Emily, con đi cùng cha
Sau khôn lớn, con thuộc đường, khỏi lạc…
– Đi đâu cha?
– Ra bờ sông Pô tô mác.
– Xem gì cha?
– Không con ơi, chỉ có Lầu Ngũ Giác.
Cách đây gần 50 năm, một người đàn ông theo phong trào phản chiến ở Mỹ, đã bế đứa con gái mới một tuổi tên Emily đến bên bờ sông Potomac ở Hoa Thịnh Đốn, gần Ngũ Giác Đài, rồi tự thiêu. Được tin, chưa đầy một tuần sau, báo Nhân Dân tại Hà Nội đã đăng một bài thơ của Tố Hữu ca ngợi cái chết ấy như một hành động anh hùng “cho ngọn lửa chói lòa sự thật”! “Sự thật” này, theo lời của chế độ hồi ấy (và kể cả bây giờ), là Mỹ đem quân cướp nước Việt Nam. Không rõ vụ tự thiêu đó làm chấn động nước Mỹ tới cỡ nào nhưng có một vụ tự sát mới đây ở Việt Nam khiến cả nước bàng hoàng. Một người đàn ông ở Thái Bình đã vào tận văn phòng “thu mua đất” của tỉnh này bắn 5 cán bộ rồi trốn về một ngôi chùa và quyên sinh. Tên ông là Đặng Ngọc Viết, một trong hàng vạn nạn nhân bị “trấn lột” đất đai lâu nay ở các tỉnh thành trên cả nước.

Norman Morrison -nguồn wikipedia.org
Nhiều người thông cảm nhưng không khuyến khích hành động tự sát, và nhất là giết người khác, của ông Viết. Dầu sao, có lẽ ai cũng nghĩ, sau vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, đây là tiếng súng thứ hai nói lên nỗi phẫn uất của các nạn nhân bị tước đoạt ruộng đất. Tuy nhiên, chế độ thấy vậy cũng lo nhưng chưa… lo lắm! Hai tiếng súng ấy dường như chứng tỏ người bắn chưa thấy rõ mục tiêu, chưa xác định đúng thủ phạm. Phải bắn như… luật sư Nguyễn Mạnh Tường cách đây hơn 50 năm thì mới làm họ sợ… phát hoảng. Hồi ấy, có đến hàng ngàn người dân chết oan trong các cuộc Cải cách ruộng đất nhưng chế độ đã “linh động” xoa dịu bằng những biện pháp mị dân như cách chức một vài cá nhân lãnh đạo cao cấp, chính thức nhìn nhận sai lầm của Đảng, phục hồi danh dự của những người bị chết oan. Ngoài ra, lại còn nói thêm (với người dân), Đảng đã mắc sai lầm mà có thể sửa sai được như thế chứng tỏ “Đảng ta” càng vĩ đại! Đặc biệt, cuối cùng, còn đưa “người hùng Điện Biên Phủ” Võ Nguyên Giáp ra thay mặt xin lỗi trước toàn dân. Tưởng vậy là êm, ai dè ngay ngày hôm sau Đảng nghe bài diễn văn “long trời lở đất” của luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại cuộc họp Mặt Trận Tổ Quốc ở Hà Nội. Ông vạch rõ nguyên nhân của hàng ngàn cái chết oan ấy không phải tại cán bộ trong các đội cải cách hay một số lãnh đạo cao cấp, hoặc thậm chí là do sai lầm của Đảng. Căn nguyên là vì chế độ không có một nền tảng… pháp trị! Nhắc tới pháp trị với mấy ông Cộng sản có khác gì biểu mấy cha xã hội đen… khai thuế thu nhập hằng năm! Nếu thật thà khai báo năm rồi tiền lời buôn ma túy được chừng này, tiền thu qua mạng lưới gái gọi được chừng kia, tiền đâm thuê chém mướn được chừng đó… thì sang năm có mà khai thuế trong… nhà đá! Mấy ông Cộng sản cũng vào cái thế hơi… y chang vậy. Lâu nay, sở dĩ chế độ tồn tại được là nhờ cơ chế nửa kín nửa hở, vừa đá bóng vừa thổi còi. Khi xây dựng một nền tảng pháp trị (chứ không chỉ nằm trên bản vẽ) thì mọi thứ phải minh bạch, chịu biện pháp chế tài qua cơ cấu tam quyền phân lập. Nếu bị “phân lập” như thế thì làm sao… Đảng lãnh đạo? Nếu không “được” lãnh đạo thì Đảng chỉ có… chết; theo nghĩa sống đó như chết rồi! Phát súng của luật sư Nguyễn Mạnh Tường trúng ngay tim… đen của Đảng nên từ đó về sau ông và gia đình bị trả thù. Cả nhà ông bị vùi dập xuống tận cùng của nghèo đói. Bản thân ông phải làm nhiều việc lao động chân tay để có thể… sống qua ngày.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường -nguồn viê-studies.info
Ngoài sự thiệt thòi to lớn về vật chất, những nạn nhân trong các vụ “thu mua đất đai” còn chịu những mất mát về tinh thần. Đừng nói là đất đai của chính mình; ngay như ở nhà thuê mà lúc dọn đi nơi khác cũng thấy bùi ngùi! Chỗ này con mình hay bò lúc chưa biết đi; chỗ kia con mình té rất đau khi mới tập chạy… Thật sự, nhất là đối với những người nông dân, ruộng đất như là máu thịt, con cái của họ. Hay nói như nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn!” Báo Nhân Dân chưa bao giờ có một bài thơ hoặc bài báo nói lên nỗi niềm ấy của những người dân trong một sớm một chiều bị tước mất những đứa con vừa tinh thần vừa vật chất của họ.
Emily con ôi!
Trời sắp tối rồi…
Cha không bế con về được nữa!