan ngồi xuống ghế cười nhạt: “Em hay thật, đi cho đã rồi về bắt đầu sóng gió. Nhà này cũng là của anh, anh có quyền sắp xếp bày biện và mời bạn bè đến chơi. Nhưng nó là ai?” Thủy trừng trừng nhìn Phan:
“Anh thách tôi à? Nó là bạn của anh à? Tôi cho anh nói lại một lần nữa đấy!” Phan im lặng lắc đầu nhìn Thủy cười khẩy.
Thủy lồng lộn: “Bỏ kiểu cười ấy đi.”; Phan đỏ mặt, chồm tới: “Này, thấy người ta nhịn rồi làm tới hả?”; Thủy đứng phắt dậy: “Ai nhịn, ai làm tới? Nói đi. Tôi sẽ gọi thằng Phi đến đây ngay bây giờ.” Thủy với tay, lấy điện thoại bấm số… một lát, nàng nói: “Phi đấy hả, đến cô ngay nhé!.. Ừ, có chút việc muốn bàn với con. Ừ, cô chờ!”
Phan ngả người ra ghế, nhìn Thủy: “Gọi thằng Phi đến làm gì?”, “Cho nó biết chuyện”. Phan chậm rãi: “Nó biết rồi”; Thủy gằn giọng: “Nhưng chưa đủ, cần biết thêm, biết hết!”
Thủy ra sân, chờ Phi. Trời đã gần trưa, nhưng nắng vẫn dịu và gió mơn man khiến nàng tỉnh táo hơn. Phi bảo sẽ đến ngay, chỉ khoảng 20 phút thôi. Thủy cảm thấy lúng túng, không biết sẽ bắt đầu câu chuyện với Phi như thế nào?
Phi là cháu ruột của nàng, là con trai duy nhất của người anh Cả. Năm 75, sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản, anh Cả nàng đem vợ con từ Cần Thơ lên Sàigòn, nhờ cha mẹ nàng chăm sóc, và anh bí mật ra đi với một vài người bạn. Lúc ấy, Phi mới được 2 tuổi và nàng vừa lập gia đình với Phan.
Năm 80, nàng và Phan vượt biên, chị dâu nàng gửi thằng Phi, còn chị ở lại lo cho cha mẹ hai bên. Chuyến đi trong mùa biển động, nhưng may mắn đến được Mã Lai. Vợ chồng Thủy nhận Phi làm con. Sau hơn 8 tháng ở trại tỵ nạn Mã Lai rồi Phi Luật Tân, cả ba được một nhà thờ ở Mỹ bảo trợ và được định cư tại Houston, Hoa Kỳ.
Nơi xứ sở mới, Phi đi học, Phan và Thủy vừa đi làm vừa học nghề. Vài năm sau, Phan ra trường kỹ sư điện, cả gia đình dọn về Cali, cũng là lúc nhân số gia đình tăng thêm. Thủy sinh đôi hai lần, lần đầu hai trai, lần sau hai gái. Phi trở thành anh trai lớn trong gia đình chăm sóc các em khi cha mẹ đi làm.
Đời sống vất vả nhưng hạnh phúc, đã qua thật nhanh, chẳng mấy chốc, Phi và bốn con của Thủy và Phan đã lên đại học, ra trường, có công ăn việc làm và chúng như những cánh chim rời tổ ấm bay vào vùng trời xa, nhưng đầy hứa hẹn. Chỉ có Phi có việc làm gần nhà nhất, nên cuối tuần thường về ăn cơm chung với vợ chồng Thủy.
Thủy nhớ lúc Phi báo đã tìm được việc làm ở Hollywood, nàng dặn: “Con làm ở đó, sẽ tiếp cận với những tài tử màn bạc, họ sống không cần ngày mai, con phải cẩn thận lắm đấy!” Phi đã cười to và vấn an nàng: “Cô ơi, con thuộc hàng tép riu, làm sao dám bon chen với những tài tử điện ảnh! Con chỉ là người xem lại nội dung phim trước khi nó được duyệt thôi. Được nhìn thấy tài tử đã khướt, nói gì đến bắt chước đời sống của họ. Cô yên tâm!”
Sau đó, thỉnh thoảng Phi có dắt về nhà một vài bạn gái ngoại quốc, rất xinh xắn, nhưng tình cảm chỉ là những người bạn làm chung công việc.
Cách đây một năm, chị dâu nàng viết thư bảo đã chọn được con dâu, và mong Phi về để giới thiệu. Tuy không đồng ý việc… cha mẹ tìm chồng chọn vợ cho con, nhưng Thủy cảm thấy yên tâm nếu Phi có vợ là người Việt, điều mà nàng đang ước ao cho hai con trai của nàng. Thủy không lý giải được tại sao nàng mong các con có người bạn đời là người cùng dòng giống, mặc dù Thủy đã được hấp thụ về phong tục tập quán của người Mỹ qua học đường và nơi làm việc. Nàng có những người bạn đến Mỹ từ nhiều quốc gia, mọi người đều thân thiện và tôn trọng nhau. Đã có một phụ nữ người Nam Phi làm chung với nàng, gia đình đầm ấm, các con học hành giỏi giang, ước mong con gái của bà trở thành con dâu của Thủy. Phép lịch sự đã khiến Thủy vỗ vai người bạn mà nói rằng: “Tại sao không?” thế nhưng trong thâm tâm, Thủy không bao giờ nghĩ thế.
Thủy mơ hồ thấy mình đang lo sợ, thiếu tự tin, và ích kỷ. Nàng đã cảm nhận được sự khác biệt khi dự các đám cưới trong cộng đồng người Việt. Nếu dâu rể đều là người Việt, thì hai họ rỡ ràng. Cha mẹ hai bên tỏ rõ vai trò chủ động trong tiệc cưới. Nếu dâu hay rể là người ngoại quốc, tiệc cưới được tổ chức đơn giản hơn và cha mẹ hai bên đóng vai phụ thuộc. Quan khách vì thế cũng không tự nhiên. Bức tường văn hoá, phong tục, tập quán… vẫn lén lút ẩn hiện đâu đó, và càng ngày càng lớn dần trong suy nghĩ của Thủy, nhất là khi nghĩ đến các con, ở tuổi thành gia thất.
Thủy nhớ nàng đã hối thúc Phi thu xếp công việc để về Việt Nam. Nửa tháng sau đó, Thủy nhận được điện thoại báo tin vui của Phi: “Cô ơi, chưa bao giờ con gặp một người vừa đẹp người, vừa đẹp nết như Loan cô ạ. Loan làm nghề thiết kế và trang hoàng nội thất, hợp với nghề của con lắm.”
Cả nhà bàn bạc, rộn rã, và đám hỏi, đám cưới của Phi được cử hành ba tháng sau đó. Phi bảo lãnh Loan như vị hôn thê, nên chỉ sáu tháng sau, Loan sang đoàn tụ với chồng.
Đón Loan tại phi trường, thái độ tự tin, thân thiện của cô gái khiến Thủy e dè. Loan tươi cười ôm hôn tất cả mọi người, dáng đi nhanh nhẹn. Ra đến xe, Loan tự nhiên, thành thạo mở cửa lên ngồi ghế bên cạnh Phi.
Hôm ấy Phi đã đặt tiệc cho gia đình tại nhà hàng, khi mọi người tề tựu, Phan hóng hớt đại diện gia đình ngỏ lời đón cô dâu mới, nói xong anh rời khỏi ghế đến ôm cô dâu hôn thắm thiết.
Và điều tệ hại hơn đã xảy ra trong một bữa cơm chiều cuối tuần. Thủy nấu bún thang, nên gọi vợ chồng Phi về ăn. Ngồi vào bàn, Loan nói không kiêng nể: “Cô đi lâu nên mất gốc rồi, cô nấu bún thang mà cháu tưởng cô chan nước luộc thịt vào bún. Chẳng có mùi vị gì cả. Đã thiếu cà cuống, lại thiếu cả mắm tôm!” Phan tương ngay vào: “Ăn lấy cái tiếng thôi! Hôm nào cháu nấu, chú sẽ đến ăn!” Loan hân hoan: “Chú nhớ đấy nhá!”; Phan hí hửng: “Chú ăn vạ nhà cháu còn được!”.
Đến đây thì Thủy kéo ghế đứng dậy, Phi cũng vừa kịp đứng lên nắm tay Thủy và lên tiếng trách vợ: “Em ăn nói cẩn thận một chút” Loan trợn mắt: “Em có nói gì đâu!” Phi cau mặt: “Đứng dậy, xin lỗi cô đi!” Loan xô ghế đứng dậy, nhìn Phi: “Em làm gì mà phải xin lỗi?” Phi gằn giọng: “Xin lỗi cô đi.” Thủy nhìn Phi, xua tay: “Thôi, thôi Phi, con ăn xong, rồi về, không cần dọn dẹp, cứ để đấy, mai cô dọn, cô lên phòng nằm một chút.”
Từ hôm ấy, thỉnh thoảng Phi đi một mình, ghé thăm và ăn cơm với Thủy vào buổi trưa. Phi có vẻ buồn, nhưng Thủy không hỏi, cho đến một hôm Phi tâm sự. Thủy nhớ thật rõ tiếng trầm trầm rời rạc của Phi: “Cô là người mẹ thứ hai của con, con xin cô giúp ý kiến, vì con không biết giải quyết thế nào. Loan không muốn ở với con nữa, cô ấy là người đồng tính, chỉ muốn nhờ hôn nhân với con để sang đây thôi, cô ấy muốn ly thân!”
Thủy không kềm được sự tức giận, nước mắt trào ra, nói đứt quãng: “Con à, ngay từ lúc gặp nó ở phi trường, cô đã có linh cảm không tốt rồi. Cô không hiểu tại sao mẹ con lại lầm lẫn như vậy được?”; “Dạ, lúc mới gặp, cô ấy ít nói, kín đáo, và lễ phép lắm cô ạ. Mẹ con, ông bà nội ngoại đều khen Loan hiền lành, đâu dè…”
Thủy nghiến răng: “Nếu nó chỉ là đứa đồng tính, thì mình dễ xử con à. Đằng này nó là đứa hỗn láo, mất dậy. Không ly thân gì hết, con ly dị đi, đám cưới chưa đủ hai năm, mà ly dị, nó sẽ bị trục xuất về Việt Nam! Mình không nhân đạo với cái thứ lường gạt con à.” “Dạ, con cũng phân vân không biết tính sao! Nhưng con đã thuê nhà cho Loan ở riêng rồi!”
Có tiếng còi xe, Thủy giật mình nhìn ra cổng, Phi đậu xe trước nhà, mở cổng bước chậm rãi trên nền sỏi. Phi đoán được một phần câu chuyện, nên gặp Thủy, Phi nói ngay: “Con chở cô ra quán café, ở nhà không tiện cô ạ.” Thủy gật đầu, theo Phi ra xe.
Phi gọi hai ly mocha nóng, và nói: “Cô ạ, con biết một số chuyện liên quan đến chú Phan, con không buồn, chỉ sợ cô không chịu được thôi” Tim đập mạnh, Thủy hỏi: “Con biết gì?”
Phi vừa nhấp café, vừa nhìn Thủy: “Loan là người đồng tính, nhưng cũng thích người khác phái, Loan thích chú Phan. Hai người có qua lại trong thời gian cô về Việt Nam”
Thủy gật đầu, mặt tái nhợt: “Cô định nói với con chuyện đó, nhưng chưa biết mở đầu thế nào!”
Phi nhìn ra ngoài, ánh mắt xa xăm: “Con nghĩ chúng ta cũng không nên trách họ. Họ nợ nần nhau từ kiếp trước nên kiếp này gặp lại nhau thôi. Loan biết nếu ly dị, cô ấy sẽ bị trả về Việt Nam, nên có xin con để qua hết hai năm. Con đã đồng ý. Hiện tại con chỉ lo cho cô thôi.”
Thủy nghe tiếng của mình: “Cô hả, cô không sao, cô sẽ ly dị con ạ!” Phi nắm tay Thủy bóp mạnh: “Đừng, chuyện nhỏ lắm cô à, chú Phan và Loan chỉ xem nhau như những bạn tình qua đường thôi. Con vẫn muốn xem Loan là bạn! Mình ráng, rồi mọi chuyện sẽ qua cô à!” Thủy run rẩy nhìn Phi, đôi mắt có hàng mi cong cong đang nhòe nhoẹt nước mắt.
PDH – 08/13