Nỗi sợ chó sói của tôi nhanh chóng bị phát hiện, làm trò cười cho chị bạn nằm kế cạnh. Hai chị từng đi Tây Tạng, cho biết tiếng sột soạt, tiếng thở là của con yak, không phải sói. Yak, tiếng Tạng để chỉ con trâu đực (con cái không gọi là yak mà gọi là dri). Nhưng người phương xa không phân biệt đực – cái cứ gọi chung là yak, lâu dần thành quen. Yak đối với người Tạng, cũng như ngựa với người Mông Cổ, lạc đà với người Ả Rập, trâu bò với người Việt, nghĩa là rất thiết thân, quan trọng.

Không có yak, thì không có sữa làm thức ăn, đồ uống, không có chất đốt, không có phương tiện cày bừa, chuyên chở, không có len, không có thịt nói chung là không có sự sống. Vì thế, chăn nuôi yak, không chỉ là nghề, mà còn là nhu cầu bắt buộc đối với những tu viện Tạng tọa lạc trên núi cao biệt lập, với những người dân Tạng yêu cuộc sống tự do. Muốn có cỏ cho yak ăn quanh năm, người ta phải di chuyển liên tục, nhưng di chuyển đến đâu, theo lộ trình nào, trong bao lâu, thì phải do chính quyền cho phép. Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì Tứ Xuyên, Thanh Hải (Qinghai), Cam Túc, Vân Nam, bốn tỉnh có đông người Tạng sống, số người chăn thả gia súc theo mùa, có lúc lên đến hai triệu người. Con cái họ, không giong ruổi theo bố mẹ mà gửi học trường nội trú. Vui miệng các chị cũng cho biết Chodrak Nunnery sáng mai đoàn đến thăm, cũng sở hữu mấy chục con yak. Và dù giáo luật cho phép “ngả mặn”, các ni chỉ nuôi yak để lấy “củi” và sữa chứ không ăn thịt.
Tu viện khắc khổ và…
Từ chân núi, bốn chiếc “xe thồ” chở đoàn ngược lên đỉnh. Đường ngoằn ngoèo, hết sức gồ ghề. Xe chồm lên, hụp xuống, nhồi sóng lắc lư khiến người trong xe va đụng côm cốp ngã chúi vào nhau. Đi một lúc lâu, nghe tiếng kèn ngân dài, tiếng tù và u u, tiếng trống vang rền. Nhìn ra ngoài xe, không ai bảo ai, đều cảm động trước cảnh đoàn tu sĩ áo đỏ đi hàng một, tấu nhạc cụ chào mừng.

Cảnh đón rước càng trọng thể hơn khi thầy Sonam tiến vào chánh điện, ngồi lên pháp tòa. Một rừng khăn katar trắng trên tay các ni sư. Tất cả chừng gần trăm người, đứng chật chánh điện, trang nghiêm chờ đến phiên mình, tiến lên, cúi đầu, dâng khăn mừng thầy. Trước đó, ban nghi lễ chùa đã cúng dường một mandala chín tầng trước mặt thầy. Mandala gồm một đế tròn phẳng như cái mâm lật úp. Trên đặt một vòng tròn (không đáy) nhỏ hơn. Đổ đầy gạo vào vòng tròn này. Sau đó đặt một vòng tròn khác nhỏ hơn cứ thế tiếp tục đổ đầy gạo. Rồi lại đặt một vòng tròn không đáy khác, nhỏ hơn, lên trên, lại tiếp tục đổ đầy gạo, đổ tới tầng cuối cùng thì ngưng, đặt chóp tháp bằng kim loại lên. Trong khi dâng Mandala, một vị sư bưng gạo, một vị khác múc gạo đổ vào vòng. Gạo đổ tới đâu, cử tọa quán tưởng và đồng xướng (meditate and recite) tới đó. Ví dụ gạo đổ tầng một thì quán đang dâng sư phụ một mặt đất vàng ròng, chính giữa điểm núi Tu di (còn gọi là núi Kailash hay núi Meru), bốn phía có bốn châu lục- đông châu pha lê trắng, nam châu ngọc bích xanh, tây châu mã não đỏ, bắc châu hoàng kim rực rỡ

Nguồn nước cung cấp chính của nữ tu viện (mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ thì ngay cả thứ nước ‘trâu đầm’ này cũng không còn)
Ba ngày lưu lại tu viện, với cả đoàn, là ba ngày lạc vào xứ sở kỳ lạ, đầy những người, những chuyện kỳ lạ. Chưa nói chuyện to tát, chỉ đơn cử chuyện ăn ngủ bình thường. Đoàn có mười nữ. Tu viện xếp ở chung với các nữ tu. Nghĩ đơn giản ai sao mình vậy, người ta sống được mình sống được, tôi đã lúng túng khi được “phân phòng” là một tấm đệm mỏng trải dã chiến. Ban đêm nằm co ôm ba lô, quấn mền, nhìn sang vị nữ tu ở cùng, thấy vị này ngồi lễ lạy, đọc lầm rầm, lần chuỗi hạt say sưa hết giờ này qua giờ khác, rồi dựa tường ngủ ngồi. Cha mẹ ơi! Kiểu ngủ ngồi này, thành tiên thành Phật chưa thấy đâu, nhưng đau xương, tê nhức là cái chắc. Vậy nhưng thành tích ngủ ngồi đó vẫn là hạng bét nếu so với các nữ tu nhập thất, ngủ ngồi suốt 3 năm 3 tháng 3 ngày trong một cái hộp gỗ mỗi bề rộng một mét. Tu viện hiện có hơn 10 vị, tuổi đời còn rất trẻ, đang nhập thất như vậy. Trên nguyên tắc, khi nhập thất rất hạn chế giao tiếp. Mọi dấu hiệu của sự sống như đi lại, nói năng, ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cơ thể, bài tiết.đều hạn chế. Nhưng nghe tin thầy Sonam, vị bảo trợ chính của tu viện về, họ được ra khỏi mật thất mười phút để chào mừng và “say helo” với cả đoàn. Tu viện trưởng cho phép đoàn ‘ngó qua’ một chút các mật thất này. Cảm giác đầu tiên là quá bề bộn, hình thờ xanh đỏ treo kín tường. Ngoài chiếc ghế thiền, cửa sổ lấy ánh sáng, cái bàn thờ tí xíu, thì hầu như chẳng còn gì nữa. Ngắm các nữ tu trẻ ngồi bình thản trên tọa cụ, liên tưởng chặng đường nhập định hành pháp miên mật, trường kỳ của họ, ai cũng vừa nể vừa sợ. Câu hỏi tu khổ vậy để làm gì? Tin vào cái gì mà tu cứ bám chặt tâm trí tôi.

Tấu nhạc chào đón quan khách
Vị ni trưởng giới thiệu vắn tắt, tu viện xây từ đầu thế kỷ XX. Bị san phẳng năm 1959. Phải gần 30 năm sau mới bắt đầu tái dựng, nhưng không có kinh phí. Việc sinh hoạt, tu tập vì vậy cực kỳ khó khăn. Năm 2005, thầy Sonam về thăm, giữa bốn bề mưa dột, tường đè, ni chúng xiêu dạt. Thầy đã vận động đệ tử Úc, Mã, Việt giúp đỡ tiền bạc. Việc trùng tu nhờ vậy nhanh hơn. Ba trăm ni “dạt chùa”, ra ngoài sống nhờ họ hàng, gia đình, nay cũng vẫn xiêu dạt, nhưng chỉ còn độ năm chục phần trăm. Số may mắn được ăn ở tại chùa có hơn trăm vị (chưa kể số trẻ mồ côi chùa đang cưu mang). Sự “may mắn” trong “ở”, với nghĩa có một chỗ để ngủ ngồi, tôi đã biết. Còn may mắn trong “ăn”, thì ngay bữa trưa đó, cũng biết luôn. Mỗi người một khẩu phần Tsampa (bột lúa mạch quấy với nước, hoặc nước trà hoặc sữa tươi). Chấm hết. Chiều bổn cũ soạn lại, thêm bát sữa chua. Cơm khách, ai ăn mặn thì dọn thịt yak khô, trứng. Ai ăn chay có khoai tây, cà rốt. Ngoài muối, các loại gia vị hành tỏi, bột ngọt, nước tương, dầu ăn, mè, đậu xanh, đậu phụng, đường đều vắng bóng. Đồ uống, ngoài nước chín, chỉ có trà sữa (sữa tươi đun sôi, cho thêm ‘cục gạch’ (trà Trung Quốc cô đặc, đóng từng viên nhỏ như viên gạch, không có bã). Từng ‘đi bụi’ vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, sống kham khổ với mèn mén của người Mèo, măng chua chấm muối ớt của người K’ho, nhái nấu rau tập tàng của người B’ru nhưng trước ‘trường ca tsampa’ của người Tạng, tôi ngắc ngứ, rồi chào thua, giấu chặt trong tim nỗi thèm rau muống luộc, canh mồng tơi, cải ngọt xào.

Các “bé sư” dạn dĩ giúp vui văn nghệ trong tiệc chia tay
Đứng trước thềm tu viện nhìn ra bốn bề, rặt một mầu xanh trời, xám núi đơn điệu. Tiếng là nữ tu viện nhưng không có dấu vết nữ tính. Không một bóng cây, một bồn hoa, một luống rau. Chỗ nào không sụp đổ thì cũng xây dựng dở dang. Trong bếp, ngoài hiên, chất “củi” yak đen thui, cao nghệu (may, ‘củi’ khô nên không hôi thối) kiểu nông dân ta chất rơm. Muốn biết người Tạng đốt “củi” yak thế nào, tôi bèn xin một chân phụ bếp. Chuyện trò khó khăn với “bếp trưởng” bằng tiếng Hoa bập bẹ, cũng biết đại khái vài năm trước, mỗi lần nấu phải bưng lò ra ngoài, nhóm lửa, đốt trực tiếp phân yak (kiểu nhóm bếp than, bếp củi của ta). Tóc tai, quần áo lúc nào cũng ám khói khét lẹt. Bây giờ có lò hút khói, cửa lò đóng mở dễ dàng. Không phải bưng lò ra ngoài. Người nhờ thế cũng bớt “thơm”. Tôi láu táu hỏi ngay “Muốn bớt ‘thơm’, sao nị không xỉ chạo (tắm)”. “Bếp trưởng” lắc đầu, cười thật hiền, lặng lẽ dắt tôi ra ngoài, theo con đường đất mấp mô đi lần xuống chân đồi, cách chùa hơn cây số, nơi những bóng áo đỏ xúm xít quanh vũng nước đục ngầu thận trọng vét từng thùng nước quý giá. Cả tu viện, thêm đoàn khách, xấp xỉ hai trăm nhân mạng, mà chỉ trông vào một vũng nước trâu đầm này, Tôi “ngộ đạo” tức khắc. Đến nữ tu viện Chodrak, nơi chị em đi tu nhiều tháng không được ‘nhúng nước’, quần áo trên người, ngày cũng như đêm, hè cũng như đông, chỉ một bộ ‘nhất y nhất quởn’ thì cảm giác của tôi khác hẳn- tái tê, nghẹn thắt…
Trong khi tôi lục đục dưới bếp, trên chánh điện các ni sư chuẩn bị kết thúc một tuần cúng Puja giải hạn, tống oan, cầu an, cầu phúc cho đoàn (trong tiếng Tạng, Puja có nghĩa là cúng nói chung, nhưng cuối buổi cúng người ta hay đổ cúng phẩm vào lửa nên Puja bị gọi lầm là lễ cúng lửa). Không phải là tín đồ Mật Tông, cũng không là đệ tử của thầy Sonam, không biết kinh kệ, không có bổn phận tham gia những nghi thức dài dòng kỳ bí, tôi thích một mình lò dò ghi hình những góc khuất.

Một “hộp thiền” tiêu biểu, nơi hành giả sẽ tọa thiền suốt 3 năm 3 tháng 3 ngày
Thầy Sonam cho tổ chức luôn ‘Lama Dance’ sáng hôm sau. Tham gia múa, mỗi “vũ công” khoác lên mình một bộ đồ lễ đa sắc, đính ngọc trai, tua rua, dài gần chấm đất. Sau nghi lễ múa trình trước bàn thờ chính điện (tiếng là múa nhưng không di chuyển chân, chỉ cử động đôi tay. Một người xướng kinh, một người dâng lễ vật, rồi múa tay), màn múa ‘Lama Dance’ được biểu diễn trong lều lớn, dựng ngoài trời. Cần nói thêm, múa là môn học bắt buộc với cả nam nữ tu sĩ Tạng truyền. Ngoài học múa, còn phải học tối thiểu ba món: học sử dụng nhạc cụ (chuông, trống, kèn, chập chõa, tù và ), học làm bánh cúng bằng bột lúa mạch (tiếng Tạng là torma. Mỗi vị Phật sẽ cúng một loại torma riêng, với hình thức khác nhau, mầu sắc khác, số lượng khác nhau ), học trang hoàng, hoặc vẽ đồ hình (mandala) bằng cát mầu. Thầy Sonam, trước khi đào thoát sang Nepal thập niên 90 thế kỷ trước, cũng sơ sơ mất 10 năm để học các món này trong Barom Monastery. Ai từng say mê coi múa hầu đồng, múa “Quan Âm Thiên Thủ” trên sân khấu hay “Lục Cúng Hoa Đăng” trong đại nội Huế sẽ chưng hửng trước Lama Dance. Có lẽ vì không được thuyết minh, nên cả đoàn đều không hiểu về tính biểu trưng cao thâm của vũ điệu. Chỉ ghi nhận, nét mặt vũ công rất nghiêm nghị, nghiêng đầu, nghiêng mình, giơ chân, giơ tay chậm chạp trong tiếng kèn chói tai. Anh bạn trong đoàn, ngồi cạnh giải thích, Lama dance không nhất thiết phải múa tập thể, có khi chỉ một người múa. Có khi để mặt trần, có khi dùng mặt nạ, có khi vào dịp đại lễ, đích thân các trưởng dòng tu, tu viện trưởng phải múa (trường hợp đức Karmapa XVII dòng Karma Kagyu hay Garchen Rinpoche dòng Drikung Kagyu), có khi múa dịp năm mới, có khi múa dịp lễ hội, như múa Tsechu (múa quỷ) mừng hôn lễ đức vua ở Nepal. Nhưng dù múa mục đích gì, dịp nào, ai múa, thì nhìn chung đạo vũ Tây Tạng không chú trọng yếu tố nghệ thuật, hiểu theo nghĩa phô bày vẻ đẹp hình thể, sự khéo léo, hấp dẫn, du dương như đạo vũ Ấn Độ, Cam Bốt, và phần nào Việt Nam.
Trước ngày chia tay, một tiệc đứng được tổ chức trong lều. Người lớn tất bật dợt văn nghệ, gánh nước, lái “ngựa thồ” xuống núi mua thực phẩm liên hoan. Còn trẻ em vui ra mặt, mút kẹo, cười tít mắt vì tuy sống đời ẩn tu, tách biệt thế giới phồn hoa bên ngoài, nhưng dù sao, chúng vẫn là những cô bé cậu bé với tất cả sự ngây thơ, hồn nhiên sẵn có. Nói gì đến Lhasa, thủ đô của Tây Tạng xưa, nói gì đến Tứ Xuyên, nơi 1.3 triệu dân Tạng đang sống trong hai châu tự trị Garze (Cam Tư) và Ngawa (A Bá), nổi tiếng hàng trăm tăng ni Tây Tạng tự thiêu chống Trung Quốc nhất.
Vĩ thanh
Con đường gồ ghề, xóc lộn ruột gan, đưa đoàn hành hương từ chân núi lên đỉnh nữ tu viện Chodrak ba ngày trước, hôm nay, lại cũng chính con đường này, đưa cả đoàn xuống núi. Trời vẫn xanh, núi đồi vẫn trơ trụi xám, điểm lấm chấm đen bởi lông đàn yak gặm cỏ mải miết. Mọi người thật sự cảm động khi nói thế nào các ni sư cũng không nghe, cứ giành xách hết hành lý, đích thân đầu trần chân đất đưa đoàn xuống núi. Bóng áo đỏ Tây Tạng cao hơn, trùm bóng Việt Nam thấp nhỏ. Gương mặt thô kệch của các ni sư, những phụ nữ Tây Tạng ít học, thậm chí thất học, hằn lên sự khắc khổ, cũng là gương mặt của một dân tộc nước mất nhà tan. Xách ba lô giúp tôi, là một ni sư ngoài bốn mươi tuổi, gân guốc, nhanh nhẹn. Không thể ngờ, hai năm trước, vị này còn phải chống nạng, đi tập tễnh vì thấp khớp nặng. Qua ni sư, mới biết các ni khác trong tu viện ai cũng ít nhiều ‘nuôi’ bệnh. Lý do? Mùa đông, nhiệt độ xuống dưới không độ, phong phanh áo vải, váy vải, quấn bên ngoài tấm choàng, cũng bằng vải. Đã vậy, ăn uống kém, tu tập căng thẳng, làm việc vất vả nên bệnh thấp khớp, huyết áp, tim mạch, bệnh phụ khoa, bệnh ngoài da tha hồ hoành hành. Đau không ngủ được, không thuốc men, chỉ biết khóc và cầu nguyện. Nhưng may, từ năm ngoái, một tu sĩ kiêm y sĩ giỏi châm cứu, Ngài Rabten Rinpoche, được phái về phụ tá cho ni viện trưởng. Thể dục, thuốc men, châm cứu và khẩu phần ăn tăng thêm, tất cả những thứ đó đã cứu chị em.

Các ni sư đang nhập thất (tóc móng tay dài suốt thời gian đó không cắt) xuất hiện chớp nhoáng để chào thầy, rồi vào lại. Đống đen đen phía sau họ là ‘củi’ yak
Tại sân bay Tây Ninh (địa danh thuộc Trung cộng) nhóm chúng tôi bay về Việt Nam. Thầy Sonam và các anh chị khác bay về Úc, kết thúc chuyến du lịch. Nhét vào xắc tay tôi mấy bịch kẹo mua ở sân bay, một chị bắt tay tạm biệt. Bịch kẹo này, khi về Sài Gòn, được mang chia lộc cho ‘phe ta’. Hí hửng, mỗi người nhón một cục bỏ vào miệng nhai. Mèn ơi, nhai hoài hổng đứt, không ngọt thì chớ còn mặn mặn, không biết cái giống gì! Nhổ ra coi, mới hay nó là thịt yak phơi khô, chặt cục, bỏ bịch! Khi bài này tới tay bạn đọc, gói kẹo yak đã hết, nhưng tình người thì vẫn còn! Nói văn vẻ, nó như một sợi tơ trời, mong manh mà bền chặt, kết nối lòng người Sài Gòn với nữ tu viện Chodrak xa xôi. Chẳng thế mà nhóm chúng tôi đã hăng hái gửi được về Chodrak số tiền đủ mua 80 bộ áo rét mùa đông cho 80 ni sư (mỗi bộ 50 đô) và tài trợ sáu suất ăn cho sáu ni sư (mỗi suất 12 tháng, mỗi tháng 50 đô). Số ni sư không có áo rét, không có thực phẩm, tu viện không nuôi được, phải tạm ra ngoài sống nhờ bà con, còn đông. Do vậy, việc ‘thấy ai cũng níu áo, chìa tay’ của nhóm chúng tôi chắc sẽ còn dài dài.