Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Kỳ 24
Cuối cùng tôi rời khỏi nước Ý trễ thêm ba ngày ham vui ở Sicily theo lời mời của Emilia. Những người bạn Ý để lại trong tôi những ấn tượng đẹp với hơn ngàn tấm ảnh gần như trọn vẹn nước Ý. Elimia và Gassica đưa tôi ra ga Florence đi Vienna đáp chuyến tàu Railjet với giá phải chăng chưa đầy trăm euro cho cuộc hành trình dài hơn tám tiếng. “Đến xứ sở của âm nhạc, bạn không cần đi hop on hop off (xe buýt tour đi quanh thành phố) vì các điểm đi thăm gần nhau đi bộ cũng tới. Xe buýt, tàu điện rẻ tiền rất thuận tiện. Chỉ cần mua vé Vienna card hai ngày giá gần 12 euro, bạn có thể thoải mái lên xuống bao nhiêu bến ga tàu. Phương tiện di chuyển công cộng ở Vienna là số một ở Châu Âu đấy, lại còn được giảm giá cho các điểm tới thăm”.
Cách thức mua vé xe buýt trọn gói hai người bạn Ý đã chỉ cho tôi sử dụng ở Rome nên khá rành rẽ. Tiếc là tôi mới dùng có một ngày vì Ý có quá nhiều điều phải xem. Muốn du lịch tiết kiệm tiền, trước khi đến thành phố nào bạn cần tham khảo nghiên cứu lộ trình và chọn phương tiện giao thông sao cho tiện rẻ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bạn chủ động được thời gian đi tới đi lui giữa các địa điểm mình muốn đến, không bị bó buộc theo tour và tránh những nơi không muốn ghé và những chi phí phát sinh không cần thiết.
Vienna không chộn rộn như Paris, không ồn ào như ở Barcelona hay lộng lẫy đền đài ở Rome. Vienna dịu dàng đằm thắm như một cô gái quý tộc sang trọng với những giai điệu lãng mạn qua từng tiếng nhạc piano gieo khắp thành phố. Nói theo tinh thần ăn uống: Baggette Pháp, rượu chè Tây Ban Nha, Ý ngọt ngào kem lạnh, nước Áo có cà phê và âm nhạc. Chính những quán cà phê ở Vienna từ hàng trăm năm tạo ra thương hiệu “Wiener Kaffeehaus”. Người Áo nói rằng, thành Vienna không có Wiener Kaffeehaus cũng giống như nhà hát mà không có nhạc. Tôi đồng ý. Ngồi cà phê Châu Âu mà thiếu âm nhạc thì đi cà phê Mỹ hay hơn.
Nói đến cà phê thì nhiều nơi người ta vẫn tự hào với loại thức uống có khả năng đánh thức các giác quan hấp dẫn này. Ở Seattle thủ phủ cà phê Starbucks, người ta không ngại xếp hàng rồng rắn ngoài trời để mua được ly cà phê kiểu Mỹ. Tôi đã thấy fan cà phê cuồng nhiệt thế nào. Thế mà ở Seoul quán cà phê salon sang trọng dày đặc đến nỗi tôi phải dùng số thống kê của Phòng Thương mại chứng minh con số trên mười ngàn tiệm. Nếu không kể bình dân lớn nhỏ, máy lạnh, hẻm hóc cà phê quán cóc, có lẽ Sài Gòn vô địch thiên hạ về khoảng thứ nước đen ngòm, cho dù cà phê thứ thiệt hay bắp rang hóa chất. Ai ai cũng vỗ ngực cà phê xứ mình. Nước Áo cũng không ngoại lệ, xứng danh với cả chiều dài lịch sử cà phê. Nhưng nước Áo, cà phê phải đi liền với âm nhạc. Âm nhạc giao hưởng cổ điển là món ăn tinh thần không thể thiếu mọi lúc mọi nơi, từ ga tàu điện cho đến khách sạn mini nơi tôi trú ngụ ngay trung tâm bên cạnh dòng sông Danube.
Tôi thay đôi giày Nike bụi bặm bằng đôi giày da đế xẹp mà Gassica hào phóng tặng làm quà kỷ niệm Florence. Diện thêm chiếc áo đầm, tôi ra dáng một cô tiểu thư đài các hơn dân du lịch bình dân. Tung tăng ra phố, tôi lên tới đỉnh tháp Danube chót vót trời mây bằng chiếc thang máy vút nhanh khiến trái tim loạn nhịp. Du khách tới đây vừa nghe nhạc vừa uống cà phê ngắm cảnh, nhìn xuống dòng Danube như một dải lụa xanh vắt qua thành phố. Vienna xoay tròn điệu waltz chầm chậm dưới chân mình đẹp đến lạ lùng với từng cánh rừng khoác hờ lên mình chiếc áo màu Thu đang tới. Giai điệu nhẹ nhàng “On The Beautiful Blue Danube” của tiếng violin quãng cao cất khúc dạo đầu thật du dương và sâu lắng, chỉ thiếu chàng hoàng tử lịch lãm chìa tay mời tôi ra sàn nhảy. Mới đến Vienna một buổi mà tâm hồn tôi đã bị thần Apollo (vị thần ngự trị ánh sáng tri thức, thi ca, âm nhạc theo truyền thuyết Hy Lạp) mê hoặc rồi. Lại còn mơ tưởng chàng hoàng tử dìu đi trong điệu waltz quay cuồng “một dòng sông xanh, một dòng tràn mông mênh…”. Tôi nổi hứng ngân nga lời nhạc mượt mà sóng nước của ông Phạm Duy khiến anh thanh niên phục vụ tròn xoe đôi mắt. Anh ta đặt tách cà phê xuống bàn rồi xoay gót giày uyển chuyển theo nhịp waltz lả lướt.
Tôi hỏi, tại sao người Áo mê âm nhạc thính phòng đến vậy bằng vốn tiếng Đức sủa như cún con. Vậy mà anh ta cũng hiểu tôi muốn nói gì. Anh chàng đáp lại một tràng làm tôi lùng bùng lỗ tai, ngoại trừ những cái tên nổi tiếng Mozart, Haydn, Beethoven, Schubert,… và cả Wiener Philharmoniker. “Không. Wiener Philharmoniker là tên dàn nhạc cổ điển do các nhạc sĩ danh tiếng biểu diễn tại nhà hát Vienna Opera”. Câu trả lời làm tôi đỏ mặt vì sự dốt đặc cán “cuốc” của mình về cái ông nhạc sĩ do tôi phán tặng. Sực nhớ Vienna Opera lúc nãy tôi lội bộ đến đây đã có ghé qua, thế mà quên khuấy đi mất. Dàn nhạc này mỗi năm đều có chương trình hòa nhạc chào mừng năm mới phát đi nhiều nước trên thế giới với các chủ đề tưởng nhớ những bậc tiền bối âm nhạc nổi tiếng. Lần hòa nhạc truyền thống đầu tiên, được thực hiện hồi năm 1939 vinh danh gia đình nhà soạn nhạc người Áo, Johann Strauss II với “On The Beautiful Blue Danube” bất hủ trong dòng chảy điệu waltz cổ điển đến tận bây giờ.
“Một dòng nồng ý biếc, một dòng sầu mấy kiếp”.Giả sử trong đầu tôi chưa từng nghe giọng ca Thái Thanh hiển hiện từng dòng ca từ tràn đầy ý biếc thì tôi chẳng thể nào cảm thụ hết được dòng nhạc giao hưởng với một dàn hợp tấu các loại nhạc cụ gieo suối nước vào tai. Âm nhạc có thể khiến cho người nghe cảm thấy dễ chịu và âm nhạc cũng có thể làm người nghe cảm thấy mệt mỏi, rã rời. Chính cái tiết tấu sâu lắng tác động mạnh mẽ đến cảm xúc, tình cảm làm tâm trạng tôi hưng phấn. Bởi từng giai điệu đã nói lên được ngôn ngữ nội tại của nó. Lại còn kết hợp từng ca từ càng làm tăng lên độ sâu của sự biểu đạt ngôn ngữ âm nhạc cùng lúc biểu hiện cảm xúc thoát ra từ người nghe.
Nhưng Vienna đâu chỉ có âm nhạc tỏa khắp thành phố mà còn nhiều thứ khác thuộc hàng bí mật không ồn ào nhưng nổi cộm với những vụ thanh trừng bí ẩn giữa hang ổ điệp viên toàn thế giới. Những câu chuyện ngoài lề bộ môn “Chính trị xã hội Châu Âu” hồi còn đi học nghe qua rồi bỏ lại có thể công bố qua bài báo “Vienna thủ đô điệp viên thế giới” của tờ Vienna Review gấp gọn gàng trên giá trong quán cà phê. Con số hàng ngàn điệp viên không thấy của gần trăm quốc gia hoạt động ở Vienna cũng chỉ để tô vẽ thêm bàn tay vô hình của những vụ ám sát các nhân vật quan trọng của hai khối Tây và Đông Âu từ Thế chiến thứ hai, chiến tranh lạnh và sự sụp đổ chính trị ở phía Đông. Vienna hay Áo nói chung, đất nước xinh đẹp của núi rừng, hoa cỏ và là chiếc nôi âm nhạc của những nhạc sĩ xuất chúng tài danh lại quá thuận lợi về mặt địa chính trị. Một vùng đệm an toàn giữa bảy quốc gia Châu Âu mà trong đó sáu nước đều có chính biến qua các thời kỳ. Ngày nay, Vienna vẫn là hang ổ thu hút gián điệp quốc tế vì Vienna có nhiều bản doanh tổ chức quan trọng của Châu Âu và Liên Hiệp Quốc. CIA thường đến quán cà phê Schwarzenburg nơi quen thuộc của điệp viên Nga. Điệp báo Trung Quốc khoái mò đến quán ăn nghe lén. Thế nhưng chẳng nghe nói anh chàng 007 nào lãng mạn leo lên Tháp Danube uống cà phê nghe nhạc giao hưởng thính phòng.
Tôi ngồi nhấm nháp cà phê nghe nhạc cho thư giãn cái đầu đến tận hoàng hôn khi muôn ngàn ánh đèn lung linh trang điểm thành phố bật sáng. Vienna thật rực rỡ như dát lên mình vô vàn viên pha lê lấp lánh màu hổ phách. Anh chàng phục vụ có đôi chân không chút nào yên, chốc chốc lại điệu đàng xoay gót về phía tôi ca tụng Vienna qua sự hiểu biết của mình. Phải thôi. Anh ta là người Áo, không tự hào về Áo mới là điều lạ. “Vienna có hơn ba trăm nhà hát và phòng hòa nhạc. Nếu cô không ngại, tôi mời cô đi nghe nhạc thính phòng tại Nhà hát Vienna vào tối mai. Đấy, khối nhà sáng ánh đèn vàng ở đằng dưới kia ấy. Nhà hát Vienna có hơn hai trăm năm tuổi, nơi Beethoven từng có thời gian sống và chơi nhạc trong đó”. Ôi thôi, chỉ tiếc cái anh chàng dễ thương lãng mạn nghệ sĩ mở lời muộn màng dù có ý đồ tốt hay xấu so với chương trình du lịch chạy như đánh giặc của tôi thì không phải lúc. Ngày mai vào giờ này, tôi sẽ phải có mặt tại thành phố Salzburg miền Nam nước Áo.
Tôi chọn Salzburg làm điểm chuyển tiếp sang Đức có lý do của nó. Các bạn người Đức hồi sang Mỹ học trung học lớp tôi đều sống ở Munich và Berlin. Từ Salzburg đến Munich đi bằng DB Rail giá vé 30 euro rất tiện. Hơn nữa thành phố này có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng và là nơi sinh thời của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart. Người ta nói người có tài thường có tật. Ông ham mê những trò tiêu khiển mụ mị bi da cá độ, cờ bạc để cuối cùng nhắm mắt trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Cho đến nay, cái chết của ông được người ta vẽ ra cả trăm giả thuyết, có cả bị tình địch đánh ghen bỏ mạng trên giường nhưng cuối cùng người ta biết ra do bệnh ăn phải giun sán thịt heo, cũng là chuyện đời thường cuộc sống. Vấn đề lớn nhân cách của ông là để lại cho kho tàng âm nhạc thế giới trên sáu trăm tác phẩm các thể loại từ hành khúc đến nhạc giao hưởng một thời nổi tiếng.
Salzburg, thành phố không đúng như tên gọi nổi tiếng về muối. Tôi không thấy “muối” mà gặp toàn chất ngọt ngào từ các cửa tiệm chocolate và các giai điệu âm nhạc bay bổng như rót mật vào tai. Giống như Vienna, những âm thanh trong trẻo và mạnh mẽ của tiếng đàn dây, tiếng sáo, tiếng kèn, tiếng trống réo rắt khắp nơi ở Salzburg. Thành phố Muối chỉ còn là hoài niệm với các bảo tàng mỏ khai thác muối qua nhiều trăm năm trước, trước khi cuộc cách mạng công nghiệp thay đổi cuộc sống của cư dân thành phố này. Salzburg nhỏ bé như thế, nhưng cuộc sống văn hóa tinh thần rất cao, xứng tầm với những tiết tấu hội hè miên man của hàng trăm phòng hòa nhạc không kém thủ đô Vienna hoa lệ.
Pháo đài Hohensalzburg cổ kính gần ngàn năm trước do các giám mục xây dựng qua nhiều thời kỳ còn nguyên vẹn nhất ở Trung Âu. Từ trên pháo đài, ta có thể dõi tầm mắt qua những nóc nhà xám xịt thấp cao của ngôi làng Mauterndorf như một khung nhạc mở ra thời trung cổ nằm gọn dưới chân dãy Alps hùng vĩ. Salzburg trải rộng như một khán phòng vĩ đại với những lâu đài tráng lệ ôm theo con sông Salzach xuyên qua thành phố. Tiếng hòa âm giao hưởng khúc nhạc quân hành không biết tên gì trỗi dậy hào hùng. Của Mozart? Chắc là vậy. Ngay cả các loại kẹo chocolate, những chai rượu thủy tinh hình chiếc đàn vilolin dễ thương, cho đến phi trường ở Salzburg đều lấy tên của ông để tôn vinh bậc thầy khai sinh ra dòng nhạc giao hưởng cổ điển làm nổi danh Áo quốc.
NL