Một câu chuyện vừa bi thương vừa kịch tính như phim “hành động” vừa xảy ra ở tỉnh Thái Bình.
Khoảng 15h ngày 11/9, một người đàn ông đi vào Ủy ban Nhân nhân thành phố Thái Bình ở phố Trần Phú. Ông đến phòng làm việc của Đội Giải Phóng Mặt Bằng, Trung tâm phát triển quỹ đất, đẩy cửa vào, rút súng, lần lượt bắn từng cán bộ đang có mặt trong phòng. Ông bắn 5 phát đạn, 5 người bị bắn, trong đó có một người may mắn bị bắn trượt, 3 người bị trọng thương và một người bị chết khi được đưa đến bệnh viện.

Ủy ban Nhân nhân thành phố Thái Bình, nơi anh Viết bắn 5 cán bộ giải phóng mặt bằng – nguồn xembaomoi.com
Danh tính của 5 người bị bắn là:
– Vũ Ngọc Dũng, sinh năm 1962, phó giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất thành phố – bị bắn vào đầu, chết khi được đưa đến bệnh viện;
– Nguyễn Thành Dương, sinh năm 1975, cán bộ trung tâm – bị bắn vào mắt phải;
– Vũ Công Cương, sinh năm 1990, cán bộ trung tâm – bị bắn vào đầu;
– Bùi Đức Xuân, sinh năm 1975, cán bộ trung tâm – bị bắn vào đầu;
– Phạm Thị Lan Anh, sinh năm 1977, phó giám đốc Trung tâm – bị bắn sượt qua mang tai phải.
Người đàn ông nổ súng tên là Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, đi làm tại Sài Gòn, mới về Thái Bình được khoảng một tuần.
5 phát đều nhắm vào đầu các nạn nhân, trúng 4 phát. Có lẽ người bắn đã rất bình tỉnh, bắn theo kiểu hành quyết chứ không xả súng bắn lung tung. Lẽ ra, chỉ cần người đầu tiên bị bắn là những người còn lại đã cố bỏ chạy thoát thân rồi, nhưng cả 4 người đều trúng đạn vào đầu thì người bắn quả là tay có nghề. Ông là tay thiện xạ, hay là tay sát thủ máu lạnh chăng?
Thưa không, ông chỉ là một người dân bình thường. Một người dân thấp cổ bé miệng, bị áp bức và oan khuất!
Sau khi bắn người, ông Viết thoát ra khỏi hiện trường. Ông đi về nhà, chào vĩnh biệt người thân, như trong một kịch bản được tính toán chính xác từng chi tiết.
Ông Đặng Ngọc Vu – cha của ông Đặng Ngọc Viết, năm nay đã ngoài 80 tuổi, đang bị liệt phải nằm một chỗ, cho biết: “Chiều qua, nó có qua đây chào tôi, nó bắt tay tôi và bảo hôm nay con bắt tay ông, con đi trước ông, tôi có hỏi nó là mày đi đâu thì nó không nói mà bỏ đi luôn.
Nó đi lối trong làng và ra chùa ở bên Đông, rồi cũng không biết như thế nào nhưng đến chiều tối thì tôi thấy mấy anh công an vào báo gia đình ra nhận có đúng người nhà hay không. Xảy ra sự việc như thế, tôi buồn và thương con tôi quá…”.
Bà Lê Thị Tám, một phật tử tại chùa Đông Sơn, thôn Dục Dương, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, kể rằng: “Khoảng 15h ngày 11/9, có một người đàn ông đi xe máy tới chùa xin vào chơi, sau khi tôi hỏi thăm được biết anh ta tên là Viết và là người dân gốc ở làng. Sau đó anh Viết ngồi chơi uống nước tại chùa.”
Theo bà Tám, đến khoảng 18h cùng ngày, khi tới giờ cơm, ông Viết có xin một bát cơm chay ở nhà chùa để ăn, sau đó ra phía đền Phật Bà Quan Âm. Các Phật tử trong chùa cũng thấy là khó hiểu vì trời đã tối nhưng Viết không về mà ngồi trầm tư không nói gì. Thi thoảng Viết quỳ gối dưới chân bức tượng. Một số người lo sợ Viết là kẻ trộm cắp giả vờ vào chùa nhưng theo dõi lại không thấy người này có biểu hiện gì bất thường.
Cho đến 19h, khi bà Tám đang làm việc trong bếp bất ngờ nghe thấy hai tiếng nổ lớn, giống như tiếng pháo, một Phật tử khác trong chùa là Phạm Công Uynh (76 tuổi) là hội trưởng hội Phật tử cũng nghe tiếng vội lấy đèn pin ra soi thì thấy Đặng Ngọc Viết đã nằm xuống dưới chân tượng Quan Âm, thở phì phò và không nói gì.
Do trời quá tối, ông Uynh và bà Tám dòng dây điện để kéo bóng đèn ra soi thì thấy Viết đã nằm yên bất động, miệng sùi bọt mép, nên vội cấp báo lên công an ở xã. Khi công an tới, Viết đã tử vong. Lật người Viết lên, mọi người mới phát hiện ở ngực có vết thương như súng bắn, ông đã chọn phương cách kết thúc bi kịch của đời mình dưới chân tượng Phật.
Sau đó, lực lượng công an đã cho người dùng nam châm để mò và phát hiện khẩu súng dưới ao. Họ xác định ông Viết đã dùng súng tự bắn vào tim sau đó ném súng xuống dưới ao.
Nguyên nhân vụ án mạng
Người nhà ông Đặng Ngọc Viết cho biết, nguyên nhân dẫn tới hành động giết người của ông xuất phát từ việc đền bù giải phóng mặt bằng. Theo đó, căn nhà nơi Viết đang ở có diện tích khoảng 200m2, được đền bù gần 500 triệu và muốn chuyển sang khu tái định cư phải bù thêm tiền trong khi Viết không thể xoay xở được.
Ban đầu Viết định lấy tiền đền bù bằng tiền mặt nhưng phía UBND không trả một lần mà chia ra làm nhiều đợt. Sau khi lấy được 3 đợt, Đặng Ngọc Viết muốn chuyển sang hình thức nhận đất ở khu tái định cư và trả lại tiền mặt đã nhận nhưng không được chấp thuận.
Đặng Ngọc Viết đã làm đơn kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết nên xảy ra mâu thuẫn với ông Tư và ông Dũng là Giám đốc và Phó giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình.
Sáng 12/9, rất đông người dân xung quanh đã đến để chia buồn cùng gia đình ông Đặng Ngọc Viết. Chị Nguyễn Bích Ng. , người yêu của Đặng Ngọc Viết kể: “Sáng hôm qua, anh Viết có mang chiếc xe Sirius đi cắm và đi về bằng một chiếc xe Dream. Khi tôi hỏi thì anh Viết bảo là, hôm nay anh mang xe đi cắm để lấy tiền tạo mối quan hệ với mấy người trên trung tâm giải phóng mặt bằng thành phố…
Trước đó gần một tháng, anh có đi chụp ảnh và bảo dùng làm ảnh thờ. Sau đó anh còn đi đến chơi nhà một loạt anh chị em. Người nhà khi phát hiện cũng đã lo ngại và hỏi về dự định nhưng anh Viết không nói.”
Sáng ngày 12/9, trong cơn mưa xối xả trút xuống thành phố Thái Bình, tại căn nhà nơi diễn ra đám tang của Đặng Ngọc Viết, hàng trăm người dân đã đến dự, tất cả mọi người đều không ngờ rằng Viết dám mang súng vào tận ủy ban nhân dân để giết người vì bình thường Viết vốn là một người hiền lành, ít nói. “Khi nghe tin về vụ việc, tôi không thể ngờ được hung thủ là Viết vì tính nó hiền lành, có bao giờ gây sự, đánh nhau với ai đâu”, cô Lan – một người dân tham dự đám tang chia sẻ.
Cộng đồng người Việt trên mạng nhiều phần đều bày tỏ lòng tiếc thương và bi phẫn với hoàn cảnh của ông.
Phải chăng đây là hiệu ứng domino từ vụ Tiên Lãng?
Cách đây không lâu, các anh em trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng, Hải Phòng đã chống trả lại hành động cướp đất của chính quyền, hậu quả là họ đều lãnh những án tù rất nặng. Nhưng, con giun xéo lắm cũng quằn, ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh; khi người dân không còn tin vào công lý, thì họ tự đi tìm công bằng cho mình. Dưới đây chúng tôi xin ghi lại những bình luận của cư dân mạng:
n Lợi dụng chiêu bài “đất đai là sở hữu toàn dân”, tại VN, càng xa trung tâm giới cầm quyền càng o ép, cướp bóc người dân thậm tệ. Họ chỉ làm một công việc đơn giản là “qui hoạch”, sau đó đền bù với giá rẻ mạt và nhỏ giọt rồi phân lô, bán lại cho “nhân dân” với giá cao hơn gấp nhiều lần. Điều này đã đang và còn tồn tại. Vụ anh Viết là một lời cảnh tỉnh dù rằng với những kẻ ngu xuẩn và kiêu ngạo theo kiểu bệnh hoạn tâm thức cảnh tỉnh là xa xỉ. Thế kỷ 21, không ai cổ vũ cho bạo lực nhưng thử hỏi người nông dân nếu không cam chịu thì còn con đường nào khác? Nhưng cam chịu cũng có nghĩa là đè nén thật sâu lòng căm thù và truyền lại cho con cháu nếu có chết đi. Một viễn cảnh kinh hoàng cho đất nước này!
n Chúng ta không ủng hộ việc giải quyết xung đột với chính quyền bằng bạo lực như thế này, nhưng không phải đơn giản mà những người dân bình thường như anh Việt, anh Vươn lại có thể sẵn sàng đánh đổi tính mạng của mình để lấy sự công bằng. Ở đất mang tên Thái Bình mà không thấy thái bình từ bao năm qua.
n Có thể những cán bộ giải phóng mặt bằng không phải là người đáng bị bắn và họ chỉ là nạn nhân của chính sách đất đai lỗi thời đã bị các nhóm lợi ích lợi dụng và tước đoạt tài sản của người dân. Nhưng một điều chắc chắn, sự việc này buộc Quốc hội, Chính phủ không thể làm ngơ trước những đòi hỏi của thực tiễn trong cải cách chính sách đất đai. Nếu không có sự thay đổi, những vụ như thế này sẽ lan rộng và không thể ngăn cản được.
n Bạn Viết không tự tìm lấy cái chết sau khi tự thân vất vả đi tìm công lý, cho dù đó là loại công lý tự tạo của những nạn nhân trắng tay ở chốn đường cùng. Bạn ấy tự xử, chỉ vì không muốn tòa ghép án bằng thứ công lý bảo vệ độc tài. Rõ ràng là bạn Viết đã phủ định thứ công lý bẩn thỉu đó hai lần. Như một thông điệp: Bạn Viết đúng là có bắn vào đầu cán bộ, nhưng, cùng với hành động khỏa thân giữ đất, cùng với quyết định tự thiêu giữ con, và cùng với quả bom gas ở Tiên Lãng, chính thực đây là những phát đạn bắn vào đầu cái chế độ dồn sức giết dân bằng lòng tham và tính ác. Tỉnh ra chưa, hỡi đảng & nhà nước tham tàn?
n Rồi sẽ chẳng phải chỉ có mỗi Hải Phòng, Thái Bình đâu. Hiện nay, những người dân VN bị áp bức, cướp đất, và sẵn sàng liều mình giữ đất này hiện diện ở khắp nơi. Câu chuyện người dân bắn chết quan lại ở Thái Bình rồi tự sát sẽ được nhân rộng trong tương lai gần thôi. Mấy năm nay dân chỉ biết tự thiêu, tự sát, nhưng nay thì họ thà giết đám tham quan ô lại rồi tự quyết đời mình vẫn hơn.
n Những gì đang diễn ra ở Hải Phòng, Thái Bình và nhiều nơi khác, làm cho tôi tưởng như chúng ta đang sống trong thời thực dân Pháp vẫn đương thống trị An Nam. Quyền tư hữu đất đai, tư hữu tài sản thật sự là cái gốc của mọi vấn đề.
n Không biết bác Viết này có phải bị phản động xúi giục không, nhưng mình chắc một điều bác này chưa học tập tư tưởng của Cụ rồi mới tự sát. Ngày xưa, chúng nó cải cách ruộng đất giết mấy trăm ngàn người thế mà rồi chỉ xin lỗi là xong. Còn bác này gây ra một tội ác để trừng trị một tội ác khác, nhưng mới xử có 4 mạng mà đã tự sát rồi, thật là phí, suy thoái đạo đức quá!
n Teo bu-gi chưa! Hẳn là trong tương lai gần, tất cả những ai vào cơ quan công quyền đều phải qua máy rà soát. Nhưng sẽ lại tức nước, lại vỡ bờ. Hẳn nhiên thiên hạ sẽ chơi hàng nặng hơn, giải pháp chơi lựu đạn có khả năng xảy ra lắm đó.
Dịch giả Phạm Nguyên Trường cho rằng, “… sau này biên niên sử về cuộc đấu tranh đòi quyền sở hữu đất đai cho nông dân Việt Nam sẽ có tên các anh Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết.”
Tôi thì nghĩ đến câu nói đau đớn của nhân vật Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, “Tao muốn làm người lương thiện nhưng ai cho tao lương thiện…”
Anh Đặng Ngọc Viết, cầu mong hương linh anh được siêu thoát!
CTU