Email của cha tôi gửi mấy chị em: “Các con, cô Yến mất rồi! Bố vừa gửi tiền về để cái Hồng lo chung sự cho cô ấy!” Một lát, có thư của cậu em kế tôi: “Bố có về không, con có thể thu xếp đi với bố”.
Chờ mãi không thấy cha tôi trả lời, tôi sốt ruột, viết thư nhắc: “Con nghĩ bố nên về nhìn cô lần cuối.” Các em tôi reply: “Đúng đấy bố!” Nhưng chờ mãi không thấy thư của cha tôi. Một lúc lâu, cậu em viết riêng cho tôi: “Chị, em chờ không thấy ông cụ trả lời, em điện thoại, ông cụ bảo vừa có thư của Bác Hai cho biết không có tang lễ, vì nhà thương đã làm hồ sơ chuyển giao thi hài của cô cho trường y khoa theo di chúc.”
Tôi viết vội một thư gửi chung cho các em, vì biết các em cũng đang mong thư cha tôi ghê lắm: “Cô Yến hiến xác cho trường y khoa nên bố không về! Hiện tại chắc bố đang sốc nên không viết gì nữa đâu! Chị sẽ điện thoại cho bố, hỏi cặn kẽ sự việc và cho các em biết sau”.
Bấm send gửi thư cho các em xong, tôi ngả người trên ghế.
Cô Yến mất rồi! Một cảm giác thật lạ lùng đang xâm chiếm tôi. Tôi không thực sự buồn vì cô mất, nhưng cứ nghèn nghẹn ở cổ vì cô đi mà không có gia đình đưa tiễn.
Từ ngày đón cha mẹ sang đoàn tụ, tôi ỷ y có mẹ liên lạc thường xuyên với cô, nên cả năm, tôi chỉ điện thoại thăm cô vài ba lần. Mấy năm sau này, mẹ tôi mất, tôi cũng không có được thói quen thăm hỏi cô thường xuyên.
Và mỗi lần điện thoại, hai cô cháu chỉ có một điệp khúc: “ Cô, cháu đây, cô khỏe không?; “Cái Hương đấy hở, Ừ cô khoẻ? Thế bố mẹ có khoẻ không?”; “Dạ bố mẹ cháu khoẻ, cô đang làm gì đó?”; “À, cô sắp tụng kinh, thế cháu vẫn đi làm hở, các cháu khoẻ cả hở, cái con cháu chắt nó đi học chưa?”; “Cô ơi, cả nhà đều khỏe ạ, con bé chắt của cô đã học lớp hai rồi!”; “Thế hả, đến giờ cô tụng kinh, cô nói chuyện với cháu sau nhá, cho cô gửi lời thăm bố mẹ nhá!”
Chuyện loanh quanh chỉ có vậy!
Năm 54, gia đình bên Nội tôi chia đôi, một nửa vào Nam, một nửa ở lại ngoài Bắc với ông bà Nội. Trong khi ông Bá là em của ông Nội tôi, đưa cả nhà vào Nam. Cô Yến là con gái áp út của ông bà Bá.
Mẹ tôi kể: “Trước ngày cưới của bố mẹ vài tháng, bà Nội cho cô Yến sang ở bên ông bà Ngoại, để bầu bạn với mẹ, cho mẹ quen với bên nhà chồng, để khi cưới về, mẹ đỡ bỡ ngỡ. Cô Yến trở thành thân thiết với mẹ từ ngày ấy”.
Lúc bé, tôi cứ nghĩ cô Yến là em của mẹ tôi. Cô sang nhà cha mẹ tôi hầu như mỗi ngày, giúp mẹ tôi chăm sóc bốn chị em chúng tôi, và dắt tôi đi học. Bẵng đi một thời gian, vắng cô, tôi hỏi, mẹ tôi bảo ông bà Bá dọn nhà đi nơi khác, xa nhà mình, nên cô Yến không đến thường được.
Khi có trí khôn, tôi thắc mắc tại sao cô Yến không lấy chồng, mẹ tôi kể: Ngày trước, cô có thương một người làm Thông phán, khi chuẩn bị đám cưới, thì người này bị Việt Minh bắt và thủ tiêu. Cô buồn khổ, phát bệnh điên một thời gian. Trước khi vào Nam, cũng có người dạm hỏi, nhưng ông bà Bá không gả. Vào Nam, trong khi các cô chú khác đi học trở lại và đỗ đạt, lập gia đình, có con cái, thì cô Yến rụt rè nhút nhát, thui thủi ở nhà với ông bà Bá.
Thời gian thấm thoắt trôi, tôi học xong Trung Học, vào Sàigòn học Đại học. Tôi có nhiều cơ hội ghé thăm ông bà Bá và cô Yến. Lần thăm nào, cũng dạt dào tình cảm. Mỗi lần gặp tôi, mắt cô lại đỏ hoe. Cô hỏi thăm mẹ tôi. Cô ôm vai tôi ngắm nghía, rồi bảo: “Cháu giống mẹ ở đôi mắt, đôi môi, còn cái mũi may quá lại giống bố, chứ không thì cô cứ tưởng là mẹ đấy!” Cô nấu đủ món đãi tôi, nhưng món nào cũng dở, chẳng bằng một góc của mẹ tôi, nhưng nhìn đôi mắt thật hiền của cô, tôi cố làm ra vẻ như đang ăn rất ngon, mắt cô lại mọng nước, cô bảo: “Tội nghiệp cháu tôi, ở nội trú thì cơm nước làm sao bằng ở nhà. Hay là cháu dọn về đây ở với ông bà, rồi cô nấu cho mày ăn.” Đến lượt tôi xúc động, tự nhiên lại vô cớ tủi thân, tôi nói liều: “Để cháu xin phép bố mẹ!” Nhưng chỉ một tích tắc sau khi nói, tôi đã nghĩ: “Không, tôi thích đời sống sinh viên nội trú hơn, tôi cần những buổi trưa, buổi chiều rất riêng tư, và cơm cô nấu không hấp dẫn chút nào!”
Một lần tôi chở cô đi xem phim “Love Story”. Cô khóc rấm rứt từ đầu phim đến cuối phim, thương đau của Jenny và Oliver trong phim đã kết thành dòng nước mắt bất tận. Ra khỏi rạp, cô vẫn còn nghẹn ngào, tôi chở cô đi ăn kem ở quán cây dừa gần trường Luật, vừa ăn cô vừa nói: “Cái phim này làm cô nhớ Hà Nội quá!” Tôi nhìn cô tò mò: “Bộ cô có xem phim hồi còn ở ngoài Bắc hả?”; Cô lắc đầu quầy quậy: “Không, không…” Rồi nước mắt cô trào ra, cô khóc tức tưởi: “Cô nghĩ đến số phận của cô, giá như đừng quen cô, có khi chú vẫn còn sống!” Tôi nắm tay cô lắc mạnh: “Cô đừng nghĩ thế, số mạng mỗi người mà, cô không có lỗi gì cả!” Cô lại nói: “Khi quen nhau, ông có xem tuổi của cô và chú ấy, ông bảo khắc lắm, không lấy nhau được. Cô buồn khổ quá, sinh bệnh. Vì thương cô, ông bà lại xin ý của Cụ Trình là người xem tướng số tử vi nổi tiếng trong làng, cụ Trình dạy phải ăn ở với nhau trước, rồi đám cưới sau, thì mới mong cải số được. Cô chú thương nhau, nhưng chẳng bao giờ dám vượt quá giới hạn. Sau cùng, cô chú nghĩ thôi thì trước sau cũng là vợ chồng, và cũng được phép của cha mẹ hai bên, nên nhân dịp chú vào Nam làm việc một tháng, chú sẽ đem cô theo. Thế nhưng hôm ấy cũng là lần gặp cuối cùng, buổi tối chia tay chú, thì sáng sớm hôm sau, cả nhà được tin chú bị Việt Minh bắt đem đi mất tích. Cô nghĩ tại cô cao số quá nên hại đến chú!”
Tôi nhìn cô, khuôn mặt trái xoan, hiền hậu, không có bất kỳ một dấu tích nào của “lưỡng quyền cao sát phu” như tướng số thường mô tả. Tôi nói: “Cô đừng nghĩ thế. Cuộc đời mỗi người tùy thuộc vào số mệnh. Số mệnh được kết bởi những gì từng người rất riêng biệt tạo ra từ muôn kiếp trước, nên cô đừng trách mình như thế.” Cô gật đầu lau nước mắt, tôi hỏi nhỏ: “Sao cô không thương người khác?” Nước mắt cô chưa kịp khô, lại tuôn ra như suối, cô nói: “Ông bà bảo số của cô cung phu thê bị Tuần Triệt, không thể có gia đình, nên ai đến dạm, ông bà cũng từ khước.
Sau năm 75, cô Yến vào chùa tu, tôi không thăm cô thường xuyên nữa. Một phần vì đời sống bị đảo lộn, cha tôi bị đi tù cải tạo, gia đình bị dọa đuổi đi kinh tế mới, tôi lại là con cả, nên trách nhiệm phụ mẹ lo cho các em, giữ vững gia đình, thật nặng nề. Một phần cũng vì mẹ tôi nói: đời là bể khổ, chùa là nơi cứu khổ. Cô đã nương bóng Từ Bi, âu cũng là phước phần. Mình cũng yên tâm.
Cho đến vài năm sau, trước khi vượt biên, hai chị em tôi đến thăm cô. Chúng tôi ngồi bên cô ở bệ đá sau chùa. Cô ôm hai chị em khóc vùi, cô bảo: “Các cháu đi biết bao giờ cô gặp lại được, ngộ nhỡ …” Cô chợt im lặng, những dòng nước mắt nóng hổi tràn lan trên má, cô đưa cho tôi một gói giấy và nói: “Cô sẽ đọc kinh cầu an cho các cháu. Cô sắp sẵn sáu tượng Phật đã khấn nguyện để các cháu đeo khi đi đường, luôn có Đức Phật phù hộ.”
Khi chúng tôi đến hải phận Mã Lai thì tàu bị mắc kẹt vì đụng đá ngầm, mọi người hoảng hốt nhốn nháo trên tàu. Tiếng người la hét, khóc lóc, đọc kinh Chúa, kinh Phật râm ran. Tôi ôm chặt hai con, em gái tôi vừa khóc vừa cầu nguyện. Tôi chợt nhớ đến Đức Phật cô Yến cho. Hai chị em mỗi đứa nắm chặt hình tượng Phật và cầu nguyện. Tôi hoa mắt vì quá sợ hãi, sẽ đến, tôi cuống cuồng gọi cô: “Cô Yến ơi, cô Yến ơi, chắc chúng cháu chết rồi cô Yến ơi” Bỗng dưng một sự bình tĩnh lạ thường tràn ngập trong tôi. Tôi nhìn quanh, thấy mọi người nối đuôi nhau nhảy xuống biển, lại có tiếng nói: “Bà con từ từ đừng chen lấn, tàu của mình đụng đá ngầm, nhưng mình đang ở sát bờ biển, chỉ bơi một chút là vô tới bờ. Ai không biết bơi cứ nhảy xuống sẽ có người chờ ở dưới, sẽ kéo vô bờ.” Tôi mặc cho tiếng khóc tràn ra, khóc vì mừng, vì được hồi sinh.
Khi được tin mẹ tôi bị bệnh nặng, hằng ngày cô điện thoại để mẹ tôi tụng kinh cùng với cô. Cô tin với Phật Lực của cô và thính chúng trong chùa, sẽ cứu mẹ tôi khỏi bệnh. Nhưng số mệnh mẹ tôi đã cạn, hình như cô linh tính điều đó, nên trước hôm mẹ tôi đi, cô bảo: “Chị ơi, khi nào mệt quá, cứ gọi em, chị nhá!” Hôm sau thì mẹ tôi rơi vào hôn mê, và ra đi. Tôi điện thoại cho cô, báo tin mẹ tôi đã mất, cô bảo: “Cô vừa tụng kinh cầu siêu cho mẹ. Cô không có di ảnh của mẹ, nên cô để khung ảnh nhỏ, viết tên mẹ với pháp danh để trên bàn thờ. Cháu bảo bố giữ gìn sức khoẻ, cùng các cháu lo hậu sự cho mẹ. Bên này, hằng ngày cô đọc kinh cầu siêu cho mẹ.”
Mẹ tôi mất được hai năm, thì chúng tôi được tin cô bị ung thư gan, cha tôi gửi tiền về để gia đình đưa cô vào bệnh viện chữa trị. Bác sĩ bảo bệnh đã phát ở thời kỳ cuối, không mổ được nữa, chữa xạ trị hay hóa trị thì rất tốn tiền, mà cũng không cứu được, thế là cô xin về chùa, tự niệm Phật chữa bệnh. Còn tiền cha tôi gửi về để cô chữa bệnh, cô dùng cho Phật sự.
Sau khi nói chuyện với cha tôi về cái chết của cô Yến qua điện thoại, tôi viết thư cho các em:
“Cô Yến bị ung thư gan thời kỳ cuối, cô từ chối chữa trị, các em biết rồi. Điều chúng ta bị sốc không phải là cô mất, mà là việc cô hiến xác cho trường y khoa. Ai cũng biết học y thì phải có thực tập trên xác người. Không biết từ đâu, có nguồn tin những xác người đó là những xác vô thừa nhận, nhưng cho đến hôm nay, chúng ta mới biết đã có những người có thân nhân, gia đình đông đủ như cô của mình, vẫn quyết định hiến xác. Đây là việc làm đáng kính trọng. Nghĩ đến cô mất, không có tang lễ, thì buồn nhưng nghĩ đến sự đóng góp của cô cho y khoa thì lại hãnh diện. Bố nói cô Yến là người thân duy nhất của mẹ từ ngoài Bắc cho đến lúc mẹ mất. Bố mang ơn cô ấy đã đem đến cho mẹ mình tình cảm gia đình tốt lành. Bố ân hận lúc cô đau, bố không thu xếp về thăm được.
Chúng ta cầu xin cho cô được bình an trên đường về nước Phật.”