Menu Close

Lá thư từ Kinh Xáng – Kỳ 20

Kinh xáng Bốn Tổng ngày 29 tháng 08 năm 2013

Kính thăm anh chị Hai An Phú,

Vợ chồng tôi nhận được thơ anh chị Hai khá lâu nhưng vì sắp nhỏ ở nhà lu bu lo ba vụ lúa Hè Thu rồi kéo theo vụ lúa mùa nước nữa, mà ở đây bây giờ thường tên gọi chung là “vụ ba”, nên mãi tới nay mới rảnh ngồi xuống viết cho anh chị lá thơ này; mong anh chị thông cảm và bỏ lỗi cho em út nhe anh chị Hai.

alt

Anh Hai ơi,

Trong thơ anh gởi, anh có viết:

“Tôi có tật đọc sách rất chậm vì vừa đọc vừa suy nghĩ. Nhờ đã đọc trước một vài bài trong sách Nhớ Về Những Bến Sông đã được đăng trên Trang nhà Thất Sơn Châu Đốc, thời gian đọc rút ngắn được đôi chút.”.

Tôi thấy tôi cũng có tánh giống như anh Hai vậy; nghĩa là đọc sách cũng đọc rất chậm anh Hai à. Vì một phần tuổi tôi nay cũng già quá mạng rồi, phần khác là sách vở đối với mình giống như người lạ vậy; nó ít chịu làm quen với dân ruộng rẫy quê mùa nên gặp mình là nó cứ đi vòng vòng hoài hổng chịu ghé thăm. Thành ra, đó cũng là một trong những điểm yếu của tôi nữa đó anh Hai. Giống như mình ăn cơm bây giờ sao ít có cá tép ngon như hồi xưa, mà trong thơ cho cháu Thái Lý vừa rồi tôi có kể cho cháu Thái Lý biết cá tép dưới tôi bây giờ khan hiếm lắm, nên những bữa ăn hằng ngày ít khi nào mình ăn ngon trọn bữa như hồi đời xưa lúc làm lúa mùa cá tôm ôi thôi làm gì cho hết anh Hai.

Rồi trong thơ, anh Hai lại viết:

“Hình như anh, tôi và nhiều người khác đã gặp nhau nơi Những Bến Sông rồi do cảnh ngộ giống nhau. Chúng ta cùng ở thôn quê, nhà nghèo, ra tỉnh học rất trễ. (…)

Ra tỉnh học mới thấy có rất nhiều người cùng cảnh ngộ như anh và tôi, đi học quá trễ. Phần đông không có giấy khai sanh. Những ai có giấy khai sanh thì tuổi ghi trong khai sanh đã vượt quá tuổi đi học nên phải bỏ khai sanh đi, làm thế vì khai sanh, khai giảm tuổi. (…)

Rồi anh và tôi đều tản cư về quê ngoại cho qua hồi binh lửa. Gia đình anh may mắn hơn, được bên ngoại chia đất để trồng trọt sinh nhai, còn gia đình tôi không đất cắm dùi. Nhưng trời sanh trời nuôi, không trồng trọt được trên bờ thì lo chuyện làm ăn dưới nước, làm cái nghề hạ bạc đó anh Hai. Ngoài ra, hai bà chị của tôi tảo tần mua gánh bán bưng để giúp đỡ gia đình.”

Đúng rồi anh Hai An Phú ơi, hồi đời trước cái học đối với dân quê như tôi và anh Hai là học chơi cho biết chữ thôi anh Hai à; chứ có ai mong học để làm quan làm quyền gì. Tía tôi cứ khuyên dạy các con rán học cho biết chữ để người ta không dám hiếp đáp mình chứ đâu mong gì hơn đâu anh Hai. Dường như các thế hệ ông bà, rồi tới Tía Má tôi chắc hồi đời trước bị mấy người có quyền tước ăn hiếp dữ lắm hay sao mà các bậc thân sinh tôi chỉ dạy con chữ Nho để biết lễ nghĩa và học với các thầy giáo làng chữ Quốc ngữ để người ta không dám ăn hiếp mình. Âu đó chẳng những là niềm kỳ vọng của người xưa đối với con cái mà còn là nhân sinh quan của các bậc sinh thành ra mình muốn mình đứng thẳng giữa đời qua những gì mình học được nơi các bậc ân sư của mình nữa đó anh Hai.
Thưa anh Hai,

Riêng cái vụ anh Hai thích môn toán, thì tôi lại sợ môn này dữ lắm anh Hai ơi. Khổ một điều là hồi đó mình dở Toán, nhưng lại phải học Toán, mà nhất là lên tới bậc Tú Tài lại phải theo học ban B, thành ra mỗi lần tới kỳ thi Tú Tài ở Cần Thơ là tôi ớn còn hơn ăn cơm nếp nhe anh Hai. Do vậy, mà được biết anh mê môn Toán tôi thiệt tình là khẩu phục tâm phục anh Hai hết mình luôn!

Rồi anh Hai lại viết:

“Cũng là dân miền tây mà tôi chỉ biết từng lỏm, từng lỏm của vùng nầy, còn anh thì nơi nào cũng biết và biết rất rành từng nơi, từng chốn, rành cả về kinh tế, đặc sản nông nghiệp, cách trồng trọt từng địa phương. Anh “Nhìn Lại Những Tháng Ngày”, anh nhớ lại lúc còn thơ ấu, thuở thiếu thời, anh cùng gia đình tản cư cho đến khi anh được ra tỉnh học như một học trò khó và qua bao cuộc bể dâu, anh đang sống tha phương. Anh đã có cái nhìn tưởng chừng như bi quan, nhưng rất thực tế…”
Thưa anh Hai,

Anh Hai khen vậy thì tôi rất mừng nhưng thiệt tình là mình cũng chỉ biết qua “từng lỏm, từng lỏm” thôi anh Hai à. Có lẽ anh nghĩ tôi rành “từng nơi, từng chốn”, nếu đúng vậy chắc nhờ hồi xưa mình tản cư đó anh Hai. Tản cư lúc đó tôi còn nhỏ lắm, rồi thấy người ta xuồng ghe dập dìu cũng tản cư như mình, nên tôi mới lên đồng tiếp mấy chị tôi mót lúa, bắt hôi, nhổ bố rừng, kéo rơm khô, rút nhánh tre gai về chụm lửa nấu cơm; mãi đến sau này mình lớn lên, ra đời, rồi tránh đời vô rừng đốn củi, trồng khóm, trồng lúa, rồi về lại làng quê trồng lúa, trồng chuối, trồng sao; vậy mà riết rồi nó nhập vô máu mình hồi nào mình đâu có biết anh Hai. Cho nên nói mình làm ruộng, nói mình dân quê, nói mình nông dân ít người nghĩ mình nói thiệt lắm anh Hai ơi. Thành ra, tôi cứ nghĩ trong cái dời đổi thời có sự biến hóa; trong cái “tha phương” , như chữ anh Hai dùng, thời cái chốn cũ mới gần anh Hai à! Người ta chỉ nhớ cái cũ khi cái cũ hổng còn; cũng như mình nhớ nhà khi mình ở chỗ xa nhà là vậy! Phải hông anh Hai?

Thưa anh Hai,

Anh Hai lại viết:

“Đã lâu lắm rồi tôi mới được đọc một bài văn biền ngẫu, văn xuôi mà là thơ, thơ mà văn xuôi. Đó là bài mà anh đã dùng làm tựa cuốn sách, Nhớ Về Những Bến Sông, nghe lên bổng xuống trầm, vần điệu rất êm tai.”

Thiệt tình ra, dòng đời mỗi anh em mình như một dòng sông vậy anh Hai. Có khúc sông rộng, có khúc sông hẹp, có khúc sông chảy thênh thang, có khúc sông như nước cứ lững thững dường như hết muốn chảy, có khúc sông bên này bồi bên kia lở và lại có khúc sông thẳng, có khúc sông uốn khúc quanh co, thành ra, mình cũng có những đoạn đường gần những đoạn đường xa; rồi cũng có những bến sông mình ghé lại hoặc có những bến sông mình sợ trễ nước nên đành phải tiếp tục lên đường đi tiếp mà không kịp ngừng… Cho nên thú thật với anh Hai là tôi đâu có “bí kíp” gì đâu anh Hai. Nếu có chỉ là có cái lòng thôi anh Hai. Chính cái lòng nó có nên mình mới thương chốn cũ của mình như mỗi lần nhắc tới con sông Bắc Nam, nhắc tới An Phú của anh là dường như cả một trời thương nhớ trong lòng anh Hai tràn về, tràn về để rồi anh Hai kể hoài ngày này qua ngày khác mà không biết chán vậy!  Chẳng hạn như nhìn các miệng vó cất dưới đây trên An Phú của anh Hai chắc anh Hai nhớ quê tới điếng thần hồn chứ hổng phải nhớ để mà nhớ cho có nhớ. Phải vậy hông anh Hai?

Thưa anh Hai,

Đó là nói qua các ý tưởng trong thơ anh Hai gởi; giờ xin nói qua một chút về vụ lúa quê tôi. Mùa này sắp nhỏ làm lúa cũng đỡ nhưng đâu rồi cũng vào đó hết anh Hai ơi! Vì đời bây giờ kỳ cục lắm; sắp nhỏ làm lúa trúng thì có trúng nhưng trong nhà hổng có đứa nào ví bồ chứa lúa như hồi xưa thời anh em mình. Anh Hai nghĩ coi, lúa cắt xong, máy vừa cắt vừa suốt ra lúa hột luôn; không cần phơi cho lúa khô ráo gì hết; hễ cứ suốt được hột nào thì vô bao hột nấy rồi xong xuôi đâu đây là có lái tới mua lúa liền. Thế là sắp nhỏ bán liền, không chần chờ gì hết. Dạo này giá lúa khoảng hơn bốn ngàn đồng một ký, có chỗ bốn ngàn rưỡi một ký nữa và cứ tính ký lấy tiền chứ hổng có đong lúa bằng giạ rồi bỏ thẻ như hồi đời xưa nữa anh Hai ơi!

Tôi cứ nhắc sắp nhỏ hoài, mấy con cứ mê tiền, có lúa là cứ bán lúa tươi, không chịu ví bồ để dành lúa ăn, tới chừng hết tiền thì đi móc bọc chứ có tiền đâu mà ra chợ mua gạo nấu cháo nấu cơm cho sắp nhỏ trong nhà. Thành ra, tôi nhớ lại là hồi xưa mình làm lúa một mùa, ngày tháng kéo dài, nên mình sợ đói, sợ thiếu hụt bất tử nên nhà nào cũng ví bồ lúa cao nghều nghệu; còn đời nay làm lúa một năm ba mùa, mà lúa trong nhà anh đi kiếm giùm tôi nhà nào có bồ lúa chừng vài chục giạ thôi, chứ đừng nói lúa trăm lúa ngàn gì; nếu anh kiếm được một bồ lúa vài chục giạ thôi là tôi chịu cúi xuống cho anh đánh ba roi mây liền hà! Nghĩ đời cũng lạ quá phải hông anh Hai?

Vài hàng hồi âm cùng anh Hai với lời cảm ơn anh Hai đã đọc Nhớ Về Những Bến Sông rồi còn chia sẻ những ghi nhận cùng cảm tưởng nữa; quả anh Hai là đáng bậc đàn anh của em út vậy!

Kính chúc anh chị Hai cùng gia đình các cháu luôn mạnh giỏi, an vui, hạnh phúc.

Kính thư,

Hai Trầu