Đưa con đi học xa. 1000 miles.
1001 câu… dặn dò, tôi chỉ cảm giác thật gần một nỗi xa…

Thị trấn Northfield trầm mặc, hoài cổ. Con nói dân số chỉ có 19 ngàn trong cái small town này đó mẹ. Tôi than thở, “về lại chi cái xứ lạnh lẽo này vậy con!?”. Nơi con chào đời – Twin Cities, một ngày Thu se sắt. Minnesota vẫn đầy những ám ảnh đau buồn…
17 tiếng đồng hồ lái xe xuyên đêm. 8 giờ sáng đã có mặt ở trường. Đại học Carleton biệt lập, thơ mộng. Cái trường mơ ước một thời sinh viên của tôi đây mà. Cuộc đời, có cần phải đi qua cái cổng Đại học này không? Tôi bất chợt “suy diễn” về cái duy lý của cuộc đời, đôi khi cũng thực khó với một thân phận người.

Con fill out cái đơn xin việc làm (part-time sau giờ học)
Vừa đậu xe vô parking trong khuôn viên trường, là con đã “chân sáo” dẫn đầu. Ba mẹ làm hai cái rờ mọt theo sau. Chụp hình làm xong cái thẻ Student ID, con ra vẻ nó còn “big deal” hơn cả cái bằng lái xe đầu đời. Ngồi chờ con fill out cái đơn xin việc làm (part-time sau giờ học), nhìn cái vẻ mặt vẫn thường trực sự háo hức của con, tôi chợt nghe xốn xang. Andy ngồi bên, rỉ tai “Không biết có làm ra cái trò trống gì không mà trông có vẻ… nghiêm trọng dữ!”
Xe dừng trước cổng dorm – khu sinh viên nội trú – tôi loay hoay phụ con mang đồ đạc lên phòng. Con nói mẹ để con tự làm, con lớn rồi mà mẹ. 18 năm cưu mang – con vẫn luôn bé nhỏ trong mắt mẹ. Tôi chợt nghe lao đao. Tôi nhìn con, thầm nghĩ ,“trưởng thành- ở con chỉ là ảo tưởng của sự ‘lớn lên’ thôi!” Quái, chỉ có việc phụ nó khiêng cái thùng đồ lên phòng, việc chi phải lý lẽ, tôi nghe uể oải với chính mình. Từ nhỏ, tôi đa mang nhiều nỗi suy tư về cuộc đời. Cha mẹ tôi, còn một cuộc sống đáng lo hơn là thời giờ nghĩ ngợi về đứa con gái nhỏ của mình. Tôi mất niềm tin và bơ vơ. Tôi sợ những bất hạnh sẽ lặp lại trong cuộc đời con.

Tổ mới, phòng nội trú của dorm. “Con chọn cái bên này.”
Con háo hức cầm cái chìa khóa phòng dorm – mở cánh cửa (đời) đầu tiên. Căn phòng nhỏ, hai chiếc giường con. Con đứng ngần ngừ lựa chọn, vẻ hơi thất vọng vì sự đơn điệu của căn phòng ký túc xá. Thành quả bước đầu của cuộc đời con – học bổng toàn phần của Đại học Carleton. Cái lệ phí cắt cổ $58,000/năm (tuition + room&board) thì 99% học bổng là cái con số may mắn (cho cả ba mẹ) – nhẹ gánh lo âu và tràn đầy hãnh diện khi con được vào một trường học “tên tuổi” , như con từng mơ ước.
First-year, Fresh Meat, Freshman… Có gọi là gì chăng nữa, Legal or illegal, drinking happens, and nothing is going to stop college parties. College kid, dù phải trải nghiệm để trưởng thành nhưng vẫn luôn là mối âu lo của cha mẹ. Tôi uốn lưỡi dặn con, “don’t use cocaine or sell drugs, nhe con.” Còn bạn bè, con có thể gặp nhiều bạn mới đó, “but one thing that has held true so far in my life is that you can only count your true friends on one hand”. Tôi chia sẻ.
Tôi “tham quan” cái restroom, chỉ vài bước từ phòng ngủ. Không quá tệ. Vô tình liếc sang cái phòng đối diện. Một bà mẹ đang đứng chống nạnh “đạo diễn” cô con gái nhỏ sắp xếp đồ đạc vô closet. Tôi lầm bầm, “nam nữ sống bình đẳng cái kiểu này là dễ… cọ cọ, chớ bất tương thân gì.”

Ba mẹ và con trước cửa dorm – khu sinh viên nội trú của Đại học.
Đại học – với cha mẹ và sinh viên, là hai điều hoàn toàn khác biệt; sinh viên thì đó là thời kỳ đầu phơi phới tự do, bác bỏ những quy tắc, luật lệ từ hai “cai tù” bất đắc dĩ; và cũng là cái thời điểm tuyệt vời nhất để thoải mái quan hệ bè bạn, party. Còn cha mẹ thì bắt đầu những lo âu bất tận như tài chánh “digging deep into pockets”, sinh hoạt của con cái khi không nằm dưới tầm mắt của mình… Từ quan điểm của người trong cuộc sẽ giúp cha mẹ và con cái, chấp nhận quá trình thay đổi của đời sống tiện nghi gia đình, với thực tế của đời sống sinh viên. Dù vậy, cái cảm giác hụt hẫng của tình cảm người mẹ vẫn làm tôi hoang mang, vẫn khuyên răn, dặn dò.
College kid như chim sổ lồng, chỉ muốn chao liệng. “Con nên nhớ, trưởng thành chưa hẳn làm nên nhân cách.” Con chỉ ậm ừ, chắc nó “hiểu chết liền!” ngẫm vậy mà tôi vẫn thừa thãi nỗi lo.
Chỉ còn vài tiếng bên con. Ba mẹ chở con đi kiếm cái Target mua vài thứ lặt vặt. Ba nói, con ghiền xi-nê thì phải lái xe hơn 40 miles về Twin Cities. Tôi nhắc, holiday con ráng thu xếp về nhà. Con gật đầu, “dạ, mẹ.”
Tháng Chín. Minnesota vẫn chưa lạnh, “vì cái ‘sóng nóng’ (heatwave) làm nó bị vậy đó mẹ”, con giải thích bằng thứ tiếng Việt ba rọi. Tôi ân cần, “Con nhớ mặc đồ ấm, đừng để bịnh vì phải lo học nhiều.” Con lại “dạ, mẹ” nhưng chắc chỉ vô tai được chữ đực chữ cái. “Nó như cái xe còn mới, chưa cần phải ‘tune up’ nhiều.” Tôi nghĩ.
Tôi nhìn đồng hồ, cũng đến giờ chở con về lại phòng. Con vẫn chưa gặp roommate. Mấy thùng đồ ngổn ngang, con nói chờ ba mẹ về rồi con mới sắp xếp lại. Rồi con hỏi, “Ba mẹ có muốn chụp hình chung với con không?” Tôi nhìn ánh mắt con gợn buồn trong câu nói.

Mới ngày nào…
Con đưa Ba Mẹ ra xe. Tôi ôm siết con. Ở một khoảnh khắc trong cuộc đời – một cảm giác hụt hẫng đến đau đớn. Dẫu hạnh phúc khi nhìn con đã trưởng thành nhưng vẫn đầy mâu thuẫn trong lòng mẹ. 18 năm bên con. Giờ đây, “Your life is totally in your hands. Your new life is yours, and yours alone…”
Thử thách. Lầm lỗi. Con sẽ phải trải qua để thực sự trưởng thành. Mẹ vẫn đầy tin yêu vì con là một đứa con ngoan. Rất ngoan của mẹ.
Đoạn đường về – dài như nỗi đau trong cuộc đời. Những ngày vắng con, tôi cô quạnh trong nỗi nhớ con da diết. Con gọi phone, khoe rằng đã gặp roommate, “nó là người Singapore, đầu đen giống con.”
“Cái nhánh ngày càng cách xa thân cây, không phải vì lỗi của nó.” Nhánh cây vẫn chưa lìa cành, chỉ vươn xa ngọn. Như con vẫn luôn bên đời mẹ. Con yêu.