Menu Close

Giúp con giữ thể trọng lành mạnh

Những điều căn bản

Giúp con cái bạn – và cả gia đình nữa – ăn uống lành mạnh và hoạt động thể lực là những thói quen tốt con cái có thể học hỏi từ bây giờ và giữ mãi về sau.

alt

– Cần làm gì để giúp con không quá mập?

Bằng cách quân bình thức ăn và hoạt động thể chất.

– Cha mẹ là mẫu mực

Con cái thường bắt chước cha mẹ. Khi ta ăn uống đúng và hoạt động thể lực, con cái thường noi theo. Đây cũng là cách để mọi người trong gia đình có cơ hội gần gũi nhau hơn.

– Tại sao ưu tư về thể trọng của con cái?

Cư dân ở Mỹ đang càng ngày càng nặng cân hơn. Người lớn thì cân nặng quá mức hoặc mập phì. Trẻ em cũng nặng hơn trước, dễ thành mập phì khi lớn lên. Thể trọng quá mức và mập phì dễ đưa tới bệnh tật: đau tim, tiểu đường loại 2, suyễn, mất ngủ…, và
những vấn đề khác: mặc cảm tự ti, bị chế giễu/bắt nạt…

– Con cái tôi có thể trọng lành mạnh?

Trẻ em lớn lên theo mức độ khác nhau, khó đưa ra một tiêu chuẩn chính xác. Nên hỏi bác sĩ gia đình hoặc y tá để biết từng trường hợp.

– Nếu con cái bị mập phì?

Có những chương trình để chữa trị bằng cách tư vấn và giáo dục để các em biết ăn uống đúng thực phẩm lành mạnh, cũng như hoạt động thể dục. Cha mẹ giữ một vai trò quan trọng trong những trường hợp này. Tham khảo với bác sĩ gia đình để được chỉ dẫn tường tận

Thực hành

– Mua và nấu nướng các thực phẩm lành mạnh

Cố gắng dùng nhiều hơn các loại rau, quả và hạt nguyên. Tập cho các em đi chợ chung để chọn lựa sản phẩm lành mạnh.

– Ăn sáng đầy đủ

Bỏ ăn sáng làm các em thấy đói và mệt, dễ tìm đến những thức ăn tạp nhạp (junk food). Cho ăn các loại cereal làm bằng ngũ cốc nguyên hạt với sữa giảm béo và trái cây thay vì các loại cereal có đường ngọt.

– Ngồi ăn chung cả gia đình

Khi ăn chung, các em sẽ ăn nhiều rau trái hơn. Hãy để chúng học nấu nướng các thức ăn lành mạnh, dọn bàn ăn… Trẻ em trên 2 tuổi cho uống nước, uống sữa giảm béo thay vì nước ngọt. Trẻ em dưới 2 tuổi có thể uống sữa toàn phần. Dạy các em ngưng ăn khi cảm thấy no.

-Cho ngủ đủ

Trẻ em thiếu ngủ dễ có nguy cơ bị cân nặng quá mức hoặc mập phì. Tuổi teen cần ngủ ít nhất 9 giờ mỗi đêm, trẻ em trong tuổi đi học: 10 giờ, trẻ em trước tuổi đi học: 11-12 giờ, trẻ sơ sinh: 16-18 giờ. Nên quy định giờ đi ngủ và nhắc chừng cho các em vào giường.

-Mỗi ngày vận động thể lực ít nhất 1 giờ

Không có nghĩa là vận động 60 phút liên tục mà có thể là nhiều sinh hoạt ngắn cộng lại, bằng những vận động khác nhau như: chạy, nhảy, nhảy dây, chơi các môn thể thao…

-Hoạt động chung cả gia đình

Hãy để các em tự chọn hình thức sinh hoạt nào chúng ưa thích. Cả gia đình có thể cùng nhau dạo chơi ngoài công viên, dắt chó đi dạo, đạp xe ra thư viện…

-Giới hạn thời gian ngồi trước màn hình

Trẻ em từ 2 tuổi sắp lên đừng cho ngồi bất động trước màn hình TV, computer hay các thiết bị điện tử khác quá 2 tiếng một ngày. Nên chọn các chương trình TV có vận dụng cơ thể  hoặc các trò chơi mà trẻ em không được ngồi yên một chỗ. Không để TV trong phòng của các em.

-Chi phí chữa trị

Phí tổn kiểm tra và tư vấn cách chữa trị bệnh mập phì có thể được chi trả theo quy định trong đạo luật Affordable Care Act. Tùy theo khế ước bảo hiểm, con bạn có thể được hưởng miễn phí các dịch vụ này.

TM