Menu Close

Duyên nghiệp

Lâu lắm tôi mới có dịp đến thăm ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô thành phố. Trời nắng và im gió.

Tôi đẩy cổng vào sân chùa, chung quanh yên ắng, vừa định bước vào chánh điện, tôi thoáng thấy một tu sĩ lom khom xách thùng nước đi vào sân sau của chùa. Tim tôi bỗng đập thật nhanh: dáng dấp ấy giống Hiếu quá! Chả lẽ… Tôi chạy theo, nhưng vị tu sĩ đã khuất sâu bên trong hàng rào ngăn sân trước và sân sau của chùa.

Cách đây khoảng tám năm, tôi đến chùa thăm Hiếu, mua cho nó ít thức ăn. Chúng tôi ngồi trên bệ xi măng dưới gốc Bồ Đề hàn huyên. Hiếu nói:

“Mô Phật, con cảm ơn Bà, hồi trước con thèm mấy cục kẹo này lắm, nhưng bây giờ Thầy nói ăn kẹo sâu răng, không có tiền chữa đâu. Hôm đám tang ông Nội con, con có thấy bà, nhưng không tới chào bà được, vì con ở trong ban tụng niệm với Thầy. Con mang ơn ông Nội nhiều lắm. Người ta nói, dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người, vậy mà ông Nội đã về Việt Nam cứu tới hai mạng người là con và mẹ con. Con chưa kịp đền đáp ơn của ông thì ông đã ra đi. Mỗi ngày con đều tụng kinh cầu siêu cho ông Nội.

Bữa 49 ngày của ông Nội, Mẹ con lên chùa cúng, mẹ nói mẹ muốn xin Thầy cho con về với mẹ. Con không biết tính sao. Bỏ mẹ một mình ở ngoài đời, con xót xa lắm. Nhưng con đã ở chùa được sáu năm rồi. Hồi mới vô chùa, con nhớ mẹ, con không muốn đi tu, nhưng bây giờ, con thích không khí thanh tịnh của chùa, con thích giáo lý của Đức Phật, và muốn trở thành một tu sĩ. Con hiểu được những nghiệp chướng con người phải gánh chịu. Con biết mình có phước lắm mới được vô chùa, học đạo, để tu thân tạo duyên lành.

Con hỏi Thầy, Thầy nói Đức Phật cũng chỉ tùy duyên của chúng sanh mà độ. Thầy chỉ biết khuyên con tĩnh tâm thiền định, sẽ thấy được đường đi. Đã hai tháng nay, con luôn nghĩ về mẹ, nhưng hình ảnh của ông Nội cứ xen lẫn đâu đó. Thầy nói vậy là nghiệp của mẹ và con với ông Nội chưa dứt, chắc con phải về với mẹ, lo cho mẹ. Thầy nói trả hiếu cho cha mẹ cũng là tu. Khi mình nghĩ điều thiện, làm việc thiện cũng là tu…”

Nghe Hiếu nói, tôi vô cùng thương cảm, nhưng không biết làm cách nào để giúp nó. Trước đó Diệu Hạnh – mẹ Hiếu- cũng kể cho tôi nghe những khổ nạn của hai mẹ con:

“Khi nhận được giấy ông Nguyễn bảo lãnh hai mẹ con con qua Mỹ, con vẫn tưởng mình nằm mơ. Con thầm cảm ơn Trời Phật. Con tự coi ông Nguyễn như người cha nuôi của mình, nên con dạy thằng Hiếu gọi ông là ông Nội, nhưng con lại ngần ngại khi gọi ông là cha. Cũng vì chút oan gia này khiến sự việc xảy ra, con cũng liều nhắm mắt đưa chân… con nghĩ tới thằng Hiếu, mất cha, bây giờ được ông Nguyễn nuôi dưỡng, con nghĩ thôi mình làm mọn trả ơn.

Nhưng cô ơi, tình cảm dục vọng khiến con người ta mất hết lương tri và trở nên ích kỷ. Ông Nguyễn quấn quýt con nhiều hơn, con cũng khổ tâm vì không tránh đuợc chuyện đó, mà thằng Hiếu từ nhỏ tới giờ, nó ngủ với con và không rời con một bước. Con thấy ánh mắt thơ ngây của nó bất chợt hốt hoảng sợ hãi khi thấy ông Nguyễn ôm con.

Nhà chỉ có một phòng, nên có bữa ông Nguyễn bắt con phải cho thằng Hiếu ra ngồi ngoài cửa, khi xong mới cho nó vô. Tội nghiệp nó khóc nghẹn đập cửa, còn con thì chết lặng. Con có năn nỉ ông Nguyễn, khi nào có được căn nhà hai phòng, con sẽ dạy thằng Hiếu cách sống tự lập như mấy đứa nhỏ ở đây. Còn bây giờ, khi nào thằng Hiếu ở nhà, thì ông làm ơn để con lo cho nó, đừng đuổi nó ra ngoài, nó mới 10 tuổi, tội nghiệp lắm. Nhưng cô ơi, có hồi trời lạnh, thằng Hiếu cũng phải ra ngoài cửa.

Con khổ quá, một bên là tương lai của con, một bên là ân nhân và tình cảm riêng tư mới bén. Con không biết con có yêu ông Nguyễn không, nhưng đang bị ông ấy thu hút, và con cần ông ấy.

Tội lỗi dằn vặt, con tìm đến một ngôi chùa, gặp vị sư trụ trì, con xin một hồi kinh sám hối. Thầy hỏi: “Con có được bình an không” Không kềm giữ được, con đã khóc và giãi bày hết với Thầy. Nghe xong, Thầy hỏi con có muốn đưa thằng bé vào chùa không? Nếu thằng bé có duyên tu đạo, ban ngày nó sẽ đi học ở trường như mấy đứa nhỏ khác, tối về chùa, mới học giáo lý nhà Phật và tập Tu Thiền” Con nghĩ đây là lối thoát duy nhất mà Trời Phật độ cho con.

Về nhà, con cho ông Nguyễn biết ý của Thầy, ông Nguyễn chấp nhận. Hôm chở thằng con tới chùa, Thầy nói chuyện với nó, hình như nó hiểu được một chuyện gì ngoài sức của nó, và có lẽ vì đã ở chùa từ nhỏ, nên nó chịu ở với Thầy.

Sắp xếp như vậy, tưởng là ổn, nhưng vẫn không được, Con chưa hề xa thằng nhỏ một ngày nào, nên ngay đêm đầu tiên thằng bé ở lại chùa, con bồn chồn lo lắng khiến tình cảm giữa con và ông Nguyễn bắt đầu rạn nứt và mỗi ngày một buồn hơn.

Tới ngày thằng bé phải xuống tóc quy y theo điều lệ tu học của nhà chùa. Con thương nó quá, bữa đó, con tính xin Thầy đem nó về, hai mẹ con sẽ sống với nhau như xưa, rồi ra sao thì ra. Nhưng con đã không làm được, và thằng nhỏ xuống tóc quy y.

Cuộc sống lại được sắp xếp. Con quen dần với cảnh sống không có thằng  bé thường xuyên bên cạnh. Mỗi tuần con lên chùa thăm con một lần, nhờ có hai chú tiểu cùng tuổi nên nó có bạn, và học hành tấn tới ở trường cũng như việc tu tập. Thầy trụ trì thương nó lắm.

Nhưng Trời già vẫn bắt tội con, bữa đó ông Nguyễn đi ngủ và không bao giờ dậy nữa. Hôm cúng 49 ngày của ông, con lên chùa, Thầy nói con đã trả xong nghiệp với ông, hãy để ông đi thanh thản, nhưng trong thâm tâm con, con vẫn hoài nghi, vì hình như một sinh linh mới đang tượng hình trong con. Cô ơi, con khổ quá!”

Tôi ôm Diệu Hạnh vào lòng, đôi vai nhỏ run lên bần bật. Tôi lại nhớ ngày Nguyễn gặp bạn bè,  phân trần về việc anh ta bước thêm bước nữa:

“…Các bạn biết rồi đó, sau khi chia tay với mụ vợ, tui buồn quá, nên về Việt Nam thăm đám bạn cũ, nhân tiện ghé thăm ông Thầy trụ trì, quen hồi trước 75.

Sáng đó, đang ngập ngừng trước cổng một ngôi chùa, bỗng có tiếng nói: “Bác ghé thăm chùa hả?” Tui giựt mình quay lại, một thiếu phụ trẻ, đội chiếc nón lá, cao hơn tui gần một cái đầu, đang xăm xoi nhìn tui với nụ cười thân thiện. Tui trả lời: “Tui ở xa mới về, muốn ghé thăm Thầy trụ trì, nhưng thấy chùa lạ quá, nên chưa dám vô!” Cổ nhìn tui, rồi chỉ lên cổng chùa loang lổ, có hàng chữ vừa rêu phong, vừa sứt mẻ: “Dạ, nếu bác tìm Thầy trụ trì chùa Tường Quang, thì đúng rồi, Thầy vẫn ở đây từ hồi nớ tới chừ!”

Nói rồi, cổ mở cổng chùa, và tui đi theo. Vô tới trước chánh điện, cổ rẽ phải, đi nhanh vào hậu liêu. Tui đang lớ ngớ, thì một vị sư chậm rãi đi ra. Khi Ngài tới gần, tui mới nhận ra vị Thầy mình quen hồi xưa. Hàn huyên tới chiều, tui xin phép Thầy ra về, cổ đã đứng sẵn trước chánh điện, nói nhanh: “Bác theo con, đi đường bên hông chùa, vì giờ này họ thường xét giấy ở đường cái, phiền phức lắm!” Tui im lặng, líu ríu đi theo cổ. Ra tới ngoài lộ, tụi tui chia tay.

Tui không hề nghĩ tới cổ, nhưng sáng hôm sau, tui muốn trở lại chùa. Tui cũng đứng tần ngần trước cổng như lần trước, thì gặp cổ, lần này có thêm đứa bé trai khoảng tám, mười tuổi. Sẵn quen từ lần trước, tui chào: “Cô lên chùa lễ Phật thường hả?” Cổ cũng vui mừng nói: “Dạ, ngày mô con cũng lên chùa làm công quả, bữa ni con con hắn nghỉ học con dắt theo luôn!” Thằng bé mặt mũi sáng sủa, đĩnh ngộ, nhìn tui, rồi khoanh tay, cúi rạp xuống đất: “Con chào ông”.

Tui khen: “Con cô đó hả? cháu mấy tuổi rồi mà giỏi quá vậy?” Cổ chưa kịp trả lời, thằng nhỏ láu táu nói: “Thưa ông con 10 tuổi, con học lớp năm, ba con chết gồi!”

Nét mặt cổ chợt tái xanh, cổ lắc lắc tay thằng nhỏ, nạt nhẹ: “Con không được làm phiền ông như vậy, xin lỗi ông đi” Thằng bé nhìn mẹ, rồi nhìn tui, lí nhí: “Con xin lỗi ông!”

Bữa đó vô chùa, mà tâm hồn tui ở đâu đâu, Thầy trụ trì hỏi: “Anh có điều chi bất an phải không?” Tui nói nhanh: “Dạ không có” Thầy nhìn tui thật lâu, rồi nói: “Hoàn cảnh của cô Diệu Hạnh tội nghiệp lắm, hai vợ chồng đi kinh tế mới, chẳng may ông chồng đạp trúng kẽm gai, bị làm độc chết. Cổ bồng con đến xin nương cảnh chùa. Thầy thu xếp cho cổ về ở với người chị của Thầy gần đây; mỗi ngày cổ qua chùa làm rẫy, và phụ với các ni cô dạy học cho mấy đứa nhỏ mồ côi. Nếu anh có khả năng, xin anh giúp cho thằng nhỏ. Nó thông minh lắm, học một biết mười, nếu được nuôi dưỡng đàng hoàng, nó sẽ khá lắm đó.

Tui nói để tui suy nghĩ. Từ đó, mỗi sáng thức dậy, tui chỉ muốn đến chùa. Một tuần trước khi về Mỹ, tôi gặp cổ, ngỏ ý muốn đem thằng nhỏ qua Mỹ. Cổ khóc, rồi chắp tay lạy tui, cổ nói: “Mô Phật, con không bao giờ nghĩ tới chuyện này, con chỉ có mình nó, để con thỉnh ý Thầy.”

Bữa đó, Thầy và tui ngồi ghế, cổ với thằng nhỏ sụt sùi đứng hầu hai bên Thầy. Thầy nói: “Con người không ai tránh khỏi duyên nghiệp, ông Nguyễn có lòng thương Diệu Hạnh, thầy khuyên con nên chấp nhận”. Diệu Hạnh nức nở: “Thưa Thầy, Bác đây muốn đưa thằng Hiếu qua Mỹ.” Thầy trụ trì điềm tĩnh: “Con nên đi theo Hiếu!” Hai mẹ con cùng khóc và cùng sụp lạy Thầy trụ trì. Theo phản xạ, tui cũng đứng lên, song hàng với mẹ con cổ và sụp lạy Thầy.

Về Mỹ, tui bảo lãnh mẹ con cổ theo diện hôn thê. Mấy đứa con tui phản đối, vì mới ly dị mẹ nó đã về Việt Nam lấy vợ trẻ. Nhưng tui đã giải thích cho tụi nó biết mọi chuyện xảy ra, và chỉ muốn nuôi thằng nhỏ, nhưng số phần đưa đẩy, cứu con thì phải cứu luôn mẹ.

Khi mẹ con cổ qua tới bên này, tui vẫn chưa xin được nhà housing hai phòng. Nên ba người ở tạm căn một phòng. Tui nhường hai mẹ con cổ phòng ngủ, tui ở ngoài phòng khách.

Được ba bốn tuần, thì tui bị cảm, bị ho, rồi cổ chăm sóc, cạo gió, bôi dầu. Sẵn có tình cảm, tui tiến tới, cô cũng hổng có thụt lùi, cớ sự xảy ra. Sau vụ này tui mới biết mình thương cổ từ hồi mới gặp. Còn cổ thì coi tui như người ơn. Cổ dạy thằng nhỏ kêu tui là ông Nội. Tình cảm của ba người trong gia đình thiệt mắc cười. Tui không biết giải quyết ra sao nữa!”

Tôi không gặp Nguyễn một thời gian khá lâu, cho đến khi bạn bè cho biết Nguyễn đã mất.

Sau này, tôi có đi tìm Diệu Hạnh, nhưng cô ấy đã dọn đi nơi khác, không biết đứa con với Nguyễn thế nào? Tôi cũng không biết Hiếu có về với mẹ không? Tôi nghĩ, tôi sẽ phải đi tìm Hiếu và Diệu Hạnh.

PDH – 8/13