Menu Close

Thăm bản Tà Phìn

Chiếc xe 16 chỗ hiệu Ford Sprinter vừa đỗ xịch tại nơi đi vào bản Tà Phìn, bất chấp bụi bay mịt mù, có đến hơn chục người sắc tộc Dao, H’mong lẫn lộn xúm lại đón những du khách. Họ chỉ trỏ, tranh nhau bằng thứ ngôn ngữ của họ. Với họ, những du khách này sẽ mang đến cho họ những khoản tiền để có thể nuôi sống gia đình.

 

 

alt

 

Tại trung tâm bản Tà Phìn tập trung rất đông người Dao để chuẩn bị “đón” du khách

 

 

Tà Phìn là một bản nhỏ tập trung 2 tộc người Dao và H’mong sinh sống. Do tập quán canh tác mà người H’mong phải sống trên những ngọn núi cao hơn người Dao. Bản cách thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai khoảng 4km. Từ khi ngành du lịch ở Việt Nam phát triển, biết được thị hiếu muốn tìm hiểu đời sống của các sắc dân, các công ty du lịch cùng với chính quyền đưa khách đến các bản làng để kiếm thêm lợi nhuận và một phần khác mà họ cho là “nâng cao đời sống cho người dân tộc thiểu số”.

Từ lâu nay, trên các phương tiện truyền thông, người sắc tộc trên khắp mọi miền đất nước chưa bao giờ được thừa nhận là những sắc tộc bản địa. Mà với họ, đó chỉ là những sắc tộc thiểu số. Có như vậy là vì chính quyền muốn tước đoạt nơi người sắc tộc những quyền căn bản của sắc tộc bản địa mà họ đã ký trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Trong đó có quyền được sở hữu đất đai và quyền được chọn ra người đại diện cho sắc tộc mình. Chính vì bị tước đoạt những quyền căn bản trên mà đời sống của những người sắc tộc lâu nay luôn lâm vào cảnh nghèo nàn, thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần.

 

 

alt

 

Một căn nhà kinh doanh dịch vụ “homestay” cho du khách có nhu cầu ở lại qua đêm.

 

Dù cách thị trấn Sapa không xa, nhưng để đến được với bản Tà Phìn là một chặng đường gian nan. Chiếc xe 16 chỗ phải oằn mình chịu đựng con đường với đầy ổ gà, ổ voi. Du khách trong xe bị xóc lên, nhồi xuống liên tục mỗi khi đi qua những đoạn gồ ghề. Dẫu con đường có được điểm trang hai bên đường bằng những thửa ruộng bậc thang xinh xắn, mà theo anh hướng dẫn viên, vào mùa lúa ở đây được sơn bằng màu xanh tuyệt đẹp nhưng không thể nào làm cho du khách vơi đi nỗi nhọc nhằn do con đường “đau khổ” mang đến. Theo anh hướng dẫn viên du lịch, lâu nay chính quyền Lào Cai vẫn chưa có kế hoạch tu bổ lại con đường này. Họ đổ thừa cho kinh phí để xây dựng quá cao, thứ nữa chỉ với khoảng hơn một ngàn dân trong bản, việc bỏ ra cả đống tiền để làm đường là điều không lợi ích. Tuy thế, để vào thăm bản, mỗi du khách phải chi trả 20 ngàn/người.

Người Dao hay người H’mong ở đây dường như không được thừa hưởng gì từ việc thâu tiền khách du lịch này. Hơn thế nữa, khi các công ty du lịch dựa vào những người sắc tộc ở đây để khai thác du lịch, họ vẫn không bỏ ra đồng nào để giúp đỡ người dân. Cho dù chính người dân là chủ thể để họ bán tour cho du khách. Điều này được nhìn thấy rõ ràng nhất qua đời sống khổ cực của cư dân tại đây. Những đứa bé lem luốc, mặc những chiếc áo nhiều màu sắc nhưng vẫn rách nát. Những ngôi nhà tạm bợ, thiếu thốn, nghèo nàn về vật dụng đã chứng minh điều đó.

Họ kiếm sống bằng cách moi tiền từ túi khách du lịch. Trên tay họ mang những món thổ cẩm để chào bán. Bất chấp sự khó chịu từ những vị khách không thích bị làm phiền, những người sắc tộc này vẫn bám theo. Vì với họ, nếu bán được một vài sản phẩm thổ cẩm là họ có thể dùng nó để mua thức ăn trong ngày. Và thông thường những miếng thổ cẩm này có giá mắc hơn ở ngoài thị trấn Sapa.

 

 

alt

 

Con đường vào bản Tà Phìn đã hư hại rất nhiều nhưng chính quyền vẫn chưa có ý định sẽ làm mới lại nó.

 

Với cái miệng dẻo quẹo của người làm nghề lâu năm, anh hướng dẫn viên giới thiệu với du khách về món tắm thuốc của người Dao. Mà cứ theo như lời anh nói thì hóa ra món tắm thuốc ấy là tiên dược, có thể trị được bá bệnh, từ phong thấp đến làm cho người ta có thể ăn ngon, ngủ ngon quên đi mệt nhọc. Và có lẽ do công hiệu của nó mà trên khắp cả bản Tà Phìn, khi đi đến đâu du khách cũng có thể thấy được các biển hiệu “Tắm thuốc người Dao” nhan nhản mọc khắp nơi. Không những vậy, trong tất cả những gian bán hàng thổ cẩm đều bán loại thuốc này để du khách mua mang về.

Thật khó tin là cây thuốc ở đây lại nhiều đến nỗi mà đi đâu cũng thấy món “tiên dược” này. Song, cứ nhìn vào những mánh khóe của người sắc tộc tại đây khi cố chèo kéo bán cho du khách những món hàng thổ cẩm với giá đắt gấp đôi, gấp ba người ta buộc phải nghi ngờ về những loại thảo dược mà họ được tắm chỉ là những thứ cây cỏ bình thường.

Kể từ khi du khách biết nhiều đến bản Tà Phìn, các dịch vụ ăn uống theo cũng mọc lên. Những ngôi nhà mới được xây lên để phục vụ nhu cầu “homestay” cho du khách. Du khách có thể nghỉ ngơi qua đêm và thưởng thức các món đặc sản như: cơm lam, cá hồi, các món nướng, lợn cắp nách… Và, món mà du khách được mời chào nhiều nhất là thịt thú rừng mà theo lời của một chủ quán chắc chắn là được đặt bẫy bởi những người H’mong lành nghề. Có trời mới biết được có phải thịt thú rừng thật hay không, nhưng nếu có thật đi chăng nữa thì việc quảng cáo, tiếp tay cho săn bắt thú rừng thật chẳng đáng hoan nghênh tí nào.

Khi đến bản Tà Phìn, ngoài việc được đi lang thang trên con đường làng bản mà hai bên là những luống ruộng bậc thang cằn cỗi vào mùa khô, du khách sẽ được hướng dẫn đến hang động ở đây. Đó là một ngôi thạch động, cửa hang khá rộng có thể cho nhiều người vào. Cũng có vài du khách đến thăm nơi đây, nhưng khi vào bên trong không có gì đặc sắc ngoài những chú dơi dáo dác cất tiếng kêu do bị làm phiền.

 

 

alt

 
Chỉ có trời mới biết được phải chăng những loại thảo dược dùng để “tắm thuốc” chỉ là những loại cỏ dại mọc ven đường như thế này.

 

Bên ngoài cửa động, chính quyền cho xây dựng một dãy nhà tranh để cho người sắc tộc tại đây bán hàng lưu niệm. Nhưng, do không mấy đặc sắc, nên động này chẳng thu hút được du khách và từ đó dãy nhà tranh cũng bỏ hoang. Có lẽ chính vì vậy mà những người bán hàng kia đã phải cuốc bộ bám theo chân từng du khách đi từ trung tâm bản, đi khắp nơi để mời chào.

Một bé gái H’mong độ khoảng 12 tuổi trên tay đang cầm những món thổ cẩm cho chúng tôi biết: “Nhà của con cách đây 3 ngọn núi. Hằng ngày đến đây để bán đồ thổ cẩm”. Hầu như những đứa bé này ít được đi học. Việc học hành của chúng chẳng được ba mẹ quan tâm. Điều này cũng dễ cảm thông, vì một khi miếng ăn còn chưa có đủ thì lấy gì để cho con cái đi học?

Người sắc tộc bản địa luôn đứng bên rìa trong những chính sách phát triển kinh tế mà chính quyền đề ra. Dường như chưa bao giờ chính quyền Cộng Sản có một chính sách gì cho người sắc tộc nghèo khổ này. Chính vì vậy mà cuộc sống đói khổ vẫn hoàn đói khổ cho dù đã “mấy mươi năm đời ta có Đảng”. Chính quyền hay các công ty du lịch lợi dụng nét khác biệt nơi những người sắc tộc nghèo khổ để phục vụ cho mục đích kiếm tiền nhưng chưa bao giờ mang lại điều gì tốt đẹp cho họ.

NQ