Tại sao có nhiều người chụp ảnh mê thể thao đua xe? Với riêng tôi, đó là những chi tiết và động tác, màu sắc và sự tinh anh, cộng với áp lực để có được tấm “ảnh chiến” để hả dạ với thành tích của mình.
Tôi theo nghề chính của tôi như một nhiếp ảnh gia trong thể loại ảnh thú (chim) hoang dã. Bạn có biết chăng, chụp ảnh chim bay cũng giống như chụp thể thao đua xe. Rất nhanh. Rất sôi nổi.
Bạn chỉ có ít cơ hội để lấy ảnh và bạn phải sẵn sàng cho mọi tình huống.
Nhà báo
Tính trước cho cuối tuần
United States Grand Prix (Đại Hội Đua Xe Hoa Kỳ) năm nay sẽ xảy ra vào cuối tuần 15, 16, 17 tháng Mười Một tại Austin, Texas. (www.circuitoftheamericas.com)
Trường đua Austin
Một trở ngại hầu hết những người hâm mộ gặp phải khi đi chụp thể thao đua xe là quyền di chuyển lui tới để chụp hình. Nhất là Formula One để khán giả cách xa đường đua trong lúc họ muốn tổ chức một cuộc đua ngoạn mục.
Vấn đề khác là bạn luôn luôn bị ngăn cản bởi hàng rào sắt rất cao (để bảo vệ an toàn cho khán giả). Cũng may là chúng ta có cách khuất phục cả hai khó khăn trên và vẫn có thể chụp được ảnh đẹp.
Ngày Thứ Năm là ngày “bày binh bố trận”; những “phi công” tay đua được dịp khám xét kỹ từng đường đi nước bước, từng cua quẹo của trường đua; các kỹ sư xe chuẩn bị ráp những bộ phận mới nhất vào “con ngựa sắt 4 bánh” của họ. Đây là cơ hội để bạn chụp những bố cục và hình ảnh xung quanh cuộc đua chính thức, để giúp kể một câu chuyện (những diễn biến sau hậu trường).
Thấy ai vẽ sơn đỏ (màu của Ferrari) từ đầu tới chân? Chụp hình người đó. Mục đích chính là ráng ghi lại khung cảnh và tinh thần của sự kiện quanh bạn.
Tôi sẽ nhắc bạn hoài hoài và đây cũng là điều tôi tự nhắc nhở – mỗi lần cầm máy ảnh lên thì để ý từng chi tiết. Vẻ đẹp của đời, và trong thể thao ô tô, là những chi tiết.
Tập dợt tại trường đua bắt đầu ngày Thứ Sáu và cũng là lúc bạn thử nghiệm. Nếu bạn có vé loại thường hạng (general admission pass), rảo bộ vòng quanh trường đua và tìm những địa điểm thuận lợi nhất để lấy ảnh.
Đôi khi bạn chỉ cần bỏ máy xuống năm phút và quan sát bằng mắt thường.
Ở đại hội đua xe Formula One Grand Prix, ai ai có máy ảnh cũng nghĩ họ là nhiếp ảnh gia. Vậy bạn muốn đi theo những tay lơ tơ mơ đó và chụp những gì họ chụp và có những ảnh giống của họ, hoặc bạn muốn dùng trí (óc) và lực (chân) để đi tìm góc cạnh riêng cho mình?
Rất nhiều người mong muốn trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, sự thật là bạn sẽ không nổi bật nếu bạn trở về với những tấm hình mà mọi người cũng có. Đây là lúc bạn phô trương cách bạn nhìn thế giới, càng độc đáo càng tốt.
Hàng rào, hô biến!
“Mấy cái hàng rào ‘mắc dịch’ làm hư hình tui.”
Hàng rào!
Có một bí quyết rất đơn giản để làm cái hàng rào “biến mất” mà bạn không cần phải giỏi ảo thuật. Đến thật sớm và chọn một chỗ trên hàng cao nhất của khán đài. Ở vị trí này, bạn sẽ cần ống kính với tầm 600mm hoặc ít nhất 500mm với hy vọng lấy ảnh close-up của những chiếc xe đua.
Một cách thứ nhì, hơi phức tạp hơn, làm sao bạn lần mò đến gần sát hàng rào (quan sát kỹ và chụp cho nhanh rồi quay đi, vì trước sau gì bạn sẽ bị nhân viên canh gác mời đi chỗ khác). Khi đến được kế bên hàng rào, tìm một lỗ hổng trong những dây kẽm và để ống kính của bạn sát lỗ đó. Trong khoảng trống nhỏ nhoi và khoảng thời gian ngắn ngủi đó, cái hàng rào “ác ôn” hầu như vô hình đối với bạn, và bạn sẽ có tấm ảnh chiếc xe F1, rõ, đẹp, chi tiết.
Bố cục
Ở một đại hội lớn như Formula One Grand Prix, bạn sẽ có vô số yếu tố để tạo bố cục hay cho ảnh của bạn.
Thứ nhất, luôn luôn có mặt đường nhựa xám xịt để làm sự tương phản rõ rệt với những chiếc xe đua đầy thương hiệu quảng cáo đủ màu sắc sáng chói. Tùy theo cường độ, chất lượng, và hướng ánh sáng trong thời điểm đó, bạn có thể tạo nên những hình ảnh khá sáng tạo.
Thứ nhì, dùng những đám đông, những kiến trúc đồ sộ, những bảng quảng cáo khổng lồ, làm hậu cảnh. Cuối tuần của mỗi Grand Prix quy tụ vài trăm ngàn fans đến từ khắp nơi. Bạn có thể tận dụng cơ hội để đưa họ vào ảnh của bạn.
Thứ ba, bầu trời bên trên luôn dành cho bạn những ngạc nhiên bất ngờ. Những cụm mây trắng, những tia nắng vàng, những nền trời xanh, và ngay cả sự đe dọa của cơn giông sắp đến, cũng là những yếu tố đáng kể cho bố cục ảnh của bạn.
Nếu mọi chuyện diễn tiến như dự liệu, Andy Nguyễn sẽ có mặt ở Austin, và đem về cho độc giả Trẻ những hình ảnh Formula One độc đáo. Dụng cụ trong chuyến đi này: 3 máy Nikon DSLR, ống kính 600mm f4 supertele, ống kính 70-200mm f2.8 và bộ ba teleconverters (1.4x, 1.7x, và 2.0x), ống kính 10-20mm ultra wide angle zoom, không đem tripod nào, và không dùng đèn flash. Tất cả dụng cụ sẽ được cầm tay, suốt ngày, và suốt cuối tuần.
Nếu có cá nhân hoặc nhóm bạn ảnh muốn cùng đến Austin để dự giải đua US Grand Prix, hãy liên lạc với tôi ASAP (càng sớm càng tốt), và cần có vé sớm (xem www.formula1.com).
Kết quả “thực tập” của NAG Andy Nguyễn với một đối tượng “tầm thường” trên đường phố. Chú ý: điểm chính (theo dụng ý của tác giả) là huy hiệu con ngựa Mustang trước đầu xe, tất cả những phần khác của ảnh đã được cố ý “xóa mờ” bằng cách dùng tốc độ cửa chập và động tác rà theo.
AN – Sept ‘13