Thương lữ đại đạo, con đường tơ lụa, thường gọi là ti lộ hay ti trù chi lộ, nó còn có tên trong nhiều ngôn ngữ khác như Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức quốc. Con đường tơ lụa, là một trong những con đường thương mại lớn nhất thế giới thời cổ đại. Ở đây, phương tiện giao thông chính yếu là lạc đà di chuyển trên một vùng gió cát mênh mông. Con đường này từng được coi là cây cầu nối giữa hai nền văn minh Đông Tây. Con đường, đúng hơn là một hệ thống đường và các trạm trung chuyển, kéo dài vạn dặm từ Trường An xưa qua Cam Túc, Tân Cương đến Tây Á và Châu Âu…
Đêm nay, một đêm của Mùa Thu. Bầu trời Garland, Texas, vẫn bập bùng ánh chớp và vang rền tiếng sấm qua đồng cỏ. Mưa. Có lúc thật đều thật nhẹ trên mái ngói, có lúc ầm ầm như thiên binh vạn mã kéo qua. Có tin canh chừng tornado (Tornado Watch). Ngồi thức dưới ánh đèn cùng hơi mưa bên ngoài khung cửa sổ, Tim tôi mơ màng nghĩ đến những con đường của giông tố qua từng thời đại, những con đường lớn làm nên lịch sử.
Trở lại với Thương Lữ Đại Đạo, con đường tơ lụa. Lịch sử của nó có từ rất lâu. Theo những tài liệu còn lưu lại, Trương Khiên (Zhang Qian) là người đầu tiên đặt những viên gạch xây nên nền móng của con đường thương mại này. Vào thời nhà Hán (206 Trước Công Nguyên- 220 Sau Công Nguyên), ông được trao nhiệm vụ mang những văn kiện ngoại giao từ Trung Quốc đi về phía Tây… Chính chuyến Tây du này đã hình thành một con đường thương mại phồn thịnh bậc nhất thời bấy giờ.
Hình thành từ thế kỷ II TCN nhưng lúc đầu con đường này được thành lập với ý định quân sự nhiều hơn mục tiêu thương mại. Muốn tìm được những đồng minh nhằm khống chế bộ lạc Hung Nô (Xiongnu), năm 138 TCN, vua Hán Vũ Đế (Han Wudi) đã cử Trương Khiên đi về phía Tây với chiếu chỉ ngoại giao trong tay, nhưng không may Trương Khiên đã bị chính bộ lạc Hung Nô bắt và giam giữ. Sau 10 năm bị bắt giữ, Trương Khiên trốn khỏi ngục và vẫn tiếp tục nhiệm vụ, ông đi về Trung Á, Tây Vực. Thế nhưng các thủ lãnh ở địa phương không ai chịu giúp nhà Hán cả. Năm 126 TCN, Trương Khiên quy hồi cố hương. Tuy thất bại nhưng với những kiến thức và thông tin thu được, Trương Khiên đã viết sách đề cập đến những vùng đất ông đã đặt chân tới, vị trí địa lý, phong tục tập quán, sản vật, hàng hóa và đặc biệt là tiềm năng giao thương. Cuốn sách của ông, có tên là Triều dã kim tài, đã kích thích mạnh các thương gia Trung Hoa. Sau đó con đường tơ lụa dần được hình thành, người Trung Hoa mang vải lụa, gấm vóc, sa, nhiễu… đến Ba Tư và La Mã đồng thời những doanh nhân các vùng khác cũng tìm đường đến với Trung Hoa.
Được biết, con đường tơ lụa bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận Châu Âu. Con đường cũng đi đến cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Nó có chiều dài của đường gió bay, khoảng 7 ngàn km
Sách ghi: Ở thời kỳ đầu, những bậc đế vương và những nhà quý tộc của La Mã thích lụa Trung Hoa đến mức họ cho cân lụa lên và đổi chỗ lụa đó bằng vàng với cân nặng tương đương. Chuyện cũng nói rằng Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra lúc đó chỉ diện váy lụa Trung Quốc mà thôi. Chính trị thời đó cũng có ảnh hưởng lớn đến con đường tơ lụa. Khi nhà Hán suy vong vào thế kỷ III, con đường tơ lụa cũng bị đình lại. Chỉ khi nhà Tống hưng thịnh, nó mới phát triển trở lại. Cũng vào thời Tống, do thấy được giá trị của con đường giao thương Đông – Tây này, các vị hoàng đế đã ban hành hàng loạt những chiếu chỉ nhằm khuyến khích thương mại và cũng từ đó, những nhà truyền giáo bắt đầu tìm đến với phương Đông. Con đường tơ lụa dưới triều Tống đã trở thành một nét son trong lịch sử thương mại thế giới. Tuy nhiên, đến thời nhà Minh, nó đã bị vương triều này khống chế và bắt mọi người phải nộp thuế rất cao khiến cho các thương gia phải tìm cách vận chuyển bằng đường biển. Từ đó mở ra con đường tơ lụa trên biển và con đường tơ lụa trên bộ dần dần biến mất. Hồi chuông cáo chung của nó vang lên cũng là lúc người Ba Tư dần học được cách làm tơ lụa của người Trung Hoa và việc chuyển tơ lụa từ đó giảm hẳn.
Tháng năm lớp lớp trôi qua… Trong những chuyến khảo cổ sau này, người ta đã tìm ra khoảng 50,000 cổ vật nằm rải rác trên con đường tơ lụa. Chúng là những hiện vật vô giá về lịch sử thương mại thời xưa. Con đường tơ lụa với những chuyến hàng đầy ắp đã trở thành dĩ vãng, những dấu chân lạc đà giờ đã bị cát bụi sa mạc xóa nhòa nhưng cái tên Con Đường Tơ Lụa sẽ còn mãi trong lịch sử.
Ghi theo nhà văn Nguyễn Duyên và xin một phút trầm tư:
… Buổi sáng ở Tây An. Mười giờ. Trời lạnh. Thành phố vẫn còn đậm sương…
Nép mình bên con đường mang tên Đại Khánh, có một công viên nhỏ, buồn và vắng. “Nhân vật chính” của công viên là một dãy tượng dài nằm dọc, cả thảy có bảy người đàn ông, mười hai con lạc đà, ba con chó và một con ngựa. Tất cả đang đi, mắt nhìn về hướng trước mặt -tức hướng tây. Đây được xem như là một “trích đoạn” bằng đá có chiều dài trên dưới 40m, cao hơn 3m của hành trình “thương lữ đại đạo” mà ta quen gọi là con đường tơ lụa nổi tiếng khi xưa. Ngước lên và hỏi: Đá tạc màu gì? Màu của đất đá cao nguyên Hoàng thổ và phù sa Hoàng Hà? Hay là màu của máu đỏ trộn với đất nâu và cát vàng? Hay là màu của đói khát, của bão cát sa mạc, của sức chịu đựng ngàn ngày và những cuộc chiến chống quân Hung Nô và bọn cướp bóc trên hành trình mở đường? Hay là ý chí của con người đã tạc nên sắc màu của cuộc đi trên con đường vạn dặm?
… Có một cái tên thể hiện sắc màu ấy: Trương Khiên! Như đã nói ở trên, không có ông, không có con đường tơ lụa phồn vinh như chúng ta từng biết: tiếng chuông lạc đà khua vang trên sa mạc, hàng dãy lụa trắng chuyển đến An Tây. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, chuyến đi Tây vực lần thứ nhất (từ 139 trước CN) của Trương Khiên kéo dài… mười ba năm! Trong đó, ông hai lần bị Hung Nô bắt giữ, bị giam lỏng, bị ép cưới vợ để giữ chân, nhưng hai lần ông đều trốn thoát sau một thời gian dài chịu đựng. Ngày ra đi, đoàn quân của ông gần một trăm người. Ngày trở về Trường An, chỉ vỏn vẹn hai người: Trương Khiên và một tùy tùng! Chuyến đi gian khổ ấy đã đưa Trương Khiên đến tận các vùng đất Uzabekistan, Afghanistan ngày nay…
Ghi theo nhà báo Xuân Bình: Không còn đoàn lạc đà lặng lẽ vượt núi tuyết chuyên chở những tơ lụa, gấm the, nhiễu đoạn, những món hàng từng làm mê đắm Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra, quốc vương Ba Tư, các nhà quý tộc La Mã, Hy Lạp, những người từng gọi Trung Hoa là Quốc tơ hay Seres, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là tơ tằm… Chỉ còn lại những chùa, tháp, thành quách, đền đài, cung điện, phố cổ, mộ phần… vương đọng lác đác giống như những mốc cột, điểm đếm lại từng chặng đường lịch sử dài hun hút trong thời gian.
viết thương lữ đại đạo
tôi thấy mình là cánh chim
bay trên bầu trời gió cát
của sa mạc
thời chưa có những ngọn đèn đường
người và lạc đà lầm lũi đi
chợt thấy
bóng trương khiên
cao lớn. râu dài
dẫn đầu một đoàn người. và đi
đi
trong cơn bão lúc hình thành lịch sử
giao thương. và giao lưu văn hóa
đông và tây
một chân trời
cũng thấy đường tăng. cùng mấy tên đệ tử
vượt cái sống. và cái chết
đường tăng
chân mang giày cỏ
lưng gùi sách kinh
đầu gắn ngọn đèn soi đường
soi tới hai ngàn năm sau
thời gian. thời gian
tôi là cánh chim bay mãi
qua đền chùa
tượng người và đá
thành quách. mộ bia
ngựa và chó. và lạc đà
ôi tôi thấy
hoa cúc vàng nở dưới chân ngọn tháp
thời gian
TN – Tổng hợp