Menu Close

Giong ruổi thảo nguyên Tây Tạng

Đường vắng vẻ, nhiều đoạn xe chạy cả giờ không gặp người chỉ thấy núi đá xám và những dãy đồi xanh, thỉnh thoảng điểm khe núi, hẻm đá dựng. Nhằm dẫn giải cho nhóm tụi tôi về Tây Tạng, chú Tư  là người “một bụng kinh luân” hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng rằng toàn Tạng có bốn địa khu là Usang (Trung tâm), Ngari (Tây), Amdo và Kham (Đông). Trải qua ngàn năm chiến chinh ác liệt, Tây Tạng vì yếu nhỏ hơn đã để mất Amdo và phần lớn địa khu Kham vào tay Trung Quốc. Phần đất bị mất đó là tỉnh Qinghai (Thanh Hải) hiện nay.

alt

Thánh địa Chodrak

Người Tạng ở Qinghai được phân bố thành 6 châu tự trị, trong đó 5 châu Hải Tây, Hải Bắc, Hải Nam, Hoàng Nam, Quả Lặc (Golog) vốn là đất Amdo cũ, nói tiếng Amdo. Riêng châu thứ sáu, châu Ngọc Thụ (Gyegu) vốn là đất Kham cũ thì nói tiếng Kham. Người Kham nói, người Amdo không hiểu; người Amdo nói, người Kham cũng không hiểu nên trong giao tiếp với nhau phải dùng tiếng Quan Thoại (còn gọi là tiếng Bắc Kinh, tiếng Phổ Thông) làm phương tiện chuyển ngữ… Chi tiết này làm vài mọt sách trong đoàn ỉu xìu, thất vọng vì chỉ thủ theo cuốn “Song ngữ Tạng- Anh đàm thoại”, định bụng tới đâu gặp người Tạng cần hỏi chuyện gì thì chỉ vào câu tiếng Tạng tương ứng. Giờ mới biết tiếng Tạng trong cuốn sách không phải phương ngữ Amdo hay Kham mà là tiếng thủ đô Lhasa.

Trời về chiều, ánh tà dương vẫn còn trên núi đồi bát ngát. Xe vẫn giong ruổi trên đường ngoằn ngoèo, vắng vẻ xui tôi nhớ hồi còn học Đường thi Trung Quốc với thầy Trần Trọng San ở Đại học Đà Lạt từng nghe thầy nhắc “Thi phái Biên tái” và những câu thơ tả cảnh chiến trận bi hùng như “Thanh Hải mây cao phủ Tuyết Sơn. Cô thành xa vọng Ngọc môn Quan (Vương Xương Linh)”, “Bốn bề trống đánh biển tuyết phun. Ba quân tiếng thét Âm Sơn động. Ải giặc thế quân đồn sát mây. Bãi trận xương trắng quấn rễ cỏ”.

Lạ lẫm chùa Tạng

Không như chùa Việt Nam thường có tường bao, có cổng tam quan trên khắc tên chùa hoặc treo biển viết chữ nho (chữ Việt) tên chùa, địa chỉ, năm xây dựng. Bước qua tam quan là tới sân chùa, thường đặt chậu hoa cảnh, trồng cây bồ đề dựng tượng Mẹ Quan Âm trong tư thế đứng cầm bình cam lộ. Hết sân tới chánh điện. Khoảng giữa chánh điện và nhà ăn, nhà ở của tăng ni phía sau là sân trời lộ thiên. Hai bên sắp đăt nhà khách, văn phòng, nhà để xe, toilet…, chùa Tạng đơn giản hơn thế nhiều. Không tường bao, không tam quan, không tên chùa, không cây cảnh…chỉ một tòa chính điện mái cong, chóp sơn vàng (có thể trệt, có thể vài tầng lầu) và dãy nhà phụ khép hình chữ U hoặc dàn ngang hình chữ nhất. Chẳng hạn như ngôi chùa này thuộc dòng Barom Kagyu, một trong bốn dòng chính của tông phái Kagyu. Xe đỗ xịch, mọi người bước xuống đi vài bước là vào tới luôn chính điện. Do được dặn trước nên tất cả xếp hàng tuần tự khi đến trước mặt sư trưởng. His Eminence Saljey, sư tổ của sư phụ Sonam là một trong vài vị chủ trì dòng Barom hiện tại thì cúi đầu, dâng khăn kata trắng (kiểu khăn phu la của ta, nhưng bằng lụa trắng mỏng) và tịnh tài đựng trong bao lì xì đỏ lên Ngài để tỏ lòng tôn kính. Nơi Đức Saljey ngồi tiếp đoàn là một điện thờ rộng. Tượng thờ trong điện không giống trong chùa Việt. Có nhiều tượng hoàn toàn lạ phải hỏi mới biết, như tượng Đức Liên Hoa Sanh, Lục Độ Mẫu Tara, Đức Quan Âm Thập Nhất Diện, Đức Milarepa…  Mỗi vị Phật đều ngự trên bệ chạm hình tòa sen do tám hoặc năm sư tử tuyết đội lên (sư tử tuyết là linh vật trong Phật giáo Tây Tạng, kiểu rồng, phượng, rùa, hạc trong Phật giáo Việt Nam). Bên dưới bệ thờ không có bình hoa tươi, lư hương, đèn cầy, đèn dầu, mâm bồng đặt đĩa trái cây mà đơn giản chỉ bình cắm hoa nilon xanh đỏ, hàng chén (hoặc ly) đựng nước cúng, thêm một hai tấm ảnh lồng kính của các vị tổ. Cả đoàn lên xe tiếp tục khám phá xứ sở đầy huyền thoại tâm linh.

alt

Một đoạn đường cheo leo về Ngọc Thụ

alt

Xếp hàng vào thăm tu viện Chodrak

alt

Cúng dường tu sĩ

Những huyền thoại

Ngang qua một thung lũng rộng, thấy trên núi giăng đầy cờ màu xanh lá cây, xanh dương, đỏ, vàng, trắng, đó là những tờ kinh Phật bằng tiếng Tạng. Màu của chúng là màu những yếu tố tạo thành vạn vật (kiểu ngũ hành của ta). Giăng nhiều dây trên núi cao, mỗi dây xâu hàng trăm tờ kinh để gió liên tục đưa hình ảnh, âm thanh mầu nhiệm của kinh Phật tới khắp chúng sinh hữu tình làm lợi cho chúng sinh. Và chỉ giăng ở thánh địa linh thiêng vào các dịp lễ do các tu sĩ trưởng dòng, trưởng tu viện khởi xướng. Vì thế, cứ trông cờ giăng thì chỗ đó được gọi là Thánh địa.

Tu viện mà cả đoàn ghé thăm tiếp đó, theo mấy tay ma cũ kể thì cũng rất thú vị bởi vì cả Tây Tạng mênh mông chỉ có 25 Thánh địa. Tu viện này tuy nhỏ bé nhưng là một trong 25 Thánh địa thì nó còn là tu viện đầu tiên của dòng truyền thừa Barom Kagyu. Tu viện dựa vào núi, phía trước mặt có thung lũng rộng dài, có sông suối uốn mình theo phong thủy thì được thế “tọa sơn hướng thủy”.  

alt

Cờ kinh giăng tại Thánh địa Chodrak

alt

Đỉnh núi, nơi một vị tổ dòng Barom Kagyu ẩn tu suốt 7 năm liền

alt

Dưới cột cờ kinh

Theo chân thầy để tỏ lòng thành kính, các đệ tử chắp tay đi ba vòng quanh tượng Đức Milarepa đặt trang trọng trong lồng kính; vừa đi vừa tụng Lama chenno. Nói là đi không chụp ảnh, không nói chuyện nhưng ai cũng vừa đi vừa ngắm nghía tò mò. Riêng cậu Tòng dám nhận xét là ăn trộm vào chùa Việt Nam còn khiêng được chuông đồng tượng đồng bán lấy tiền còn vào đây không thứ gì đáng “thó”.  

Thầy chỉ tay về phía bức tường cũ xỉn phía sau bàn thờ. Trên đó nổi lên một mặt người, kiểu phù điêu trang trí chỉ khắc nửa mặt… Vị trụ trì giải thích tự nhiên từ tường đá trồi ra. Đó là mặt Đức Liên Hoa Sinh (vị tăng sĩ Ấn Độ vào thế kỷ thứ VIII đã mang Phật Giáo tới Tây Tạng được dân Tạng sùng bái như Phật Thích Ca thứ hai). Từ đời này sang đời khác, chùa tu sửa nhiều lần nhưng khu vực này vẫn để nguyên thậm chí không quét vôi mới. Quanh chùa, trong chùa có những hình khắc, hình hiện trên đá tất cả đều là thánh tích gần 700 năm tuổi, như thánh tích của Đức Karmapa đời thứ V (1384 – 1415).

Các thầy đưa cả bọn chúng tôi leo núi Chodrak “chơi cho biết”. Đường núi khúc khuỷu nhưng không hiểm trở. Trông gần mà leo hoài không tới. Tội nghiệp các chị lớn tuổi, vừa leo vừa thở. Bù lại, khi lên tới đỉnh ngồi cạnh những dây cờ bạc màu, phóng tầm mắt ra xa được một phen mãn nhãn với mây trắng xốp bồng bềnh trên nền trời xanh thăm thẳm, bốn bề núi non hùng vĩ. Từ đỉnh núi Chodrak đầy cờ bạc màu, chĩa ống dòm xa xa, các tay máy thi nhau ghi hình một tịnh cốc trong hõm núi. Thầy trụ trì giải thích đó từng là nơi nhập thất của Ngài… Vị này ngồi thiền suốt 7 năm.

Đi một bước, nghe một chuyện lạ, gặp một thánh tích. Cả đoàn muốn ngủ lều du mục thay vì vào thị trấn thuê khách sạn. Thầy Sonam tươi cười chiều ý và thầy nhanh chóng cử người thuê lều, mua chăn đệm mới (nhà lều có cho thuê chăn đệm, nhưng chị em thích đồ mới cho chắc ăn). Lần đầu tiên ngủ lều trên thảo nguyên (lều có khung sườn chắc chắn, cửa kéo phéc mơ tuya, sàn trải thảm, chăn gối đàng hoàng), dù cơ thể mỏi nhừ sau một ngày chơi núi, các bà các chị vẫn không sao chợp mắt. Đột nhiên, giữa tiếng gió u u đều đều, nổi lên tiếng chân sột soạt, tiếng thở phì phò, tiến sát lều… Tôi run bắn. Câu “Ohm mani padme hum” hộ thân, ngày thường thuộc làu, bây giờ hóa thành câu “Phật ơi, cứu con! chó sói…”

alt

Trên đỉnh phù vân Chodrak

alt

Bức vách hiện mặt người phía sau bàn thờ bên tay trái  trong tu viện Chodrak

alt

Thánh tích ( mặt người, được cho là Đức Liên Hoa) tự trồi ra từ vách đá, gần 700 năm tuổi