Đời sống mỗi ngày một tất bật, vội vã vì con người trở nên quá bận rộn – bận rộn vì sinh kế, bận rộn vì ham chơi (chơi trò chơi điện tử), bận rộn vì thân nhân, bạn bè… Mỗi ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ bất kể ta là ai, giàu hay nghèo, già hay trẻ, và quỹ thời gian kia được ban phát đồng đều cho mọi người. Khi quá bận rộn, không đủ thời giờ để hoàn tất mọi hoạt động như ý muốn thì con người tìm cách gia giảm quỹ thời gian và thời giờ dành cho việc nghỉ ngơi, giấc ngủ bị thu ngắn. Thỉnh thoảng phải thức khuya hay dậy sớm vì công việc, ta có thể ngủ bù, ngủ góp nhưng khi giấc ngủ bị thu ngắn liên tục, triền miên thì cơ thể chịu ảnh hưởng khá nặng nề và sức khỏe suy giảm trầm trọng.

Bản tổng kết mới nhất từ bộ Y Tế Hoa Kỳ tường trình một số dữ kiện mới về sự liên quan giữa sức khỏe và giấc ngủ.
Con người cần ngủ ít nhất 7-8 tiếng mỗi ngày. Dưới mức thời gian này là cơ thể thiếu ngủ. Những người cho rằng chỉ cần ngủ 5-6 tiếng mỗi ngày mà vẫn phây phây, thật ra họ đã gạt gẫm cơ thể mình phần dưỡng sức cần thiết để tiêu xài thời gian vào việc khác. Sức khỏe và ngay cả tuổi thọ bị ảnh hưởng nặng nề vì thiếu ngủ.
Bất kể tuổi tác, thủa thơ ấu đến già lão, sự thiếu ngủ ảnh hưởng đến trí nhớ, sự học hỏi, óc sáng tạo, mức làm việc và cả sự an vui tâm thần. Ngoài ra, cơ thể cũng chịu một số bệnh tật chỉ vì thiếu ngủ.
Theo các chuyên viên về giấc ngủ (sleep specialist): tim (hệ tuần hoàn), phổi (hệ hô hấp) và thận (hệ tiết niệu) là các bộ phận chính duy trì sự sống đều chịu ảnh hưởng bởi sự thiếu ngủ. Ngoài ra, những bộ khác như sự chuyển hóa (metabolism), sự ngon miệng và trọng lượng cơ thể, hệ đề kháng (immune function), sức chống trả bệnh tật, cảm giác đau, phản ứng, tâm tình và hoạt động của não bộ đều chịu hư hoại vì thiếu ngủ.
Thiếu ngủ là yếu tố quan trọng dẫn đến trầm cảm và nghiện ngập nhất là với những người bị chứng “hậu tổn thương” (post-traumatic stress disorder, PTSD). Những bệnh nhân này thường “sống lại” những giờ khắc nguy khốn khi đi ngủ, và các hình ảnh, cảm xúc cũ khiến cơ thể đi vào trạng thái “báo động”, tim đập nhanh và mạnh, hơi thở dồn dập, bắp thịt chân tay co thắt như thể đang sửa soạn chạy trốn. Tình trạng này khiến bệnh nhân mất ngủ triền miên. Đây là trường hợp của các cựu chiến binh Hoa Kỳ trở về từ chiến trường Iraq và A Phú Hãn; vì mất ngủ triền miên, nhiều người đã tự tử.
Người già chịu ảnh hưởng của sự thiếu ngủ nặng nề hơn người trẻ vì chu kỳ thức-ngủ hàng ngày (circadian rhythm) dễ dàng bị xáo trộn và khó điều hòa. Người già khó “làm quen” với các thay đổi trong đời sống, họ cần một thời gian dài hơn để “điều chỉnh” đồng hồ sinh hóa khi giờ giấc thay đổi, nếp sống thay đổi.
Khi chu kỳ thức ngủ bị xáo trộn, phản ứng của cơ thể chậm lại, hoạt động của não bộ chậm lại, nên kém minh mẫn, dễ lạc đường và thông thường nhất là quên các chi tiết cá nhân.
Để giúp người trọng tuổi “điều chỉnh” đồng hồ sinh hóa, ta cần duy trì một thời khóa biểu ăn-ngủ-nghỉ ngơi, đừng ngủ giữa giấc (nap), tránh ăn uống những món kích thích thần kinh như caffeine, và tiết giảm những thứ khuấy rối giấc ngủ như ánh sáng, tiếng động và chó mèo chung quanh.
Thiếu ngủ dẫn đến việc lên cân, những người thiếu ngủ (vì bận thức khuya để ăn uống) chịu hậu quả của sự tiết giảm leptin. Leptin là một nội tiết tố kiểm soát mức ăn uống. Nội tiết tố này báo cho cơ thể biết là đã ăn đủ lượng thực phẩm. Khi thiếu ngủ, mức leptin xuống thấp, và cơ thể “đòi ăn” nhiều hơn. Ngược lại, khi thiếu ngủ, một nội tiết tố khác, ghrelin, lại lên cao. Ghrelin kích thích cơ thể thèm ăn. Do đó người mất ngủ thường ăn nhiều hơn.
Ngoài ra, khi chu kỳ thức ngủ và giấc ngủ bị xáo trộn, sự chuyển hóa của cơ thể chậm lại, góp phần tạo ra việc lên cân.
Khả năng chuyển hóa đường glucose cũng bị tiết giảm khi thiếu ngủ và có thể dẫn đến chứng tiểu đường loại II. Một cuộc nghiên cứu cho thấy khi những người mạnh khỏe không được ngủ đầy đủ trong suốt 6 ngày, cơ thể họ có mức insulin và lượng đường trong máu tương tự như những người bị tiền tiểu đường, loại II.
Tỷ lệ bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn với những người thiếu ngủ (được ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày). Huyết áp của họ thường trực ở mức “cao huyết áp”. Thiếu ngủ tạo ra sự đóng vôi (calcification) tại thành mạch máu tim (coronary vessel), có thể dẫn đến bệnh tim mạch. Tuy nhiên, riêng với phụ nữ, những người ngủ trên 9 tiếng mỗi ngày có tỷ lệ bệnh tim mạch cao hơn.
Tỷ lệ ung thư cao hơn với những người thiếu ngủ triền miên; lượng nội tiết tố melatonin xuống thấp khi thiếu ngủ. Tỷ lệ ung thư vú gia tăng, lượng melatonin xuống thấp trong các phụ nữ thiếu ngủ. Tỷ lệ ung thư ruột già cũng gia tăng khi thiếu ngủ triền miên, lý do tại sao ta chưa rõ.
Đối với trẻ em, thiếu ngủ gây xáo trộn hệ nội tiết. Cơ thể tiết ra nội tiết tố tăng trưởng (growth hormone) trong giấc ngủ, nội tiết tố này kích thích sự tăng trưởng của xương, gia tăng khối bắp thịt và sửa chữa các hư hại tại tế bào cũng như mô trong cơ thể, người lớn cũng như trẻ em.
Trẻ em thiếu ngủ có những dấu hiệu của chứng hiếu động quá mức (attention deficit hyperactivity disorder, ADHD) và thường bị chẩn đoán lầm là ADHD trong khi chúng chỉ thiếu ngủ. Khi được ngủ đầy đủ, các triệu chứng của ADHD biến mất!
Trong giấc ngủ, cơ thể tạo ra các cytokines, những nội tiết tố của tế bào giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Do đó người thiếu ngủ dễ bị nhiễm trùng, thường bị cảm cúm liên miên.
Những hệ quả âm thầm khác khi thiếu ngủ bao gồm các hoạt động của trí não. Người thiếu ngủ khó học hỏi một điều mới lạ, trí nhớ kém, khả năng phân tích, xét đoán và hành xử trở nên chậm lụt, giảm nhạy bén.
Trong giấc ngủ, tiến trình học hỏi (thu góp các dữ kiện mới lạ) và tiến trình ghi nhớ được ghi chép (encoding) vào não bộ. Giấc ngủ đầy đủ rất quan trọng cho sự hoạt động của các tiến trình này. Do đó, người ngủ đủ giấc thường phân tích, thẩm xét dữ kiện bén nhạy và nhanh chóng hơn, họ học hỏi nhanh hơn và ghi nhớ nhiều hơn, lâu hơn những điều mới học hỏi được.
Sự suy giảm trí tuệ thường thấy trong tuổi già có thể liên quan đến việc thiếu ngủ triền miên.
Khi thiếu ngủ, đầu óc trì trệ, khó tập trung ý nghĩ và người thiếu ngủ thường phân tích, thẩm định kém minh mẫn nên hành động thiếu suy xét. Các yếu tố này dễ dẫn đến tai nạn khi họ điều khiển máy móc nặng hoặc lái xe.
Khi thử lái xe, người thiếu ngủ điều khiển tay lái tương tự như người say rượu, họ không thể nhanh lẹ phối hợp các hoạt động của mắt nhìn với cử động của chân tay; sự phối hợp cần thiết để điều khiển một chiếc xe chạy cho an toàn. Và không một lượng cà phê hay gió lạnh nào có thể giúp họ bớt ngầy ngật, tỉnh táo hơn.
Nói giản dị là sự thiếu ngủ gây bệnh tật cho cơ thể, từ “tâm” đến “thân”.
Trong lần khám bệnh định kỳ tới, hãy nói cho bác sĩ biết bạn ngủ mấy tiếng mỗi đêm và ngủ ngon giấc hay không. Hãy nói thật: ngủ đủ giấc và ngủ ngon giấc quan trọng cho sức khỏe như huyết áp và lượng cholesterol mà ta theo dõi hàng năm!