Con lừa – Andrew Jackson, ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, trong cuộc tranh cử năm 1828, được phe đối lập gọi trại tên thành “jackkass” (nguyên nghĩa là con lừa đực, nghĩa bóng là chàng ngốc). Ông lợi dụng sự chế giễu đó, biến thành thế mạnh để tranh cử. Tuy nhiên, họa sĩ hoạt họa Thomas Nast (người đã tạo hình Uncle Sam được đề cập trong số báo Trẻ tuần trước) mới là người biến con lừa thành biểu tượng đảng Dân Chủ. Con lừa xuất hiện lần đầu tiên trong tuần báo Harper’s Weekly năm 1870, tiêu biểu cho phe chống cuộc Nội Chiến tại Hoa Kỳ. Nhưng công chúng chấp nhận ngay và đến năm 1880 trở thành biểu tượng không chính thức của đảng Dân Chủ.
Thomas Nast
Con Voi – Cũng chính là sáng kiến của nhà hoạt họa chính trị Thomas Nast. Trong tranh hoạt họa trên báo Harper’s Weekly năm 1874, ông vẽ một con lừa khoác áo da sư tử, làm kinh động mọi thú vật trong sở thú. Một trong những con vật ở đó là con voi, được dán nhãn hiệu “The Republican Vote – Lá phiếu đảng Cộng Hòa”. Từ đó hình ảnh con voi gắn liền với đảng Cộng Hòa ở Mỹ.
Đảng viên Dân Chủ ngày nay cho rằng con lừa thì thông minh và can đảm, trong lúc đó đảng viên Cộng Hòa lại bảo con voi mạnh mẽ và có phẩm cách tôn quý.
Làm sao Cinderella có thể đi giày bằng thủy tinh được?
Cũng như Tấm Cám của Việt Nam, chuyện cổ tích Cinderella của Tây phương đã được truyền miệng từ rất lâu xưa, mãi sau này đến năm 1697 mới được nhà văn Charles Perrault (1628-1703) viết lại để in thành sách. Trong chuyện, Cinderella đánh rơi chiếc giày vair khi vội vã trở về nhà sau lúc nửa đêm là thời điểm mọi biến hóa thần tiên biến mất. Nhưng ông đã lầm lộn từ ngữ vair nói trên (có nghĩa là da lông chồn) mà chép thành verre (có nghĩa là thủy tinh). Khi biết được chỗ sai thì đã quá muộn, chuyện được phổ biến rộng rãi khắp nơi không thể sửa chữa. Do vậy mà Cinderella thay vì đi giày làm bằng da lông chồn thì lại mang giày thủy tinh.
Tại sao nhiều người cưới vợ, lấy chồng vào tháng 6?
Ngày nay các đám cưới thường được tổ chức vào bất cứ tháng nào trong năm, miễn là tìm được một nhà hàng đãi tiệc thích hợp. Còn xưa kia, người Hy Lạp và La Mã cổ đại cho rằng kết hôn vào thời kỳ trăng tròn sẽ ảnh hưởng tốt cho việc sinh con đẻ cái. Người La Mã thì ưa tháng 6 (June), tháng mà họ đặt tên theo vị nữ thần hôn nhân tên là Juno, vì nếu cô dâu có bầu ngay, sẽ còn đủ thì giờ giúp việc cày cấy trước khi bụng đã quá to. Cô dâu sau khi sinh xong cũng có được sức khỏe để giúp việc mùa màng năm tới.