Menu Close

Trăng Tháng Tám


alt 

Đèn Trung Thu

Cũng là một vầng trăng tròn vào ngày rằm, nhưng rằm Tháng Bảy, trăng buồn vì bông hồng trắng cài áo và hương khói cúng cô hồn. Sang rằm Tháng Tám, trăng mới vui tươi trong tiếng trống múa lân rộn ràng và bánh Trung Thu, đèn Trung Thu.  Người Sài Gòn, ban ngày mưu sinh mệt mỏi, ban đêm lái xe chở nhau đi chơi phố đèn Chợ Lớn- một thế giới đầy màu sắc lung linh. Năm nay, đèn Trung Thu vẫn chia ba loại: Đèn nan tre dán giấy bóng kiếng, đèn xếp bằng giấy màu, đèn bằng nhựa cứng. Hai loại trước của Việt Nam, đốt nến; loại sau của Trung Quốc, chạy pin, phát nhạc. Tiệm đèn nào trên các phố Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương- Chợ Lớn cũng bán đủ ba loại đèn này. Đèn xếp rẻ nhất, giá 10,000 đồng; đèn nhựa đồng giá 60 ngàn đồng. Đèn giấy kiếng loại nhỏ 50 ngàn đồng, loại trung 100 ngàn đồng, loại lớn 200 ngàn đồng. Người bán đèn lẫn người ngắm đèn đều đồng ý để ngắm thì đèn giấy bóng kiếng là đẹp nhất, để cho bé chơi thì đèn nhựa an toàn nhất, còn để đi rước thì đèn xếp gọn nhẹ nhất.

“Mai phục” mấy ngày liền trên phố đèn Hải Thượng Lãn Ông- Chợ Lớn. Một bà mẹ giải thích, trẻ còn nhỏ, chưa biết ví tiền của cha mẹ rất mỏng, vào tiệm đèn, cái nào cũng thích cũng chỉ trỏ đòi mua, giãy khóc ầm ĩ rất xấu hổ. Vì vậy nên cho ở nhà. “ Sao không mua đèn giấy bóng kính đẹp hơn, bác?” Bà Lê vặc lại ngay, “Trăng thu tròn được mấy ngày? Chơi đèn được mấy ngày? 8 ngàn đồng một cái không muốn, muốn 50 ngàn đồng một cái thì lên cung trăng mà ở, khỏi phải rước đèn”.

alt

Bánh Trung Thu

Không lung linh đẹp mắt bằng đèn Trung Thu nhưng không hề thua kém là bánh Trung Thu. Vẫn như thường lệ, từ rằm Tháng Bảy, hai hiệu bánh quen thuộc là Đồng Khánh, Kinh Đô đã xuất hiện trên nhiều đường phố Sài Gòn- Chợ Lớn. Nhìn chung, do vật giá leo thang giá bánh Trung Thu cũng phải tăng từ 5% tới 10% so với năm ngoái. Được hỏi mua nhiều nhất vẫn là hai loại bánh nướng thập cẩm gà quay hai trứng và thập cẩm jambon hai trứng với giá xấp xỉ 300 ngàn đồng một hộp bốn bánh. Bánh dẻo rẻ hơn, hộp bốn bánh nhân khoai môn hai trứng, đậu xanh hạt sen, đậu xanh trà xanh chỉ 250 ngàn đồng. Đặc biệt năm nay, tấm bảng “mua 1 tặng 1” đã “đập” vào mắt người đi đường nhất thay vì phải chờ qua rằm, bán xổ.  Không tín nhiệm bánh “vỉa hè” nên  dân sành ăn, có tiền thích tới những địa chỉ quen thuộc nơi không chào mời đon đả; người mua không cần ăn thử, không cò kè bớt một thêm hai là tiệm bánh Như Lan, Givral, Brodard, Bắc Hương, Thọ Tháp…

Một số dân Sài Gòn khác, sợ thị trường bánh Trung Thu bát nháo, nên tuy dư tiền vẫn không mua bánh làm sẵn mà cẩn thận mua nguyên liệu về nhà làm lấy. Theo chân chị Hiên, một người kỹ tính tới chợ Bà Chiểu. Ở đây bột bánh, khuôn bánh, hộp giấy, nước đường, lạp xưởng, hạt dưa, hạt sen, mứt bí, mè, lòng đỏ trứng muối, rượu mai quế lộ, nước hoa bưởi… đều được thắng sẵn, rang sẵn, hấp sẵn, trộn, ngào sẵn, sắp xếp rành mạch, cắm bảng giá rõ ràng. Người mua, nếu chưa từng làm bánh bao giờ sẽ được người bán chỉ dẫn tận tình.

alt

Bánh ế khách

Múa lân Trung Thu

Ngoài Bắc vào dịp Trung Thu, trẻ con không múa lân mà múa sư tử; trong Nam thì múa lân lại phổ biến. Mỗi đầu lân, nhỏ nhất không dưới 300 ngàn đồng. Lớn hơn, coi được hơn từ 700 ngàn tới hơn 1 triệu đồng. Việc làm đầu lân trong Nam thì hầu như người Hoa- Chợ Lớn nắm độc quyền. Ngoài làm và bán đầu lân, họ còn có thể dạy múa lân, lập đoàn múa lân kiếm sống. Mỗi đoàn đều có trưởng đoàn.

Không bài bản, không đạo cụ rực rỡ như các đoàn lân chính gốc Chợ Lớn, nhưng mấy ngày tết Trung Thu nếu có dịp ra ngoại thành, người ta có thể nghe trống lân thùng thùng rôm rả của những đoàn lân bèo, lân ruộng. Họ vừa đi bộ, vừa đánh trống, múa suông. Thấy nhà nào có vẻ khá giả, cửa mở thì quẹo vào biểu diễn. Tiền thưởng thường chỉ tượng trưng. Đầu trò của một đoàn “lân ruộng” vừa lau mồ hôi vừa nói, “cả ngày nắng nôi, mệt mỏi lếch thếch, nhiều khi tiền thưởng chỉ đủ trà đá, bánh mì nhưng vui là chính”.

Tết Trung Thu hiện tại chỉ còn mang ý nghĩa của những dịp biếu xén của “người lớn” mà thôi!

alt

Múa lân


XH