Menu Close

Đóa hoa vô thường (Kỳ 62)

Trong tuần qua, tòa soạn Trẻ đã nhận được từ một độc giả GNA câu hỏi về một đề tài nhiếp ảnh:

“Xin cho Cindy hỏi về chụp ảnh, muốn chụp ảnh về hoa thật rõ nét phải sử dụng loại máy nào tốt nhất và cách sử dụng. Thanks, Cindy đang dùng máy ảnh Olympus AF Zoom T1-21.3mm 1:1.8-2.6”

Câu hỏi tuy rất thông thường nhưng để trả lời cũng hết cả một bài viết GNA.

Dựa theo những thông tin cung cấp bởi người hỏi, chúng ta được biết cô Cindy đang dùng một máy ảnh loại bỏ túi (point-and-shoot camera). Do đó, nội dung của bài viết kỳ này sẽ tập trung vào những ứng dụng của loại máy ảnh bỏ túi.

Sau đây là một số bí quyết giúp bạn chụp ảnh hoa trong thiên nhiên.

 

 

alt

 

Có cả triệu đóa hoa, biết chọn cái nào? (Thung lũng Poppy, California.)

 

1. Để máy qua “Macro mode”

Hầu hết những máy ảnh bỏ túi đều có một “mode” đặc biệt gọi là Macro để cho phép máy ảnh chụp được ở khoảng cách rất gần. Điều này giúp bạn “làm đầy khung” với những hoa nhỏ, và tạo được hậu cảnh mờ hơn.

 

2. Tăng tối đa độ zoom của ống kính (Chỉ áp dụng với optical zoom.)

Một cách khác bạn có thể làm hậu cảnh mờ hơn là tăng tối đa độ zoom của ống kính. Ví dụ, nếu ống kính có thể zoom tới 7x thì bạn cứ bấm nút tới độ 7x, rồi ngưng. Nếu đi xa hơn, loại digital zoom của những máy ảnh bỏ túi chỉ là một sự “đoán mò” trong thế giới số, và rất có thể làm giảm phẩm chất của ảnh.

 

 

alt

 

Hai học trò đang thực tập cách dùng hậu cảnh giả.

 

3. Tắt đèn Flash

Nếu bạn đứng trong bóng mát, máy ảnh của bạn có thể sẽ tự động bật đèn flash lên. Nhưng, đèn flash có thể làm hỏng ảnh hoa dại bằng cách phát ra ánh sáng nhân tạo kỳ cục và những cái bóng gắt.

 

4. Dùng độ nhạy ISO thấp nhất

Khác với những máy DSLR, máy ảnh bỏ túi thường thường có tầm làm việc rất tệ ở những ISO cao, vậy để tránh ảnh bị hột (quá nhiều), bạn nên chụp ở độ nhạy ISO thấp nhất của máy bạn (thường là ISO 100).

 

 

5. Đợi đến một ngày có mây hoặc lúc chuyển mưa

Tình trạng trời u ám sẽ giúp tạo nên hoàn cảnh ánh sáng parfait để chụp ảnh hoa dại. Những đám mây có tác dụng “lọc” sáng và làm ánh sáng đều trên đóa hoa.

 

 

alt

 

Muốn có hình đẹp phải chịu khó, chịu đau, và chịu dơ.

 

6. Chế một “dù ánh sáng” nếu bạn đợi không được

Nếu bạn không thể đợi đến một ngày có mây, hoặc trời ít  mây trong khu vực bạn ở, bạn có thể tự chế một dù sáng nhân tạo. Đến lúc kẹt thế, bạn có thể dùng một áo sơ mi trắng mỏng để che nắng cho đóa hoa.

 

7. Tìm một đối tượng thích hợp

Tìm một hoa với hậu cảnh thật xa và tương phản với màu của hoa đó.

Hậu cảnh có một vai trò quan trọng trong việc chụp chân dung hoa: nó giúp gây chú ý và dẫn tia mắt người xem đến chủ đề chính – đóa hoa. Hậu cảnh càng xa thì càng tốt (5 feet hoặc xa hơn). Với sự giới hạn của máy ảnh bỏ túi, điều này rất quan trọng để làm phần hậu cảnh mờ hẳn đi, và làm hoa của bạn “nổi” bật.

 

 

alt

 

Một cụm lan dại qua cái nhìn của Andy Nguyễn và “ống kính” điện thoại di động; muốn chụp hình hoa rõ không cần phải có máy mắc tiền.

 

8. Chụp nhiều hơn một tấm (ít nhất 3 hoặc 5)

Để tăng cơ hội lấy được một hình rõ, bạn nên nhớ chụp hơn một tấm hình. Ngay cả một ngày đẹp trời, hoa dại vẫn có lúc lắc lư và không chịu đứng yên. Chụp thêm đôi ba tấm sẽ nắm chắc cơ hội bạn đã lấy được ảnh khi hoa không lung lay.

 

 

alt

 

Lẻ loi và cô độc – cành lan dại được thực hiện qua khía cạnh khác

 

9. Tìm một đóa hoa “vô thường”

Bạn chỉ cần đi rảo một vòng, nhìn ở đủ góc cạnh, và tìm một đóa hoa hoàn hảo – không bị gãy cánh, không bị rách, không bị héo, không bị sâu ăn, và tròn trịa, đều đặn. Có những đóa hoa với màu sắc sặc sỡ hơn những hoa cùng loại, và cái đẹp đó có khi rất ngắn ngủi, vô thường, đó là cái bạn muốn tìm để chụp.

Nếu sau khi đã áp dụng những bước này mà bạn vẫn chưa thỏa mãn với phẩm chất ảnh hoa của bạn, vậy có thể đã đến lúc bạn phải “tậu” vào một máy DSLR rồi

 

 

alt

 

Một đóa hoa rất “vô thường” mặc dù chỉ là một đóa hồng đứng giữa công viên. Hậu cảnh xanh mịn là bãi cỏ phía xa được chọn kỹ lưỡng bởi Andy Nguyễn.

 

AN – Sept ‘13