Ở một lúc, tôi tự ngẫm. Có phải ở một nhà văn, là sự bướng bỉnh bất khả quy giản – của văn chương? Qua nghệ thuật, người nghệ sĩ nhìn cuộc đời. Là cái nhìn bao chuyện đời – cái nhìn tinh tế, cái nhìn thương cảm, cái nhìn cô đơn…

Cảm thức cô đơn của Yasunari Kawabata – thường phản ảnh từ chính cuộc sống của thời thơ ấu, tuổi trẻ của ông. Kawabata – tiểu thuyết gia người Nhật, người đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1968. Những tác phẩm văn chương Thousand Cranes (Ngàn Cánh Hạc), The Sound of the Mountain (Tiếng Núi Gầm) được nhận định như thượng đỉnh văn nghiệp của Kawabata. Cuộc đời ông nhiều tang tóc, sớm mồ côi cha lẫn mẹ. Lên bảy, ông mất bà nội, người chị độc nhất qua đời khi ông mới lên chín. Tang tóc làm tuổi thơ ông bất thường, dường như đã tạo nên đặc ngữ – nét mất mát bơ vơ trong văn chương Kawabata.
Trong bài diễn văn đọc khi nhận giải Nobel văn chương, ông lên án truyền thống “tự vẫn”. Thế nhưng, những nhân vật trong truyện của ông đầy những u uẩn, trăn trở và mâu thuẫn. Và chính ông lại tự vẫn bằng hơi độc tại Zushi, tháng Tư năm 1972. Ông chết sau khi nhận giải Nobel 4 năm, và sau khi người bạn vong niên là Mishima mổ bụng tự sát. Ông chết, không một bức thư tuyệt mệnh.

Yasunari Kawabata
Phải chăng, trong giới hạn nghệ thuật – những văn hào luôn rơi vào sự bi đát của số phận, và cái chết như một định mệnh của bản thể văn chương? Tôi tự hỏi.
“Sự Cô Đơn” – quan điểm tâm lý học chưa bao giờ thất bại thảm hại đến thế khi nói về phân tâm học của cảm giác cô đơn. Vẫn có sự khác biệt khi William Wordworth – một nhà thơ lãng mạn người Anh nói về “lonely place – nơi cô đơn” để bình yên thiền quán. Ông thường “thống trị” lonely place ở bìa rừng, giữa những ngọn núi và cởi bỏ sự đơn độc tâm hồn mình giữa thiên nhiên. Trong cô đơn con người còn lại với chính mình. Mọi liên hệ đứt đoạn như một thực thể tách biệt với thế giới.
Thuở nhỏ, tôi say mê truyện dịch “Ngư Ông và Biển Cả” (The Old Man and the Sea) – câu chuyện khó quên về cuộc chiến tay đôi giữa ông lão đánh cá người Cuba với con cá Kiếm khổng lồ trên Đại Tây Dương. Ernest Hemingway – nhà văn viết tiểu thuyết và truyện ngắn, Nobel Văn Chương năm 1954. Chiến tranh được dựng lên trong tác phẩm “To Whom The Bell Tolls, 1940” (Chuông Gọi Hồn Ai) – một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất của Hemingway.
Khác hẳn với nhà văn bình thường, chính đời sống của Hemingway cũng đặc trưng nhịp điệu đầy kịch tính và những khúc ngoặt đời gay gắt.
Đỉnh đồi Idaho, ông ngắm mặt trời mọc. Trời xanh nhạt, ánh nắng vàng, chẳng chói chang như ở Finca, ngôi nhà ông ở Cuba, hòn đảo mà ông đã sống suốt hơn 20 năm. Ở đây, Ketchum, Hemingway chỉ đến để chết. Ông từng mơ viết xong tác phẩm cuối cùng Paris Là Một Lễ Hội. Nhưng ông đuối sức chỉ viết được một phần, rồi dang dở.
Một buổi sáng của tháng Bảy năm 1961, Hemingway trong chiếc áo ngủ, ông bước xuống phòng làm việc, lấy ra khẩu súng săn và đặt vào trán mình. Bóp cò.

Ernest Hemingway
Tôi chợt nghĩ đến sự giới hạn lớn nhất của con người – sự sống và cái chết. Cái chết mang tính tất yếu của định mệnh. Còn sự sống thuộc về bản năng của con người.
Tôi liên tưởng đến tác phẩm “Dubliners” (Người Dublin) của James Joyce – một nhà văn với tư tưởng, hình thức sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nền Văn học hiện đại Âu – Mỹ. Con người trong sáng tác của văn phẩm “Người Dublin” được lý giải trong muôn bề phức tạp trong đời sống gia đình, rối bời trong quan hệ xã hội. Họ cảm rõ sự cô đơn, chán chường của chính bản thân mình. Họ để cho những đau đớn dằn vặt bám chặt suốt đời. Con người – vì thế trở thành những cái tôi cô đơn, mòn mỏi tìm kiếm hạnh phúc.
Viết lách, trong hoàn cảnh tốt nhất, là một cuộc sống cô đơn. Những nhà văn đi tìm cái đẹp của tuyệt đối. Nhưng điều này chẳng bao giờ tồn tại. Giữa những con người – những uẩn khúc trên từng trang viết – ý tưởng văn chương của họ cũng mang diện mạo cô đơn truyền kiếp, đôi khi lại mang cảm giác mâu thuẫn với chính họ.
Khi cô đơn tôi tìm đến sách. Như tìm sự đồng cảm của những tâm linh trong cõi “trăm năm cô đơn”. Không có sách, lịch sử im lặng, văn chương câm nín.
Rồi tôi cũng như một dấu lặng… giữa cõi đời…

William Wordworth