Menu Close

Kỷ niệm chuyến đi Phần Lan

Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu được tổ chức hàng năm và thay đổi mỗi năm tại một quốc gia khác nhau. Người đề xướng ra Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu, bắt đầu từ năm 1984, là Hòa thượng Thích Minh Tâm Trụ trì chùa Khánh Anh (Pháp quốc) cũng là Chủ Tịch Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu/Liên Châu Hoa Kỳ, Canada, Úc châu hơn bốn mươi năm nay. Những khóa tu học này có số học viên cao nhất trên một ngàn tại Áo quốc, thứ nhì ở Ý hơn chín trăm, và Phần Lan năm nay, xấp xỉ gần 900 vị tham gia đến từ 18 quốc gia. Bích Xuân được theo chân phái đoàn từ Paris qua Phần Lan, nơi khóa học được tổ chức.

alt

Quang cảnh khai giảng Khóa  Tu Học Phật Pháp Châu Âu

Người Việt tại Pháp, ngoài Phật tử, đạo hữu, rất nhiều người cảm mến Hòa thượng Thích Minh Tâm (trong đó có người viết này). Thầy là bậc chân tu nhân đức. Người gầy nhỏ, bình dị hiền hòa. Nhìn bề ngoài gầy yếu nhưng bên trong là một sức mạnh tinh thần tiềm ẩn. Các Hòa thượng trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại đều ngợi khen, tôn kính Thầy.

Tôi được hai cái may mà người Phật giáo thường nói là «duyên»; thứ nhất, bài bút ký của tôi về Đức Đạt Lai Lạt Ma thăm chùa Khánh Anh ở Evry, được đăng trong báo Khánh Anh. Thứ nhì, Thầy biết tôi qua những phóng sự video Phật Đản…

 Nghe tôi có ý đi Phần Lan, một anh Phật tử tên Nguyễn Khắc Trung thưa lại với Thầy. Khi tôi đến chùa Thầy nói vào văn phòng ghi tên để đi «làm việc».

alt

Hòa Thượng Thích Minh Tâm trên chuyến bay

Trong khóa học kỳ 25 này, có gần 900 học viên. Riêng tại Pháp có 141 học viên tham gia, chia thành ba nhóm để đi Phần Lan. Nhóm thứ ba, có 37 người, đi sau cùng. Sáu giờ sáng tất cả có mặt tại chùa Khánh Anh, xe của các đạo hữu chia nhau chở học viên ra phi trường. Tôi có mặt trong nhóm 37 người, trong đó có thầy Minh Tâm, Hòa thượng Thái Siêu, và hai vị Thượng Tọa. Trong số 37 người này, trừ thầy Minh Tâm, chưa ai đến Phần Lan bao giờ. Khi đến phi trường Helsinki đổi máy bay đi Turku, hành khách phải đi bằng xe bus của phi trường đưa đến.

Hai chuyến bay từ Paris đến Helsinki, Turku tôi luôn luôn ngồi hàng ghế sau Thầy, thì ra có người đã sắp đặt sẵn, để tôi làm công việc của một người phóng viên như quay phim, chụp hình có Thầy. Không ngờ cuộc sắp xếp này như là một định mệnh biệt ly được báo trước, bởi căn bệnh âm ỉ từ lâu của Thầy! Thầy đã thật sự bỏ phật tử, tăng ni ra đi sau khi khóa học 10 ngày vừa chấm dứt tại Phần Lan, một quốc gia đất rộng người thưa, chỉ có năm triệu dân và vài trăm người Việt tại Turku.

alt

Ăn trưa

alt

 Hòa Thượng Thái Siêu (California)

Những hình ảnh cuối cùng nói chuyện vui cười với Hòa thượng Thái Siêu, ở phi trường Helsinki là hình ảnh vui tươi, hạnh phúc đẹp nhất trong chuyến phóng sự về khoá học Âu Châu kỳ thứ 25, lần đầu tiên và cũng là lần cuối của tôi.

Trong suốt khóa học mười ngày, thầy chỉ hiện diện 4 lần, buổi lễ Khai mạc, Bế mạc, Hiệp Kỵ Tổ Sư 50 năm Bồ Tát Quảng Đức và Chư Thánh Tử Đạo, và trong một lớp học giáo lý theo thời khóa biểu. Hôm ấy, Thầy chỉ trả lời câu hỏi học viên, không giảng bài vì Thầy mệt. Thầy vào lại nhà thương lần thứ hai.

Nhóm 37 người trở về Pháp thiếu bóng Thầy, đám khóa sinh lòng trĩu nặng, lúc đi háo hức bao nhiêu, ngày về ảm đạm như mây che lối, như đêm tối không sao.

alt

Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa (Chùa Từ Đàm Dallas)

Về lại Pháp được một ngày thì hay tin Thầy mất tại nhà thương Turku Phần Lan ngày 8-8-2013, lúc 9 giờ 20 phút.

Vài nét về Khoá Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 25 tại Phần Lan.

Thầy Thích Hạnh Bảo (Phần Lan) là Trưởng ban Tổ chức khóa học. Có nhiều học viên tham dự liên tục nhiều khóa, có  một người đi suốt 20 khóa, bây giờ lớn tuổi ngồi xe lăn vẫn đi. Chung phòng với tôi gồm 13 người. 13 cái giường xếp, có mền, gối. Mấy chị từng đi những chuyến trước nói lần này có giường nằm, mấy lần trước nằm giường bằng xi măng (nằm đất). Thời khóa biểu ngày nào như ngày nấy, sáng 5 giờ có Thầy lắc chuông thức giấc, để 6 giờ thiền đến 7 giờ, sau đó là tụng niệm. Mỗi ngày có ba lần học giáo lý sáng, trưa, tối, chưa kể có ngày tụng niệm đi quanh suốt, ai mệt thì nghỉ. Ăn uống đã có ban tổ chức lo đầy đủ thức ăn chay.

alt

Tôi không phải là phật tử, cũng không phải là đạo hữu, hay học viên. Lần đầu tiên dự khóa học để làm phóng sự video, nên việc gì cũng mới mẻ. Trong lúc học viên sau buổi ăn trưa, ngủ nghỉ một giấc, còn tôi đi loanh quanh tìm hiểu cho đề tài thêm phong phú. Tôi tò mò trong sự say mê quên cả mệt nhọc để có những đoạn phim mới lạ, luôn luôn thay đổi để người xem không bị nhàm chán. Tôi xuống nhà bếp, được biết thức ăn do một nhà hàng cúng dường cho suốt khóa học, chở tới ba lần trong tuần. Còn ly uống nước (loại ly trong) do một doanh nhân tại Turku tặng mấy chục ngàn cái. Tiếp tục lang thang trong hành lang trường đại học là nơi mượn mở lớp tu học này. Đến một góc, thấy nhiều học viên nữ ghi tên để cắt tóc. Từ khi nghe Ban Tổ Chức tuyên bố khóa học thâm thủng 33 ngàn euros, học viên vận động nhiều cách để bù đắp vào con số thâm hụt đó. Chị Trần Thị Nhật Hưng lập tức «mở tiệm» hớt tóc «dã chiến», học viên tùy hỉ «cúng dường» 5, 10 đồng. Có nhóm khác khoe đã quyên góp 1200 euros. Thầy Minh Tâm nói số thâm hụt để Giáo Hội bù đắp.

Tôi vào phòng học của Oanh Vũ. Các Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử thay phiên nhau giữ và hướng dẫn trò chơi cho các em. Cha mẹ đưa các em tới phòng mỗi ngày lúc 7 giờ sáng, 5 giờ chiều đến đón về. Các Huynh Trưởng giảng dạy tiếng Việt, các em hiểu và nói tiếng Việt rành rọt như các trẻ ở VN. Phục quá! Xin gởi lời khen ngợi và cúi đầu chào các gia đình Việt Nam tại Phần Lan.

Những từ dùng trong khóa tu học, nghe lạ: Thức Chúng (sinh hoạt cá nhân) Chấp Tác (dọn dẹp) Tảo Thực (ăn sáng) Quá Đường (ăn cơm trưa) Vãn Phạm (ăn cơm chiều) Công Phu Khuya (thiền sáng). Giáo lý mỗi ngày 3 lần, 4 lớp: Lớp 1 Oanh Vũ, 2, 3, và 4 (lớp 4 dành riêng các Tăng, Ni) Có tất cả 15 Thầy giảng dạy. Mỗi sáng, mỗi chiều tôi xách máy đến lớp học để thâu hình các Thầy, trừ lớp 4 của Tăng, Ni (chỉ quay được một lần).

alt

Trong 10 ngày, tôi không thấy ai ở chung phòng bỏ buổi tụng niệm hay lớp giáo lý nào. Vài chị sau khi ăn trưa xong về phòng lăn ra ngủ, khi nghe tiếng lắc chuông báo động đến giờ học (2 giờ chiều) là các chị bật dậy khoác áo tràng đi ngay. Tôi tự nghĩ học giáo lý khô khan có gì mà thích? Tôi vào lớp giáo lý thâu hình các Hòa thượng giảng dạy, lúc đó tôi mới hiểu tại sao các chị không «cúp cua». Lối giảng dạy của các thầy đưa đời vào đạo, và tùy câu chuyện các thầy ứng biến, làm cho lớp học giòn tan tiếng cười liên tục. Cá nhân tôi cũng rất thích những buổi học như thế này.

Chuyện các Thầy giảng dạy bây giờ không còn như xưa, vấn đề nào không rõ ràng là học viên mở Internet kiểm chứng. Còn về giờ thiền mỗi buổi sáng và tụng niệm mỗi ngày, học viên cũng không vắng mặt buổi nào.

Về chuyện làm bếp, làm vệ sinh, rửa chén, dọn dẹp trong khóa học tất cả học viên đều tình nguyện. Mấy ngày liên tiếp tôi thấy một chị lau dọn phòng vệ sinh, hỏi sao không đổi người, chị nói mục này ít ai ghi tên nên chị phải làm. Vài ngày sau, tôi thấy hai người đàn ông thay thế chị đến lau dọn phòng vệ sinh ở khu này.

Một phụ nữ hiền đằm thắm có mái tóc chấm vai đen mướt, khoảng 20 tuổi, ngày nào cô cũng ở dưới bếp, cô nói làm tôi ngạc nhiên cô 28 tuổi rồi, đã có chồng, 2 con, cư ngụ tại Anh quốc, khóa học này là chuyến thứ năm, lần này cô đi một mình. Cô chỉ có mặt trên chánh điện ngày khai giảng, rồi ở dưới bếp cho đến cuối khóa học, vì không ai thay thế. Tôi ngạc nhiên, đến đây không học, lo phụ bếp? Cô cười nói không sao, làm công quả cũng là tu học. Tôi không hiểu. Thắc mắc này tôi hỏi vị Hòa Thượng. Vị Thầy này ví von để tôi dễ hiểu, chuyện cúng dường bất kỳ điều gì cho Phật Pháp đều có công đức.

alt

 Với số học viên gần 900, sáng trưa chiều tối, cộng thêm hai buổi ăn lót lòng, rửa chén mệt nghỉ. Nhưng không! Các anh chị vừa rửa chén, tiếu lâm liên tục rồi cùng ha hả cười, thoáng cái hết sạch đống chén dĩa. Bên Mỹ tiệc tùng dùng chén dĩa giấy thật tiện lợi hơn nhiều.

Giờ nghỉ ngơi, học viên đều tụ họp tại phòng rộng lớn để cà phê, bánh ngọt; thời gian mười ngày đủ để biết mặt nhau, mến nhau. Lúc chia tay, hẹn gặp lại năm sau, trong khóa học kế tiếp.

Quý Thầy nòng cốt trong khóa học.

– Hòa Thượng Thích Minh Tâm. Thầy sang du học tại Nhật  từ 1968 đến 1973, sau đó Thầy được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cử Thầy sang Pháp thay thế cho Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh và chưa bao giờ trở lại Việt Nam sau 45 năm xa quê hương.  Thầy thành lập Niệm Phật Đường Khánh Anh và tờ báo Khánh Anh từ năm 1974 tại Arcceuil Paris, Pháp quốc. Năm 1979 chùa Khánh Anh dời về Bagneux. Năm 1995, xây cất chùa Khánh Anh mới tại vùng Evry. Thầy đã nhận phần thưởng Danh dự cao quý nhất của Quốc gia Tích Lan gởi đến, là người đã có công mang ánh sáng Phật Pháp đến cho người Âu Mỹ.

alt

– Thầy Thắng Hoan (Mỹ Châu) 86 tuổi, chuyên gia về Duy thức học – Thầy Như Điển (Đức quốc). có 60 tác phẩm sáng tác và dịch thuật từ tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nhật -Thầy Thái Siêu (Mỹ Châu) – Thầy Quảng Ba (Úc Châu) – Thầy Nguyên Siêu (Mỹ Châu) – Thầy Tâm Huệ (Đan Mạch)

 Và rất nhiều Sư Thầy trẻ tuổi giảng dạy trong khóa tu học, mỗi Thầy có lối giảng giải riêng như: TT Quảng Hiền, Pháp Quang, Thông Trí, Giác Thanh, Đồng Văn, Hoằng Khai,Thiện Thuận, Hạnh Bảo, Nguyên Lộc, Đại Đức Minh Đăng…

Sau khóa học Âu Châu kỳ 25, đau thương lớn là sự ra đi của Hòa Thượng Thích Minh Tâm. Tôi đã gặp lại các phật tử trong khóa học ở  Phần Lan sang Pháp để tiễn đưa thầy, tôi mệt ứ hơi trong những ngày lễ tại chùa và một đêm không ngủ để thâu hình.

Không dưới 3,000 người  đến trong tang lễ của Thầy để chia sẻ những mất mát to lớn của GHPGVNTN Âu Châu. (video tang lễ Thầy Thích Minh Tâm tại http://bichxuanparis.online.fr)

alt

BX – Paris 9-9-2013