Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Cầu Charles 600 năm tuổi, người Praha gọi là cầu tình yêu.
Kỳ 26
Khi nghe tôi nói chuyến đi kế tiếp của tôi là đến Cộng hòa Czech, vợ chồng người bạn học ở Munich thốt lên: “Sao không ghé qua Thụy Sĩ mà lại đánh một vòng xa hơn trở về Pháp. Czech không phải là nơi có cái nhìn thiện cảm của người Tiệp dành cho người gốc Châu Á”. Nói thẳng, người Việt nghe cụ thể hơn. Bởi người gốc Châu Á sống ở Czech toàn là người Việt. Có đến trên sáu chục ngàn người Việt tập trung sống ở Praha. So với dân tộc thiểu số sống tại Czech thì người Việt xếp hàng thứ ba sau hai nhóm dân tộc của Liên Xô cũ. Có thể cảm thông được lời nói thẳng thắn bạn bè dành cho tôi, không muốn người ta quơ đũa cả nắm.
Tôi chọn điểm đến không phải vì sự thuận tiện xa gần. Tôi nghĩ Thụy Sĩ hay những nước Bắc Âu đều có cuộc sống như nhau, không có gì mới lạ cho việc vừa đi du lịch vừa tìm hiểu cuộc sống con người và đất nước. Ngoài Đông Đức, những thay đổi kinh tế chính trị các nước Đông Âu trong hệ thống Xã hội Chủ nghĩa chỉ có Czech tương đối tốt hơn mặc dù nước này gia nhập Liên minh Châu Âu chưa đầy một thập niên. Từ Munich bắt xe buýt qua Praha tốn hơn ba mươi euro, chừng năm tiếng đồng hồ sau là biết thêm một quốc gia mới. Ở chơi hai ngày rồi từ đó bay về Paris tiết kiệm tiền và thời gian cho hành trình xuyên Đức bằng tàu điện cao tốc.
Praha giống như câu chuyện cổ tích ngàn năm trước được xây dựng từ sau giấc mơ của nàng công chúa Libuse xứ sở Bohemia về một thành phố lộng lẫy bên bờ sông Vltava. Những ngôi tháp nhọn cổ kính lưng lửng giữa trời hiện ra trước mắt khiến tôi tưởng mình đi lạc vào xứ sở của những phù thủy cỡi chổi bay khắp các chóp lâu đài. Người ta gọi Praha là thành phố của trăm hình chóp quả đúng với phong cách Gothic tiêu biểu xây dựng nên thành phố dưới triều Hoàng đế Charles IV. Ngày nay, Praha có vẻ bề ngoài hào nhoáng với những kiến trúc cận hiện đại và hiện đại trong nhịp sống sôi động. Cùng với sự hội tụ đa dạng kiến trúc Roman, Phục Hưng, Baroque, Tân nghệ thuật hay Lập thể, những bậc thầy chuyền tay nhau vẽ và hoàn thiện một bức tranh nghệ thuật kiến trúc Praha suốt chiều dài lịch sử.
Thật may, trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới, Tiệp Khắc trước kia (bao gồm Czech và Slovakia tách ra trong cuộc chia ly hòa bình năm 1989) đều thoát khỏi sự tàn phá của bom đạn. Thành phố Praha còn gần như nguyên vẹn, trừ một trái pháo do quân đội Đức bắn vào Tòa thị chính hồi Chiến tranh Thế giới Thứ hai làm cháy các tượng Thánh bằng gỗ trang trí trên chiếc đồng hồ thiên văn Orloj. Phải mất ba năm chiếc đồng hồ Orloj – niềm tự hào của người dân Czech mới phục dựng lại và hoạt động cho đến nay. Du khách đến Praha trước tiên là đến đây, trái tim quảng trường trung tâm phố cổ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Chiếc đồng hồ thiên văn Orloj độc nhất vô nhị có màn hoạt cảnh điểm giờ khiến du khách thích thú.
Tôi đứng chờ trước tháp đồng hồ để tận mắt xem hoạt cảnh điểm giờ có một không hai trên thế giới. Đám đông reo lên, nhìn chiếc đồng hồ khi cây kim giờ nhích tới chỉ đúng số 12. Bộ xương Thần chết kéo dây chuông trong khi tượng hình người Thổ ôm khư khư túi tiền trên tay lúc lắc cái đầu từ chối. Tôi phá lên cười như ngồi trước tivi coi màn hài kịch “chết đến nơi rồi mà còn giữ của”. Tiếng trầm trồ của du khách ồ lên vừa lúc hai cánh cửa bên trên bật mở, lần lượt các tượng Thánh xuất hiện. Thánh Pierre ôm chìa khóa thiên đàng to tướng, Thánh Mathew cầm cây búa giống ông Thiên Lôi. Mười hai vị Thánh lần lượt lướt ngang qua hai ô cửa. Khi vừa chấm dứt xong hoạt cảnh rước lễ, chú gà đồng đứng trong ô cửa bên trên vỗ cánh gáy báo hiệu thời gian đã điểm. Đám đông tản ra với vẻ mặt hả hê vừa được xem một vở kịch hay. Một tiếng sau vở kịch sẽ trình diễn lại. Cứ thế, trên quảng trường phố cổ người ta lui tới nhộn nhịp ngày đêm.
Phố cổ Praha.
Còn vài tiếng nữa tôi mới có thể nhận phòng trọ motel. Cõng chiếc ba lô, lang thang qua phố, đi trên cây cầu đá Charles nổi tiếng có hơn sáu trăm năm tuổi và mất gần năm mươi năm xây dựng. Cây cầu cổ kính thật đẹp, trang trí trên thành cầu mỗi nhịp là một tượng Thánh theo nghệ thuật Baroque đứng đối xứng nhau. Tổng cộng có ba mươi bức tượng. Người dân nơi đây gọi là “Cầu Tình yêu”. Hôm đi chơi Paris, Thu Minh dẫn tôi đến cầu Nghệ thuật (Pont des Arts). Người Paris cũng gọi là “Cầu Tình yêu” chỉ vì lý do các cặp tình nhân đến cài khóa trên lưới mắt cáo thành cầu và ném chìa xuống sông thề thốt tình yêu chung thủy. Thú thật, tôi không biết hàng ngàn ổ khóa rỉ sét phơi mình dưới nắng mưa thể hiện nghệ thuật gì để khiến người ta tâng bốc lên hàng nghệ thuật và càng không biết có bao nhiêu ổ khóa uyên ương giữ được mối tình chung thủy hay phải phân chia tài sản ra đi. Riêng cầu Charles, tôi thấy thật đúng nghĩa chiếc cầu là nơi hò hẹn lãng mạn. Các cặp tình nhân tự nhiên đứng dựa thành cầu trao nhau nụ hôn nồng cháy mà chẳng cần biết chung quanh mình có bao con mắt vô tình nhìn thấy.
Ấy thế khi tôi ghé vào một tiệm cà phê ngoài trời ngồi gần nửa tiếng đồng hồ chẳng thấy ma nào ra phục vụ. Người ta cố tình không thấy hay cố ý trêu chọc tính kiên nhẫn của tôi cho đến khi “nắm áo” được người chạy bàn tôi phản ứng bằng thứ tiếng Đức nghe hằn học và dữ dằn. Không hiểu ư? Thế thì tiếng Anh nhé. Cũng không hiểu nốt. Cuối cùng tôi nổ một hồi tiếng Việt khiến cô chạy bàn chạy tuốt vào trong tưởng con nhỏ khùng nào đến quậy. Anh chàng quản lý mang vẻ mặt ngượng ngùng bước ra phân trần. Hình như họ phân biệt được tôi là khách du lịch ba lô chứ không phải người nhập cư bán thuốc lá dạo vác ba lô long rong ngoài phố. Một tách cà phê và cái bánh ngọt miễn phí thay cho lời xin lỗi. Nhưng tôi bỏ lại trên bàn số tiền vừa đúng cho những thứ mình mua.
Mấy năm trước có dịp ở chơi Berlin một tháng, tôi từng gặp nhiều người Việt bán thuốc lá dạo quanh các bến xe. Nghe bạn bè nói đa số họ di dân lậu đến từ Czech, Hungary. Thu nhập bình quân ở Praha cao không thua Anh hoặc Đức tức gấp đôi thu nhập bình quân tính chung cả nước. Nói chung, tình hình phát triển kinh tế của Czech không đồng đều giữa các vùng. Nhờ Praha mỗi năm thu hút hàng chục triệu khách du lịch nước ngoài nên có cuộc sống thoải mái và vì thế hầu hết dân nhập cư đều tụ về Praha sinh sống. Tuy thế, đối với dân nhập cư sau này gần như khó có thể hòa nhập vào cuộc sống văn hóa cũng như kinh tế. Công ăn việc làm không dễ kiếm, thậm chí sinh viên người nhập cư ra trường muốn có được một cuộc phỏng vấn xin việc thật trần ai khoai củ.
Rõ ràng đó là điều khác biệt lạ lùng ở Czech so với những nước láng giềng như Đức hoặc Pháp. Một khi người nhập cư không có cơ hội tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, không được xã hội đón nhận, họ buộc phải tìm cách di dân lần thứ hai, lần thứ ba bằng mọi hình thức và điều này làm xáo trộn cuộc sống an ninh nước sở tại nơi họ tìm đến. Mặt khác, thế hệ cha mẹ nhập cư khó khăn hòa nhập xã hội vì rào cản ngôn ngữ và trình độ học vấn nên đặt hết kỳ vọng vào thế hệ con cái một cách áp đặt theo mong muốn của mình. Khổ một điều trong xã hội còn có quá nhiều phân biệt, thế hệ con cái bị ép giữa hai luồng áp lực cuộc sống đối nghịch của sự chối bỏ xã hội và niềm mong muốn thích nghi của người nhập cư trong xã hội. Nó chẳng khác nào cơ thể con người đang lành mạnh bất đắc dĩ phải cấy ghép thêm tế bào mới nên tự thân không thích ứng và muốn đào thải. Bởi tính chất đặc thù kinh tế chính trị xã hội của Czech khác nước Mỹ hay các nước khác có chế độ nhập cư.
“Tôi có hai đứa con. Một đứa lấy chồng sang Đức. Còn thằng con trai cứ mơ tưởng ngày nào đó sẽ rời bỏ cha mẹ tìm cách đến Mỹ hay Úc. Nó học rất tốt và mong muốn kiếm được học bổng để có cơ hội thay đổi cuộc đời”. Bà bác người Việt phục vụ phòng nán lại tâm sự khi chợt nhận ra tôi là người đồng hương vừa đến nhận phòng. Bà nói rằng tôi được hạnh phúc. Sống ở nước ngoài muốn đi đâu thì đi. Còn hai vợ chồng bà ở xứ này hơn hai chục năm rồi mà chưa vào được quốc tịch. Có muốn đi đó đi đây thăm thú mấy nước Châu Âu còn khó nói gì mơ mộng du lịch đến Mỹ.
Vợ chồng bà như hàng chục ngàn người khác đi Tiệp lao động hợp tác rồi ở lại xin tỵ nạn sau khi cuộc cách mạng hòa bình diễn ra. Con cái sinh ra trên đất Czech đương nhiên mang quốc tịch nhưng cha mẹ đến bây giờ vẫn chưa được vào quốc tịch vì quy chế nhập tịch rất khó khăn dành cho dân nhập cư. Hai vợ chồng làm đủ mọi việc dành dụm được số vốn ra chợ Sapa thuê gian hàng bán buôn quần áo nhập từ Việt Nam sang. “Ngày trước dễ buôn bán, mấy năm sau này mọi chuyện làm ăn trở nên khó khăn hơn, nên ngày càng ế ẩm. Đã vậy, hàng hóa Trung Quốc tràn sang giá rẻ, không thể cạnh tranh, nên tôi xin vào motel làm công việc dọn phòng. Hàng họ để mình ông nhà trông coi buôn bán”.
Chợ Sapa? Cái tên nghe rất quen nhưng tôi không biết chợ ở chỗ nào. Cứ gọi taxi thì đến cần chi biết chợ nằm ở góc nào trong thành phố. “Người Việt mình buôn bán ở chợ đông lắm. Nếu ngày mai cô muốn đi Sapa chơi cho biết để tối nay tôi về nói ông nhà sáng mai cho cô quá giang xe đến đó. Đằng nào ổng cũng chở tôi đi làm sẵn tiện đón cô ra chợ luôn. Quán ăn Việt ở chợ bán đủ thứ, cô tha hồ thưởng thức. Đi chợ Sapa cho biết. Lúc nào muốn về ghé qua nói ông nhà tôi hỏi xem có xe hàng về thành phố cho đi nhờ. Còn không cô muốn đi taxi cứ ra trước cửa chợ đón”.
Tôi trở vào phòng nghỉ ngơi sau một ngày rong chơi mệt mỏi. Chợt thấy trên bàn có tờ quảng cáo tour tham quan thành phố đặc biệt giá rẻ có hướng dẫn viên là những người homeless. Cách thức này lạ và có lẽ hấp dẫn dưới cái nhìn của người vô gia cư về những dinh thự lâu đài, đường phố trong mắt họ ra sao. Tôi muốn tìm thấy Praha ở một góc độ khác. Hình thức du lịch kiểu này xem ra khá lý thú.
Vậy là ngày mai, nửa ngày lang thang chợ Sapa và nửa ngày lang thang với người homeless.
NL