Menu Close

Chuyện trò với thầy thuốc

Cháu có câu hỏi này nhờ bác sĩ giải thích. Đó là nhiều người lớn tuổi hay thích uống thuốc kiểu dân gian truyền miệng như nhai 49 hạt đậu đen, ngậm dầu mè…

Uống như thế có thực sự chữa được bệnh không? Có gây tác hại gì không? Nếu có hại thì nên làm thế nào để tránh cho người lớn tuổi uống các loại “thuốc” kiểu đó?  Cảm ơn bác sĩ. Cháu Thanh- Houston

Đáp

Chào cháu Thanh. Cổ nhân ta thường nói: “Có bệnh thì vái tứ phương”.

Đây là tâm lý chung cũng như bản năng sinh tồn của mọi người khi chẳng may bị bệnh, nhất là vào thời kỳ cả trăm cả ngàn năm về trước khi mà phương tiện chữa trị còn sơ sài, thiếu kém. Con người phải tự tìm ra cách làm giảm bệnh hoạn qua những thứ sẵn có trong tầm tay như cây cỏ thiên nhiên hoặc cúng bái thần linh, trời đất. Vì với họ, bệnh tật đôi khi là do sức mạnh vô hình gây ra, để trừng phạt, báo thù. May mắn thì các cụ kiếm được món “thuốc” giảm bệnh rồi truyền khẩu cho bà con xóm làng. Một số người áp dụng, thấy tốt rồi nhiều người dùng theo. Sau cùng có khi cả bộ lạc, dân tộc đều dùng. Phương thức trở thành y học dân gian truyền miệng hiện nay vẫn còn được dùng tại hầu hết các quốc gia song hành với nền y khoa học thực nghiệm, hiện đại..

Mặc dù gọi là kinh nghiệm dân gian, không có căn bản khoa học thực nghiệm nhưng một số phương thức này cũng được các vị danh y lý luận giải thích và điều chỉnh theo căn bản y lý Đông phương.

Tuy nhiên, bệnh tật thời nay cũng có phần khác với bệnh tật thuở xa xưa. Nguyên nhân gây bệnh bây giờ nhiều gấp bội trước đây. Tác nhân gây bệnh cũng độc hại vô chừng. Trước đây đâu có những siêu vi HIV-AIDS gây ra cả  hàng triệu tử vong, những SARS, cúm gà cúm heo, những bệnh lở mồm long móng gây hoang mang sợ hãi cho dân chúng khắp nơi trên thế giới. Cũng làm gì có cả ngàn hóa chất gây ung thư phổi được  cho thêm trong thuốc lá, trong nhiều thực phẩm biến chế, cấy ghép, những hậu quả khí thải, chất độc do sự bất cẩn, thủ lợi của công kỹ nghệ.

Ưu tiên áp dụng một cách “vô tư” các phương thức y học dân gian đối với các bệnh hiểm nghèo này, e rằng cũng không thực tế, đôi khi bất lợi.

Trong tầm tay, chúng ta có những phương thức hữu hiệu, đã được khoa học kiểm chứng, xác định. Âu dược đã được đặc biệt sản xuất để nhắm đúng mục tiêu nhất định nên có tính cách chuyên biệt, đặc thù do vậy công hiệu có thể trông thấy sau thời gian ngắn điều trị. Tất nhiên là các phương thức này không 100% toàn hảo. Chúng cũng có phản ứng phụ ngoài ý muốn, hậu quả xấu nhưng thường thì đã được biết trước và có thể giảm thiểu.

Cho nên, với các bệnh hiểm nghèo gây ra do nguyên nhân biết rõ, dùng các trị liệu do kinh nghiệm  như một phụ họa cho phương thức chính có lẽ là thái độ khôn ngoan hơn. Và nếu có dùng thì cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để coi có tương tác giữa hai phương thức, đưa tới hậu quả xấu, để tránh “tiền mất, tật mang”.

Đó là ý kiến của bác. Không biết ý kiến của cháu ra sao. Chúc cháu mạnh khỏe, yêu đời nhé.

 

Tôi muốn làm một tủ thuốc gia đình để khi cần có thể dùng. Bác sĩ cho biết nên có những thứ gì. Nguyễn Tú- OKC

Đáp

Chào bạn Tú, Ý kiến của bạn rất hay và các nhà chuyên môn y khoa cũng đồng ý là mỗi gia đình nên có một tủ thuốc cấp cứu sơ khởi để dùng khi cần. Sau đây là mấy ý kiến xây dựng.

– Tủ thuốc cần được cất giữ nơi khô ráo, thoáng khí, nhiệt độ trung bình.

Cũng cần để xa tầm với của trẻ em.

– Nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về cách dùng các loại thuốc và dụng cụ trong tủ thuốc.

*Thuốc.

– Thuốc Paracetamol, ibuprofen để giảm đau, nóng sốt. Nhớ đừng cho trẻ em dưới 12 tuổi dùng aspirin mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.

– Benadryl cho dị ứng

– Thuốc cảm lạnh, ho, nghẹt mũi, chống dị ứng mua tự do OTC tại dược phòng.

– Kem thuốc kháng sinh để bôi các vết trầy đứt trên da

– Ống thuốc calamine bôi da chống dị ứng, viêm da.

– Thuốc nhỏ mắt chống dị ứng mắt như visine

*Dụng cụ

– Cồn để lau vết thương trên da, khử trùng nhíp, kéo

– Một lọ hydrogen peroxide để rửa vết thương ngoài da.

– Kem chống nắng

– Kem mềm da baby lotion

-Thuốc đuổi côn trùng, muỗi

– Một chiếc kéo nhỏ và sắc

– Băng keo kích thước, hình dáng khác nhau để che các vết thương nhỏ

– Cuộn băng keo để băng vết thương lớn

– Túi chườm nước đá và nước nóng

– Cuộn hoặc miếng gạc 2×2 hoặc 2×4

– Bông gòn

– Tăm bông gòn ngoáy tai

– Xà bông nước loại nhẹ để rửa vết thương

– Cây đè lưỡi Tongue depressor để khám họng

– Một đèn pin nhỏ để khám tai mũi họng

– Ống nhỏ giọt để đếm giọt thuốc nước, muỗng làm riêng để uống thuốc nước

– Petroleum jelly để bôi trơn ống đo nhiệt độ, giảm nứt khô môi, da; bôi dưới mũi em bé để tránh loét da khi sổ mũi nhiều.

– Ống đo nhiệt độ số digital để lấy thân nhiệt ở nách hoặc miệng.

– Một cái nhíp để lấy gai, dằm gỗ trên da.

– Ống hút chất nhờn ở mũi

– Sách hướng dẫn cấp cứu của Hội Hồng Thập Tự.

 

Bác sĩ Ý Đức ơi, Bác sĩ của tôi khuyên là nên uống rượu một cách vừa phải. Vừa phải là thế nào? Nửa chai vang hay một tá bia lon? Bác sĩ giải thích thêm cho tôi nhé. Cảm ơn bác sĩ. Tạ Lưu Linh- Virginia

Đáp

Chào bạn Lưu Linh, đây là câu hỏi khá lý thú vì nó liên quan tới một loại thức uống vẫn còn nhiều tranh luận về sự tốt xấu cũng như sự uống nhiều ít của rượu. Tôi sẽ viết một bài chi tiết về vấn đề này. Bây giờ xin góp ý tóm tắt như sau.

Các nhà dinh dưỡng cũng như môn y học đều đồng ý với nhau là rượu các loại nếu uống nhiều đều đưa tới rủi ro cho sức khỏe như tổn thương cho não bộ, gan, bệnh tim mạch, bệnh đau bao tử, ghiền, rối loạn hành vi, vài loại ung thư… thậm chí tử vong. Mà rượu lại rất hấp dẫn với con người. Nó đã được coi như một loại “ma”, ma men, quyến rũ con người. Do đó giới y khoa đều nhắc nhở là nếu vì lý do nào đó mà không cầm lòng trước ly rượu thơm phức thì hãy dằn lòng uống vừa phải thôi.

Theo hướng dẫn của y giới Hoa Kỳ, vừa phải là như thế này:

Nam giới một ngày không nên uống quá 2 drinks mà nữ giới không quá 1 drink.

Một drink là bao nhiêu?

Một drink là:

Rượu bia: 12 oz hoặc 355 mL

Wine: 5 Oz hoặc 148 ml.

Rượu mạnh 80 độ> 1.5 oz hoặc 44mL.

Ngoài ra họ cũng nhắc nhở rằng:

-Rượu không có công dụng gì cho cơ thể, cho nên chẳng cần uống rượu làm chi.

-Đừng coi uống rượu là để giải tỏa cơn khát nước.

 

-Nếu uống cho vui bạn vui bè thì uống khi nào trong người khỏe mạnh.

-Đừng uống một mình, rồi tỳ tỳ uống tiếp.

-Đừng uống rượu trước buổi trưa.

-Uống nhâm nhi từ từ để thưởng thức hương vị của rượu.

-Nếu cảm thấy muốn uống ly thứ hai thì đợi 10 phút rồi hãy quyết định.

-Nhẹ nhàng từ chối nếu được mời “làm ly nữa đi bạn”.

Vừa phải về rượu  thì trong Tân Ước cũng nhắc nhở: “Nếu con uống rượu điều độ thì rượu sẽ làm con sống vui tươi hơn; trái lại nếu uống quá độ thì tâm hồn trở nên cay đắng, thân xác hung hãn”.